1

Các loại thảo dược, thực phẩm chức năng và vitamin có lợi cho người bị viêm khớp dạng thấp

Một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp.
Các loại thảo dược, thực phẩm chức năng và vitamin có lợi cho người bị viêm khớp dạng thấp Các loại thảo dược, thực phẩm chức năng và vitamin có lợi cho người bị viêm khớp dạng thấp

Lưu ý, các loại thực phẩm chức năng, thảo dược và vitamin được nêu trong bài viết này đều không thể thay thế cho các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp. Luôn phải tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi thử bất kỳ loại thảo dược, thực phẩm chức năng hay vitamin nào. Một số sản phẩm có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc tương tác với các loại thuốc mà bạn đang dùng và dẫn đến vấn đề không mong muốn. Ngoài ra, cần mua thực phẩm chức năng, thảo dược và vitamin có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất lượng và tính an toàn.

 

Những loại thảo dược và thực phẩm chức năng hiệu quả nhất

 

1. Dầu lưu ly

Tác dụng: Dầu lưu ly được chiết xuất từ hạt của cây lưu ly (borage, tên khoa học Borago officinalis). Loại dầu này có chứa axit gramma-linolenic (GLA). GLA là một loại axit béo omega-6 có đặc tính giảm viêm và nhờ đó có lợi cho người bị viêm khớp dạng thấp.

Hiệu quả: Một số nghiên cứu cho thấy dầu chiết xuất từ hạt cây lưu ly có thể giúp cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu vào năm 2001 cho thấy dầu lưu ly làm giảm mức độ hoạt động của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Một nghiên cứu từ năm 1993 thực hiện trên 37 người bị viêm khớp dạng thấp cho thấy rằng sử dụng dầu lưu ly có chứa 1,4 gram GLA giúp làm giảm 36%mức độ đau khớp và số lượng khớp bị đau và giảm 28% số lượng khớp bị sưng.

Trong một thử nghiệm lâm sàng vào năm 2014, dầu lưu ly có chứa 1,8 gram GLA giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Một số người dùng dầu lưu ly còn có thể giảm liều dùng các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.

Liều dùng: Dầu lưu ly được sản xuất dưới dạng viên nang, có thể giúp giảm đau và viêm khớp. Tổ chức Viêm khớp (The Arthritis Foundation) khuyến nghị dùng 1.300 mg dầu lưu ly mỗi ngày.

Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ thường gặp của dầu lưu ly gồm có tiêu chảy, ợ chua, đầy hơi và buồn nôn.

2. Ớt cayenne

Tác dụng: Ớt cayenne từ lâu đã được sử dụng làm phương thuốc hỗ trợ tiêu hóa. Ngày nay, ớt cayenne được sử dụng rộng rãi để giảm đau. Ớt cayenne chứa hoạt chất capsaicin có tác dụng ngăn chặn các tế bào thần kinh truyền đi tín hiệu gây ra cảm giác đau đớn.

Hiệu quả: Ớt cayenne là một trong những loại thảo dược có tác dụng giảm đau nổi tiếng nhất. Hoạt chất capsaicin được sử dụng trong nhiều loại thuốc bôi giảm đau tại chỗ. Một nghiên cứu cho thấy, capsaicin nồng độ cao (8%) có thể giúp kiểm soát cơn đau một cách hiệu quả. Nhiều loại thuốc bôi giảm đau chỉ chứa nồng độ capsaicin từ 0,025% đến 0,1% nhưng cũng vẫn có hiệu quả giảm đau.

Liều dùng: Tổ chức Viêm khớp khuyến nghị sử dụng thuốc bôi chứa capsaicin 3 lần một ngày.

Hoạt chất này sẽ bắt đầu phát huy tác dụng ngay lập tức nhưng có thể phải sau vài tuần mới có hiệu quả tối đa. Ăn ớt cayenne cũng có thể giúp giảm viêm.

3. Cây vuốt mèo

Tác dụng: Cây vuốt mèo (tên khoa học là Uncaria tomentosa) là một loài cây leo có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu đặc tính chống viêm của cây vuốt mèo cũng như hiệu quả của loài cây này trong việc giảm đau khớp, sưng tấy và cứng khớp vào buổi sáng.

Hiệu quả: Trong một nghiên cứu đánh giá hiệu quả của cây vuốt mèo đối với bệnh viêm khớp dạng thấp, 53% số người tham gia dùng thực phẩm chức năng chứa chiết xuất loài cây này cho biết tình trạng đau khớp đã thuyên giảm. Tỷ lệ này ở nhóm dùng giả dược là 24%.

Tuy nhiên, những người trong nhóm uống thực phẩm chức năng cây vuốt mèo còn dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp. Do đó, không rõ hiệu quả có được là nhờ cây vuốt mèo hay nhờ thuốc. Vẫn cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận lợi ích của cây vuốt mèo đối với bệnh viêm khớp dạng thấp.

Liều dùng: Tổ chức Viêm khớp khuyến nghị nên dùng 250 đến 350 mg viên nang cây vuốt mèo mỗi ngày để hỗ trợ miễn dịch.

Tác dụng phụ: Cây vuốt mèo có rất ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số người gặp vấn đề về tiêu hóa khi sử dụng loại thảo dược này. Các tác dụng phụ khác còn có:

  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn

4. Hoa anh thảo

Tác dụng: Hoa anh thảo (evening primrose, tên khoa học là Onagraceae) là một loài hoa dại mọc nhiều ở các vùng ôn đới, được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề khác nhau, từ viêm khớp cho đến rối loạn kinh nguyệt. Hoa anh thảo có chứa 7 đến 10 loại GLA, cũng chính là loại axit béo có trong dầu lưu ly. Nhờ đó nên loại hoa này có đặc tính chống viêm.

Hiệu quả: Dầu hoa anh thảo rất giàu GLA, một loại axit béo có tác dụng giảm viêm. Tuy nhiên, các nghiên cứu về lợi ích của hoa anh thảo đối với bệnh viêm khớp dạng thấp đều chưa đưa ra kết luận cụ thể. Mỗi nghiên cứu lại cho kết quả khác nhau.

Liều dùng: Bạn có thể uống 540 mg dầu hoa anh thảo mỗi ngày.

Có thể phải mất 6 tháng để dầu hoa anh thảo cho hiệu quả rõ rệt.

Tác dụng phụ: Dầu hoa anh thảo có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy và phát ban. Những người bị bệnh động kinh không nên sử dụng dầu hoa anh thảo.

5. Dầu cá

Tác dụng: Axit béo omega-3, thành phần chính trong dầu cá, là một loại chất béo tốt rất cần thiết cho cơ thể. Axit béo omega-3 có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm mạn tính và giảm triệu chứng đau khớp. Các loại cá chứa nhiều axit béo omega-3 gồm có cá trích, cá thu, cá hồi và cá ngừ.

Hiệu quả: Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy dùng dầu cá giúp làm tăng khả năng thuyên giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Axit béo omega-3 còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn cá thì sẽ rất khó cung cấp đủ dầu cá cho cơ thể mà phải dùng thêm viên uống dầu cá.

Ít nhất một nghiên cứu đã cho thấy rằng uống dầu cá có thể làm giảm tình trạng cứng khớp vào buổi sáng và giảm số lượng khớp bị đau. Một số người dùng dầu cá đã ít phải dùng thuốc chống viêm hơn.

Liều dùng: Tổ chức Viêm khớp khuyến nghị nên uống dầu cá hai lần mỗi ngày, mỗi lần 2,6 gram. Tuy nhiên, dùng quá 3 gram dầu cá mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên ăn khoảng 170 gram cá mỗi tuần.

Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu thì cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng dầu cá. Phụ nữ đang mang thai nên tránh các loại cá chứa nhiều thủy ngân.

6. Củ nghệ

Tác dụng: Củ nghệ là phần thân rễ của cây nghệ, đã được sử dụng làm thuốc từ hàng nghìn năm trước và đến nay vẫn là một loại thảo dược được sử dụng rộng rãi. Hoạt chất trong củ nghệ là curcumin. Hợp chất này đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, có thể giúp giảm sưng và đau do bệnh viêm khớp dạng thấp.

Hiệu quả: Theo phân tích của 8 nghiên cứu lâm sàng, dùng 500 mg nghệ x 2 lần mỗi ngày giúp giảm đau khớp và cứng khớp ở những người bị thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.

Liều dùng: Bạn có thể thêm nghệ vào các món ăn, uống tinh bột nghệ hoặc dùng thực phẩm chức năng chứa hoạt chất curcumin. Liều dùng trong các nghiên cứu là 500 mg x 02 lần mỗi ngày. Curcumin nói chung là an toàn và độc tính thấp.

7. Gừng

Tác dụng: Gừng không chỉ là một loại gia vị mà còn được dùng để chữa nhiều chứng bệnh, từ cảm lạnh, vấn đề về tiêu hóa cho đến đau nửa đầu và tăng huyết áp. Gừng được phát hiện là có tác dụng chống viêm tương đương ibuprofen (một loại thuốc chống viêm phổ biến).

Hiệu quả: Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để đánh giá hiệu quả của củ gừng đối với bệnh viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy gừng có thể giúp cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và ngoài ra còn có tác dụng ngăn tổn thương khớp.

Liều dùng: Bạn có thể dùng gừng tươi để nấu ăn, pha trà, dùng trà gừng túi lọc hoặc thực phẩm chức năng chứa tinh chất gừng.

Những người đang dùng thuốc chống đông máu hoặc bị sỏi mật không nên tiêu thụ nhiều gừng.

8. Trà xanh

Tác dụng: Không chỉ là một loại đồ uống thơm ngon, trà xanh còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Trà xanh giúp lợi tiểu, cải thiện tiêu hóa và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Một nghiên cứu vào năm 2015 trên chuột cho thấy trà xanh có chứa một số hợp chất giúp giảm viêm và sưng tấy. Trà xanh còn chứa hàm lượng catechin cao, đây là một hợp chất có đặc tính chống thấp khớp.

Hiệu quả: Một nghiên cứu vào năm 2016 đã theo dõi những người bị viêm khớp dạng thấp uống trà xanh trong sáu tháng. Những người tham gia còn duy trì chế độ tập thể dục cường độ vừa phải, ví dụ như đi bộ trên máy chạy bộ 3 lần một tuần, mỗi lần từ 45 đến 60 phút.

Nghiên cứu này cho thấy uống trà xanh và tập thể dục giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Liều dùng: Bạn nên uống 4 đến 6 cốc trà xanh mỗi ngày.

Mặc dù trà xanh rất lành tính nhưng nếu bạn đang dùng thuốc thì cần phải tìm hiểu xem loại thuốc đó có tương tác với trà xanh hay không.

Những loại thảo dược và thực phẩm chức năng cho thấy nhiều hứa hẹn

9. Hạt cần tây

Tác dụng: Hạt cần tây (celery) từ lâu đã được sử dụng để chữa bệnh, từ cảm lạnh, vấn đề về tiêu hóa, viêm khớp cho đến các bệnh về gan và lá lách. Ngày nay, hạt cần tây chủ yếu được sử dụng làm thuốc lợi tiểu.

Hiệu quả: Hạt cần tây được cho là có thể giúp điều trị bệnh viêm khớp và bệnh gout nhưng hiện chưa có bất kỳ thử nghiệm nào trên người kiểm chứng những tác dụng của hạt cần tây.

Một nghiên cứu trên chuột vào năm 2014 cho thấy chiết xuất hạt cần tây có tác dụng chống viêm. Sử dụng chiết xuất hạt cần tây với liều 100 mg/kg cân nặng có tác dụng giảm viêm tương đương liều aspirin 300 mg/kg cân nặng.

Lưu ý: Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng chiết xuất hạt cần tây. Chiết xuất hạt cần tây có thể tương tác với các loại thuốc mà bạn đang dùng. Để dầu hạt cần tây xa tầm với của trẻ em.

10. Quercetin

Tác dụng: Quercetin là một flavonoid hay sắc tố thực vật, tạo nên màu sắc cho nhiều loại hoa, rau củ và trái cây. Quercetin có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh nên có lợi cho những người bị viêm khớp dạng thấp.

