1

Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa

Trong khi viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn thì đau cơ xơ hóa là một hội chứng đau xuất phát từ hệ thần kinh trung ương. Hai tình trạng này có một số triệu chứng giống nhau nhưng cũng có các triệu chứng riêng, ví dụ như bệnh viêm khớp dạng thấp có triệu chứng là mắt nhạy cảm với ánh sáng và đau cơ xơ hóa có triệu chứng là hội chứng chân không yên.
Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa

Viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa là hai tình trạng khác nhau nhưng có một số triệu chứng tương tự, ví dụ như:

  • Đau
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Mệt mỏi

Viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa là do những nguyên nhân khác nhau gây ra:

  • Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các khớp.
  • Đau cơ xơ hóa là một hội chứng đau xuất phát từ hệ thần kinh trung ương với biểu hiện là đau cơ xương khớp và các triệu chứng mệt mỏi, khó ngủ, giảm trí nhớ và rối loạn tâm trạng.

Bệnh viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa tiến triển rất khác nhau. Đau cơ xơ hóa thường gây đau liên tục, có thể trầm trọng hơn khi thiếu ngủ và căng thẳng. Trong khi đó, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp xảy ra theo đợt và ngày càng nặng hơn nếu không được điều trị.

Dưới đây là những điểm khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa, gồm có các triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh.

Sự khác biệt giữa triệu chứng viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa

Mặc dù bệnh viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa có một số triệu chứng tương tự nhau nhưng nguyên nhân gây ra từng triệu chứng và cách mà các triệu chứng này xảy ra là khác nhau.

Đau

Đau là triệu chứng chính của cả bệnh viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa nhưng nguyên nhân gây đau ở hai bệnh lý là khác nhau. Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa là tình trạng viêm. Triệu chứng đau do hội chứng đau cơ xơ hóa không phải do viêm.

Trong khi đó, tình trạng đau do bệnh viêm khớp dạng thấp xuất phát từ phản ứng viêm ở khớp. Đau do viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể, ví dụ như cả hai cổ tay, hai đầu gối hoặc cùng một vị trí ở cả hai bàn tay.

Ở nhiều người bị đau cơ xơ hóa, ban đầu cơn đau chỉ xảy ra ở một khu vực, chẳng hạn như cổ, vai hoặc lưng. Theo thời gian, cơn đau thường lan sang đến vị trí khác, chẳng hạn như:

  • Đau đầu, bao gồm cả đau nửa đầu
  • Đau bụng hoặc đau vùng chậu
  • Đau mặt và hàm

Cơn đau có thể đi kèm triệu chứng tê và châm chích.

Một triệu chứng khác của bệnh viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa là giảm khả năng chú ý và tập trung. Một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng này là do cơn đau khiến cho người bệnh khó tập trung hơn.

Triệu chứng này rõ rệt hơn ở những người bị đau cơ xơ hóa. Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy, khi so sánh với những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và những người không mắc bệnh này, những người bị đau cơ xơ hóa có thời gian phản ứng lâu hơn và mắc nhiều lỗi hơn trong bài kiểm tra khả năng chú ý.

Rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi

Cả bệnh viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa đều có thể gây rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi. Tuy nhiên, vấn đề về giấc ngủ ở những người bị đau cơ xơ hóa thường dẫn đến mệt mỏi nhiều hơn.

Một nghiên cứu sơ bộ vào năm 2013 cho thấy những phụ nữ bị đau cơ xơ hóa thường cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày nhiều hơn so với phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, theo như kết quả của bài test độ trễ khởi phát giấc ngủ, phụ nữ bị đau cơ xơ hóa lại ít bị buồn ngủ vào ban ngày hơn so với phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp. (1)

Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy thiếu ngủ ảnh hưởng đến phụ nữ bị đau cơ xơ hóa nhiều hơn so với phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp. Những phụ nữ bị đau cơ xơ hóa cho biết họ cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày và cần nhiều thời gian hơn để khôi phục trạng thái tỉnh táo.

Tình trạng mệt mỏi ở người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có thể là kết quả của tình trạng viêm và thiếu máu. Thiếu máu là tình trạng cơ thể có quá ít hồng cầu khỏe mạnh. Có khoảng hơn 50% số người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bị thiếu máu. (2)

Tâm trạng chán nản và lo âu

Cảm giác chán nản và lo âu là triệu chứng phổ biến của cả hội chứng đau cơ xơ hóa và bệnh viêm khớp dạng thấp. Những cảm giác này có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Một nghiên cứu vào năm 2007 cho thấy cảm giác chán nản và lo âu do bệnh viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa không có sự khác biệt lớn. Điều này cũng được chỉ ra trong một nghiên cứu vào năm 2018. Nghiên cứu này cho thấy những người bị đau mạn tính có nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tin thần cao hơn, bất kể có bị đau cơ xơ hóa hay không.

Tuy nhiên, việc giải quyết các vấn đề về sức khỏe tinh thần do bệnh viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa là điều rất quan trọng. Trên thực tế, một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy những người bị các bệnh gây đau mạn tính như viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa có nguy cơ tự ngược đãi bản thân cao hơn so với dân số nói chung. (3)

Các triệu chứng khác của viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa

Mặc dù viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa có nhiều triệu chứng chung nhưng mỗi tình trạng cũng có những triệu chứng riêng.

Triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp thường xảy ra theo đợt. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Đau khớp
  • Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và sau một thời gian dài không hoạt động
  • Khớp sưng đỏ
  • Cục cứng dưới da (nốt thấp khớp)
  • Sốt nhẹ
  • Ăn không ngon miệng

Tình trạng viêm do sự tấn công nhầm của hệ miễn dịch còn có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể và dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, ví dụ như:

  • Mắt: khô, nhạy cảm với ánh sáng và suy giảm thị lực
  • Miệng: khô, loét và viêm nướu
  • Phổi: khó thở
  • Tim: bệnh tim mạch và đột quỵ
  • Mạch máu: giảm lưu lượng máu, dẫn dếnđ tổn thương các cơ quan, da và dây thần kinh
  • Máu: thiếu máu

Triệu chứng đau cơ xơ hóa

Các triệu chứng của hội chứng đau cơ xơ hóa giống với triệu chứng của nhiều bệnh lý khác. Tuy nhiên, cơn đau do đau cơ xơ hóa thường xảy ra trên diện rộng ở nhiều khu vực trên cơ thể, ví dụ như:

  • Sau đầu
  • Xương đòn
  • Lưng trên
  • Khuỷu tay
  • Mông
  • Đầu gối

Người bị đau cơ xơ hóa còn có thể gặp phải các vấn đề khác như:

  • Suy giảm khả năng nhận thức và trí nhớ, gọi là “sương mù não”
  • Cứng khớp
  • Đau nửa đầu
  • Đau vùng chậu
  • Hội chứng chân không yên
  • Bàng quang tăng hoạt
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Rối loạn khớp thái dương hàm

Đau cơ xơ hóa gây đau khớp và cơ nhưng không phá hỏng khớp như bệnh viêm khớp. Đau cơ xơ hóa cũng không làm tổn thương cơ và các mô mềm khác. Tuy nhiên, đau cơ xơ hóa có thể làm trầm trọng thêm cơn đau do viêm khớp.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa

Viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa được chẩn đoán bằng các phương pháp khác nhau.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Trước tiên bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử chi tiết, bao gồm cả tiền sử bệnh cá nhân và gia đình của người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, gồm có quan sát và ấn lên các khớp, đồng thời đánh giá phạm vi chuyển động của khớp. Tiếp theo, người bệnh sẽ phải lấy mẫu máu để làm xét nghiệm. Các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Xét nghiệm các chất chỉ điểm tình trạng viêm trong cơ thể, chẳng hạn như protein phản ứng C (CRP) và tốc độ lắng hồng cầu (ESP)
  • Xét nghiệm các tự kháng thể, gồm có xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF) và xét nghiệm kháng thể kháng CCP (anti-CCP)

Bên cạnh đó còn cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc chụp X-quang để đánh giá tình trạng tổn thương hoặc viêm khớp

Sau khi xác nhận chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, bác sĩ sẽ ngay lập tức kê thuốc điều trị. Nếu không được điều trị, khớp sẽ ngày càng bị tổn thương nặng và có thể bị hỏng vĩnh viễn. Theo thời gian, bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ gây tổn hại đến các cơ quan chính của cơ thể, bao gồm cả tim.

Đôi khi, những xét nghiệm trên cho kết quả âm tính ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Chẩn đoán đau cơ xơ hóa

Hội chứng đau cơ xơ hóa đôi khi khó chẩn đoán. Không có bất cứ xét nghiệm hay phương pháp chẩn đoán hình ảnh nào có thể xác nhận chính xác đau cơ xơ hóa, ngay cả khi người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng.

Để chẩn đoán chứng đau cơ xơ hóa, bác sĩ thường loại trừ các bệnh lý khác.

Bác sĩ cũng có thể sẽ sử dụng các công cụ chẩn đoán như Chỉ số đau lan rộng (widespread pain index - WPI) và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Theo Hiệp hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (the American College of Rheumatology), các tiêu chí chẩn đoán đau cơ xơ hóa gồm có:

  • Điểm WPI từ 7 trở lên và điểm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng từ 5 trở lên hoặc điểm WPI từ 3 đến 6 và điểm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng từ 9 trở lên
  • Các triệu chứng duy trì mức độ nghiêm trọng trong ít nhất 3 tháng
  • Các triệu chứng không phải do bệnh lý khác

WPI gồm có danh sách 19 khu vực mà những người mắc chứng đau cơ xơ hóa thường bị đau. Điểm số được tính dựa trên số vùng bị đau trong 7 ngày gần nhất. Mỗi vùng bị đau được tính là 01 điểm và điểm số tối đa là 19.

Điểm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng gồm thông tin về triệu chứng cụ thể và mức độ ảnh hưởng đến người bệnh. Điểm số tối đa là 12. Điểm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng được tính dựa trên:

  • mức độ nghiêm trọng của từng triệu chứng dưới đây trong 7 ngày gần nhất, được tính trên thang điểm từ 0 (không vấn đề gì) đến 3 (nghiêm trọng):
    • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
    • Giảm khả năng suy nghĩ hoặc ghi nhớ
    • Uể oải khi thức dậy
  • Có gặp triệu chứng nào khác trong 6 tháng qua hay không, chẳng hạn như nhức đầu, đau bụng, đau vùng chậu hoặc tâm trạng chán nản, lo lắng
  • Số lượng các triệu chứng khác, được tính trên thang điểm từ 0 (không có triệu chứng nào khác) đến 3 (có thêm nhiều triệu chứng khác)

Điều trị viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa

Cả viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa đều không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn. Mục tiêu điều trị làm giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Trong trường hợp viêm khớp dạng thấp, việc điều trị từ sớm có thể giúp ngăn sự tiến triển của bệnh và các biến chứng.

Điều trị viêm khớp dạng thấp

Phương pháp chính để điều trị viêm khớp dạng thấp là dùng thuốc. Các loại thuốc giúp làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể, giảm bớt các triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nặng thêm. Loại thuốc mà người bệnh cần dùng sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Loại thuốc chính để điều trị viêm khớp dạng thấp là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD). Có 3 loại DMARD là:

  • DMARD truyền thống: làm giảm phản ứng miễn dịch và nhờ đó giúp giảm viêm. Ví dụ về các loại DMARD truyền thống gồm có methotrexate, hydroxychloroquine, sulfasalazine và leflunomide.
  • Thuốc sinh học: nhắm chính xác đến các thành phần gây viêm trong hệ miễn dịch thay vì làm giảm hoạt động của toàn bộ hệ miễn dịch như DMARD truyền thống. Có nhiều loại thuốc sinh học khác nhau được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp:
    • Thuốc ức chế TNF (yếu tố hoại tử khối u) như etanercept (Enbrel) và adalimumab (Humira)
    • Thuốc ức chế interleukin-6 (IL-6) như tocilizumab (Actemra) và sarilumab (Kevzara)
    • Thuốc ức chế CD80/CD86 như abatacept (Orencia)
    • Thuốc ức chế CD20 như rituximab (Rituxan)
  • Thuốc ức chế Janus kinase (JAK): làm giảm hoạt động của cytokine - các phân tử đóng vai trò quan trọng trong phản ứng viêm. Ví dụ về thuốc ức chế JAK gồm có tofacitinib (Xeljanz) và baricitinib (Olumiant).

Ngoài ra còn có các loại thuốc khác cũng được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, ví dụ như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau và viêm nhẹ. Corticoid (corticosteroid) có thể được sử dụng trong thời gian ngắn để giảm tình trạng viêm trong cơ thể. Không nên sử dụng corticoid lâu dài vì các loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ.

Ngoài thuốc, các phương pháp điều trị khác gồm có:

  • Vật lý trị liệu hoặc hoạt động trị liệu: cải thiện tính linh hoạt, phạm vi chuyển động của khớp và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày
  • Các biện pháp khắc phục tại nhà như tập thể dục thường xuyên, chườm nóng và lạnh lên khớp bị sưng đau, điều chỉnh chế độ ăn, hạn chế căng thẳng, dùng thực phẩm chức năng như axit béo omega-3
  • Các phương pháp điều trị hỗ trợ như châm cứu, mát xa
  • Phẫu thuật để sửa hoặc thay các khớp bị hỏng

Điều trị đau cơ xơ hóa

Các phương pháp điều trị đau cơ xơ hóa cũng nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Có nhiều loại thuốc đã được phê duyệt để điều trị chứng đau cơ xơ hóa. Những loại thuốc này tác động lên một số hóa chất trong não và nhờ đó giúp giảm mức độ đau đớn.

Các loại thuốc chính để điều trị đau cơ xơ hóa gồm có:

  • duloxetine
  • amitriptyline
  • milnacipran
  • pregabalin

Người bệnh cũng có thể sẽ được kê thêm các loại thuốc khác, tùy thuộc vào triệu chứng gặp phải, ví dụ như:

  • Thuốc chống viêm
  • Thuốc điều trị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu
  • Thuốc giúp ngủ ngon hơn

Liệu pháp nhận thức - hành vi (cognitive-behavioral therapy - CBT) cũng có thể là một phần trong phác đồ điều trị hội chứng đau cơ xơ hóa. Liệu pháp nhận thức - hành vi giúp người bệnh đánh giá và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực có thể góp phần gây ra hoặc làm tăng nặng các triệu chứng. Người bệnh sẽ được chuyên gia trị liệu hướng dẫn các cách để cải thiện cảm xúc và sức khỏe tinh thần.

Thay đổi lối sống cũng có là điều cần thiết để kiểm soát chứng đau cơ xơ hóa. Người bệnh nên:

  • cố gắng ngủ đủ giấc mỗi ngày. Nếu bị khó ngủ thì có thể thử các cách như đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm hàng ngày hay thực hiện các hoạt động giúp thư giãn trước khi đi ngủ
  • tập thể dục thường xuyên để giảm đau, cải thiện khả năng vận động và cải thiện giấc ngủ
  • thực hiện các biện pháp giúp thư giãn, giảm căng thẳng như tập yoga, bài tập hít thở, thiền hoặc dành thời gian cho sở thích cá nhân
  • cân nhắc các phương pháp trị liệu như mát xa hoặc châm cứu

Các bệnh lý khác có triệu chứng giống viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa

Đau khớp, mệt mỏi và đau cơ là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác, ví dụ như:

  • Bệnh lupus, một bệnh tự miễn gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể
  • Hội chứng Sjogren, một rối loạn tự miễn cũng có triệu chứng khô mắt và miệng
  • Suy giáp, tình trạng tuyến giáp hoạt động kém, dẫn đến nồng độ hormone tuyến giáp thấp, cũng gây mệt mỏi và đau nhức
  • Bệnh đa xơ cứng, một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công hệ thần kinh trung ương
  • Hội chứng mệt mỏi mạn tính, tình trạng mệt mỏi cực độ kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên. Tình trạng này cũng có thể gây ra triệu chứng thể chất như đau cơ và khớp.
  • Bệnh Lyme, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây truyền qua bọ ve và có các triệu chứng gồm sốt, mệt mỏi, đau cơ và khớp

Nên đi khám khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị từ sớm.

Tóm tắt bài viết

Viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa có một số triệu chứng giống nhau, gồm đau, rối loạn giấc ngủ và cảm giác lo lắng, chán nản.

Tuy nhiên, viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa là do những nguyên nhân khác nhau gây ra và phương pháp điều trị cũng khác nhau.

Điều quan trọng là phải đi khám càng tốt càng tốt khi có các triệu chứng bất thường để xác định đúng bệnh và có phương pháp điều trị thích hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp
Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp

Sự khác biệt chính giữa bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) và viêm cột sống dính khớp (ankylosing spondylitis) là vị trí của khớp bị viêm và đối tượng mắc bệnh. Hai bệnh lý này cũng có phương pháp điều trị khác nhau.

Điểm giống và khác nhau giữa viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp
Điểm giống và khác nhau giữa viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp đều là những bệnh lý do viêm và có nhiều triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, hai bệnh lý này cũng có những triệu chứng khác nhau. Nguyên nhân và cách điều trị cũng không giống nhau.

Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp
Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.

Phân biệt viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp
Phân biệt viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp

“Viêm khớp” là một thuật ngữ chung để chỉ tất cả những bệnh ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của khớp. Có nhiều loại viêm khớp khác nhau, trong đó có viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) và thoái hóa khớp (osteoarthritis).

Mối liên hệ giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và thiếu máu
Mối liên hệ giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và thiếu máu

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn hệ thống ảnh hưởng đến khớp và các cơ quan khác trong cơ thể. Ở người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch của cơ thể tưởng nhầm mô niêm mạc khớp là tác nhân gây hại và tấn công các mô này. Điều này dẫn đến sưng tấy, cứng và đau khớp. Hệ miễn dịch còn có thể tấn công và dẫn đến viêm, tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể như tim, phổi, mắt và mạch máu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây