1

Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?

Ngày càng có nhiều phương pháp để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp điều trị giúp làm giảm tình trạng viêm ở khớp và ngăn ngừa tổn thương khớp cũng như các cơ quan khác. Nhiều phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể. Điều trị thích hợp có thể giúp làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát, đồng thời kéo dài thời gian thuyên giảm.
Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không? Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?

Có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp không?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính hiện không có cách chữa trị khỏi nhưng điều trị sớm bằng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) có thể giúp kéo dài giai đoạn thuyên giảm (giai đoạn mà các triệu chứng giảm hẳn hoặc biến mất) và giảm nhẹ triệu chứng khi bệnh bùng phát. DMARD còn giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Một số loại DMARD phổ biến gồm có:

  • methotrexat (Trexall và Otrexup)
  • leflunomide (Arava)
  • hydroxychloroquine (Plaquenil)
  • sulfasalazine (Azulfidine)

Làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ tổn thương khớp và các cơ quan khác trong cơ thể.

Các loại thuốc mới

Thuốc sinh học (hay liệu pháp sinh học) là một nhóm thuốc mới được sử dụng để điều trị các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Thuốc sinh học thường phát huy tác dụng nhanh hơn DMARD. Các loại thuốc này ngăn chặn phản ứng miễn dịch gây viêm.

Nếu người bệnh đã dùng DMARD thông thường trong vài tuần mà tình trạng sưng, đau và cứng khớp không giảm thì bác sĩ có thể đề nghị chuyển sang dùng thuốc sinh học.

Có một số loại thuốc sinh học được dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp, gồm có:

  • abatacept (Orencia)
  • rituximab (Rituxan)
  • tocilizumab (Actemra)

Thuốc ức chế TNF-alpha là một nhóm thuốc sinh học được sử dụng để ngăn chặn tình trạng viêm. Một số loại thuốc ức chế TNF-alpha phổ biến gồm có:

  • adalimumab (Humira)
  • certolizumab (Cimzia)
  • etanercept (Enbrel)

Bên cạnh việc tìm ra một loại thuốc mới, các nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách kết hợp các loại thuốc hiện có để điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả hơn.

Thông thường, nếu người bệnh đáp ứng kém với DMARD thông thường (đa phần là methotrexate) thì bác sĩ sẽ kê thêm thuốc sinh học để dùng kết hợp.

Điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các loại thuốc đều đi kèm tác dụng phụ. Người bệnh nên hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra trước khi bắt đầu sử dụng thuốc.

Các loại thuốc khác để điều trị viêm khớp dạng thấp

Ngoài DMARD và thuốc sinh học, người bệnh có thể dùng thêm các loại thuốc không kê đơn, gồm có thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hay naproxen natri. Các loại thuốc này giúp làm giảm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp nhưng không điều trị bệnh.

Nếu các loại NSAID không kê đơn không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê các loại NSAID mạnh hơn để giảm viêm và đau do viêm khớp dạng thấp.

Một nhóm thuốc khác cũng được sử dụng để giảm viêm khớp và giảm tổn thương khớp là corticoid (corticosteroid), ví dụ như prednisone. Prednisone có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng cấp tính của bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng các loại thuốc này chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn. Dùng corticoid lâu dài sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ.

Vật lý trị liệu hay hoạt động trị liệu có thể giúp cải thiện sự linh hoạt của khớp.

Người bệnh có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ như tấm lót ghế ô tô, gậy chống, gậy lấy đồ trên cao hay dụng cụ hỗ trợ cầm nắm để làm giảm áp lực lên khớp khi thực hiện các công việc hàng ngày.

Phẫu thuật cũng là một giải pháp điều trị viêm khớp dạng thấp. Phẫu thuật thường được chỉ định trong những trường hợp nghiêm trọng hoặc xảy ra biến chứng.

Nghiên cứu mới về điều trị viêm khớp dạng thấp

Vì viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn nên hầu hết các nghiên cứu hiện nay về điều trị căn bệnh này đều tập trung vào hệ miễn dịch.

Các nhà nghiên cứu đang tìm cách giải quyết trục trặc trong phản ứng miễn dịch – nguyên nhân gây viêm ở cả cấp độ tế bào lẫn vi tế bào và dẫn đến viêm khớp dạng thấp.

Một nghiên cứu vào năm 2018 đã giải thích lý do tại sao cần phải hiểu cơ chế hoạt động của các tế bào miễn dịch trong điều trị viêm khớp dạng thấp.

Vắc xin

Các nhà khoa học đã thử nghiệm một số loại vắc xin nhắm đến phản ứng của hệ miễn dịch ở người bị viêm khớp dạng thấp.

Một nghiên cứu sơ bộ vào năm 2015 cho thấy rằng khi các tế bào đuôi gai (tế bào có chức năng điều hòa miễn dịch) của động vật tiếp xúc với tự kháng nguyên, chúng có thể ngăn chặn bệnh viêm khớp thực nghiệm theo cách đặc hiệu với kháng nguyên.

Các nhà nghiên cứu cho rằng tế bào đuôi gai còn có thể cản trở ACPA (anti-citrullinated protein/peptide antibody), một loại kháng thể thường tăng cao ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Liệu pháp này được đặt tên là Rheumavax. Mặc dù đã được thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 1 vào năm 2015 nhưng vẫn đang trong quá trình phát triển. Các loại vắc xin khác nhắm vào tế bào đuôi gai - tế bào đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đáp ứng miễn dịch - cũng đang được nghiên cứu.

Fenebrutinib

Fenebrutinib, một loại thuốc cản trở hoạt động của enzyme gây viêm Bruton's tyrosine kinase (BTK) hiện đang được nghiên cứu để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.

Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy fenebrutinib, khi dùng kết hợp với DMARD (ví dụ như methotrexate) cho hiệu quả cao hơn giả dược. Loại thuốc này cũng được cho là có hiệu quả tương đương với adalimumab trong việc làm giảm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp.

Trong 10 năm qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt ba loại thuốc ức chế Janus kinase (JAK) mới là:

  • tofacitinib (Xeljanz)
  • baricitinib (Olumiant)
  • upadacitinib (Rinvoq)

Những loại thuốc này ngăn chặn các tác nhân hóa học gây viêm và có thể được kết hợp cùng với methotrexate.

Một số nghiên cứu đang thử nghiệm phương pháp kích thích dây thần kinh phế vị. Dây thần kinh này tham gia vào phản ứng viêm trong cơ thể. Trong các nghiên cứu, kích thích dây thần kinh phế vị được kết hợp cùng với sử dụng methotrexate để điều trị viêm khớp dạng thấp.

Những phát hiện ban đầu của nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy rằng sự kết hợp giữa kích thích dây thần kinh phế vị và sử dụng thuốc giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp hiệu quả hơn so với khi chỉ điều trị bằng methotrexate.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có tự khỏi không?

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể tự thuyên giảm, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Thuyên giảm có nghĩa là bệnh giảm hoặc ngừng hoạt động trong cơ thể.

Trong một số trường hợp bệnh tự thuyên giảm, người bệnh có thể mắc một dạng viêm khớp gọi là viêm khớp không phân loại (undifferentiated arthritis), đây là dạng viêm khớp phổ biến với các triệu chứng gồm có sưng khớp, đau và cứng khớp nhưng không được xếp vào bất kỳ loại viêm khớp cụ thể nào.

Ở nhiều người mắc viêm khớp không phân loại, bệnh tự thuyên giảm nhưng một số người thực sự bị viêm khớp dạng thấp.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc điều trị viêm khớp không phân loại bằng các loại thuốc vốn thường được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp có thể giúp ngăn ngừa viêm khớp không phân loại tiến triển thành viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp có thể thuyên giảm không?

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể thuyên giảm.

Trên thực tế, mục tiêu chính của hầu hết các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiện nay là làm cho bệnh thuyên giảm.

Trước đây, mục tiêu điều trị viêm khớp dạng thấp là kiểm soát các triệu chứng để bảo tồn khả năng vận động và ngăn ngừa tổn thương khớp, xương cũng như mô mềm về lâu dài. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy đạt được sự thuyên giảm là mục tiêu điều trị của 88% người mắc viêm khớp dạng thấp.

Sử dụng DMARD có thể giúp đạt được và kéo dài giai đoạn thuyên giảm, đồng thời làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Bắt đầu điều trị viêm khớp dạng thấp càng sớm thì khả năng thuyên giảm càng cao.

Tóm tắt bài viết

Hiện tại chưa có cách chữa trị khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng các phương pháp điều trị như thuốc và vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau và ngăn ngừa tổn thương khớp.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu những giải pháp mới, gồm có thuốc, vắc xin và phương pháp trị liệu để điều trị viêm khớp dạng thấp. Nhìn chung, mục tiêu điều trị là kéo dài giai đoạn thuyên giảm và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.

Viêm khớp dạng thấp có gây rụng tóc không?
Viêm khớp dạng thấp có gây rụng tóc không?

Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp và thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đều có thể gây rụng tóc nhưng triệu chứng này không phổ biến và đa phần không nghiêm trọng. Hơn nữa còn có nhiều cách để khắc phục tình trạng rụng tóc do viêm khớp dạng thấp.

Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân
Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.

Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp
Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.

Những vấn đề về da liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp
Những vấn đề về da liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp. Mặc dù triệu chứng chính của viêm khớp dạng thấp là đau khớp và cứng khớp nhưng căn bệnh này còn có thể gây ra các vấn đề về da.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây