Hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn gây sưng đau, cứng các khớp ở khắp cơ thể. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp ở cả hai bên cơ thể.
Điều này có nghĩa là nếu một khớp ở một cánh tay hoặc chân bị viêm thì khớp đó ở cánh tay hoặc chân còn lại cũng bị viêm. Đây là một cách để phân biệt viêm khớp dạng thấp với các dạng viêm khớp khác, chẳng hạn như thoái hóa khớp (osteoarthritis).
Việc điều trị có hiệu quả tốt nhất khi viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán sớm, vì vậy điều quan trọng là phải biết được các dấu hiệu viêm khớp dạng thấp.
Dưới đây là những điều cơ bản cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp, từ phân loại, triệu chứng, nguyên nhân cho đến các phương pháp điều trị, biện pháp khắc phục tại nhà và chế độ ăn uống.
Các loại viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp được chia thành nhiều loại. Mỗi loại có phương pháp điều trị khác nhau.
Các loại viêm khớp dạng thấp:
- Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính: xét nghiệm anti-CCP hoặc xét nghiệm yếu tố dạng thấp cho kết quả dương tính. Điều này có nghĩa là cơ thể tạo ra kháng thể khiến hệ miễn dịch tấn công các khớp.
- Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính: xét nghiệm anti-CCP hoặc xét nghiệm yếu tố dạng thấp cho kết quả âm tính nhưng vẫn có các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Sau một thời gian, cơ thể có thể sẽ tạo ra các kháng thể và bệnh sẽ trở thành viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính.
- Viêm khớp tự phát vị thành niên: có nghĩa là viêm khớp dạng thấp ở người từ 17 tuổi trở xuống. Tình trạng này còn được gọi là viêm khớp dạng thấp vị thành niên. Các triệu chứng của viêm khớp tự phát vị thành niên cũng giống như các loại viêm khớp dạng thấp khác nhưng ngoài ra còn có thêm một số triệu chứng khác như viêm mắt và các vấn đề về phát triển thể chất.
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính là loại viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất. Loại viêm khớp này có thể di truyền. Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính thường có các triệu chứng nghiêm trọng hơn viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính.
Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính gồm có:
- Cứng khớp vào buổi sáng, thường kéo dài 30 phút hoặc lâu hơn
- Sưng và đau ở nhiều khớp
- Sưng và đau ở các khớp đối xứng
- Nốt sần dưới da
- Sốt
- Mệt mỏi
- Sụt cân
Viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến các khớp. Một số người bị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính còn bị viêm ở mắt, tuyến nước bọt, dây thần kinh, thận, phổi, tim, da và mạch máu.
Viêm khớp dạng thấp ở bàn tay
Viêm khớp bàn tay thường có triệu chứng ban đầu là cảm giác nóng ở bàn tay vào cuối ngày. Sau một thời gian, người bệnh sẽ bị đau ngay cả khi không cử động tay nhiều. Tình trạng đau sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng nếu không điều trị.
Ngoài ra viêm khớp dạng thấp ở bàn tay còn có các triệu chứng khác như:
- Sưng, đỏ, nóng ở khớp vị viêm
- Cứng khớp
Nếu sụn ở khớp bị mòn, bàn tay có thể sẽ bị biến dạng. Khi sụn bị mòn hoàn toàn, người bệnh sẽ cảm nhận thấy các đầu xương ở khớp bàn tay, ngón tay và các khớp lớn cọ xát với nhau khi cử động.
Khi bệnh tiến triển, các túi chứa dịch gọi là nang bao hoạt dịch sẽ hình thành ở cổ tay, đầu gối, khuỷu tay, mắt cá chân và xung quanh các khớp nhỏ của bàn tay. Nang bao hoạt dịch có thể dẫn đến biến chứng như đứt gân.
Các khớp bị viêm còn có thể hình thành gai xương. Theo thời gian, gai xương sẽ khiến người bệnh khó cử động tay.
Những người bị viêm khớp dạng thấp ở bàn tay nên thực hiện các bài tập giúp duy trì khả năng cử động và chức năng của bàn tay.
Các bài tập, cùng với các phương pháp điều trị khác, có thể giúp giảm viêm và trì hoãn sự tiến triển của bệnh.
Triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính có đặc trưng là các triệu chứng viêm và đau khớp. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp xảy ra theo đợt, được gọi là các đợt bùng phát hay đợt cấp tính. Xen kẽ giữa các đợt bùng phát là giai đoạn thuyên giảm - đây là lúc các triệu chứng giảm nhẹ hoặc biến mất hoàn toàn.
Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp ở bàn tay, cổ tay và đầu gối nhưng cũng có thể xảy ra ở các mô và cơ quan trên khắp cơ thể gồm có phổi, tim và mắt.
Các triệu chứng thường gặp của viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Sưng, đau nhức và cứng ở nhiều khớp
- Khớp nóng, ấn lên thấy đau
- Các triệu chứng xảy ra ở các khớp đối xứng nhau trên cơ thể, ví dụ như cả hai bên cổ tay hay hai bên đầu gối
- Giảm chức năng và biến dạng khớp
- Mệt mỏi
- Sốt nhẹ
- Ăn không ngon miệng
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp có thể từ nhẹ đến nặng. Khi nhận thấy các triệu chứng này thì đừng nên bỏ qua, ngay cả khi các triệu chứng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn rồi tự hết. Nhận biết được các dấu hiệu ban đầu của viêm khớp dạng thấp sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và nhờ đó kiểm soát bệnh tốt hơn.
Biểu hiện bên ngoài của bệnh viêm khớp dạng thấp
Biểu hiện bên ngoài của bệnh viêm khớp dạng thấp thường rõ nhất ở bàn tay và bàn chân, đặc biệt khi bệnh tiến triển và không được điều trị.
Sưng ngón tay, cổ tay, đầu gối, mắt cá chân và ngón chân là những triệu chứng phổ biến ở người bị viêm khớp dạng thấp. Tổn thương dây chằng và sưng ở bàn chân khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi lại.
Bệnh viêm khớp dạng thấp không được điều trị có thể gây biến dạng ngón tay và chân, ví dụ như cong vẹo ngón tay và ngón chân hình búa (ngón chân gập lên) hoặc co quắp vào lòng bàn chân.
Bàn chân còn có thể xuất hiện các vết loét, nốt sần, vết chai và biến dạng ngón chân cái.
Các nốt sần dưới da, gọi là nốt dạng thấp, có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể nơi khớp bị viêm. Các nốt dạng thấp có kích thước rất đa dạng và có thể xuất hiện thành cụm.
Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp
Giống như viêm khớp dạng thấp, những người bị thoái hóa khớp cũng có thể bị đau và cứng khớp khiến cho các hoạt động thường ngày trở nên khó khăn.
Những người bị thoái hóa khớp có thể bị sưng khớp sau khi hoạt động trong thời gian dài nhưng thoái hóa khớp không gây ra phản ứng viêm đủ mạnh để dẫn đến đỏ khớp giống như viêm khớp dạng thấp.
Không giống như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp không phải một bệnh tự miễn. Bệnh lý này xảy ra do hao mòn tự nhiên của khớp theo thời gian hoặc do chấn thương.
Thoái hóa khớp chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi nhưng cũng có đôi khi xảy ra ở người trẻ tuổi do chuyển động khớp lặp đi lặp lại trong thời gian dài, ví dụ như người chơi tennia hoặc do chấn thương nghiêm trọng.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra do sự tấn công nhầm của hệ miễn dịch chứ không phải do hao mòn khớp theo thời gian.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của viêm khớp dạng thấp
Yếu tố di truyền và một số yếu tố môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các mô khỏe mạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân hoặc tác nhân cụ thể gây ra điều này vẫn chưa được xác định rõ.
Ở những người bị viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch nhầm lẫn niêm mạc khớp là tác nhân gây hại và gửi các kháng thể đến niêm mạc khớp. Những kháng thể này tấn công mô niêm mạc khớp, khiến các tế bào niêm mạc (tế bào hoạt dịch) phân chia và góp phần gây ra phản ứng viêm. Trong quá trình này, các hóa chất được giải phóng có thể phá hỏng xương, sụn, gân và dây chằng lân cận.
Nếu bệnh viêm khớp dạng thấp không được điều trị, khớp sẽ bị tổn thương, biến dạng, sai lệch và cuối cùng bị phá hủy.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Tuổi tác: Tỷ lệ khởi phát viêm khớp dạng thấp cao nhất ở độ tuổi 50. Ở nam giới, nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp tiếp tục tăng theo tuổi tác. Ở phụ nữ, viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở độ tuổi sinh sản.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao gấp hai đến ba lần so với nam giới.
- Di truyền: Những người mang một số gen nhất định, gọi là kiểu gen HLA lớp II có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn so với những người không mang những gen này. Nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp sẽ càng tăng cao khi những người mang gen này bị béo phì hoặc tiếp xúc với các yếu tố môi trường như hút thuốc.
- Sinh nở: Phụ nữ chưa từng sinh con có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn so với những người đã từng sinh con.
- Tiếp xúc với khói thuốc khi còn nhỏ: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), những trẻ có mẹ hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao gấp đôi khi lớn lên.
- Hút thuốc: Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn.
- Béo phì: Bị béo phì có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp.
- Chế độ ăn: Ăn nhiều natri, đường (đặc biệt là fructose), thịt đỏ và sắt có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp.
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp có thể mất thời gian và cần thực hiện nhiều xét nghiệm để xác nhận kết quả khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ sử dụng một số công cụ để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng và bệnh sử, sau đó kiểm tra triệu chứng ở các khớp như:
- Khớp sưng đỏ
- Kiểm tra chức năng và phạm vi chuyển động của khớp
- Ấn lên các khớp nghi ngờ xem có bị nóng và đau hay không
- Nốt sần dưới da
- Kiểm tra phản xạ và sức mạnh của cơ
Vì không có một xét nghiệm đơn lẻ nào có thể xác nhận chẩn đoán viêm khớp dạng thấp nên sẽ phải thực hiện nhiều xét nghiệm.
Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu để tìm một số chất như kháng thể hoặc kiểm tra nồng độ một số chất như chất phản ứng giai đoạn cấp tính (nồng độ chất này tăng cao khi có phản ứng viêm). Đây có thể là những dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp và sẽ hỗ trợ chẩn đoán.
Ngoài ra còn phải thực hiện thêm một vài kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm, chụp X-quang hoặc cộng hưởng từ (MRI).
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này không chỉ giúp phát hiện tình trạng tổn thương khớp mà còn cho thấy mức độ nghiêm trọng của tổn thương.
Sau khi xác nhận chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, bác sĩ có thể sẽ tiếp tục kiểm tra các cơ quan khác trong cơ thể vì viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác ngoài khớp.
Xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Các xét nghiệm máu thường được thực hiện để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Xét nghiệm yếu tố dạng thấp: Xét nghiệm này đo nồng độ một loại protein gọi là yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor) trong máu. Nồng độ yếu tố dạng thấp cao có thể là dấu hiệu chỉ ra các bệnh tự miễn, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp.
- Xét nghiệm anti-CCP: Xét nghiệm này kiểm tra sự hiện diện của một kháng thể có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Những người có kháng thể này thường mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, không phải trường hợp viêm khớp dạng thấp nào cũng có kết quả xét nghiệm anti-CCP dương tính. Xét nghiệm anti-CCP có độ đặc hiệu cao hơn so với xét nghiệm yếu tố dạng thấp trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và thường phát hiện bệnh trước xét nghiệm yếu tố dạng thấp.
- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân: Xét nghiệm này giúp kiểm tra xem hệ miễn dịch có tạo ra kháng thể kháng nhân tế bào hay không. Cơ thể thường tạo ra kháng thể kháng nhan như một phản ứng với nhiều loại bệnh tự miễn, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.
- Xét nghiệm tốc độ máu lắng hay tốc độ lắng hồng cầu (ESR): Xét nghiệm này giúp xác định mức độ viêm trong cơ thể. Kết quả sẽ cho bác sĩ biết cơ thể có đang xảy ra phản ứng viêm hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm này không chỉ ra nguyên nhân hoặc vị trí viêm.
- Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP): Nhiễm trùng hay viêm nặng ở bất cứ đâu trong cơ thể đều sẽ kích hoạt gan tạo ra protein phản ứng C (C-reactive protein). Nồng độ protein phản ứng C cao có thể là dấu hiệu chỉ ra bệnh viêm khớp dạng thấp.
Điều trị viêm khớp dạng thấp
Không có cách nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có những phương pháp điều trị để kiểm soát triệu chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.
Phương pháp điều trị ở mỗi một ca bệnh sẽ không hòa toàn giống nhau và có thể cần điều chỉnh theo thời gian.
Gần đây, những tiến bộ trong y học đã giúp những người bị viêm khớp dạng thấp kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả hơn và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Vào năm 2020, chiến lược điều trị theo mục tiêu (Treat to Target) được tạo ra nhằm giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
Chiến lược này giúp làm giảm các triệu chứng và tăng tỷ lệ thuyên giảm ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Cụ thể, chiến lược điều trị theo mục tiêu gồm có:
- Đặt mục tiêu xét nghiệm cụ thể báo hiệu bệnh thuyên giảm hoặc bệnh ở mức độ thấp
- Xét nghiệm kiểm tra các chất phản ứng giai đoạn cấp tính và thực hiện theo dõi hàng tháng để đánh giá hiệu quả của kế hoạch điều trị
- Đổi thuốc kịp thời nếu tình trạng bệnh không cải thiện
Các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp giúp kiểm soát phản ứng viêm và triệu chứng đau. Trong nhiều trường hợp, điều này có thể giúp bệnh thuyên giảm. Giảm viêm còn giúp ngăn ngừa tổn thương khớp và các cơ quan khác.
Các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Dùng thuốc
- Phương pháp điều trị thay thế hay các biện pháp khắc phục tại nhà
- Điều chỉnh chế độ ăn uống
- Tập thể dục
Bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân.
Điều trị đúng cách sẽ giúp bệnh nhân vận động thoải mái hơn và giảm nguy cơ biến chứng về lâu dài.
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Có nhiều loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, mỗi loại có mục đích khác nhau. Một số loại thuốc giúp giảm đau và viêm khớp trong khi một số loại có tác dụng giảm các đợt bùng phát và hạn chế tổn thương mà bệnh gây ra cho khớp.
Các loại thuốc không kê đơn sau đây giúp giảm đau và viêm vào các đợt bùng phát:
- thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- corticoid (corticosteroid)
- acetaminophen (giảm đau nhưng không giảm viêm)
Các loại thuốc sau đây có tác dụng làm giảm tổn hại mà bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra cho cơ thể:
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): DMARD có tác dụng ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch. Điều này giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Thuốc sinh học: Các loại DMARD sinh học thế hệ mới ngăn chặn phản ứng gây viêm của hệ miễn dịch thay vì ngăn chặn toàn bộ phản ứng của hệ miễn dịch. Những loại thuốc này là giải pháp điều trị hiệu quả cho những người không đáp ứng tốt với DMARD truyền thống.
- Thuốc ức chế Janus kinase (JAK): Đây là một loại DMARD có tác dụng ngăn chặn một số phản ứng miễn dịch nhất định. Thuốc ức chế JAK có thể được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng viêm và ngăn chặn tổn thương khớp khi DMARD truyền thống và DMARD sinh học không có tác dụng.
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Một số biện pháp khắc phục tại nhà và điều chỉnh lối sống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bị viêm khớp dạng thấp. Các biện pháp này gồm có tập thể dục, nghỉ ngơi, chườm nóng hoặc lạnh và sử dụng thiết bị hỗ trợ.
Tập thể dục
Các bài tập tác động thấp có thể giúp cải thiện phạm vi chuyển động của khớp và tăng khả năng vận động. Tập thể dục thường xuyên còn giúp tăng cường sức mạnh của cơ và giảm bớt áp lực tác động lên khớp.
Người bệnh cũng có thể thử các động tác yoga nhẹ nhàng để khôi phục sức mạnh và sự linh hoạt.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Người bệnh nên nghỉ ngơi và hạn chế vận động khi bệnh bùng phát. Ngủ đủ giấc sẽ giúp giảm viêm, đau và tình trạng mệt mỏi.
Chườm nóng hoặc lạnh
Chườm nóng hoặc lạnh có thể giúp giảm viêm và đau khớp. Các biện pháp này còn giúp giảm co thắt cơ.
Có thể đặt túi chườm hoặc ngâm khớp bị viêm trong nước ấm. Điều này sẽ giúp giảm cứng khớp.
Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Một số thiết bị như nẹp và đai quấn giúp làm giảm áp lực lên khớp. Điều này có thể giúp giảm viêm nhưng không nên sử dụng liên tục trong thời gian dài để tránh tình trạng “đông cứng khớp”.
Sử dụng gậy chống sẽ giúp đi lại vững vàng hơn, đặc biệt là vào các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính. Người bệnh cũng nên lắp đặt các thiết bị giúp giảm té ngã trong nhà, chẳng hạn như thanh vịn trong phòng tắm và dọc theo cầu thang.
Chế độ ăn uống cho người bị viêm khớp dạng thấp
Chế độ ăn chống viêm có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Chế độ ăn này gồm có các loại thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3.
Một số thực phẩm giàu axit béo omega-3 gồm có:
- Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích và cá thu
- Các loại hạt như hạt chia, hạt lanh
- Các loại quả hạch như óc chó, hồ đào, macca
Các chất chống oxy hóa, chẳng hạn như vitamin A, C, E và selen cũng có thể giúp giảm viêm. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa gồm có:
- Các loại quả mọng, chẳng hạn như việt quất, nam việt quất, quả goji, mâm xôi và dâu tây
- Sô cô la đen
- Một số loại rau củ như rau chân vịt, bông cải xanh, cà rốt, khoai tây, bông atiso, củ dền, khoai lang, bí ngô, cải kale…
- đậu tây
- Hạt hồ đào
Ăn nhiều chất xơ cũng rất quan trọng đối với người bị viêm khớp dạng thấp. Chất xơ có trong các loại rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
Thực phẩm chứa flavonoid cũng giúp chống lại tình trạng viêm trong cơ thể. Các loại thực phẩm chứa flavonoid gồm có:
- Các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ và tương miso
- Các loại quả mọng như mâm xôi, việt quất
- Trà xanh
- Bông cải xanh
- Nho
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn thì cũng có những thực phẩm mà người bị viêm khớp dạng thấp cần tránh hoặc hạn chế. Người bệnh cần tránh các loại thực phẩm kích hoạt triệu chứng, gồm có carbohydrate tinh chế và chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa.
Tránh các loại thực phẩm kích hoạt triệu chứng và chọn thực phẩm có lợi có thể giúp kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp dạng thấp có di truyền không?
Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền nhưng trong nhiều trường hợp, nhiều thế hệ trong một gia đình cùng mắc bệnh. Điều này có thể do yếu tố môi trường, yếu tố di truyền hoặc kết hợp cả hai.
Những người có người thân trong gia đình bị viêm khớp dạng thấp nên đi khám ngay khi có triệu chứng đau khớp dai dẳng, sưng tấy và cứng khớp dù không bị chấn thương hay sử dụng khớp liên tục.
Có tiền sử gia đình bị viêm khớp dạng thấp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh và việc phát hiện sớm sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
Biến chứng của viêm khớp dạng thấp
Bị viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ do thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.
- Bệnh tim mạch: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gần gấp đôi so với những người không bị viêm khớp dạng thấp. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao nếu người bệnh còn bị béo phì. Bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Hội chứng ống cổ tay: Đây là một vấn đề thường gặp ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Hội chứng ống cổ tay gây đau, tê hoặc châm chích ở bàn tay và ngón tay. Nguyên nhân là do dây thần kinh giữa ở bàn tay bị chèn ép.
- Bệnh phổi kẽ: Bệnh phổi kẽ xảy ra khi phổi bị viêm và là biến chứng về phổi chính của bênh viêm khớp dạng thấp.
- Xơ phổi: Xơ phổi là tình trạng phổi hình thành mô sẹo, trở nên cứng lại và dẫn đến khó thở. Viêm màng phổi cũng là một biến chứng về phổi của bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Đau ngực: Viêm mô xung quanh tim có thể dẫn đến viêm màng ngoài tim và tình trạng này gây đau ngực.
- Bệnh về mắt: Các biến chứng về mắt do viêm khớp dạng thấp gồm có viêm màng bồ đào và viêm củng mạc, gây đỏ mắt và đau. Bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể dẫn đến hội chứng Sjögren, gây khô mắt.
- Viêm mạch máu: Viêm mạch máu khiến cho các mạch máu hình thành sẹo, dày lên, yếu đi và hẹp lại. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể và đe dọa đến tính mạng.
- Tổn thương khớp: Tổn thương khớp vĩnh viễn xảy ra khi bệnh viêm khớp dạng thấp không được kiểm soát hoặc điều trị sớm. Các khớp có thể bị biến dạng nghiêm trọng và gân, xương, sụn gần đó cũng bị tổn thương. Người bệnh có thể cần phẫu thuật để ngăn ngừa mất chức năng khớp.
- Bệnh lý tủy cổ: Bị viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tủy cổ. Bệnh lý này là kết quả của sự chèn ép tủy sống ở cổ, dẫn đến trật khớp ở đầu tủy sống và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, đồng thời dẫn đến tổn thương tủy sống vĩnh viễn.
- Viêm phổi: Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất ở những người bị viêm khớp dạng thấp.
- Suy thận: Suy thận là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ ba ở những người bị viêm khớp dạng thấp. Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc cả bệnh suy thận mạn và viêm cầu thận.
- Xuất huyết tiêu hóa: Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng xuất huyết (chảy máu) nghiêm trọng ở phần trên của đường tiêu hóa. Đây là biến chứng về đường tiêu hóa phổ biến nhất ở những người bị viêm khớp dạng thấp và có liên quan đến thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
- Thiếu máu bất sản: Tình trạng xảy ra khi cơ thể tạo ra quá ít hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Điều này dẫn đến ba bệnh về máu là thiếu máu, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu. Viêm khớp dạng thấp càng nặng thì bệnh thiếu máu càng nghiêm trọng.
- Ung thư hạch: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc cả ung thư hạch Hodgkin và ung thư hạch không Hodgkin.
- Nốt dạng thấp: Những tổn thương dạng nốt sần nằm sâu ở lớp trung bì và mô dưới da. Nốt dạng thấp xảy ra ở 30 đến 40% bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp và có liên quan đến các bệnh nghiêm trọng hơn.
Tóm tắt bài viết
Viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh mạn tính hiện chưa có cách chữa trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp không xảy ra liên tục mà xảy ra theo đợt, giữa các đợt là các giai đoạn thuyên giảm không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ.
Triệu chứng và diễn tiến của bệnh viêm khớp dạng thấp ở mỗi người là khác nhau.
Mặc dù các triệu chứng có thể thuyên giảm trong thời gian dài nhưng tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp gây ra sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Điều trị sớm là điều rất quan trọng để trì hoãn tổn thương khớp và giảm nguy cơ biến chứng.
Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp. Mặc dù triệu chứng chính của viêm khớp dạng thấp là đau khớp và cứng khớp nhưng căn bệnh này còn có thể gây ra các vấn đề về da.
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh viêm khớp dạng thấp. Những loại thuốc này ngăn chặn phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức gây tổn thương khớp, nhờ đó giúp giảm sưng và đau. Tuy nhiên, DMARD không phải lúc nào cũng có tác dụng ngay từ đầu. Nếu đã dùng DMARD nhưng vẫn bị đau, có thể bạn sẽ cần chuyển sang loại thuốc khác hoặc kết hợp một số loại thuốc khác với DMARD để giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.