1

Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp: DMARD và thuốc ức chế TNF-alpha

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) là một trong những phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả nhất. Các loại thuốc này giúp giảm viêm, giảm đau và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp: DMARD và thuốc ức chế TNF-alpha Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp: DMARD và thuốc ức chế TNF-alpha

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh trong khớp, dẫn đến sưng, đau và cứng khớp.

Không giống như bệnh thoái hóa khớp xảy ra do sự hao mòn sụn theo thời gian và chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp.

Bệnh viêm khớp dạng thấp hiện không có cách chữa trị khỏi nhưng có nhiều loại thuốc giúp làm giảm các triệu chứng, gồm có:

  • Thuốc ức chế miễn dịch
  • Thuốc chống viêm
  • Corticoid (steroid)

Một trong những nhóm thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả nhất là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), trong đó có thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (thuốc ức chế TNF).

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (disease modifying anti-rheumatic drug - DMARD) thường là loại thuốc được kê đầu tiên để điều trị viêm khớp dạng thấp. Theo Trung tâm Viêm khớp Johns Hopkins, phần lớn tổn thương khớp vĩnh viễn do viêm khớp dạng thấp xảy ra trong 2 năm đầu tiên. DMARD giúp ngăn chặn đáng kể tổn thương khớp ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.

Cơ chế tác dụng của DMARD là làm suy yếu hệ miễn dịch. Điều này làm giảm sự tấn công của hệ miễn dịch lên các khớp, từ đó làm giảm viêm và tổn thương khớp.

Methotrexate là loại DMARD được sử dụng phổ biến nhất để điều trị viêm khớp dạng thấp.

Các DMARD khác cũng đã được phê duyệt để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • azathioprine (Azasan, Imuran)
  • baricitinib (Olumiant), chỉ có dạng biệt dược
  • cyclosporine (Gengraf, Neoral, Sandimmune)
  • hydroxychloroquine (Plaquenil)
  • leflunomide (Arava)
  • sulfasalazine (Azulfidine, Azulfidine EN-tab)
  • tofacitinib (Xeljanz, Xeljanz XR), chỉ có dạng biệt dược
  • upadacitinib (Rinvoq), chỉ có dạng biệt dược

DMARD sinh học

Thuốc sinh học là các loại thuốc chống viêm được làm từ sinh vật sống. Một số loại thuốc sinh học thế hệ mới cũng có cơ chế tác dụng như DMARD và đã được phê duyệt để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.

Thuốc sinh học nhắm đến các con đường truyền gây viêm của hệ miễn dịch và được sử dụng qua đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

Các loại thuốc sinh học để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • abatacept (Orencia)
  • anakinra (Kineret)
  • rituximab (Rituxan)
  • tocilizumab (Actemra)
  • tất cả các loại thuốc ức chế TNF-alpha

Các loại thuốc này chỉ có dạng biệt dược, không có thuốc gốc.

Thuốc ức chế TNF-alpha

Yếu tố hoại tử khối u alpha (tumor necrosis factor alpha) hay TNF-alpha là một chất có tự nhiên trong cơ thể. Ở những người bị viêm khớp dạng thấp, các tế bào của hệ miễn dịch tấn công các khớp sẽ làm tăng lượng TNF-alpha. Lượng TNF-alpha cao gây ra tình trạng đau và sưng tấy.

Có nhiều yếu tố góp phần gây tổn thương khớp ở người bị viêm khớp dạng thấp nhưng TNF-alpha là yếu tố chính trong quá trình này.

Vì lượng TNF-alpha cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng viêm khớp dạng thấp nên thuốc ức chế TNF-alpha có vai trò rất quan trọng trong điều trị viêm khớp dạng thấp.

Có 6 loại thuốc ức chế TNF-alpha đã được phê duyệt để điều trị viêm khớp dạng thấp:

  • adalimumab (Humira)
  • certolizumab pegol (Cimzia)
  • etanercept (Enbrel)
  • golimumab (Simponi), một loại thuốc tiêm hàng tháng
  • golimumab (Simponi Aria), một loại thuốc truyền tĩnh mạch được truyền 8 tuần một lần
  • infliximab (Remicade)

Thuốc ức chế TNF-alpha còn được gọi là thuốc chẹn TNF-alpha vì các loại thuốc này ngăn cản hoạt động của TNF-alpha. Các loại thuốc này còn làm giảm lượng TNF-alpha trong cơ thể và nhờ đó giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Thuốc ức chế TNF-alpha phát huy tác dụng nhanh hơn so với các loại DMARD khác. Thuốc ức chế TNF-alpha có thể bắt đầu phát huy tác dụng chỉ sau 2 tuần.

Thuốc tương tự sinh học

Thuốc tương tự sinh học (biosimilar) không phải là bản sao y hệt của thuốc sinh học nhưng được bào chế để mang lại kết quả tương tự.

Các loại thuốc tương tự sinh học để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • adalimumab-adaz (Hyrimoz)
  • adalimumab-adbm (Cyltezo)
  • adalimumab-afzb (Abrilada)
  • adalimumab-atto (Amjevita)
  • adalimumab-aqvh (Yusimry)
  • adalimumab-bwwd (Hadlima)
  • adalimumab-fkjp (Hulio)
  • etanercept-szzs (erelzi)
  • etanercept-ykro (eticovo)
  • infliximab-abda (renflexis)
  • infliximab-axxq (avsola)
  • infliximab-dyyb (inflectra)
  • infliximab-qbtx (Ixifi)
  • rituximab-abbs (Truxima)
  • rituximab-arrx (Riabni)

Những thuốc tương tự sinh học này cũng được xếp vào nhóm thuốc ức chế TNF-alpha hoặc DMARD sinh học.

Mặc dù tất cả các loại thuốc tương tự sinh học kể trên đều đã được phê duyệt nhưng không phải loại thuốc nào trong số này cũng được bán trên thị trường. Lý do là vì bằng sáng chế của thuốc sinh học tương ứng vẫn chưa hết hạn.

DMARD và thuốc giảm đau

Một nhược điểm lớn của DMARD là phát huy tác dụng chậm. Có thể phải sau vài tháng dùng thuốc thì tình trạng đau khớp mới cải thiện.

Vì lý do này nên bác sĩ thường kê các loại thuốc giảm đau tác dụng nhanh như corticoid hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cùng với DMARD. Những loại thuốc này giúp giảm đau trong thời gian chờ DMARD phát huy tác dụng.

Một số loại corticoid thường được sử dụng cùng với DMARD để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • methylprednisolone
  • prednisone

Các loại NSAID không kê đơn gồm có:

  • aspirin
  • ibuprofen
  • naproxen

Các loại NSAID kê đơn gồm có:

  • celecoxib
  • nabumeton
  • piroxicam

Rủi ro khi sử dụng DMARD

DMARD ức chế toàn bộ hệ miễn dịch, dẫn đến làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Điều này có nghĩa là sử dụng DMARD sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Các bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất xảy ra ở những người bị viêm khớp dạng thấp là:

  • Nhiễm trùng da
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Viêm phổi
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu

Để ngăn ngừa nhiễm trùng, người bệnh cần chú ý giữ vệ sinh thân thể như rửa tay thường xuyên và tắm hàng ngày. Ngoài ra, hãy tránh xa những người có dấu hiệu nhiễm trùng.

Chế độ ăn uống giúp kiểm soát viêm khớp dạng thấp

Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là một cách để kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp.

Chế độ ăn gồm nhiều thực phẩm chống viêm, chứa nhiều chất chống oxy hóa và axit béo omega-3 có thể giúp giảm tình trạng viêm trong cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch – một trong những biến chứng phổ biến ở người bị viêm khớp dạng thấp.

Các loại thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa gồm có trái cây và rau củ. Thực phẩm giàu axit béo omega-3 gồm có các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi và cá tuyết, các loại quả hạch như óc chó và hạnh nhân, các loại hạt như hạt lanh và hạt chia. Các loại hạt này còn là nguồn cung cấp protein và chất xơ dồi dào.

Một trong những chế độ ăn rất có lợi cho những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý viêm khác là chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải. Chế độ ăn này gồm chủ yếu các loại thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc nguyên cám, rau củ quả, thủy hải sản, dầu ô liu, các loại hạt và quả hạch cùng các loại đậu.

Giảm lượng đường và ngũ cốc tinh chế cũng sẽ giúp giảm viêm.

Các tế bào mỡ cũng tham gia vào phản ứng viêm và viêm là nguyên nhân ra các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Vì vậy, giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể là một điều cần thiết để giảm sưng, đau và các triệu chứng khác của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, gồm có thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), thuốc sinh học, thuốc ức chế miễn dịch và thuốc ức chế JAK. Người bệnh có thể phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc để kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

Tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Giống như nhiều loại thuốc khác, thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng có tác dụng phụ.

Các loại thuốc truyền tĩnh mạch điều trị viêm khớp dạng thấp
Các loại thuốc truyền tĩnh mạch điều trị viêm khớp dạng thấp

Điều trị viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu bằng thuốc đường uống. Nhưng đôi khi, thuốc đường uống không đủ để kiểm soát và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Trong những trường hợp này, người bệnh có thể phải điều trị bằng các loại thuốc tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

Khi nào cần thay đổi thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp?
Khi nào cần thay đổi thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tiến triển và phác đồ điều trị cũng có thể cần thay đổi theo thời gian. Dưới đây là 7 lý do chính cần điều chỉnh thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.

Có nên dùng thuốc giảm đau opioid để điều trị viêm khớp dạng thấp không?
Có nên dùng thuốc giảm đau opioid để điều trị viêm khớp dạng thấp không?

Viêm khớp dạng thấp là một loại viêm khớp khá phổ biến với khoảng 20 triệu người mắc trên toàn thế giới. Đau, nhức và cứng khớp thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm khớp dạng thấp. Những tình trạng này khiến cho người bệnh khó thực hiện các hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở bàn tay, cổ tay, đầu gối và mắt cá chân.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây