Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến khả năng mang thai và thai kỳ?
Phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp còn có nguy cơ bị tiền sản giật (tăng huyết áp) và phải sinh mổ cao hơn so với người không bị viêm khớp dạng thấp.
Phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp còn có thể phải đối mặt với những rủi ro nào khác khi mang thai? Và căn bệnh này có ảnh hưởng đến khả năng mang thai hay không?
Phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp có thể có con không?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm mô khớp. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), viêm khớp dạng thấp phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. (1)
Trước đây, phụ nữ mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp được khuyến cáo không nên có con nhưng ngày nay, điều này không còn đúng nữa. Nhờ những tiến bộ trong điều trị mà phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như nhiều bệnh tự miễn khác vẫn có thể mang thai thành công và sinh con khỏe mạnh.
Ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp đến khả năng thụ thai
Trong một nghiên cứu vào năm 2011 được thực hiện trên 74.000 phụ nữ mang thai, những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp khó thụ thai hơn so với những người không mắc bệnh. 25% phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp đã phải cố gắng trong ít nhất một năm mới có thể mang thai. Tỷ lệ này ở những phụ nữ không mắc viêm khớp dạng thấp chỉ là khoảng 16%. (2)
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn liệu nguyên nhân gây khó thụ thai là do bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp, các loại thuốc dùng để điều trị bệnh hay tình trạng viêm trong cơ thể. Dù thế nào đi nữa, không phải ai bị viêm khớp dạng thấp cũng khó khăn trong việc thụ thai. Theo như nghiên cứu trên thì tỷ lệ khó thụ thai ở phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp chỉ là 1/4. Điều này có nghĩa là nhiều phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp vẫn có thể thụ thai bình thường. Nếu người bệnh đã cố gắng một thời gian dài mà vẫn không thể thụ thai thành công thì hãy đi khám. Hiện nay có rất nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả.
Viêm khớp dạng thấp thuyên giảm khi mang thai
Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra theo đợt (đợt bùng phát) và giữa các đợt là các giai đoạn thuyên giảm, khi triệu chứng bệnh giảm hẳn hoặc biến mất. Bệnh thường thuyên giảm khi mang thai. Trong một nghiên cứu vào năm 1999 trên 140 phụ nữ, 63% cho biết các triệu chứng cải thiện vào ba tháng cuối của thai kỳ. Một nghiên cứu vào năm 2008 cho thấy phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cảm thấy dễ chịu hơn khi mang thai nhưng các triệu chứng có thể bùng phát trở lại sau khi sinh.
Điều này không phải khi nào cũng xảy ra. Người bệnh có thể trao đổi trước với bác sĩ về các biện pháp giảm nguy cơ bệnh bùng phát sau khi sinh.
Mang thai có thể kích hoạt viêm khớp dạng thấp
Trong thời gian mang thai, cơ thể tạo ra một số hormone và hóa chất, những chất này có thể kích hoạt bệnh viêm khớp dạng thấp ở một số phụ nữ. Ở những người có nguy cơ cao mắc viêm khớp dạng thấp, triệu chứng bệnh có thể khởi phát sau khi sinh con.
Một nghiên cứu vào năm 2011 đã thu thập hồ sơ bệnh án của hơn 1 triệu phụ nữ sinh con từ năm 1962 đến năm 1992. Khoảng 25.500 người mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp. Kết quả thống kê cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tự miễn cao hơn từ 15 đến 30% trong vòng một năm sau sinh. (3)
Nguy cơ tiền sản giật
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những phụ nữ có vấn đề về hệ miễn dịch có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn. Và nghiên cứu tại Đài Loan cũng chỉ ra rằng phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ tiền sản giật cao hơn.
Tiền sản giật là tình trạng huyết áp tăng cao khi mang thai. Tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng như co giật, vấn đề về thận và thậm chí là tử vong (mẹ và/hoặc thai nhi). Tiền sản giật thường bắt đầu xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ và ban đầu có thể không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Tiền sản giật thường được phát hiện khi khám thai.
Những phụ nữ bị tiền sản giật cần được theo dõi sát sao và điều trị khi cần thiết để đảm bảo mẹ và thai nhi khỏe mạnh. Một số loại thuốc được dùng để điều trị tiền sản giật là thuốc hạ huyết áp, thuốc chống co giật và corticoid. Tuy nhiên, cách duy nhất để chữa khỏi tiền sản giật là sinh con ra. Bác sĩ sẽ chỉ định thời gian sinh nở thích hợp dựa trên sự phát triển của thai nhi và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tiền sản giật.
Nguy cơ sinh non
Phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ sinh non cao hơn. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 của Đại học Stanford, các nhà nghiên cứu đã đánh giá tất cả các trường hợp mang thai phức tạp do viêm khớp dạng thấp trong khoảng thời gian từ tháng 6/2001 đến tháng 6/2009. Tổng cộng có 28% phụ nữ sinh non, có nghĩa là sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
Một nghiên cứu trước đó vào năm 2011 cũng chỉ ra rằng phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ sinh non và sinh con nhẹ cân cao hơn so với những phụ nữ không bị viêm khớp dạng thấp.
Nguy cơ sinh con nhẹ cân
Những phụ nữ có triệu chứng của viêm khớp dạng thấp khi mang thai có nguy cơ sinh con nhẹ cân cao hơn.
Một nghiên cứu vào năm 2009 đã theo dõi những phụ nữ mang thai mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Kết quả cho thấy nguy cơ sinh con nhẹ cân của những người kiểm soát tốt tình trạng bệnh không hề cao hơn so với người không mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Tuy nhiên, những người gặp phải các triệu chứng viêm khớp dạng thấp khi mang thai có nguy cơ sinh con nhẹ cân cao hơn.
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng khi mang thai. Một nghiên cứu vào năm 2011 đã lưu ý rằng một số loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) có thể gây độc cho thai nhi. (4)
Theo một nghiên cứu vào năm 2006, hiện vẫn còn thiếu thông tin về ảnh hưởng của các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đến thai kỳ. Khi có thai, người bệnh cần hỏi bác sĩ xem có cần phải điều chỉnh thuốc hay không.
Kết luận
Phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể sẽ khó thụ thai và phải đối mặt với một số rủi ro khi mang thai như tiền sản giật, nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân nhưng tái khám thường xuyên và kiểm soát tốt tình trạng bệnh sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng có thể gây ra một số vấn đề khi mang thai. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ của loại thuốc đang dùng. Tuy rằng sẽ phải cẩn thận hơn nhưng phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn hoàn toàn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp, gây viêm và sưng đau khớp. Tuy nhiên, bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến khớp.
Viêm khớp dạng thấp là kết quả của hệ miễn dịch hoạt động bất thường. Ngoài khớp, tình trạng viêm do hệ miễn dịch gây ra còn ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của cơ thể, trong đó có mắt.
Viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến các khớp mà còn ảnh hưởng đến cả các cơ quan nội tạng như phổi. Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ gặp phải các vấn đề về phổi như xơ phổi, bệnh phổi kẽ, nốt phổi, viêm màng phổi và tắc nghẽn đường thở nhỏ.
Mặc dù khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng đã phát hiện nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh và một trong số đó là hút thuốc lá.
Viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm khớp tự miễn. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn có thể ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả tim và mạch máu.