1

Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào? Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?

Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp xảy ra theo đợt và giữa các đợt, người bệnh chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp dựa trên bệnh sử của người bệnh, kết quả khám lâm sàng ban đầu và kết quả xét nghiệm. Sau khi bắt đầu điều trị, người bệnh vẫn cần tái khám thường xuyên.

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, bệnh sử và các yếu tố nguy cơ của người bệnh, sau đó tiến hành kiểm tra xem khớp có bị sưng, đau và giảm phạm vi chuyển động hay không. Tiếp theo, người bệnh cần phải làm xét nghiệm máu.

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm máu, chụp X-quang và siêu âm để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Xét nghiệm máu giúp phát hiện mức độ viêm cao trong cơ thể hoặc sự hiện diện một số kháng thể chỉ ra bệnh viêm khớp dạng thấp. Các xét nghiệm máu thường được thực hiện gồm có:

  • Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu hay xét nghiệm máu lắng: tốc độ lắng hồng cầu cao chỉ ra tình trạng viêm trong cơ thể
  • Xét nghiệm anti-CCP: đo nồng độ kháng thể kháng CCP (cyclic citrullinated peptides). Kháng thể này được tìm thấy ở hơn 75% người mắc viêm khớp dạng thấp.
  • Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor): được tìm thấy ở 80% người mắc viêm khớp dạng thấp

Thông thường, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán viêm khớp dạng thấp khi người bệnh gặp các triệu chứng trong ít nhất 3 tháng.

Xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn. Một số xét nghiệm máu có thể phát hiện những thay đổi của hệ miễn dịch hoặc kháng thể tấn công các khớp và các cơ quan khác. Một số xét nghiệm khác giúp phát hiện sự hiện diện và kiểm tra mức độ viêm.

Để làm xét nghiệm máu, người bệnh sẽ phải lấy một mẫu nhỏ từ tĩnh mạch. Mẫu máu sau đó được mang đến phòng xét nghiệm để phân tích. Không có xét nghiệm duy nhất nào có thể xác nhận viêm khớp dạng thấp, vì vậy nên cần thực hiện nhiều xét nghiệm.

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp

Nhiều người bị viêm khớp dạng thấp có nồng độ yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor – RF) cao trong máu. Yếu tố dạng thấp là một loại kháng thể (protein) mà hệ miễn dịch tạo ra. Yếu tố dạng thấp có thể tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể.

Không thể chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm RF để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Mức RF cao không đặc trưng cho bệnh viêm khớp dạng thấp và không phải ai bị viêm khớp dạng thấp cũng có kết quả xét nghiệm RF dương tính. Kết quả xét nghiệm RF dương tính cũng có thể là do các bệnh khác, chẳng hạn như viêm gan C và hội chứng Sjögren.

Xét nghiệm anti-CCP

Xét nghiệm anti-CCP tìm một loại kháng thể có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp (kháng thể kháng CCP).

Một tổng quan nghiên cứu từ năm 2015 cho thấy xét nghiệm này có thể xác định những người có nguy cơ cao bị tổn thương nghiêm trọng và không thể phục hồi do viêm khớp dạng thấp.

Nếu xét nghiệm anti-CCP cho kết quả dương tính thì rất có thể người bệnh đang bị viêm khớp dạng thấp. Xét nghiệm anti-CCP dương tính còn có nghĩa là bệnh viêm khớp dạng thấp có khả năng tiến triển nhanh hơn.

Xét nghiệm antti-CCP hầu như không bao giờ cho kết quả dương tính ở người không bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên đôi khi, xét nghiệm này cho kết quả âm tính ở người bị viêm khớp dạng thấp.

Để xác nhận bệnh viêm khớp dạng thấp, bác sĩ sẽ kết hợp kết quả xét nghiệm này với các xét nghiệm khác và kết quả khám lâm sàng.

Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA)

Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (antinuclear antibody – ANA) được sử dụng trong chẩn đoán các bệnh tự miễn nói chung.

Xét nghiệm ANA dương tính có nghĩa là cơ thể đang tạo ra kháng thể tấn công các tế bào bình thường thay vì các sinh vật lạ. Nồng độ kháng thể kháng nhân cao cho thấy hệ miễn dịch đang tự tấn công cơ thể.

Vì viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn nên nhiều người mắc bệnh này có xét nghiệm ANA dương tính. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ANA dương tính không có nghĩa là bệnh viêm khớp dạng thấp.

Nhiều trường hợp có kết quả xét nghiệm ANA dương tính ở mức độ thấp mà không có bằng chứng lâm sàng về bệnh viêm khớp dạng thấp.

Công thức máu toàn bộ

Công thức máu toàn bộ (complete blood count – CBC) đo số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu.

Hồng cầu là các tế bào máu có chức năng mang oxy đi khắp cơ thể. Số lượng hồng cầu thấp cho thấy tình trạng thiếu máu và đây là một vấn đề thường gặp ở những người bị viêm khớp dạng thấp.

Bạch cầu có chức năng chống nhiễm trùng và số lượng bạch cầu cao có thể chỉ ra tình trạng rối loạn chức năng hệ miễn dịch hoặc viêm. Điều này cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Công thức máu toàn bộ còn đo lượng hemoglobin hay huyết sắc tố (một loại protein trong máu mang oxy) và hematocrit (tỉ lệ hồng cầu trong thể tích máu toàn phần). Những người bị viêm khớp dạng thấp có mức hematocrit thấp.

Tốc độ máu lắng (tốc độ lắng hồng cầu)

Xét nghiệm tốc độ máu lắng (erythrocyte sedimentation rate – ESR) giúp phát hiện tình trạng viêm trong cơ thể. Kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ đo tốc độ hồng cầu kết tụ và chìm xuống đáy ống nghiệm.

Thông thường có mối tương quan trực tiếp giữa tốc độ máu lắng và mức độ viêm trong cơ thể. Tốc độ máu lắng tăng cao khi trong máu có nhiều thành phần gây viêm làm chậm tốc độ hồng cầu chìm xuống đáy ống nghiệm.

Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP)

Đây cũng là một xét nghiệm được sử dụng để phát hiện tình trạng viêm. Protein phản ứng C (C-reactive protein – CRP) được sản xuất bởi gan khi cơ thể bị viêm hoặc nhiễm trùng nặng. Nồng độ CRP cao có thể là dấu hiệu chỉ ra tình trạng viêm ở khớp.

Nồng độ protein phản ứng C thay đổi nhanh hơn tốc độ lắng hồng cầu. Đó là lý do tại sao xét nghiệm CRP đôi khi còn được sử dụng để đánh giá hiệu quả của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Ngoài xét nghiệm máu, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cũng được sử dụng trong quá trình chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp này giúp phát hiện tổn thương do viêm khớp dạng thấp gây ra.

Chụp X-quang

Hình ảnh X-quang cho thấy các khớp bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm khớp dạng thấp.

Bác sĩ sẽ dựa trên những hình ảnh này để đánh giá mức độ tổn thương sụn, gân và xương, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Tuy nhiên, chụp X-quang chỉ có thể phát hiện viêm khớp dạng thấp giai đoạn nặng. Tình trạng viêm mô mềm ở các giai đoạn đầu thường không hiển thị trên ảnh chụp X-quang. Chụp X-quang có thể được thực hiện nhằm theo dõi sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Không giống như chụp X-quang, MRI có thể tạo ra hình ảnh của cả các mô mềm.

Những hình ảnh này giúp phát hiện tình trạng viêm màng hoạt dịch – miếng đệm nhỏ nằm ở phía trong bao khớp. Ở người bị viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch tấn công màng hoạt dịch và dẫn đến viêm.

MRI có thể phát hiện tình trạng viêm do viêm khớp dạng thấp sớm hơn nhiều so với chụp X-quang. Tuy nhiên, MRI lại không được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng có thể làm thay đổi hình dạng và vị trí của khớp, dẫn đến sai lệch khớp và hạn chế khả năng cử động khớp. Phát hiện và điều trị viêm khớp dạng thấp từ sớm sẽ giúp ngăn bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Vì không có một công cụ đơn lẻ nào có thể xác nhận viêm khớp dạng thấp và cần phải kết quả nhiều phương pháp với nhau nên việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp tương đối mất thời gian. Hãy đi khám càng sớm càng tốt nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi là viêm khớp dạng thấp.

Ở giai đoạn đầu, viêm khớp dạng thấp có thể chỉ xảy ra ở một hoặc một vài khớp, thường là các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Theo thời gian, bệnh sẽ tiến triển và ngày càng có nhiều khớp bị viêm.

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công niêm mạc khớp. Điều này dẫn đến viêm, sưng đau khớp, ngoài ra còn làm yếu gân và dây chằng.

Viêm khớp dạng thấp còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như da, mắt, thận, phổi và tim.

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Mặc dù viêm khớp dạng thấp chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp nhưng còn có thể nhiều triệu chứng khác ngoài sưng đau khớp và cứng khớp.

Những khu vực khác trong cơ thể thường bị ảnh hưởng bởi viêm khớp dạng thấp là mắt, miệng, phổi và da. Theo thời gian, viêm khớp dạng thấp còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và phổi.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Sưng khớp
  • Đau khớp
  • Cứng khớp
  • Giảm phạm vi chuyển động của khớp
  • Mệt mỏi
  • Thay đổi cân nặng
  • Sốt
  • Vấn đề về thị lực
  • Nốt sần dưới da

Dấu hiệu sớm của bệnh viêm khớp dạng thấp

Phát hiện sớm viêm khớp dạng thấp sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả hơn và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn cũng như các biến chứng khác.

Dưới đây là một số dấu hiệu ban đầu phổ biến nhất của bệnh viêm khớp dạng thấp:

  • Đau khớp
  • Mệt mỏi
  • Cứng khớp
  • Sưng khớp
  • Khô miệng
  • Khó ngủ
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân
  • Ngứa hoặc khô mắt
  • Tê hoặc châm chích ở khớp
  • Giảm phạm vi chuyển động

Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này hoặc nghi ngờ mình bị viêm khớp dạng thấp, hãy đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán bệnh và có phương pháp điều trị.

Những bệnh có triệu chứng giống viêm khớp dạng thấp

Các triệu chứng ban đầu của bệnh viêm khớp dạng thấp giống với triệu chứng của nhiều bệnh khác như:

  • Bệnh lupus
  • Các loại viêm khớp khác như thoái hóa khớp
  • Bệnh Lyme
  • Hội chứng Sjögren
  • U hạt (sarcoidosis)

Một điểm khác biệt lớn giữa viêm khớp dạng thấp và các loại viêm khớp khác là các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp đối xứng, ví dụ như hai bên đầu khối hay cổ tay. Một triệu chứng thường gặp nữa của viêm khớp dạng thấp là cứng khớp vào buổi sáng.

Bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng cũng như kết quả xét nghiệm để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Đôi khi cần loại trừ các các bệnh khác có biểu hiện tương tự viêm khớp dạng thấp.

Điều trị viêm khớp dạng thấp

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp chỉ là bước khởi đầu. Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mạn tính, có nghĩa là sẽ kéo dài suốt đời. Mặc dù bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cả các cơ quan khác như mắt, da và phổi.

Việc điều trị có hiệu quả nhất ở giai đoạn đầu và mặc dù không có cách chữa khỏi nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và trì hoãn sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Các phương pháp điều trị chính gồm có:

Thuốc

Người bệnh có thể kiểm soát cơn đau khớp do viêm khớp dạng thấp bằng thuốc chống viêm không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc corticoid (corticosteroid) như prednisone để giảm viêm.

Các loại thuốc giúp làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp gồm có thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD). DMARD thường được chỉ định ngay sau khi chẩn đoán. Các loại thuốc trong nhóm này gồm có :

  • methotrexat (Trexall)
  • leflunomide (Arava)
  • sulfasalazine (Azulfidine)
  • hydroxychloroquine (Plaquenil)

Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp khác gồm có thuốc sinh học. Các loại thuốc này nhắm đến các phần nhất định của hệ miễn dịch. Một số ví dụ gồm có abatacept (Orencia) và adalimumab (Humira). Thuốc sinh học thường được sử dụng khi DMARD không hiệu quả.

Phẫu thuật

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu tổn thương khớp dẫn đến biến dạng, mất chức năng khớp và hạn chế khả năng vận động.

Hai loại phẫu thuật phổ biến để điều trị viêm khớp dạng thấp là thay toàn bộ khớp và hợp nhất khớp. Các phương pháp này giúp ổn định và nắn chỉnh các khớp bị viêm.

Phương pháp điều trị bổ sung

Vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị hiệu quả giúp cải thiện tính linh hoạt của khớp. Các bài tập tác động thấp như đi bộ hoặc bơi lội cũng có lợi cho khớp và sức khỏe tổng thể.

Uống dầu cá và một số loại thảo dược có thể giúp giảm đau và viêm. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào vì những sản phẩm này có thể gây tác dụng phụ và tương tác với các loại thuốc đang dùng.

Các phương pháp điều trị bổ sung khác như mát xa, châm cứu cũng có lợi cho người bị viêm khớp dạng thấp. Một tổng quan gồm 13 nghiên cứu cho thấy liệu pháp mát xa có thể giúp giảm đau.

Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để kiểm chứng lợi ích của các phương pháp điều trị bổ sung thay thế đối với bệnh viêm khớp dạng thấp.

Tiên lượng của người bị viêm khớp dạng thấp

Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng điều trị sẽ giúp giảm sự tiến triển của bệnh, kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Phương pháp điều trị chính là dùng thuốc. Có nhiều loại thuốc giúp làm giảm tần suất bùng phát, kéo dài thời gian bệnh thuyên giảm và giảm nhẹ các triệu chứng khi bệnh tái phát. Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị bổ sung như vật lý trị liệu hay mát xa. Một số trường hợp cần phải phẫu thuật. Điều trị sớm và hiệu quả sẽ giúp duy trì khả năng vận động của khớp và giảm nguy cơ biến chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Sốt do viêm khớp dạng thấp điều trị bằng cách nào?
Sốt do viêm khớp dạng thấp điều trị bằng cách nào?

Ngoài các triệu chứng điển hình là sưng và đau khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp đôi khi còn gây sốt nhẹ. Nếu bạn mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và bị sốt thì nên đi khám ngay. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.

Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân
Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.

Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng kháng thể đơn dòng
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng kháng thể đơn dòng

Kháng thể đơn dòng là một loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp khi các loại thuốc khác không hiệu quả. Kháng thể đơn dòng giúp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thông qua nhiều cơ chế khác nhau.

Các cách giảm đau lưng do viêm khớp dạng thấp
Các cách giảm đau lưng do viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp ngoại biên nhưng cũng có thể xảy ra ở đốt sống cổ và dẫn đến đau lưng. Có nhiều cách để giảm triệu chứng đau lưng do viêm khớp dạng thấp, gồm có các biện pháp khắc phục tại nhà, dùng thuốc, trị liệu và phẫu thuật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây