1

Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus

Tìm hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus, hai bệnh lý đều có triệu chứng đặc trưng là đau khớp và cứng khớp. Mặc dù có một số điểm tương đồng nhưng đây là hai căn bệnh hoàn toàn riêng biệt. Bệnh viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng chuyển động của khớp.
Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) và bệnh lupus đôi khi bị nhầm lẫn vì có một số triệu chứng giống nhau, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Cả hai đều là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến khớp.

Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào trong cơ thể, gây viêm và làm tổn thương các mô khỏe mạnh. Các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân gây ra sự nhầm lẫn này nhưng bệnh tự miễn có thể di truyền.

Điểm tương đồng giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus

Điểm tương đồng lớn nhất giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus là triệu chứng đau khớp và cứng khớp.

Cả hai bệnh lý này còn khiến khớp trở nên nóng và nhạy cảm nhưng các triệu chứng này rõ rệt hơn ở bệnh viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus đều ảnh hưởng đến mức năng lượng. Người mắc một trong hai bệnh này thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và/hoặc yếu cơ. Thường xuyên bị sốt cũng là một triệu chứng phổ biến của hai bệnh nhưng phổ biến hơn ở bệnh lupus.

Theo một tổng quan tài liệu vào năm 2020, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tự miễn, gồm có cả viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus cao hơn nam giới. Tuy nhiên, khi mắc bệnh tự miễn, nam giới thường có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus

Viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus có nhiều điểm khác biệt về triệu chứng.

Bệnh viêm khớp dạng thấp chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp, gồm có khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối và mắt cá chân. Viêm khớp dạng thấp còn có thể khiến các khớp bị biến dạng trong khi bệnh lupus thường không gây ra điều này. Sưng khớp là triệu chứng thường gặp ở bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng hiếm gặp ở bệnh lupus.

Triệu chứng đau khớp do viêm khớp dạng thấp thường nặng hơn vào buổi sáng và giảm dần trong ngày. Trong khi đó, triệu chứng đau khớp do bệnh lupus kéo dài liên tục suốt cả ngày.

Không chỉ ảnh hưởng đến khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể và gây ra các vấn đề như:

  • Viêm phổi
  • Viêm màng ngoài tim
  • Nốt sần gây đau dưới da gọi là nốt dạng thấp

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiện nay đã hiệu quả hơn so với trước đây và nhờ đó, những vấn đề này không còn phổ biến ở những người bị viêm khớp dạng thấp.

Bệnh lupus dễ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và da hơn viêm khớp dạng thấp. Bệnh lupus còn có thể gây ra các biến chứng đe dọa đến tính mạng, gồm có:

  • Suy thận
  • Rối loạn đông máu
  • Co giật

Bệnh viêm khớp dạng thấp không gây ra những biến chứng này.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus

Đôi khi khó chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus, đặc biệt là khi người bệnh có rất ít hoặc không có triệu chứng.

Vì viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus có một số triệu chứng tương đồng nên hai bệnh lý này đôi khi bị chẩn đoán nhầm ở giai đoạn đầu.

Khi bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển thì sẽ dễ dàng phân biệt hai bệnh lý này hơn.

Viêm khớp dạng thấp có thể phá hủy và làm biến dạng xương nếu không được điều trị thích hợp. Bệnh lupus hiếm khi gây ra những điều này. Trong trường hợp bệnh lupus ảnh hưởng đến khớp (chẳng hạn như bệnh khớp Jaccoud), nguy cơ mất chức năng khớp cũng thấp hơn so với bệnh viêm khớp dạng thấp và thường có thể hồi phục được. Bệnh khớp Jaccoud xảy ra do phản ứng viêm khiến cho bao khớp dày lên. Tình trạng này không làm hao mòn xương.

Ngoài ra, bệnh lupus còn thường ảnh hưởng đến thận, gây thiếu máu hoặc dẫn đến thay đổi cân nặng. Viêm khớp dạng thấp cũng có thể gây thiếu máu nhưng các vấn đề về phổi xảy ra phổ biến hơn.

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus dựa trên các triệu chứng. Tuy nhiên, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra hoạt động của các cơ quan và xem liệu các triệu chứng có phải là của một bệnh lý khác hay không.

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Tiêu chuẩn phân biệt viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus trong các thử nghiệm lâm sàng cũng thường được sử dụng làm hướng dẫn chẩn đoán.

Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán viêm khớp dạng thấp khi người bệnh đạt ít nhất 6 điểm trong Tiêu chuẩn phân loại viêm khớp dạng thấp do Hiệp hội Thấp khớp Hoa Kỳ (ACR) và Liên đoàn Chống Thấp khớp Châu Âu (EULAR) đưa ra.

Tiêu chuẩn phân loại này được cập nhật lần cuối vào năm 2010. Điểm số của mỗi yếu tố như sau:

  • Có các triệu chứng xảy ra ở ít nhất một khớp nhỏ hoặc ít nhất hai khớp lớn (2 đến 5 điểm).
  • Trong máu có yếu tố dạng thấp (RF) hoặc anti-CCP (kháng thể kháng CCP) (2 hoặc 3 điểm).
  • Có nồng độ protein phản ứng C (CRP) hoặc tốc độ lắng hồng cầu cao, đây là dấu hiệu của tình trạng viêm (1 điểm).
  • Các triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tuần (1 điểm).

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh lupus

Lupus ban đỏ hệ thống (systemic lupus erythematosus - SLE) là loại bệnh lupus phổ biến nhất.

Theo tiêu chuẩn được đưa ra vào năm 2019 của ACR và EULAR, tiêu chuẩn để chẩn đoán SLE là máu có kháng thể kháng nhân (antinuclear antibody – ANA). Ngoài ra, người bệnh phải đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí dưới đây và đạt ít nhất 10 điểm:

  • Sốt (2 điểm)
  • Giảm bạch cầu (số lượng bạch cầu trong máu thấp) (2 điểm)
  • Rụng tóc không để lại sẹo hoặc lông/tóc bị rụng, gãy ở nhiều vị trí trên cơ thể (2 điểm)
  • Loét miệng (2 điểm)
  • Mê sảng (2 điểm)
  • Rối loạn tâm thần (3 điểm)
  • Giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu trong máu thấp) (3 điểm)
  • Protein niệu (nồng độ protein cao trong nước tiểu) (4 điểm)
  • Co giật (5 điểm)
  • Tích tụ dịch xung quanh phổi hoặc tim (5 điểm)
  • Viêm màng ngoài tim cấp tính (6 điểm)
  • Kháng thể kháng DNA chuỗi kép hoặc kháng nguyên smith (6 điểm)
  • Lupus da cấp tính, gồm có ban đỏ hình cánh bướm ở má và mũi (6 điểm)
  • Khớp bị ảnh hưởng (6 điểm)
  • Sinh thiết cho thấy viêm thận lupus (6 hoặc 8 điểm)

Bệnh chồng lấp

Bệnh chồng lấp (overlap) có nghĩa là mắc nhiều bệnh cùng một lúc.

Những người bị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh lupus có thể có triệu chứng của các bệnh lý khác. Người bệnh cũng có thể có triệu chứng của cả viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus cùng một lúc.

Không có giới hạn về số lượng bệnh mạn tính mà một người có thể mắc phải và cũng không có giới hạn về thời điểm mà người bệnh có thể mắc thêm một bệnh mạn tính khác.

Các bệnh lý thường xảy ra cùng lúc với viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Bệnh Sjögren, gây khô mắt và miệng
  • Bệnh tuyến giáp tự miễn

Các bệnh lý thường xảy ra cùng lúc với bệnh lupus gồm có:

  • Bệnh Sjögren
  • Bệnh tuyến giáp tự miễn
  • Bệnh mô liên kết hỗn hợp
  • Xơ cứng bì, tình trạng ảnh hưởng đến da và các mô liên kết
  • Viêm cơ vô căn, tình trạng cơ bị viêm mà không rõ nguyên nhân
  • Viêm da cơ, một dạng viêm cơ gây phát ban da

Điều trị viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus

Bệnh viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều loại thuốc điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa hư hỏng khớp.

Trong những trường hợp khớp bị hỏng nghiêm trọng hoặc biến dạng, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật thay khớp, ví dụ như thay khớp gối hoặc khớp háng.

Bệnh lupus cũng không có cách chữa trị khỏi nhưng việc điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.

Người bị bệnh lupus có thể cần dùng thuốc kê đơn để giảm viêm và đau khớp. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) gần đây đã phê duyệt hai loại thuốc điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống:

  • belimumab (Benlysta), loại thuốc này còn được phê duyệt để điều trị bệnh viêm thận lupus
  • anifrolumab-fnia (Saphnelo), được dùng kết hợp với các loại thuốc điều trị bệnh lupus khác

Người bệnh có thể cần dùng thêm thuốc để điều trị phát ban da, bệnh tim mạch hoặc các vấn đề về thận do viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh lupus. Đôi khi cần dùng kết hợp nhiều loại thuốc để tăng hiệu quả kiểm soát bệnh.

Trong một số trường hợp, người mắc viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh lupus cần tiêm corticoid (corticosteroid) để giảm tình trạng viêm. Tuy nhiên, corticoid hiện nay hiếm khi được sử dụng do nguy cơ tác dụng phụ cao.

Biến chứng của viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus

Những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc lupus cần theo kế hoạch điều trị dài hạn, gồm có các biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể, giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng.

Một số biến chứng có thể xảy ra nếu bênh viêm khớp dạng thấp không được điều trị gồm có:

  • Tổn thương vầ biến dạng khớp vĩnh viễn
  • Thiếu máu
  • Tổn thương phổi

Điều trị sớm và thích hợp sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề này.

Các biến chứng về lâu dài của bệnh lupus gồm có tổn thương tim và thận. Những người mắc bệnh lupus thường gặp phải các vấn đề về máu, gồm có thiếu máu và viêm mạch máu. Điều trị bệnh lupus đúng cách có thể giúp ngăn ngừa tổn thương mô.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Mối liên hệ giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và thiếu máu
Mối liên hệ giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và thiếu máu

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn hệ thống ảnh hưởng đến khớp và các cơ quan khác trong cơ thể. Ở người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch của cơ thể tưởng nhầm mô niêm mạc khớp là tác nhân gây hại và tấn công các mô này. Điều này dẫn đến sưng tấy, cứng và đau khớp. Hệ miễn dịch còn có thể tấn công và dẫn đến viêm, tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể như tim, phổi, mắt và mạch máu.

Bệnh Still và viêm khớp dạng thấp có gì giống và khác nhau?
Bệnh Still và viêm khớp dạng thấp có gì giống và khác nhau?

Bệnh Still và viêm khớp dạng thấp đều là bệnh tự miễn và đều gây đau khớp. Nhưng bệnh Still thường xảy ra theo đợt, trong khi viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính, kéo dài dai dẳng.

Hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp
Hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?
Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?

Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân
Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây