Mối liên hệ giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và thiếu máu
Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là tình trạng cơ thể có quá ít hồng cầu. Điều này xảy ra do tủy xương tạo ra ít hồng cầu hơn mức cơ thể cần.
Các hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi cơ thể có quá ít hồng cầu, các cơ quan sẽ không được cung cấp đủ oxy.
Ở những người bị thiếu máu, tủy xương còn tạo ra ít hemoglobin (huyết sắc tố) hơn. Đây là một loại protein trong hồng cầu có chứa chất sắt, giúp cho hồng cầu vận chuyển oxy.
Mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và thiếu máu
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể liên quan đến nhiều loại thiếu máu, gồm có thiếu máu do viêm mạn tính và thiếu máu do thiếu sắt.
Khi bệnh viêm khớp dạng thấp bùng phát, phản ứng miễn dịch gây ra tình trạng viêm ở khớp và các mô khác trong cơ thể. Viêm mạn tính có thể làm giảm sự sản xuất hồng cầu ở tủy xương. Điều này có thể dẫn đến sự giải phóng một số protein ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng sắt.
Viêm còn có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất erythropoietin, một loại hormone kiểm soát quá trình sản sinh hồng cầu.
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có gây thiếu máu không?
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể gây thiếu máu. Một trong những nhóm thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như naproxen, ibuprofen và meloxicam. Các loại thuốc này có thể gây viêm loét chảy máu ở dạ dày và các cơ quan khác trong đường tiêu hóa.
Điều này gây mất máu và dẫn đến thiếu máu. Nếu bị thiếu máu nghiêm trọng (nồng độ hemoglobin dưới 7 gram/dL) thì người bệnh có thể sẽ phải truyền máu để tăng số lượng hồng cầu và lượng sắt.
NSAID còn có thể gây tổn thương gan, nơi lưu trữ lượng sắt hấp thu từ thực phẩm và giải phóng sắt khi cơ thể cần. Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), bao gồm cả thuốc sinh học, cũng có thể gây tổn thương gan và thiếu máu.
Một loại thuốc phổ biến khác được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp là methotrexate, một loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD). Methotrexate có thể gây thiếu hụt folate và điều này cũng có thể dẫn đến thiếu máu.
Những người đang phải dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể cần làm xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra tình trạng thiếu máu.
Chẩn đoán thiếu máu
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng thiếu máu như:
- Mệt mỏi, không có sức lực
- Hụt hơi
- Đau đầu
- Da xanh xao, nhợt nhạt
- Lạnh tay hoặc chân
- Đau ngực (xảy ra do thiếu máu trầm trọng khiến tim không được cung cấp đủ máu giàu oxy)
Trong nhiều trường hợp, thiếu máu do viêm khớp dạng thấp chỉ ở mức độ rất nhẹ và không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Trong những trường hợp này, xét nghiệm máu là cách duy nhất để phát hiện vấn đề.
Các xét nghiệm chẩn đoán thiếu máu
Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để chẩn đoán thiếu máu, cụ thể bác sĩ sẽ nghe tim phổi và ấn lên bụng người bệnh để đánh giá kích thước và hình dạng của gan cũng như lá lách.
Tiếp theo, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu để đo các chỉ số sau đây:
- Nồng độ hemoglobin
- Số lượng hồng cầu
- Số lượng hồng cầu lưới (hồng cầu chưa trưởng thành)
- Ferritin huyết thanh (protein dự trữ sắt)
- Sắt huyết thanh (nồng độ sắt trong máu)
Điều trị thiếu máu do viêm khớp dạng thấp
Một khi xác định được nguyên nhân gây thiếu máu, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Để điều trị thiếu máu do viêm khớp dạng thấp, trước tiên cần kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách giảm tình trạng viêm trong cơ thể.
Những người bị thiếu sắt sẽ cần phải bổ sung sắt nhưng lưu ý, bổ sung quá nhiều sắt có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Người bị thiếu máu có thể cần dùng một loại thuốc tên là erythropoietin để kích thích tủy xương tạo ra nhiều hồng cầu hơn.
Điều quan trọng là phải điều trị bệnh thiếu máu càng sớm càng tốt. Khi máu không có đủ oxy, tim sẽ phải làm việc vất vả hơn do phải bơm nhiều máu hơn đi khắp cơ thể. Tình trạng thiếu máu không được điều trị có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim hoặc thậm chí là nhồi máu cơ tim trong những trường hợp nghiêm trọng.
Ngăn ngừa thiếu máu do viêm khớp dạng thấp
Ngăn ngừa các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính có thể giúp giảm nguy cơ thiếu máu. Người mắc các bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp nên tái khám định kỳ. Người bệnh thường sẽ phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu.
Thiếu máu thực ra không khó điều trị. Điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa các biện chứng do thiếu máu, gồm có các vấn đề nghiêm trọng về tim.
Bệnh thần kinh ngoại biên có thể là một biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh thần kinh ngoại biên. Người bệnh cũng có thể cần dùng thêm thuốc điều trị bệnh thần kinh ngoại biên.
Tìm hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus, hai bệnh lý đều có triệu chứng đặc trưng là đau khớp và cứng khớp. Mặc dù có một số điểm tương đồng nhưng đây là hai căn bệnh hoàn toàn riêng biệt. Bệnh viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng chuyển động của khớp.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính gây sưng đau và cứng khớp, thường xảy ra ở nhiều khớp cùng một lúc. Bệnh còn có thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.
Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.