Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến men gan?
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm mô khớp. Đây là loại viêm khớp tự miễn phổ biến nhất. Ước tính khoảng 1% dân số toàn cầu đang sống chung với căn bệnh này. (1)
Bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của cơ thể, trong đó có gan. Những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bị tăng men gan (men gan cao).
Men gan là tập hợp các enzym hoàn chỉnh trong gan, giúp tổng hợp và chuyển hoá chất.
Men gan tăng cao là dấu hiệu cho thấy gan đang phải làm việc nhiều hoặc bị tổn thương.
Cùng tìm hiểu xem bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến gan như thế nào, nguyên nhân gây tăng men gan và cách điều trị tăng men gan do viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến gan như thế nào?
Có rất nhiều người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến gan mà không biết. Trên thực tế, một nghiên cứu vào năm 2020 trên 150 người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cho thấy 94% có vấn đề về gan do viêm khớp dạng thấp mà không có triệu chứng. (2)
Bệnh gan ở người bị viêm khớp dạng thấp có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, chẳng hạn như bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp và tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.
Bệnh gan do viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh qua trung gian miễn dịch, có nghĩa là mức độ viêm có thể tăng lên trong cơ thể và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan.
Một nghiên cứu vào năm 2023 đã đánh giá tác động của bệnh viêm khớp dạng thấp đến gan và phát hiện ra rằng:
- So với những người khỏe mạnh, những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nồng độ chất chỉ dấu phản ứng viêm (inflammatory marker) trong cơ thể cao hơn đáng kể. Các chất chỉ dấu vấn đề về gan ở những người này cũng cao hơn.
- Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao hơn. Điều này có thể là do mức độ viêm cao trong cơ thể và ảnh hưởng của bệnh viêm khớp dạng thấp lên gan.
- Khi tế bào gan được cho tiếp xúc với các tự kháng thể viêm khớp dạng thấp, các chất chỉ dấu viêm đã tăng lên.
- Nghiên cứu này còn được thực hiện trên chuột mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và kết quả cho thấy căn bệnh này làm tăng mức độ viêm, sự tích tụ mỡ và hình thành sẹo ở gan.
Bệnh gan do thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm khớp dạng thấp là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD). Nhóm thuốc này giúp giảm viêm trong cơ thể và giảm mức độ hoạt động của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Tuy nhiên, một số loại DMARD có thể gây tổn thương gan. Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy nhiễm độc gan do thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân chính gây ra bệnh gan ở những người tham gia nghiên cứu.
Methotrexate là loại DMARD được sử dụng phổ biến nhất để điều trị viêm khớp dạng thấp và loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến gan. Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp khác cũng có thể ảnh hưởng đến gan gồm có:
- thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- leflunomide
- hydroxychloroquine
Ước tính có tới 22% số người dùng methotrexate có kết quả xét nghiệm chức năng gan bất thường ở một thời điểm nào đó. (3) Nguy cơ xảy ra điều này sẽ cao hơn nếu đã mắc bệnh gan hoặc nếu uống nhiều rượu.
Sử dụng methotrexate cũng có thể làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Béo phì và bệnh tiểu đường, hai yếu tố nguy cơ của bệnh gan nhiễm mỡ, cũng có mối liên hệ với tình trạng nhiễm độc gan do methotrexate.
Nguyên nhân gây tăng men gan ở người bị viêm khớp dạng thấp
Mức độ viêm cao trong cơ thể và tác động của bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ gây tổn hương gan. Ngoài ra, sử dụng một số loại DMARD để điều trị viêm khớp dạng thấp cũng có thể gây hại cho gan. Những điều này là nguyên nhân khiến men gan tăng cao ở người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Xét nghiệm chức năng gan sẽ đo nồng độ các loại men gan, gồm:
- alanine transaminase (ALT)
- aspartate aminotransferase (AST)
- phosphatase kiềm (ALP)
- gamma-glutamyl transferase (GGT)
Sự gia tăng nồng độ mỗi loại men gan này chỉ ra các vấn đề khác nhau. Chỉ số ALT hoặc AST tăng cao cho thấy gan đang bị tổn thương.
