Ảnh hưởng của bệnh viêm khớp dạng thấp đến phổi
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể. Theo thời gian, bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ tiến triển và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, trong đó có phổi.
Dưới đây là những biến chứng về phổi của bệnh viêm khớp dạng thấp và các cách giảm thiểu nguy cơ gặp phải những biến chứng này.
Bệnh phổi kẽ do viêm khớp dạng thấp
Bệnh phổi kẽ là một nhóm bệnh lý gây hình thành sẹo ở phổi. Điều này dẫn đến các vấn đề về hô hấp do phổi bị xơ cứng và khó đưa oxy vào máu.
Bệnh phổi kẽ có thể xảy ra do bệnh viêm khớp dạng thấp. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch tấn công các tế bào phổi, gây viêm và tổn thương phổi.
Theo một nghiên cứu vào năm 2019, khoảng 5% đến 10% số người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bị bệnh phổi kẽ. (1)
Sẹo hình thành trong phổi sẽ gây khó thở và các triệu chứng khác như:
- Hụt hơi
- Ho khan mạn tính
- Mệt mỏi, suy nhược
- Vận động khó nhọc
- Chán ăn
- Sụt cân
Thông thường, khi các triệu chứng này xuất hiện thì có nghĩa là phổi đã bị viêm mạn tính ở mức độ nặng.
Điều quan trọng là phải phát hiện và điều trị sớm để ngăn bệnh tiến triển và để lại sẹo trong phổi. Các phương pháp chẩn đoán bệnh phổi kẽ gồm có đo chức năng hô hấp và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh gồm chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính phổi độ phân giải cao.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh phổi kẽ do viêm khớp dạng thấp là kiểm soát tốt bệnh viêm khớp dạng thấp. Ngăn chặn tình trạng viêm trong cơ thể sẽ giúp bảo vệ các tế bào phổi khỏe mạnh.
Các phương pháp điều trị bệnh phổi kẽ do viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Thay đổi lối sống, chẳng hạn như:
- Bỏ thuốc lá nếu hút
- Hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm
- Tránh các chất có thể gây dị ứng đường hô hấp như lông động vật, phấn hoa…
- Ăn các loại thực phẩm chống viêm
- Tập cardio, các bài tập này giúp tăng cường chức năng của tim và phổi
- Giảm cân nếu thừa cân
- Thuốc chống xơ hóa (chống hình thành mô sẹo), chẳng hạn như pirfenidone hoặc nintedanib
- Điều trị nhiễm trùng nếu mắc
- Tiêm vắc xin để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi và cúm
- Liệu pháp oxy, nếu bị khó thở nghiêm trọng
- Ghép phổi
Ghép phổi thường là giải pháp cuối cùng, dành cho những trường hợp bệnh nặng không thể điều trị bằng các phương pháp khác.
Nếu không điều trị, bệnh phổi kẽ do viêm khớp dạng thấp có thể đe dọa đến tính mạng.
Xơ phổi
Một số người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bị xơ phổi hoặc sẹo phổi nghiêm trọng. Đây là tình trạng mô trong phổi bị tổn thương, trở nên dày cứng, mất tính đàn hồi. Xơ phổi là một căn bệnh tiến triển, có nghĩa là sẽ nặng dần theo thời gian. Không có cách nào có thể chữa trị khỏi bệnh xơ phổi.
Có nhiều nguyên nhân gây xơ phổi, từ các bệnh tự miễn cho đến các yếu tố môi trường và cũng có những ca bệnh không xác định được nguyên nhân. Tình trạng viêm do viêm khớp dạng thấp là một trong những tác nhân có thể dẫn đến xơ phổi.
Một số triệu chứng của bệnh xơ phổi:
- Khó thở, đây thường là triệu chứng đầu tiên
- Thở nông
- Ho khan mạn tính
- Mệt mỏi, suy nhược
- Vận động khó nhọc, không có sức lực
- Ngón tay hay ngón chân dùi trống – tình trạng móng tay và móng chân phát triển lớn hơn bình thường
Các phương pháp điều trị xơ phổi gồm có các loại thuốc như corticoid, thuốc ức chế miễn dịch và thuốc chống xơ hóa. Trong một số trường hợp, người bệnh cần phải sử dụng liệu pháp oxy. Những ca bệnh nghiêm trọng cần phải ghép phổi.
Nốt phổi
Nốt phổi là cục cứng lành tính hình thành ở phổi.
Các nốt phổi thường có kích thước rất nhỏ, đa phần có đường kính không quá 3cm.
Các nốt phổi hình thành do bệnh viêm khớp dạng thấp được gọi là các nốt dạng thấp ở phổi. Tình trạng này rất hiếm gặp. Người bệnh có thể có một hoặc nhiều nốt dạng thấp ở phổi. Các nốt dạng thấp có thể hình thành ở cả hai phổi.
Nốt dạng thấp ở phổi xảy ra phổ biến hơn ở:
- Người hút thuốc lá
- Nam giới
- Người sử dụng methotrexate trong thời gian dài
Tiếp xúc thường xuyên với các chất dưới đây cũng làm tăng nguy cơ nốt dạng thấp ở phổi:
- Amiăng
- Than đá
- Bụi trong môi trường làm việc
Nốt dạng thấp ở phổi thường không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào. Chúng thường được phát hiện khi thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra các bệnh lý khác. Cục có kích thước lớn hoặc rìa không đều có thể là dấu hiệu của ung thư phổi.
Do thiếu dữ liệu lâm sàng nên hiện tại chưa có phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho nốt dạng thấp ở phổi. Việc điều trị phụ thuộc vào tình trạng của mỗi ca bệnh.
Các loại thuốc nhắm đến tế bào B như rituximab (Rituxan) có thể giúp thu nhỏ và giảm số lượng nốt dạng thấp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp không gây tổn hại cho mô phổi thay cho methotrexate.
Trong những trường hợp có nguy cơ cao vỡ nốt dạng thấp hoặc phát sinh biến chứng, người bệnh có thể phải phẫu thuật để loại bỏ nốt dạng thấp.
Giống như sẹo phổi, cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nốt dạng thấp ở phổi là điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể.
Viêm màng phổi
Viêm màng phổi là tình trạng lớp màng hoặc các mô mềm bao quanh phổi bị viêm. Viêm màng phổi thường đi kèm tình trạng tích tụ dịch giữa thành ngực và khoang màng phổi.
Trong nhiều trường hợp, viêm màng phổi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nếu chỉ có một lượng nhỏ dịch tích tụ thì đa phần sẽ tự hết sau một thời gian. Nhưng nếu tích tụ lượng dịch lớn thì sẽ gây khó thở hoặc đau ngực khi thở và cần phải điều trị. Đôi khi, viêm màng phổi còn gây sốt.
Nếu viêm màng phổi gây tích tụ lượng dịch lớn thì cần phải tiến hành dẫn lưu màng phổi để loại bỏ dịch tích tụ khỏi khoang màng phổi.
Có thể sẽ phải dẫn lưu màng phổi nhiều lần nếu tiếp tục bị tích tụ dịch.
Không thể ngăn ngừa viêm màng phổi một cách tuyệt đối nhưng phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về phổi do viêm khớp dạng thấp có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ. Ngoài ra, người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ như:
- Hút thuốc lá
- Uống rượu
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại
Tắc nghẽn đường thở nhỏ
Bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể gây viêm đường thở nhỏ trong phổi. Theo thời gian, tình trạng viêm mạn tính sẽ khiến cho các mô trong đường thở dày lên và tích tụ chất nhầy trong phổi, dẫn đến tắc nghẽn. Tình trạng này được gọi là tắc nghẽn đường thở nhỏ.
Các triệu chứng tắc nghẽn đường thở nhỏ gồm có:
- Ho khan hoặc ho có đờm
- Hụt hơi
- Mệt mỏi
Mặc dù điều trị viêm khớp dạng thấp có thể giảm nguy cơ tắc nghẽn đường thở nhỏ nhưng không thể loại bỏ tình trạng tắc nghẽn ngay lập tức. Người bệnh có thể dùng thuốc xịt hen suyễn hoặc thuốc giãn phế quản để mở rộng đường thở và hô hấp dễ dàng hơn.
Người bệnh có thể dùng thuốc xịt hen suyễn mỗi khi bị khó thở. Các loại thuốc này có chứa các hoạt chất tác dụng nhanh giúp làm giãn các cơ xung quanh đường thở một cách nhanh chóng. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm có:
- albuterol
- levalbuterol
Khi sử dụng hàng ngày, thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài có thể giúp ngăn ngừa khó thở. Ví dụ về những loại thuốc này gồm có:
- formoterol
- salmeterol
- tiotropium
Thuốc giãn phế quản có thể được kết hợp với corticoid để giảm sưng ở phổi và đường thở. Ví dụ về những loại thuốc kết hợp này gồm có:
- budesonide/formoterol (Symbicort)
- fluticasone/salmeterol (Advair)
Yếu tố nguy cơ
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi ở người bị viêm khớp dạng thấp, gồm có:
- Hút thuốc lá
- Tuổi cao
- Là nam giới
- Bệnh viêm khớp dạng thấp có mức độ hoạt động cao hoặc điều trị không hiệu quả
- Có nồng độ yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor) hoặc kháng thể anti-ccp cao, những tự kháng thể này có thể tấn công các tế bào khỏe mạnh
- Tổn thương nhu mô phổi
Ảnh hưởng đến tuổi thọ
Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm tuổi thọ do các biến chứng xảy ra do tình trạng viêm diện rộng trong cơ thể.
Mặc dù những người bị viêm khớp dạng thấp vẫn có thể sống thọ nhưng tuổi thọ sẽ bị rút ngắn nếu bệnh không được điều trị hiệu quả. Theo một nghiên cứu vào năm 2011, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm từ 3 đến 10 năm tuổi thọ. (2)
Ngoài các bệnh về phổi, bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng làm giảm tuổi thọ khác.
Một nghiên cứu vào năm 2016 được thực hiện trên những phụ nữ mắc và không mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cho thấy những người mắc bệnh có nguy cơ tử vong cao hơn 40% so với những người không mắc bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh về đường hô hấp và bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu tại Canada vào năm 2015 cũng cho thấy những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ tử vong cao hơn 40% đến 50% so với những người không bị viêm khớp dạng thấp. Nghiên cứu này đã phân tích dữ liệu trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến năm 2009.
Các bệnh về phổi làm giảm lượng oxy đến các cơ quan và mô trong cơ thể và điều này sẽ làm giảm tuổi thọ.
Theo một nghiên cứu vào năm 2015, 10 - 20% số ca tử vong liên quan đến viêm khớp dạng thấp là do bệnh phổi. Theo một nghiên cứu vào năm 2020, 30 - 40% số ca tử vong liên quan đến viêm khớp dạng thấp là do bệnh tim mạch.
Giảm nguy cơ bệnh phổi do viêm khớp dạng thấp
Kiểm soát tốt bệnh viêm khớp dạng thấp là cách tốt nhất để giảm nguy cơ gặp các biến chứng về phổi.
Ngoài ra còn có nhiều cách khác để ngăn ngừa các bệnh về phổi:
- Tập thể dục thường xuyên
- Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc
- Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại và không khí ô nhiễm
- Tiêm vắc xin phòng viêm phổi, cúm và Covid-19 hàng năm để giảm nguy cơ nhiễm trùng phổi
Khi nào cần đi khám?
Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nên tái khám định kỳ để theo dõi sự tiến triển của bệnh. Nếu nhận thấy các triệu chứng tăng nặng hoặc xuất hiện triệu chứng mới giữa các lần tái khám thì phải đi khám ngay.
Bạn nên đến khám tại chuyên khoa hô hấp nếu có các triệu chứng như:
- Đau ngực khi thở
- Hụt hơi
- Khó thở, đặc biệt là khi hoạt động thể chất
- Ho dai dẳng
- Mệt mỏi, không có sức lực
- Chán ăn
- Sụt cân đột ngột
- Thường xuyên bị sốt
Bất kỳ vấn đề về hô hấp nào cũng cần được điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng ảnh hưởng đến phổi.
Viêm khớp dạng thấp là một loại viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công niêm mạc khớp. Điều này khiến cho khớp bị sưng đỏ, đau và giảm phạm vi chuyển động. Tình trạng viêm do hệ miễn dịch gây ra còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả thận..
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.
Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.