Phân biệt viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp
Mặc dù viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp đều ảnh hưởng đến khớp nhưng đây là hai dạng viêm khớp rất khác nhau.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các mô niêm mạc khớp.
Trong khi đó, thoái hóa khớp là một bệnh lý thoái hóa xảy ra do sụn bị bào mòn.
Trên thế giới có khoảng 20 triệu người bị viêm khớp dạng thấp trong khi có trên 500 triệu người bị thoái hóa khớp, có nghĩa là khoảng 7% dân số. (1)
Bệnh tự miễn và bệnh thoái hóa
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, có nghĩa là xảy ra do hệ miễn dịch tấn công chính các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Ở người bị viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch nhầm lẫn mô niêm mạc khớp là mối đe dọa giống như virus hoặc vi khuẩn và tấn công.
Sự tấn công này khiến mô khớp bị viêm và dẫn đến tích tụ dịch trong khớp. Điều này gây ra các triệu chứng như:
- Sưng khớp
- Đau đớn
- Cứng khớp
- Khớp nóng đỏ
- Giảm phạm vi chuyển động của khớp
Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất, xảy ra do sụn trong khớp bị phá hủy, hao mòn. Điều này khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau, dần dần làm lộ ra các dây thần kinh nhỏ và gây đau đớn.
Thoái hóa khớp không phải do phản ứng tự miễn như viêm khớp dạng thấp nhưng ở người bị thoái hóa khớp, khớp cũng có thể bị viêm nhẹ.
Ai có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hóa khớp?
Phụ nữ có nguy cơ mắc cả hai loại viêm khớp cao hơn nam giới. Cả viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp đều phổ biến hơn ở người lớn tuổi nhưng viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra mọi lứa tuổi.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở nhiều thế hệ trong cùng một gia đình. Những người có cha mẹ, con cái hoặc anh chị em ruột bị viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gồm có:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Biến dạng khớp
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh gout
- Từng bị chấn thương ở khớp
Triệu chứng
Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp có nhiều triệu chứng giống nhau, gồm có:
- Khớp đau, cứng
- Giảm phạm vi chuyển động của khớp
- Nóng đỏ ở khớp
- Các triệu chứng nặng hơn vào buổi sáng
Tuy nhiên, hai loại viêm khớp này có một số điểm khác biệt.
Viêm khớp dạng thấp | Thoái hóa khớp | |
Độ tuổi khởi phát | Bất kỳ độ tuổi nào. | Thường khởi phát khi có tuổi. |
Tốc độ diễn tiến | Thường khá nhanh, trong vài tuần hoặc vài tháng. | Dần dần trong nhiều năm. |
Các yếu tố nguy cơ |
|
|
Triệu chứng | Ngoài đau khớp và sưng tấy, người bệnh còn có thể bị sốt nhẹ, đau cơ và mệt mỏi. Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả tim và phổi. Những trường hợp nặng còn hình thành nốt dạng thấp dưới da gần khớp. | Chủ yếu là đau khớp. Các khớp bị tổn thương có thể hình thành gai xương. |
Những vị trí khớp bị ảnh hưởng | Thường bắt đầu ở các khớp nhỏ, đặc biệt là các khớp của ngón tay. Đa phần xảy ra ở các khớp đối xứng (ở cả hai bên cơ thể) và sau đó có thể lan đến các khớp lớn hơn. | Thường xảy ra ở khớp bàn tay, ngón tay, đầu gối, cột sống và hông. Không có tính đối xứng. |
Phương pháp điều trị | Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm và thuốc sinh học nhắm đến hệ miễn dịch | Thuốc chống viêm và corticoid. |
Triệu chứng khác của viêm khớp dạng thấp
Mỗi loại viêm khớp còn có những triệu chứng riêng. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh hệ thống, có nghĩa là có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả phổi, tim, mắt chứ không chỉ ảnh hưởng đến khớp. Một số triệu chứng toàn thân ban đầu của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Sốt nhẹ, đặc biệt ở trẻ em
- Đau cơ
- Mệt mỏi
Những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp giai đoạn nặng còn có thể xuất hiện nốt sần cứng bên dưới da gần khớp gọi là nốt thấp khớp.
Triệu chứng khác của thoái hóa khớp
Người bị thoái hóa khớp thường không gặp các triệu chứng toàn thân. Vì bệnh lý này xảy ra do sụn bị hao mòn nên các triệu chứng chỉ xảy ra ở khớp.
Người bị thoái hóa khớp cũng có thể có cục cứng dưới da xung quanh khớp nhưng những cục cứng này khác với nốt thấp khớp. Những cục cứng này là gai xương. Tình trạng này là do mô xương phát triển quá mức ở đầu xương bên trong khớp bị tổn thương.
Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp xảy ra ở những vị trí nào?
Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp xảy ra ở những vị trí khác nhau trong cơ thể.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu ở các khớp nhỏ, ví dụ như các khớp của ngón tay. Theo thời gian, bệnh sẽ tiến triển và lan đến các khớp lớn hơn như đầu gối, vai và mắt cá chân.
Bệnh viêm khớp dạng thấp có tính đối xứng, có nghĩa là các triệu chứng thường xảy ra ở cả hai bên cơ thể.
Thoái hóa khớp
Bệnh thoái hóa khớp ít có tính đối xứng hơn. Người bệnh có thể chỉ bị đau ở một đầu gối hoặc đau ở cả hai đầu gối nhưng một bên đau ít hơn.
Giống như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp cũng thường xảy ra ở các khớp bàn tay và ngón tay. Ngoài ra, tình trạng thoái hóa khớp còn xảy ra ở đầu gối, cột sống và hông.
Điều trị
Mục tiêu chính trong điều trị thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là:
- Giảm đau
- Cải thiện chức năng khớp
- Giảm thiểu tổn hại cho khớp
Có nhiều cách để đạt được những mục tiêu này nhưng phương pháp điều trị chính cho cả bệnh viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp là dùng thuốc.
Thuốc chống viêm và corticoid (corticosteroid) thường có hiệu quả đối với cả viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp nhưng chỉ nên sử dụng corticoid trong thời gian ngắn.
Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp thường phải dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch để ngăn hệ miễn dịch tấn công khớp và bảo vệ khớp không bị tổn thương thêm.
Câu hỏi thường gặp
Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp có xảy ra cùng lúc không?
Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp có thể xảy ra cùng lúc.
Thoái hóa khớp thường xảy ra khi có tuổi sau nhiều năm sụn bị hao mòn trong khi viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra sớm do các nguyên nhân như chấn thương dẫn đến tổn thương sụn, khớp hoặc dây chằng.
Những người bị viêm khớp dạng thấp cũng có thể bị thoái hóa khớp khi về già.
Những người trên 65 tuổi bị thoái hóa khớp có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi (EORA). Không giống như viêm khớp dạng thấp thông thường, viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi thường xảy ra ở các khớp lớn.
Bệnh nào gây đau nhiều hơn?
Cơn đau do viêm khớp ở mỗi người có cường độ khác nhau.
Người bị thoái hóa khớp hoặc viêm khớp dạng thấp có thể bị đau từ nhẹ đến nặng và khó cử động các khớp bị ảnh hưởng.
Tình trạng cứng khớp vào buổi sáng do thoái hóa khớp thường chỉ kéo dài trong khoảng 30 phút nhưng cứng khớp do viêm khớp dạng thấp thường kéo dài lâu hơn.
Viêm khớp dạng thấp còn gây ra các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi và sụt cân.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù cùng là viêm khớp nhưng thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp có nhiều điểm khác nhau. Viêm khớp dạng thấp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công khớp trong khi thoái hóa khớp là do sụn bị hao mòn theo thời gian. Cả hai bệnh đều gây đau và cứng khớp nhưng mỗi bệnh cũng có những triệu chứng riêng. Tuy rằng viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp không thể chữa khỏi nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng.
Tìm hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus, hai bệnh lý đều có triệu chứng đặc trưng là đau khớp và cứng khớp. Mặc dù có một số điểm tương đồng nhưng đây là hai căn bệnh hoàn toàn riêng biệt. Bệnh viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng chuyển động của khớp.
Sự khác biệt chính giữa bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) và viêm cột sống dính khớp (ankylosing spondylitis) là vị trí của khớp bị viêm và đối tượng mắc bệnh. Hai bệnh lý này cũng có phương pháp điều trị khác nhau.
Trong khi viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn thì đau cơ xơ hóa là một hội chứng đau xuất phát từ hệ thần kinh trung ương. Hai tình trạng này có một số triệu chứng giống nhau nhưng cũng có các triệu chứng riêng, ví dụ như bệnh viêm khớp dạng thấp có triệu chứng là mắt nhạy cảm với ánh sáng và đau cơ xơ hóa có triệu chứng là hội chứng chân không yên.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính hiện chưa có thuốc chữa trị khỏi nhưng các nhà nghiên cứu cho biết một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.