Bệnh viêm khớp dạng thấp có ảnh hưởng đến thận không?
Viêm khớp dạng thấp là một loại viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công niêm mạc khớp. Điều này khiến cho khớp bị sưng đỏ, đau và giảm phạm vi chuyển động. Các triệu chứng này thường xảy ra ở các khớp của bàn tay. Theo thời gian, viêm khớp dạng thấp có thể khiến cho xương bị mòn và các ngón tay bị biến dạng.
Nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ tiến triển nặng và tình trạng viêm lan đến nhiều khớp, gồm có khớp hông, vai, khuỷu tay, đầu gối và thậm chí cả các khớp của cột sống. Tình trạng viêm còn có thể gây tổn thương các cơ quan chính trong cơ thể. Các cơ quan dễ bị ảnh hưởng nhất bởi viêm khớp dạng thấp là da, mắt, tim, mạch máu, phổi và thận.
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến thận như thế nào?
Tình trạng viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Phản ứng viêm là cách mà cơ thể tự bảo vệ khi có điều không ổn xảy ra, chẳng hạn như bệnh tật hoặc chấn thương. Phản ứng viêm giúp chữa lành các mô bị tổn thương. Nhưng tình trạng viêm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây stress và làm tổn thương hoặc phá hủy các tế bào và mô.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn. Cứ 4 người bị viêm khớp dạng thấp lại có 1 người bị suy giảm chức năng thận. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận ở những người bị viêm khớp dạng thấp:
- Mức độ viêm cao trong năm đầu tiên sau khi bệnh được phát hiện
- Cao huyết áp
- Béo phì
- Sử dụng corticoid (steroid), ví dụ như prednisone hoặc cortisone
- Cholesterol cao
- Chế độ ăn nhiều muối
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Mặc dù không phải ai bị viêm khớp dạng thấp cũng mắc bệnh thận nhưng nguy cơ mắc bệnh thận sẽ cao hơn nếu người bệnh còn bị các bệnh lý khác khiến thận phải làm việc nặng nhọc.
Ngăn ngừa bệnh thận khi bị viêm khớp dạng thấp
Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh thận khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp là kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể. Loại thuốc chính để điều trị viêm khớp dạng thấp là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD). DMARD giúp làm giảm viêm, nhờ đó làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp, ngăn bệnh phá hỏng khớp và gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể. Một loại thuốc khác cũng được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen.
Những người bị viêm khớp dạng thấp nên xét nghiệm chức năng thận định kỳ mỗi năm một lần hoặc thường xuyên hơn, tùy vào mức độ nghiêm trọng của bện viêm khớp dạng thấp, tình trạng sức khỏe tổng thể và nguy cơ mắc bệnh thận.
Người bị viêm khớp dạng thấp có thể thực hiện các cách dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh thận:
- Chỉ dùng corticoid khi thực sự cần thiết, dùng trong thời gian ngắn và liều thấp nhất có thể
- Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Ăn ít muối
- Kiểm soát huyết áp
- Theo dõi cholesterol
- Tìm hiểu về tác dụng phụ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào
Tập thể dục rất có lợi cho việc kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp và giảm nguy cơ mắc bệnh thận. Thường xuyên tập thể dục cường độ vừa phải có thể giúp giảm viêm, kiểm soát cân nặng và huyết áp. Người có vấn đề về xương khớp nên chọn các hình thức tập luyện ít gây áp lực lên khớp và không nên tập quá sức. Hãy nghỉ ngơi khi cảm thấy đau khớp.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính và nếu không được kiểm soát tốt, căn bệnh tự miễn này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả vấn đề về thận. Dùng thuốc điều trị đều đặn và thực hiện một số thay đổi về lối sống có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh thận cho người bị viêm khớp dạng thấp.
Ngày càng có nhiều phương pháp để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp điều trị giúp làm giảm tình trạng viêm ở khớp và ngăn ngừa tổn thương khớp cũng như các cơ quan khác. Nhiều phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể. Điều trị thích hợp có thể giúp làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát, đồng thời kéo dài thời gian thuyên giảm.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp, gây viêm và sưng đau khớp. Tuy nhiên, bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến khớp.
Cả viêm khớp dạng thấp và bệnh gout đều là những bệnh lý do viêm gây sưng và đau khớp.
Chụp X-quang có thể giúp phát hiện những thay đổi bất thường ở xương và khớp, từ đó giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Chụp X-quang thường được kết hợp cùng với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm.
Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm xảy ra ở niêm mạc khớp do sự tấn công nhầm của hệ miễn dịch. Bệnh viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp của bàn tay và bàn chân. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho các khớp và còn có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể.