Đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính kéo dài bao lâu? Điều trị bằng cách nào?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính xảy ra do hệ miễn dịch hoạt động quá mức và tấn công nhầm các mô của khớp cùng một số bộ phận khác của cơ thể. Viêm khớp dạng thấp là dạng viêm khớp tự miễn phổ biến nhất. Ước tính có gần 20 triệu người mắc căn bệnh này trên toàn thế giới. (1) Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có sưng, đỏ, đau, cứng khớp và nếu nghiêm trọng, các khớp còn có thể bị biến dạng.
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện theo đợt, gọi là các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính. Sau mỗi đợt như vậy, các triệu chứng sẽ giảm nhẹ hoặc biến mất trong vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Khoảng thời gian này được gọi là giai đoạn thuyên giảm.
Có nhiều cách mà người bệnh có thể thực hiện để giảm tần suất bệnh tái phát và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng và tác nhân kích hoạt triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở mỗi ca bệnh là khác nhau. Và thời gian kéo dài các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính ở mỗi người cũng không giống nhau. Đôi khi đợt bùng phát có thể chỉ kéo dài một ngày, vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hay và thậm chí nhiều năm nếu như không được điều trị.
Hầu hết các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính đều không thể đoán trước được và có thể xảy đến đột ngột.
Nguyên nhân gây ra đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính
Đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính có thể xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu cảnh báo trước. Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể tái phát do các yếu tố kích hoạt như stress, hoạt động quá sức hoặc nhiễm trùng. Nhưng trong nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân khiến bệnh tái phát.
Các dấu hiệu của đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính gồm có:
- Cứng khớp nhiều hơn bình thường vào buổi sáng, khớp không dễ “mềm ra” trong ngày như bình thường
- Tăng mức độ hoặc tần suất cảm thấy mệt mỏi
- Đổ mồ hôi vào ban đêm hoặc sốt
- Cảm giác không khỏe kéo dài dai dẳng
Thông thường, dùng thuốc có thể giúp giảm tần suất bệnh tái phát và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Khi bệnh tái phát, người bệnh có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà tại giảm nhẹ triệu chứng.
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Người bệnh có thể kết hợp dùng thuốc với các biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây để giảm nhẹ triệu chứng vào các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính:
- Chườm nóng và lạnh: Chườm ấm hoặc ngâm trong nước ấm có thể giúp làm giảm tình trạng cứng khớp. Chườm lạnh có thể giúp giảm cơn đau cấp tính và làm giảm sưng khớp.
- Mát xa: Mát xa có thể giúp thả lỏng các cơ bị căng và giảm bớt căng thẳng
- Châm cứu: Châm cứu là phương pháp đưa những cây kim mảnh qua da ở những vị trí nhất định trên cơ thể. Nghiên cứu cho thấy liệu pháp châm cứu có thể giúp cải thiện khả năng vận động và chất lượng cuộc sống cho người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Tích cực vận động hàng ngày: Duy trì hoạt động thể chất sẽ giúp ngăn ngừa cứng khớp và duy trì sức mạnh của các cơ.
- Nghỉ ngơi: Vào các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính, người bệnh không nên vận động nhiều mà hãy nghỉ ngơi để tránh gây áp lực lên các khớp đang bị viêm.
- Thiền: Căng thẳng có thể gây ra các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính. Có nhiều cách để giúp tinh thần thư giãn và giảm căng thẳng, ví dụ như thiền. Có một số bằng chứng chứng minh rằng thiền là một liệu pháp thay thế hiệu quả để giảm nhẹ các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
- Dùng thực phẩm chức năng: Các nghiên cứu cho thấy uống bổ sung dầu cá (có chứa axit béo omega-3) có thể giúp giảm số lượng khớp bị sưng và đau. Curcumin, hoạt chất chính trong củ nghệ, cũng đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm các triệu chứng viêm khớp. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào. Không phải loại thực phẩm chức năng nào cũng có lợi cho bệnh viêm khớp dạng thấp và một số loại thực phẩm chức năng có thể tương tác với thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.
- Điều chỉnh chế độ ăn: Mặc dù không có bất kỳ chế độ ăn nào có thể chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có một số thực phẩm có thể giúp giảm viêm trong cơ thể và nhờ đó giảm nhẹ các triệu chứng viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như các loại cá béo, đậu Hà Lan, dầu ô liu, trái cây và rau củ.
Điều trị bằng thuốc
Mặc dù không có cách nào có thể chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều loại thuốc có thể giúp điều trị và ngăn ngừa các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính. Có ba nhóm thuốc chính được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drug - NSAID) có tác dụng giảm viêm và cơn đau cấp tính. Đây thường là loại thuốc được kê đầu tiên cho những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Người bệnh có thể chỉ cần dùng NSAID không kê đơn như ibuprofen hay naproxen. Những loại thuốc này cũng có cả phiên bản kê đơn với hàm lượng cao hơn.
Nếu dùng đúng liều, NSAID hiếm khi gây tác dụng phụ hoặc nếu có thì cũng chỉ gây tác dụng phụ nhẹ. Tuy nhiên, đôi khi NSAID có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như vấn đề về đường tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phản ứng dị ứng.
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (disease-modifying anti-rheumatic drug - DMARD) giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm viêm. Đây là những loại thuốc kê đơn.
Hiện tại có ba nhóm DMARD là:
- DMARD thông thường, có tác dụng ức chế hệ miễn dịch để giảm viêm
- DMARD nhắm trúng đích, có tác dụng ngăn chặn các con đường gây viêm bên trong tế bào
- DMARD sinh học, tác động đến cytokine - một nhóm protein do các tế bào miễn dịch tạo ra
Các loại DMARD được sử dụng phổ biến gồm có methotrexate, leflunomide và hydroxychloroquine.
Vì tất cả các DMARD đều làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch nên sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Sử dụng các loại thuốc này còn khiến cho việc tiêm vắc xin trở nên nguy hiểm. Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về những rủi ro trước khi sử dụng DMARD.
Thuốc ức chế JAK
Hội thấp khớp học Hoa Kỳ (the American College of Rheumatology - ARC) phân loại thuốc ức chế JAK là DMARD tổng hợp nhắm trúng đích.
Bác sĩ thường kê thuốc ức chế JAK khi DMARD hoặc thuốc sinh học không hiệu quả. Thuốc ức chế JAK tác động đến gen và hoạt động của tế bào miễn dịch, điều này giúp ngăn phản ứng viêm, nhờ đó ngăn ngừa tổn thương khớp và mô.
Các loại thuốc ức chế JAK gồm có:
- baricitinib (Olumiant)
- tofacitinib (Xeljanz, Xeljanz XR)
- upadacitinib (Rinvoq)
Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro trước khi sử dụng thuốc ức chế JAK.
Thuốc sinh học
Thuốc sinh học là một loại DMARD thường được sử dụng khi DMARD truyền thống không có tác dụng. Thuốc sinh học thường được dùng qua đường tiêm truyền và có tác dụng ngăn chặn một số tín hiệu gây ra phản ứng viêm của hệ miễn dịch.
Các loại thuốc sinh học được dùng phổ biến gồm có adalimumab (Humira), certolizumab (Cimzia) và etanercept (Enbrel).
Giống như DMARD truyền thống, thuốc sinh học cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Có rất nhiều loại thuốc sinh học khác nhau và người bệnh nên hỏi kỹ bác sĩ về những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng những loại thuốc này.
Tóm tắt bài viết
Giống như nhiều bệnh tự miễn khác, viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính tái phát theo đợt. Các đợt tái phát thường không dự đoán trước được. Tuy rằng bệnh viêm khớp dạng thấp không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng hiện nay có nhiều loại thuốc hiệu quả giúp giảm tần suất bệnh tái phát và giảm nhẹ các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Các biện pháp khắc phục tại nhà như duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng, giảm stress, tập thể dục và chường nóng hoặc lạnh cũng có thể giúp giảm nhẹ những triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Người bệnh nên kết hợp dùng thuốc với những biện pháp khắc phục tại nhà này để kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp một cách hiệu quả.
Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.
Kháng thể đơn dòng là một loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp khi các loại thuốc khác không hiệu quả. Kháng thể đơn dòng giúp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thông qua nhiều cơ chế khác nhau.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối. Tuy rằng không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học hay thuốc sinh học là một nhóm thuốc mới được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Nhóm thuốc này giúp cải thiện đáng kể việc điều trị cho nhiều người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.