Bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?
Mặc dù triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp dạng thấp là sưng đau và cứng khớp nhưng căn bệnh mạn tính này còn có thể gây ra các triệu chứng khác trên khắp cơ thể..
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn tiến triển, chủ yếu ảnh hưởng đến khớp.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào nhưng bệnh thường bắt đầu ở độ tuổi từ 30 đến 50. Phụ nữ có tỷ lệ mắc viêm khớp dạng thấp cao gấp 3 lần so với nam giới.
Nguyên nhân chính xác khiến hệ miễn dịch tấn công khớp và dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, điều này có thể là do các yếu tố sau đây:
- Di truyền
- Thay đổi nội tiết tố
- Nhiễm trùng
- Các yếu tố môi trường, chẳng hạn như tiếp xúc với không khí ô nhiễm
- Thói quen sống không lành mạnh, chẳng hạn như hút thuốc
Ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp đến xương khớp
Một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm khớp dạng thấp là viêm ở các khớp nhỏ của bàn tay và bàn chân. Đa phần, các triệu chứng xảy ra ở các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể.
Các triệu chứng phổ biến gồm có:
- Đau khớp
- Sưng khớp
- Cứng khớp, thường nặng hơn sau khi ngủ dậy vào buổi sáng
Cơn đau do viêm khớp dạng thấp vào buổi sáng có thể kéo dài trên 30 phút. Có thể giảm đau bằng cách ngâm nước ấm.
Viêm khớp dạng thấp còn gây nóng ở các khớp. Các triệu chứng của bệnh thường xảy ra theo đợt, gọi là các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính và sau mỗi đợt bùng phát như vậy là giai đoạn thuyên giảm, khi các triệu chứng nhẹ đi hoặc biến mất. Thời gian đầu khi bệnh mới khởi phát, mỗi đợt bùng phát có thể kéo dài vài tuần.
Cơn đau khớp và các triệu chứng khác sẽ gây gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến thiếu ngủ, mệt mỏi và thiếu năng lượng. Tình trạng viêm trong cơ thể cũng có thể gây mệt mỏi.
Biến chứng về xương khớp do viêm khớp dạng thấp
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, gồm có:
- Ngón tay
- Cổ tay
- Vai
- Khuỷu tay
- Hông
- Đầu gối
- Mắt cá chân
- Ngón chân
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể làm biến dạng bàn chân như:
- Ngón chân hình búa và ngón chân vồ
- Biến dạng ngón chân cái
Theo thời gian, bệnh có thể gây tổn thương và phá hủy sụn và xương. Cuối cùng, viêm khớp dạng thấp sẽ làm suy yếu gân, dây chằng và các cơ hỗ trợ xương khớp. Điều này dẫn đến khó cử động khớp và giảm phạm vi chuyển động. Nếu không được điều trị, các khớp sẽ bị biến dạng.
Bệnh viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ loãng xương – tình trạng mật độ khoáng chất trong xương thấp, khiến xương giòn, yếu và dễ gãy.
Viêm cổ tay kéo dài có thể dẫn đến hội chứng ống cổ tay, gây khó khăn khi cử động cổ tay và bàn tay.
Đốt sống cổ bị suy yếu hoặc bị tổn thương sẽ gây đau mạn tính. Viêm khớp dạng thấp ở các đốt sống cổ còn làm tăng nguy cơ chèn ép tủy sống. Điều này có thể dẫn đến đau và yếu ở cánh tay hoặc chân.
Người bệnh sẽ phải chụp X-quang để bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương khớp và xương do viêm khớp dạng thấp.
Ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp đến hệ tuần hoàn
Bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn – hệ thống có vai trò tạo và vận chuyển máu đi khắp cơ thể.
Xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp phát hiện sự hiện diện của kháng thể kháng CCP (anti-CCP và yếu tố dạng thấp (RF). Mặc dù không phải ai có các kháng thể này cũng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng đây là hai trong số những dấu hiệu chính được sử dụng để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Kháng thể anti-CCP thường xuất hiện trước RF và đặc hiệu hơn với bệnh viêm khớp dạng thấp.
Bệnh viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ thiếu máu – tình trạng cơ thể không có đủ hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy. Lý do là bởi bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp và thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp làm giảm sự sản xuất hồng cầu. Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp còn có nguy cơ cao bị tắc nghẽn hoặc xơ cứng động mạch.
Viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim hoặc thậm chí là suy tim sung huyết.
Viêm mạch máu là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Các mạch máu bị viêm sẽ trở nên yếu đi và giãn ra hoặc thu hẹp lại, cản trở sự lưu thông máu. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề với dây thần kinh ngoại biên, tim và da. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tổn thương mô vĩnh viễn.
Ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp đến da, mắt và miệng
Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể có các cục cứng dưới da, thường ở gần khớp gọi là nốt thấp khớp. Các cục cứng này hình thành do phản ứng viêm. Các nốt thấp khớp gây khó chịu nhưng không gây đau đớn.
Các nốt thấp khớp thường hình thành ở các vị trí thường xuyên bị tỳ đè hoặc cọ xát, chẳng hạn như ở khuỷu tay hoặc ở các khớp bàn ngón chân.
Đôi khi, bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp và thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp gây phát ban. Một số biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp như viêm mạch máu cũng có thể gây phát ban. Bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể gây nổi mề đay.
Theo một nghiên cứu, khoảng một nửa số người mắc hội chứng Sjogren bị viêm khớp dạng thấp hoặc một bệnh tự miễn khác. “Hội chứng Sjogren thứ cấp” là thuật ngữ trước đây được sử dụng cho những trường hợp mắc một bệnh tự miễn khác và sau đó được chẩn đoán mắc hội chứng Sjogren.
Hội chứng Sjogren gây khô mắt nghiêm trọng. Tình trạng khô mắt gây cảm giác cộm vướng như có bụi trong mắt. Khô mắt kéo dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt hoặc tổn thương giác mạc. Trong một số trường hợp, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây viêm mắt (chẳng hạn như viêm màng bồ đào, tình trạng viêm ở lớp giữa của mắt).
Hội chứng Sjogren còn có thể gây khô miệng và cổ họng, gây khó nuốt, đặc biệt là thức ăn khô.
Khô miệng mạn tính có thể dẫn đến các vấn đề như:
- Sâu răng
- Viêm nướu và các vấn đề về nướu khác
- Nhiễm trùng miệng
Hội chứng Sjogren còn có thể gây:
- Sưng hạch ở mặt và cổ
- Khô mũi
- Khô da
- Khô âm đạo
Ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp đến hệ hô hấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ viêm màng phổi và tổn thương mô phổi.
Người bị viêm khớp dạng thấp còn có nguy cơ gặp phải các vấn đề về hô hấp khác gồm có:
- Viêm tiểu phế quản tắc nghẽn (viêm và tắc nghẽn ở các đường dẫn khí nhỏ nhất trong phổi)
- Tràn dịch màng phổi (tích tụ dịch trong khoang màng phổi)
- Tăng áp động mạch phổi (áp lực máu tăng cao trong các động mạch phổi)
- Sẹo phổi hay xơ phổi
- Nốt thấp khớp ở phổi
Không phải ai bị viêm khớp dạng thấp cũng gặp phải các vấn đề về hô hấp. Một số triệu chứng thường gặp của các vấn đề này gồm có khó thở, thở khò khè, ho và đau ngực.
Trong một số trường hợp, đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính gây ra các triệu chứng giống cúm như:
- sốt
- đổ mồ hôi
- chán ăn
Ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp đến hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn và độc tố. Hệ miễn dịch thực hiện nhiệm vụ này bằng cách tạo ra kháng thể để tấn công các tác nhân gây hại.
Nhưng đôi khi, hệ miễn dịch lại nhầm lẫn một bộ phận khỏe mạnh của cơ thể là tác nhân xâm nhập từ bên ngoài và tạo ra kháng thể để tấn công.
Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp. Kết quả là tình trạng viêm ở các khớp và nhiều khu vực khác khắp cơ thể.
Viêm khớp dạng thấp và các bệnh tự miễn khác là bệnh mạn tính, không có cách nào chữa khỏi dứt điểm. Mục đích của việc điều trị là giảm bớt các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Viêm khớp dạng thấp là một loại viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công niêm mạc khớp. Điều này khiến cho khớp bị sưng đỏ, đau và giảm phạm vi chuyển động. Tình trạng viêm do hệ miễn dịch gây ra còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả thận..
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.
Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.