Hiệu quả: Trong một nghiên cứu vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng quercetin có thể giúp điều hòa phản ứng viêm trong cơ thể và có thể giúp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy quercetin làm giảm số lượng các phân tử góp phần gây ra phản ứng viêm.

Liều dùng: Trong các nghiên cứu, những người bị viêm khớp dạng thấp đã thuyên giảm các triệu chứng sau khi dùng 1.500 mg quercetin kết hợp với 100 mg azathioprine. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào cùng với thuốc. Mặc dù quercetin có ít tác dụng phụ nhưng có thể tương tác với một số loại thuốc.

11. Hương thảo

Tác dụng: Hương thảo (rosemary) là một loài cây bụi có nguồn gốc từ Địa Trung Hải. Hương thảo được sử dụng làm gia vị nấu ăn và làm hương liệu trong mỹ phẩm. Ngoài ra, hương thảo còn được dùng làm thuốc điều trị một số chứng bệnh như đau nhức cơ và khó tiêu. Hương thảo chứa chất chống oxy hóa, vì thế nên có thể giúp giảm viêm trong cơ thể.

Hiệu quả: Một thử nghiệm vào năm 2005 đã cho những người bị viêm khớp dạng thấp uống thực phẩm chức năng chứa chiết xuất hương thảo 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 440 mg trong vòng 4 tuần.

Kết quả cho thấy mức độ đau khớp giảm từ 40 đến 50%. Tuy nhiên, loại thực phẩm chức năng được dùng trong nghiên cứu còn chứa các thành phần khác nên chưa thể kết luận hiệu quả giảm đau có phải nhờ chiết xuất hương thảo hay không.

Ngoài dùng hương thảo làm gia vị nấu ăn và uống tinh chất hương thảo, bạn cũng có thể bôi tinh dầu hương thảo lên vùng bị đau nên cần phải pha loãng với dầu nền (ví dụ như dầu dừa) trước khi bôi. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thực phẩm chức năng chứa tinh chất hương thảo.

Những loại thảo dược và thực phẩm chức năng cần nghiên cứu thêm

12. Xuyên tâm liên

Tác dụng: Xuyên tâm liên (tên khoa học là Andrographis) là một loài cây thân thảo có nguồn gốc từ châu Á và được trồng rộng rãi. Loài cây này có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, kháng virus và khuẩn. Đây là một vị thuốc được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh về hô hấp, bệnh truyền nhiễm, hạ sốt và một số công dụng khác.

Hiệu quả: Nghiên cứu cho thấy xuyên tâm liên có tác dụng điều trị các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu vào năm 2009 cho thấy những người dùng xuyên tâm liên đã cải thiện tình trạng sưng khớp và khả năng vận động.

Tuy nhiên, so với giả dược thì xuyên tâm liên lại không có sự khác biệt đáng kể. Cần có thêm những nghiên cứu quy mô lớn hơn và kéo dài hơn để xác nhận tác dụng của loại thảo dược này đối với bệnh viêm khớp dạng thấp.

Cách sử dụng và liều dùng: Bạn có thể dùng xuyên tâm liên khô, trà xuyên tâm liên hoặc viên uống xuyên tâm liên. Liều dùng trong nghiên cứu ở trên là 30 mg x 03 lần mỗi ngày. Các tác dụng phụ của xuyên tâm liên gồm có đau đầu, mệt mỏi và buồn nôn.

13. Dây thiên lôi

Tác dụng: Dây thiên lôi (tên khoa học Tripterygium wilfordii) là một loài cây có nguồn gốc từ một số nước Châu Á. Chiết xuất từ rễ của loài cây này được cho là có tác dụng giảm đau và giảm viêm.

Hiệu quả: Dây thiên lôi có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc vào năm 2014 cho thấy dùng dây thiên lôi kết hợp với methotrexate giúp kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp hiệu quả hơn so với khi chỉ dùng thuốc.

Cách sử dụng và liều dùng: Dây thiên lôi có thể gây độc nếu dùng không đúng cách. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về liều dùng.

Dây thiên lôi có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Tiêu chảy
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Vấn đề về tim mạch
  • Tổn thương thận
  • Phát ban da

14. Vỏ cây liễu trắng

Tác dụng: Vỏ cây liễu trắng (tên khoa học Salix alba) đã được sử dụng để điều trị cảm, sốt và viêm từ hàng ngàn năm trước. Axit salicylic trong vỏ liễu trắng được sử dụng để sản xuất aspirin, một loại thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến.

Hiệu quả: Có bằng chứng cho thấy salicin - hoạt chất trong vỏ cây liễu trắng - có tác dụng làm giảm sự sản xuất các chất gây đau ở dây thần kinh.

Theo các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm vào năm 2012, vỏ cây liễu trắng có hiệu quả tốt hơn hoa cúc La Mã và cây râu dê (meadowsweet) trong việc làm giảm các hợp chất gây viêm liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp.

Tác dụng phụ: Giống như aspirin, vỏ cây liễu trắng có thể tương tác với một số loại thuốc, gồm có thuốc chống viêm và thuốc chống đông máu. Vỏ cây liễu trắng còn có thể gây ra vấn đề về tiêu hóa và phản ứng dị ứng.

15. Nhũ hương Ấn Độ

Tác dụng: Nhũ hương Ấn Độ (tên khoa học Boswellia serrata) là một loài cây bụi có nguồn gốc từ Ấn Độ và Pakistan. Loài cây này đã được dùng làm thuốc chữa bệnh trong suốt nhiều thế kỷ.

Nhựa từ vỏ cây nhũ hương Ấn Độ có đặc tính chống viêm. Loài cây này có chứa các loại axit có khả năng ngăn cản hoạt động của leukotrien, một chất gây viêm trong cơ thể.

Hiệu quả: Hiện chưa có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy cây nhũ hương Ấn Độ có tác dụng điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Chưa có thử nghiệm nào được thực hiện trên người để đánh giá tác dụng của loại thảo dược này.

Các nhà nghiên cứu mới chỉ tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy nhũ hương Ấn Độ có nhiều đặc tính có lợi cho việc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.

Cách sử dụng và liều dùng: Bạn có thể dùng viên uống chứa chiết xuất nhũ hương Ấn Độ. Tổ chức Viêm khớp khuyến nghị nên dùng 300 đến 400 mg x 3 lần mỗi ngày.

16. Vẹm xanh

Tác dụng: Vẹm xanh là một loại hải sản giàu dinh dưỡng, chứa nhiều axit béo omega-3, một loại chất béo có thể giúp giảm viêm và giảm các triệu chứng viêm khớp. Do chứa nhiều chất có lợi cho xương khớp nên vẹm xanh còn được dùng làm thực phẩm chức năng.

Hiệu quả: Các nghiên cứu về hiệu quả của vẹm xanh đối với bệnh viêm khớp dạng thấp cho ra nhiều kết quả khác nhau. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thực phẩm chức năng chứa tinh chất vẹm xanh không có tác dụng giảm đau do viêm khớp dạng thấp trong khi Tổ chức Viêm khớp lại đưa ra một số bằng chứng cho thấy viên uông tinh chất vẹm xanh có thể giúp giảm đau.

Liều dùng: Liều dùng được Tổ chức Viêm khớp khuyến nghị là 300 đến 350 mg x 03 lần mỗi ngày. Vẹm xanh có tác dụng làm dịu dạ dày nên có thể được dùng thay cho thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong những trường hợp gặp phải tác dụng phụ về tiêu hóa. Tuy nhiên, những người bị dị ứng hải sản không nên dùng viên uống vẹm xanh.

17. Pau d'arco

Tác dụng: Pau d'arco (tên khoa học là Tabebuia avellanedae) là một loài cây thường xanh có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thường được sử dụng để điều trị viêm khớp, sốt và một số loại ung thư. Loài cây này có đặc tính chống viêm, kháng nấm, kháng virus và kháng khuẩn.

Hiệu quả: Hiện chưa có nghiên cứu nào được thực hiện trên người về tác dụng của Pau d'arco đối với chứng đau khớp. Gần đây các nhà khoa học mới bắt đầu hiểu về cơ chế tác dụng của loài cây này. Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy vỏ cây Pau d'arco có tác dụng làm giảm phản ứng viêm.

Cách sử dụng và liều dùng: Bạn có thể tìm mua viên uống Pau d'arco, trà Pau d'arco, vỏ Pau d'arco khô hoặc cồn thuốc chứa chiết xuất loài cây này. Lưu ý, Pau d'arco có thể gây độc khi dùng liều cao.

18. Địa hoàng

Tác dụng: Địa hoàng hay còn gọi là sinh địa, thục địa (tên khoa học Rehmannia glutinosa) là một vị thuốc trong y học cổ truyền. Địa hoàng được sử dụng để điều tòa nhiều bệnh lý khác nhau, gồm hen suyễn và viêm khớp dạng thấp.

Địa hoàng rất giàu axit amin và vitamin A, B và C. Nhờ đặc tính chống viêm nên địa hoàng có tòa giúp giảm đau và sưng khớp do viêm khớp.

Hiệu quả: Hiện chưa có nghiên cứu lớn nào chứng minh tác dụng của địa hoàng đối với bệnh viêm khớp dạng thấp. Vì địa hoàng thường được dùng cùng với các loại thảo dược khác nên khó có thể xác định hiệu quả thực sự của địa hoàng.

Những loại thảo dược và thực phẩm chức năng cần tránh

Tổ chức Viêm khớp khuyến cáo nên tránh những loại thảo dược và thực phẩm chức năng dưới đây do nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm:

  • Cây kim sa (arnica montana)
  • Ô đầu (aconite)
  • Chiết xuất tuyến thượng thận (adrenal extract)
  • Nghệ tây (autumn crocus)
  • Chaparral

Những loại thảo dược và thực phẩm chức năng khác có lợi cho bệnh viêm khớp dạng thấp

19. Bromelain

Tác dụng: Bromelain là một loại enzyme có trong quả dứa. Enzyme này có tác dụng chống viêm có thể giúp điều trị chứng khó tiêu và giảm đau.

Công dụng chính của Bromelain là giảm viêm do nhiễm trùng. Enzyme này còn có thể giúp giảm đau, sưng tấy do viêm khớp và cải thiện khả năng vận động.

Hiệu quả: Một nghiên cứu trên chuột vào năm 2015 cho thấy nước ép dứa có thể làm giảm tình trạng viêm. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về tác dụng của bromelain đối với bệnh viêm khớp dạng thấp ở người.

Liều dùng: Tổ chức Viêm khớp khuyến nghị dùng bromelain 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 500 đến 2000 mg. Nên uống sau bữa ăn. Không dùng thực phẩm chức năng bromelain nếu bạn bị dị ứng dứa hoặc đang dùng thuốc chống đông máu.

20. Canxi

Tác dụng: Nhiều loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm mật độ xương và dẫn đến loãng xương, điều này khiến cho xương suy yếu và dễ gãy. Tình trạng đau khớp do viêm khớp dạng thấp sẽ khiến người bệnh ít vận động và điều này cũng sẽ làm giảm sự chắc khỏe của xương.

Bổ sung đủ canxi từ thực phẩm tự nhiên và/hoặc thực phẩm chức năng là điều cần thiết để giữ cho xương chắc khỏe.

Hiệu quả: Uống canxi không có tác dụng giảm đau khớp do viêm khớp dạng thấp nhưng sẽ giúp duy trì mật độ xương, giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương. Canxi có trong các loại thực phẩm như rau màu xanh đậm, các sản phẩm từ sữa ít béo, trứng, đậu phụ, các loại hạt và các loại thực phẩm được bổ sung canxi như bột ngũ cốc.

Liều dùng: Không nên tiêu thụ quá 1.200 mg canxi mỗi ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Tổ chức Viêm khớp khuyến nghị chỉ cần uống khoảng 500 mg canxi mỗi ngày. Đây là lượng canxi tối đa mà cơ thể có thể hấp thụ. Phần canxi còn lại nên đến từ chế độ ăn uống.

Trao đổi với bác sĩ trước khi uống bổ sung canxi, đặc biệt là những người có nồng độ canxi trong máu cao. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi uống canxi gồm có đầy hơi, chướng bụng và táo bón.

21. Trà hoa cúc

Tác dụng: Trà hoa cúc (chamomile) từ lâu đã được biết đến với đặc tính chống viêm và tác dụng an thần. Trà hoa cúc còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe như:

  • Trị mất ngủ
  • Giảm đau do viêm khớp
  • Điều trị rối loạn tiêu hóa

Hiệu quả: Các nghiên cứu về lợi ích của trà hoa cúc đối với bệnh viêm khớp dạng thấp cho đến nay đều lànghiên cứ trong phòng thí nghiệm. Một nghiên cứu cho thấy hoa cúc có tác dụng chống viêm bằng cách ức chế yếu tố hoại tử khối u (tumor necrosis factor) và interleukin.

Hai hợp chất này góp phần gây ra tình trạng viêm dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vào năm 2013 cho thấy trà hoa cúc có tác dụng giảm đau do viêm khớp dạng thấp.

Liều dùng: Nên uống 7 đến 8 cốc trà hoa cúc mỗi ngày để có hiệu quả giảm viêm rõ rệt. Hoa cúc có độc tính thấp nhưng những người bị dị ứng với cỏ phấn hương và hoa cúc không nên dùng trà hoa cúc.

22. Vitamin D

Tác dụng: Vitamin D đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe xương khớp. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ và chuyển hóa canxi.

Hiệu quả: Theo một nghiên cứu vào năm 2012, thiếu vitamin D có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Càng bị thiếu hụt vitamin D nặng thì các triệu chứng viêm khớp dạng thấp càng nghiêm trọng.

Các cách bổ sung vitamin D: Cơ thể có thể tự tạo ra vitamin D khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vitamin D còn có trong một số loại thực phẩm như các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, các trích,…), dầu gan cá, gan bò, lòng đỏ trứng, phô mai và các loại thực phẩm chế biến sẵn được bổ sung vitamin D như sữa chua. Nếu ít tiếp xúc với nắng và chế độ ăn không có đủ vitamin D, bạn có thể dùng viên uống bổ sung.

Tóm tắt bài viết

Tất cả các loại thảo dược và thực phẩm chức năng kể trên đều cần được nghiên cứu thêm. Một điều quan trọng cần lưu ý là dù là loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào thì cũng không thể thay thế cho thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp. Dùng thuốc đúng chỉ định là cách hiệu quả nhất để kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại vitamin, thực phẩm chức năng hay thảo dược nào. Những sản phẩm này có thể gây ra tác dụng phụ hoặc tương tác với thuốc đang dùng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp
Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp khiến cho các khớp bị đau và cứng. Tình trạng này sẽ khiến cho người bệnh khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp, điều chỉnh tư thế ngủ có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và ngủ ngon giấc hơn, nhờ đó tăng mức năng lượng cơ thể và cải thiện các triệu chứng khác của bệnh.

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến khả năng mang thai và thai kỳ?
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến khả năng mang thai và thai kỳ?

Vào năm 2009, các nhà nghiên cứu tại Đài Loan đã công bố một nghiên cứu về bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ mang thai. Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc thai nhỏ so với tuổi thai (small for gestational age - SGA).

Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, gồm có thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), thuốc sinh học, thuốc ức chế miễn dịch và thuốc ức chế JAK. Người bệnh có thể phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc để kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

Người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ suy tim cao hơn
Người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ suy tim cao hơn

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô của cơ thể, dẫn đến viêm. Tình trạng viêm chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp nhưng ngoài ra còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể.

Lợi ích của bơi lội đối với người bị viêm khớp dạng thấp
Lợi ích của bơi lội đối với người bị viêm khớp dạng thấp

Khi các khớp bị đau và cơ thể mệt mỏi thì hầu hết mọi người đều không muốn tập thể dục. Nhưng tập thể dục lại rất cần thiết cho sức khỏe. Và việc tập thể dục lại càng quan trọng hơn nữa đối với những người bị viêm khớp dạng thấp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây