Có thể bị viêm khớp dạng thấp và bệnh gout cùng một lúc không?
Bệnh gout, nhất là giai đoạn sau, có nhiều triệu chứng giống với bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, đây là hai căn bệnh khác nhau, do nguyên nhân khác nhau gây ra và có cách điều trị khác nhau.
Nếu bạn mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và đang sử dụng thuốc mà thấy các triệu chứng không cải thiện hoặc phát hiện thêm triệu chứng mới thì nên đi khám và làm xét nghiệm bệnh gout. Hai bệnh lý này có thể xảy ra đồng thời.
Bệnh gout và viêm khớp dạng thấp
Bệnh gout là do nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao.
Phương pháp điều trị bằng aspirin liều cao có thể giúp đào thải axit uric qua thận và làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout. Vì aspirin liều cao từng là phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp phổ biến nên các nhà nghiên cứu trước đây cho rằng một người không thể mắc cả bệnh gout và viêm khớp dạng thấp cùng một lúc.
Điều trị bằng aspirin liều thấp có thể là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
Tuy nhiên, vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy điều ngược lại.
Nghiên cứu khác cũng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh gout ở những người bị viêm khớp dạng thấp cao hơn so với con số được đưa ra trước đó. (1) Một nghiên cứu vào năm 2013 đã thống kê các ca bệnh viêm khớp dạng thấp và phát hiện ra rằng 5,3% số người bị viêm khớp dạng thấp mắc bệnh gout. (2)
Nguyên nhân gây viêm khác nhau
Một nghiên cứu trên những phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cho thấy những người này có nồng độ axit uric huyết thanh cao hơn đáng kể so với người không bị viêm khớp dạng thấp. Nồng độ axit uric trong máu quá cao có thể gây ra bệnh gout.
Khi nồng độ trong máu ở mức quá cao, axit uric sẽ tích tụ lại và hình thành các tinh thể urat. Những tinh thể này sau đó sẽ tích tụ trong khớp, gây viêm và đau đớn.
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các khớp và đôi khi cả các cơ quan khác do nhận nhầm các cơ quan này là tác nhân gây hại xâm nhập từ bên ngoài.
Như vậy, nguyên nhân gây viêm ở bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh gout là khác nhau nhưng hai bệnh lý này có các triệu chứng tương tự nhau. Và điều này gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Triệu chứng của bệnh gout và viêm khớp dạng thấp
Một trong những triệu chứng giống nhau của bệnh gout và viêm khớp dạng thấp là các cục cứng dưới da. Những cục cứng này hình thành xung quanh khớp hoặc tại các vị trí thường xuyên phải chịu tỳ đè như khuỷu tay và gót chân. Nguyên nhân gây hình thành những cục cứng này ở bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh gout là khác nhau.
Ở bệnh viêm khớp dạng thấp, tình trạng viêm quanh khớp là nguyên nhân gây hình thành cục cứng dưới da, gọi là các nốt dạng thấp. Những cục cứng này đa phần không gây đau đớn. Ở bệnh gout, cục cứng dưới da hình thành do sự tích tụ natri urat. Các cục cứng này trông rất giống các nốt dạng thấp.
Mặc dù có một số triệu chứng giống nhau gồm sưng đau khớp và cục cứng dưới da nhưng triệu chứng viêm khớp dạng thấp và bệnh gout có một số điểm khác biệt.
Viêm khớp dạng thấp | Bệnh gout |
Cơn đau có thể dữ dội ngay từ đầu hoặc tăng từ từ theo thời gian | Tình trạng viêm và đau thường bắt đầu ở ngón chân cái |
Đau và cứng ở các khớp đối xứng trên cơ thể, ví dụ như hai bên cổ tay, bàn tay hay đầu gối | Cơn đau thường xảy ra sau khi bị bệnh hoặc bị chấn thương |
Chủ yếu xảy ra ở các khớp nhỏ như khớp ngón tay, cổ tay và ngón chân | Tình trạng viêm đau lan đến các khớp khác theo thời gian |
Nguyên nhân gây bệnh gout
Tuy rằng có nhiều triệu chứng giống nhau nhưng viêm khớp dạng thấp và bệnh gout là do những nguyên nhân khác nhau gây ra. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn do sự nhầm lẫn của hệ miễn dịch trong khi bệnh gout là do có quá nhiều axit uric trong máu.
Có nhiều nguyên nhân làm tăng nồng độ axit uric trong máu và dẫn đến bệnh gout:
- Uống quá nhiều rượu
- Ăn nhiều thực phẩm giàu purin –chất này bị phân hủy thành axit uric khi vào cơ thể
- Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu hoặc aspirin
- Mắc bệnh thận
- Mang một số gen nhất định
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác khiến hệ miễn dịch tấn công mô khớp và gây viêm.
Chẩn đoán bệnh gout
Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả của nhiều xét nghiệm để chẩn đoán bệnh gout, gồm có:
- xét nghiệm dịch khớp để tìm tinh thể urat
- xét nghiệm máu để đo nồng độ axit uric và creatinin
Ngoài ra còn phải thực hiện cả các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:
- Siêu âm để tìm tinh thể urat trong khớp
- Chụp X-quang để kiểm tra tình trạng xương trong khớp
- Chụp CT hai mức năng lượng để kiểm tra sự tích tụ axit uric trong các mô
Dựa trên kết quả chẩn đoán (chỉ mắc bệnh gout hoặc viêm khớp dạng thấp hoặc cả hai) mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc phù hợp.
Điều trị bệnh gout
Bệnh gout được hiểu rõ hơn bệnh viêm khớp dạng thấp và việc điều trị thường tương đối đơn giản. Người mắc bệnh gout thường phải kết hợp dùng thuốc với thay đổi lối sống.
Thuốc
Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh gout là giảm viêm và đau vào các cơn gout cấp và làm giảm nồng độ axit uric trong máu để giảm nguy cơ bùng phát bệnh trong tương lai. Các phương pháp chính để điều trị bệnh gout gồm có:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): tùy vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà người bệnh có thể chỉ cần dùng các loại thuốc không kê đơn như ibuprofen hoặc phải dùng đến thuốc kê đơn như indomethacin hoặc celecoxib. NSAID giúp giảm viêm và đau khớp.
- Colchicine: có tác dụng giảm viêm và giảm đau do bệnh gout. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn và tiêu chảy.
- Corticoid: có dạng thuốc đường uống và thuốc tiêm, có tác dụng kiểm soát tình trạng viêm và giảm đau. Do đi kèm nhiều tác dụng phụ nên corticoid thường chỉ được sử dụng cho những người không thể dùng NSAID hoặc colchicine.
- Thuốc ức chế xanthine oxyase: Đây là một nhóm thuốc kê đơn giúp làm giảm sự sản xuất axit uric bằng cách ức chế hoạt động của enzym xanthine oxyase và chủ yếu được sử dụng để điều trị bệnh gout do tăng axit uric máu. Ví dụ về các loại thuốc ức chế xanthine oxyase gồm có allopurinol và febuxostat.
Nếu các cơn gout cấp xảy ra thường xuyên, bác sĩ sẽ kê thuốc để ngăn chặn sự sản xuất axit uric hoặc làm tăng sự đào thải axit uric. Những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Phát ban nghiêm trọng (hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc)
- Buồn nôn
- Sỏi thận
- Suy tủy xương (thiếu máu bất sản)
Thay đổi lối sống
Một số thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát bệnh goóa gồm có:
- Kiêng đồ uống có cồn
- Uống đủ nước
- Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều purin, chẳng hạn như thịt đỏ, nội tạng và hải sản
- Tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng khỏe mạnh
Một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu như cà phê, vitamin C và quả anh đào.
Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này đều không thể thay thế cho các loại thuốc mà bác sĩ kê. Cho dù thay đổi lối sống, chế độ ăn uống hay dùng thực phẩm chức năng thì người bệnh vẫn phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào để tránh xảy ra tương tác với loại thuốc đang dùng.
Tóm tắt bài viết
Các nhà nghiên cứu trước đây từng cho rằng bệnh gout và viêm khớp dạng thấp không thể xảy ra cùng lúc vì các phương pháp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp như aspirin có thể giúp đào thải axit uric khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiện tại không còn phụ thuộc vào aspirin liều cao nữa. Các nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra rằng một người có thể mắc bệnh gout và viêm khớp dạng thấp cùng lúc.
Mặc dù có nhiều triệu chứng tương đồng nhưng bệnh gout và viêm khớp dạng thấp là do nguyên nhân khác nhau gây nên và có cách điều trị khác nhau.
Bạn nên đi khám nếu các triệu chứng viêm khớp dạng thấp không thuyên giảm hoặc xuất hiện triệu chứng mới dù vẫn dùng thuốc đúng chỉ định, đặc biệt là khi bị đau ở khớp ngón chân cái. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh gout. Kết hợp dùng thuốc với thay đổi lối sống có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và giảm tần suất các cơn gout cấp.
Chụp X-quang có thể giúp phát hiện những thay đổi bất thường ở xương và khớp, từ đó giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Chụp X-quang thường được kết hợp cùng với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm.
Viêm khớp dạng thấp và bệnh gout là hai loại viêm khớp khác nhau. Hai bệnh lý có một số triệu chứng tương đồng nhưng là do những nguyên nhân khác nhau gây ra và phương pháp điều trị cũng khác nhau.
Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm xảy ra ở niêm mạc khớp do sự tấn công nhầm của hệ miễn dịch. Bệnh viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp của bàn tay và bàn chân. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho các khớp và còn có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể.
Viêm khớp dạng thấp là một loại viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công niêm mạc khớp. Điều này khiến cho khớp bị sưng đỏ, đau và giảm phạm vi chuyển động. Tình trạng viêm do hệ miễn dịch gây ra còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả thận..
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.