Cần làm gì khi thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp không còn hiệu quả?
Nếu loại thuốc bạn đang dùng hoàn toàn không có tác dụng hoặc sau một thời gian bị hiệu quả trong việc kiểm soát đau khớp thì đã đến lúc nên đi khám bác sĩ.
Các dấu hiệu cho thấy thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp hiện tại không hiệu quả
Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và các triệu chứng đã thay đổi như thế nào kể từ khi bắt đầu dùng loại thuốc hiện tại. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các khớp để tìm những dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp như sưng tấy, nóng và đỏ.
Sau đó bác sĩ sẽ yêu cần làm xét nghiệm máu và thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để xem tình trạng tổn thương khớp có trở nên trầm trọng hơn hay không:
- Xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu viêm
- Chụp X-quang để đánh giá tình trạng tổn thương khớp
- Chụp MRI hoặc siêu âm để xem bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến các khu vực khác trong cơ thể
Tăng liều dùng thuốc
Loại thuốc thường được kê đầu tiên để điều trị viêm khớp dạng thấp là methotrexate hoặc các loại DMARD khác. Ban đầu, bác sĩ sẽ kê từ liều thấp. Điều này giúp làm giảm các triệu chứng mà không gây ra quá nhiều tác dụng phụ.
Nếu tình trạng bệnh không cải thiện, bác sĩ có thể sẽ tăng liều.
Có thể phải sau vài tuần thì liều dùng mới mới có hiệu quả. Thông thường trong vòng ba tháng sẽ biết được liệu liều dùng mới có hiệu quả kiểm soát viêm khớp dạng thấp hay không.
Dùng thêm một loại DMARD nữa
Nếu tình trạng vẫn còn nặng, bác sĩ có thể sẽ kê thêm một loại DMARD khác để bạn dùng kèm với loại đang dùng. Có nhiều loại DMARD, gồm có:
- azathioprine (Azasan)
- cyclosporine (Neoral, Sandimmune, Gengraf)
- hydroxychloroquine (Plaquenil)
- leflunomide (Arava)
- methotrexate (Rheumatrex, Trexall)
- sulfasalazine (Azulfidine)
Bác sĩ cũng có thể sẽ kê DMARD sinh học – một nhóm DMARD mới. Đây là những protein biến đổi gen nhắm đến các phần tạo ra phản ứng viêm của hệ miễn dịch.
Thuốc ức chế TNF là một nhóm thuốc sinh học. Những loại thuốc này ngăn chặn một chất hóa học gọi là yếu tố hoại tử khối u (TNF) gây ra phản ứng viêm. Các loại thuốc ức chế TNF gồm có:
- certolizumab (Cimzia)
- adalimumab (Humira)
- etanercept (Enbrel)
- golimumab (Simponi)
- Infliximab (Remicade)
Sarilumab (Kevzara) và tocilizumab (Actemra) hoạt động trên một loại protein của hệ miễn dịch có tên là interleukin-6 (IL-6). Anakinra (Kineret) ảnh hưởng đến một loại protein khác của hệ miễn dịch tên là interleukin-1 (IL-1).
Rituximab (Rituxan) và abatacept (Orencia) tác động lên bạch cầu - các tế bào máu tạo ra phản ứng viêm.
Thuốc ức chế Janus kinase (JAK) là một loại DMARD mới. Ví dụ về các loại thuốc trong nhóm này là tofacitinib (Xeljanz) và baricitinib (Olumiant). Các loại thuốc này ngăn chặn Janus kinase - con đường truyền tín hiệu qua trung gian cytokine, gây viêm khớp.
Dùng loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp khác
DMARD không phải là loại thuốc duy nhất để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra còn nhiều loại thuốc khác cũng có tác dụng làm giảm viêm khớp
Bác sĩ có thể kê một trong những loại thuốc dưới đây ngoài DMARD:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): có tác dụng giảm viêm và đau. Một số các loại NSAID như ibuprofen và naproxen natri có thể mua mà không cần đơn của bác sĩ. Nhưng cũng có những loại NSAID kê đơn. Đa số NSAID có dạng viên uống nhưng NSAID cũng có trong một số loại thuốc bôi giảm đau.
- Steroid hay corticoid: Prednisone và các loại steroid khác nhanh chóng làm giảm tình trạng viêm. Những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng cân, loãng xương và tăng huyết áp. Do nguy cơ xảy ra những tác dụng phụ này steroid thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn để kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Ngoài dạng uống, steroid còn có dạng thuốc tiêm trực tiếp vào khớp để giảm viêm.
Các cách khác để kiểm soát viêm khớp dạng thấp
Bên cạnh dùng thuốc, bạn nên kết hợp thêm những thay đổi lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây để giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp:
Tập thể dục
Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp tăng cường các cơ hỗ trợ khớp. Đi bộ, bơi lội và các bài tập tác động thấp khác là những hình thức tập luyện an toàn nhất cho người bị viêm khớp dạng thấp. Các bài tập giãn cơ cũng rất quan trọng để duy trì sự linh hoạt và phạm vi chuyển động của khớp.
Nghỉ ngơi
Mặc dù hoạt động thể chất là điều cần thiết nhưng nghỉ ngơi hợp lý cũng rất quan trọng. Không nên hoạt động quá sức và hãy nghỉ khi cảm thấy cần, đặc biệt là vào các đợt bùng phát. Nghỉ ngơi sẽ giúp giảm áp lực lên khớp và cho cơ thể thời gian để phục hồi.
Điều chỉnh chế độ ăn
Không có chế độ ăn nào có thể điều trị viêm khớp dạng thấp nhưng ăn uống lành mạnh, cân bằng sẽ có lợi cho tình trạng bệnh. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây và rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt và cá có thể giúp giảm viêm trong cơ thể. Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa vì những chất này sẽ làm tăng viêm.
Chườm lạnh hoặc nóng
Chườm lạnh hoặc nóng lên khớp bị viêm vài lần một ngày. Chườm lạnh giúp giảm sưng đau trong khi chườm nóng giúp làm giãn các cơ đang bị căng và tăng lưu lượng máu đến khu vực bị viêm.
Phẫu thuật điều trị viêm khớp dạng thấp
Nếu khớp bị viêm và tổn thương nghiêm trọng đến mức cản trở cuộc sống hàng ngày và thuốc không có tác dụng thì có thể bạn sẽ phải phẫu thuật. Các loại phẫu thuật để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Cố định khớp: cố định các đầu xương trong khớp lại với nhau để ngăn khớp chuyển động và gây đau. Đây là một giải pháp cho những trường hợp chưa cần hoặc không thể phẫu thuật thay khớp
- Phẫu thuật gân
- Phẫu thuật cắt bỏ màng hoạt dịch: loại bỏ đi lớp niêm mạc khớp bị viêm
- Phẫu thuật thay khớp: cắt bỏ các phần bị hỏng của khớp và thay thế bằng khớp nhân tạo bằng kim loại hoặc nhựa
Dựa trên vị trí khớp bị viêm và mức độ nghiêm trọng của tình trạng, bác sĩ sẽ chỉ định loại phẫu thuật phù hợp và cho biết những ưu, nhược điểm của loại phẫu thuật đó.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù bệnh viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng, ngăn khớp tổn thương thêm và ngăn ngừa biến chứng.
Nếu mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, bạn nên tái khám định kỳ để đánh giá tình trạng khớp cũng như hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện tại.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng mới nào hoặc các triệu chứng trở nên nặng thêm. Nếu gặp tác dụng phụ của thuốc thì cũng cần báo cho bác sĩ.
Nếu tình trạng bệnh không cải thiện, bác sĩ sẽ điều chỉnh phương pháp điều trị, có thể là tăng liều dùng, đổi loại thuốc khác hoặc kê thêm thuốc. Ngoài dùng thuốc, bạn nên kết hợp thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp dạng thấp là một loại viêm khớp khá phổ biến với khoảng 20 triệu người mắc trên toàn thế giới. Đau, nhức và cứng khớp thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm khớp dạng thấp. Những tình trạng này khiến cho người bệnh khó thực hiện các hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở bàn tay, cổ tay, đầu gối và mắt cá chân.
Rituxan là một loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, thường được dùng cho những trường hợp không đáp ứng với các loại thuốc khác.
Thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học hay thuốc sinh học là một nhóm thuốc mới được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Nhóm thuốc này giúp cải thiện đáng kể việc điều trị cho nhiều người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, gồm có thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), thuốc sinh học, thuốc ức chế miễn dịch và thuốc ức chế JAK. Người bệnh có thể phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc để kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
Giống như nhiều loại thuốc khác, thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng có tác dụng phụ.