Methotrexate gây tổn hại trực tiếp đến gan. Dùng methotrexate để điều trị viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nồng độ ALT. Mức ALT cao trước khi bắt đầu dùng methotrexate sẽ làm tăng nguy cơ tăng ALT sớm hoặc tái phát trong quá trình điều trị bằng methotrexate.
ALP và GGT tăng cao có liên quan đến ứ mật, tình trạng dịch mật từ gan không thể chảy xuống đường tiêu hóa mà ứ lại trong đường mật. Theo thời gian, ứ mật mạn tính sẽ dẫn đến tổn thương gan. Các hà nghiên cứu đã ghi nhận nồng độ ALP và GGT cao ở những người bị viêm khớp dạng thấp.
Ứ mật cũng là một dấu hiệu của bệnh viêm đường mật nguyên phát (primary biliary cholangitis) – một bệnh tự miễn.
Viêm khớp dạng thấp và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (nonalcoholic fatty liver disease) có thể gây tăng men gan và tổn thương gan. Có thể có mối liên hệ giữa căn bệnh này và viêm khớp dạng thấp. Mặc dù điều này có thể là do ảnh hưởng của bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Một nghiên cứu được công bố tại Hội nghị thường niên của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (the American College of Rheumatology) vào năm 2016 cho thấy việc sử dụng methotrexate là một nguyên nhân khiến cho những người bị viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cao hơn. (4)
Ngoài ra, những người bị viêm khớp dạng thấp cũng có thể có những yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu giống như những người không bị viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, một tổng quan nghiên cứu vào năm 2023 ước tính rằng cứ ba người bị viêm khớp dạng thấp thì có một người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tương đương 33%. Con số này chỉ cao hơn một chút so với tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ở dân số nói chung (khoảng 30%).
Điều trị tăng men gan
Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp thì cần tái khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe tổng thể và sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. Xét nghiệm máu sẽ giúp phát hiện men gan tăng cao.
Nếu bạn bị tăng men gan và có nguy cơ mắc bệnh gan hoặc hiện đang mắc bệnh gan, bác sĩ có thể sẽ kê loại DMARD khác ngoài methotrexate để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, ví dụ như thuốc sinh học hoặc thuốc ức chế JAK.
Ngoài ra, nên thực hiện một số thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe của gan, gồm có:
- Tập thể dục thường xuyên
- Ăn uống cân bằng, lành mạnh
- Hạn chế hoặc không uống rượu
- Tiêm phòng viêm gan b và thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm gan c
- Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có thể gây hại cho gan
- Kiểm soát cân nặng và giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì
Các bệnh tự miễn khác gây tăng men gan
Ngoài viêm khớp dạng thấp, các bệnh tự miễn khác cũng có thể làm tăng men gan hoặc gây bệnh gan còn có:
- Bệnh vảy nến và viêm khớp vảy nến
- Bệnh lupus
- Bệnh viêm ruột
- Bệnh celiac
- Bệnh tiểu đường type 1
- Bệnh Graves hoặc viêm tuyến giáp Hashimoto
- Hội chứng Sjogren
- Bệnh bạch biến
- Viêm đường mật nguyên phát
Tóm tắt bài viết
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây tăng men gan. Men gan tăng cao là dấu hiệu cảnh báo gan đang có vấn đề.
Men gan cao có thể là do tác động của bệnh viêm khớp dạng thấp lên gan, tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc cả hai.
Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp và tăng men gan thì có thể sẽ phải chuyển sang dùng các loại thuốc trị viêm khớp dạng thấp không gây hại cho gan. Ngoài ra cần thay đổi lối sống để tăng cường sức khỏe của gan.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng đau khớp. Căn bệnh này còn có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp, gây viêm và sưng đau khớp. Tuy nhiên, bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến khớp.
Viêm khớp dạng thấp là kết quả của hệ miễn dịch hoạt động bất thường. Ngoài khớp, tình trạng viêm do hệ miễn dịch gây ra còn ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của cơ thể, trong đó có mắt.
Viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến các khớp mà còn ảnh hưởng đến cả các cơ quan nội tạng như phổi. Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ gặp phải các vấn đề về phổi như xơ phổi, bệnh phổi kẽ, nốt phổi, viêm màng phổi và tắc nghẽn đường thở nhỏ.
Mặc dù khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng đã phát hiện nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh và một trong số đó là hút thuốc lá.