Tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
NSAID và các thuốc chống viêm khác
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các khớp và gây viêm. Bệnh gây ra các triệu chứng như sưng, đau và cứng khớp. Một cách phổ biến để giảm tình trạng sưng đau khớp do viêm khớp dạng thấp là sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen. Mặc dù những loại thuốc này không chữa khỏi được bệnh nhưng có thể giúp làm dịu cơn đau và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Một tác dụng phụ của NSAID là các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu. Đôi khi, NSAID còn có thể gây chảy máu nghiêm trọng ở dạ dày hoặc ruột. NSAID còn có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn. Celecoxib là một loại NSAID kê đơn có hiệu quả giảm viêm tương tự như các loại thuốc không kê đơn nhưng ít gây ra các tác dụng phụ về tiêu hóa hơn. NSAID thường được sử dụng cùng với các loại thuốc khác để điều trị viêm khớp dạng thấp.
Methotrexate
Phát hiện và điều trị viêm khớp dạng thấp ngay từ sớm sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương khớp. Một trong những nhóm thuốc chính để điều trị viêm khớp dạng thấp là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD). Nhóm thuốc này làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch và nhờ đó giảm viêm ở các khớp. Nhờ có DMARD, người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể có một cuộc sống bình thường hoặc gần như bình thường. Methotrexate là loại DMARD được sử dụng phổ biến nhất và thường được kê đầu tiên cho người bệnh viêm khớp dạng thấp.
Mặc dù có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa tổn thương khớp nhưng methotrexate có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Buồn nôn
- Nôn
- Giảm chức năng gan
- Loét miệng
- Phát ban
- Tiêu chảy
- Khó thở
- Ho dai dẳng
- Rụng tóc
- Chán ăn
- Đau bụng, khó tiêu
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Đau đầu
Phụ nữ không nên dùng methotrexate khi đang mang thai. Người bệnh có thể cần uống bổ sung folate để giảm một số tác dụng phụ của methotrexate.
Leflunomide
Leflunomide (Arava) là một loại thuốc DMARD giúp giảm đau và sưng tấy do viêm khớp dạng thấp. Loại thuốc này có thể được dùng cùng với methotrexate nếu methotrexate không đủ hiệu quả.
Leflunomide có thể gây tổn thương gan nên người bệnh cần làm xét nghiệm chức năng gan định kỳ trong thời gian sử dụng thuốc. Do có thể ảnh hưởng đến gan nên người bệnh không nên uống rượu khi dùng leflunomide. Phụ nữ đang mang thai hoặc đang dự định mang thai không nên dùng leflunomide vì loại thuốc này có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi, điều này có thể xảy ra ngay cả khi mang thai sau khi đã ngừng thuốc. Tiêu chảy là tác dụng phụ phổ biến nhất của leflunomide.
Hydroxychloroquine và sulfasalazine
Hydroxychloroquine là một loại DMARD được sử dụng cho những người bị viêm khớp dạng thấp nhẹ. Loại thuốc này làm gián đoạn tín hiệu giữa các tế bào. Đây là một trong những loại DMARD an toàn nhất. Các tác dụng phụ thường chỉ ở mức độ nhẹ, gồm có buồn nôn và tiêu chảy. Uống thuốc sau khi ăn có thể giúp giảm tác dụng phụ. Hydroxychloroquine còn có thể gây ra tác dụng phụ về da như phát ban hoặc tăng sắc tố da, mặc dù ít phổ biến hơn. Một tác dụng phụ rất hiếm gặp của hydroxychloroquine là suy giảm thị lực. Nếu gặp vấn đề về thị lực khi sử dụng thuốc thì người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ.
Sulfasalazine là một loại DMARD thế hệ cũ nhưng hiện nay vẫn được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp. Loại thuốc này là sự kết hợp giữa thuốc giảm đau giống aspirin với thuốc kháng sinh sulfa. Thuốc thường chỉ gây ra các tác dụng phụ nhẹ. Buồn nôn và khó tiêu là những tác dụng phụ phổ biến nhất. Sulfasalazine còn có thể khiến da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Do đó, người bện cần bảo vệ da cẩn thận khi ra nắng trong thời gian sử dụng loại thuốc này.
Thuốc sinh học: Thuốc ức chế TNF
Sự ra đời của thuốc sinh học đã cải thiện đáng kể việc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Cơ chế tác dụng của các loại thuốc này là tác động đến một số thành phần của hệ thống miễn dịch. Một nhóm thuốc sinh học được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp là thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (thuốc ức chế TNF). Nhóm thuốc này ngăn chặn yếu tố hoại tử khối u (tumor necrosis factor) - một loại protein gây viêm. Do ức chế hệ miễn dịch nên những loại thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đây là một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của thuốc ức chế TNF.
Thuốc ức chế TNF được sử dụng qua đường tiêm. Kích ứng tại vị trí tiêm là một tác dụng phụ thường gặp. Người bệnh cần làm xét nghiệm bệnh lao và viêm gan B trước khi bắt đầu sử dụng thuốc ức chế TNF vì các loại thuốc này làm suy yếu hệ miễn dịch. Ở những người mắc các bệnh này, sử dụng thuốc ức chế TNF có thể khiến cho bệnh tái phát. Sử dụng thuốc ức chế TNF trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch và ung thư da.
Thuốc ức chế miễn dịch
Một số loại thuốc chống thải ghép (thuốc được dùng sau khi phẫu thuật ghép tạng để ngăn cơ thể đào thải tạng ghép) cũng được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Những loại thuốc này được gọi là thuốc ức chế miễn dịch. Một số ví dụ về những loại thuốc này là cyclosporine và azathioprine. Cyclosporine có thể gây tăng huyết áp, các vấn đề về thận hoặc kích hoạt cơn gout cấp. Azathioprine có thể gây buồn nôn, nôn và tổn thương gan. Giống như các loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch khác, những loại thuốc này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Cyclophosphamide (Cytoxan) là loại thuốc ức chế miễn dịch mạnh dành riêng cho những người bị viêm khớp dạng thấp nặng. Loại thuốc này thường chỉ được sử dụng khi các loại thuốc khác không hiệu quả. Cyclophosphamide có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như giảm số lượng tế bào máu thấp và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Loại thuốc này còn gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và kích thích bàng quang.
Minocycline và thuốc chứa vàng
Trước đây, bệnh viêm khớp dạng thấp được điều trị bằng các loại thuốc có chứa vàng. Đây là một trong những loại thuốc được sử dụng sớm nhất để điều trị viêm khớp dạng thấp. Hiện nay các loại thuốc này đã không còn được sử dụng phổ biến nữa. Thuốc chứa vàng thường được sử dụng qua đường tiêm nhưng cũng có cả dạng thuốc đường uống. Các loại thuốc chứa vàng có thể gây ra tác dụng phụ khó chịu. Phát ban trên da, loét miệng và thay đổi vị giác là những tác dụng phụ thường gặp nhất. Các loại thuốc này còn có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào máu.
Mặc dù bệnh viêm khớp dạng thấp không phải do nhiễm trùng nhưng một loại kháng sinh có tên là minocycline có thể giúp điều trị viêm khớp dạng thấp nhẹ. Loại kháng sinh này có cơ chế hoạt động tương tự như một số loại DMARD và có thể giúp giảm viêm. Các tác dụng phụ thường gặp của minocycline gồm có chóng mặt, nổi mẩn đỏ và buồn nôn. Sử dụng minocycline còn làm tăng nguy cơ nhiễm nấm âm đạo ở phụ nữ.
Thuốc sinh học: Thuốc ức chế JAK
Thuốc ức chế JAK là một nhóm thuốc sinh học mới để điều trị viêm khớp dạng thấp. Tofacitinib (Xeljanz) là loại thuốc ức chế JAK được tạo ra đầu tiên. Không giống như các loại DMARD khác, tofacitinib có dạng thuốc đường uống. Điều này giúp tránh xảy ra các phản ứng trên da tại vị trí tiêm.
Giống như các DMARD khác, tofacitinib cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Những người đang bị nhiễm trùng và người mang virus viêm gan B hoặc viêm gan C không nên dùng tofacitinib. Người bệnh cần báo cho bác sĩ nếu có triệu chứng nhiễm trùng trong thời gian dùng thuốc. Một số triệu chứng nhiễm trùng gồm có sốt, đau cơ, ớn lạnh, ho và sụt cân.
Sử dụng tofacitinib có thể làm tăng nguy cơ mắc một bệnh nhiễm trùng phổi có tên là nhiễm nấm histoplasma. Căn bệnh này xảy ra do hít phải bào tử nấm trong không khí.
Tofacitinib còn có thể làm tăng nồng độ lipid trong máu nhưng tỷ lệ giữa LDL (cholesterol xấu) và HDL (cholesterol tốt) thường không đổi.
Viêm khớp dạng thấp là một loại viêm khớp khá phổ biến với khoảng 20 triệu người mắc trên toàn thế giới. Đau, nhức và cứng khớp thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm khớp dạng thấp. Những tình trạng này khiến cho người bệnh khó thực hiện các hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở bàn tay, cổ tay, đầu gối và mắt cá chân.
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh viêm khớp dạng thấp. Những loại thuốc này ngăn chặn phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức gây tổn thương khớp, nhờ đó giúp giảm sưng và đau. Tuy nhiên, DMARD không phải lúc nào cũng có tác dụng ngay từ đầu. Nếu đã dùng DMARD nhưng vẫn bị đau, có thể bạn sẽ cần chuyển sang loại thuốc khác hoặc kết hợp một số loại thuốc khác với DMARD để giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học hay thuốc sinh học là một nhóm thuốc mới được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Nhóm thuốc này giúp cải thiện đáng kể việc điều trị cho nhiều người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) là một trong những phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả nhất. Các loại thuốc này giúp giảm viêm, giảm đau và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tiến triển và phác đồ điều trị cũng có thể cần thay đổi theo thời gian. Dưới đây là 7 lý do chính cần điều chỉnh thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.