1

Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp

Sự khác biệt chính giữa bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) và viêm cột sống dính khớp (ankylosing spondylitis) là vị trí của khớp bị viêm và đối tượng mắc bệnh. Hai bệnh lý này cũng có phương pháp điều trị khác nhau.
Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp

Viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp là hai trong số những bệnh lý về khớp phổ biến nhất.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây đau và sưng khớp. Bệnh này thường xảy ra ở các khớp của bàn tay, cổ tay và đầu gối.

Viêm cột sống dính khớp cũng là một bệnh tự miễn. Bệnh chủ yếu gây đau và viêm ở các khớp cột sống.

Viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp là hai loại viêm khớp nhưng hai bệnh lý này không giống nhau. Viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp có triệu chứng và cách điều trị khác nhau. Tuy nhiên, do có một số biểu hiện tương đồng nên đôi khi khó phân biệt được hai bệnh lý này. Trước đây, do các công nghệ chẩn đoán chưa phát triển, bệnh viêm cột sống dính khớp đôi khi bị chẩn đoán nhầm là viêm khớp dạng thấp.

Dưới đây là những điểm giống và khác nhau giữa viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp, gồm có các triệu chứng, phương pháp chẩn đoán, điều trị và tiên lượng của người mắc bệnh.

Viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp xảy ra ở những khớp nào?

Viêm khớp dạng thấp đa phần xảy ra ở các khớp bàn tay, cổ tay và đầu gối nhưng cũng có thể xảy ra ở các khớp khác như:

  • Vai
  • Khuỷu tay
  • Mắt cá chân

Một điểm khác biệt lớn của bệnh viêm khớp dạng thấp với các loại viêm khớp khác là viêm khớp dạng thấp xảy ra ở các khớp đối xứng, có nghĩa là thường xảy ra ở các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể, ví dụ như cả hai cổ tay hoặc cả hai đầu gối.

Khác với viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp thường không xảy ra ở các khớp cột sống. Tuy nhiên, đôi khi viêm khớp dạng thấp xảy ra ở các khớp cột sống cổ.

Viêm cột sống dính khớp chủ yếu xảy ra ở các khớp cột sống. Tình trạng viêm cũng có thể xảy ra ở các khớp khác, chẳng hạn như:

  • Vai
  • Hông
  • Gót chân
  • Đầu gối
  • Sườn

Khi xảy ra ở các khớp khác không phải cột sống, viêm cột sống dính khớp cũng thường xảy ra ở các khớp đối xứng nhưng cũng có những trường hợp mà tình trạng này chỉ xảy ra ở một bên cơ thể.

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp

Các triệu chứng phổ biến của viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp gồm có:

  • Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng
  • Sốt nhẹ
  • Mệt mỏi
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân không chủ đích

Các triệu chứng riêng của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Đau, cứng và sưng khớp ở tứ chi
  • Các triệu chứng xảy ra ở nhiều khớp
  • Các triệu chứng thường bắt đầu xảy ra ở các khớp nhỏ, ví dụ như khớp ngón tay hoặc ngón chân

Các triệu chứng riêng của bệnh viêm cột sống dính khớp gồm có:

  • Đau lưng dữ dội
  • Gù lưng
  • Đau, cứng và sưng ở các khớp lớn bên ngoài cột sống

Những ai có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp?

Có khoảng 0,3% đến 1,5% dân số mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp. (1) Những người mang một nhóm gen tên là kháng nguyên bạch cầu người (human leukocyte antigen - HLA) có nguy cơ mắc hai bệnh lý này cao hơn.

Bệnh viêm khớp dạng thấp phổ biến hơn ở phụ nữ, trong khi viêm cột sống dính khớp lại phổ biến hơn ở nam giới. Viêm cột sống dính khớp thường bắt đầu xảy ra trước 30 tuổi trong khi viêm khớp dạng thấp thường xảy ra muộn hơn, trong độ tuổi từ 40 đến 50.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Hút thuốc hoặc tiếp xúc nhiều với khói thuốc (hút thuốc thụ động), đặc biệt là khi còn nhỏ
  • Béo phì
  • Phụ nữ chưa từng sinh con

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc viêm cột sống dính khớp gồm có:

  • Bị bệnh viêm ruột
  • Tiền sử bị nhiễm trùng khi còn nhỏ

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp thường mất nhiều thời gian, đòi hỏi phải kết hợp nhiều xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Lý do là bởi một số triệu chứng của hai bệnh lý này giống với triệu chứng của các bệnh về khớp khác và không có bất cứ xét nghiệm hay phương pháp chẩn đoán hình ảnh đơn lẻ nào có thể xác định được viêm cột sống dính khớp hay viêm khớp dạng thấp.

Bước đầu tiên để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp là khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, bệnh sử cá nhân và gia đình cũng như các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ sẽ kiểm tra các khớp xem có bị sưng, đau và giảm phạm vi chuyển động hay không.

Tiếp theo cần thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp gồm có:

  • Chụp X-quang: giúp đánh giá mức độ viêm ở khớp và xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): giúp bác sĩ đánh giá chi tiết hơn bên trong các khớp bị viêm.
  • Siêu âm: tạo ra một “bản đồ” gồm các xương, khớp và gân bị ảnh hưởng.

Các xét nghiệm máu gồm có:

  • Công thức máu toàn bộ (CBC): giúp phát hiện hoặc loại trừ các bệnh về máu (ví dụ như thiếu máu) thường có liên quan đến một số bệnh về khớp.
  • Tốc độ máu lắng (ESR): giúp xác định mức độ viêm trong cơ thể.
  • Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP): đánh giá tình trạng viêm.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA): giúp phát hiện dấu hiệu của bệnh tự miễn.
  • Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF): giúp phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp với các bệnh lý khác.
  • Xét nghiệm HLA-B27: phát hiện sự hiện diện của HLA-B27 – một chỉ thị di truyền phổ biến ở người mắc bệnh viêm cột sống dính khớp.

Điều trị viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp

Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp về cơ bản là tương tự nhau nhưng cũng có một số điểm khác biệt. Các bác sĩ sử dụng một chiến lược gọi là “điều trị theo mục tiêu” (treat-to-target – T2T) để kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp. Điều trị theo mục tiêu có nghĩa là đặt ra mục tiêu điều trị và tuân theo một quy trình được giám sát nghiêm ngặt, có thể điều chỉnh khi cần thiết để đạt được mục tiêu đó.

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Corticoid (corticosteroid)
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) (hiệu quả hơn đối với bệnh viêm khớp dạng thấp, hiếm khi được sử dụng để điều trị viêm cột sống dính khớp)
  • Thuốc sinh học
  • Thuốc ức chế Janus kinase (JAK)

Các phương pháp điều trị khác gồm có:

  • Thay đổi lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn uống, tập thể dục và điều chỉnh tư thế (đối với viêm cột sống dính khớp)
  • Chườm lạnh hoặc nóng
  • Vật lý trị liệu
  • Phẫu thuật

Tiên lượng của người mắc viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp

Tiên lượng của mỗi ca bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp là khác nhau do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Mặc dù cả viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp đều không gây tử vong nhưng các biến chứng của hai bệnh lý này có thể làm giảm tuổi thọ từ 10 đến 15 năm. (2) Tuy nhiên, nhờ có những tiến bộ trong điều trị hiện nay, nhiều người mắc các bệnh lý này vẫn sống được đến hơn 80 hoặc thậm chí 90 tuổi.

Mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc viêm cột sống dính khớp sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất, chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe tinh thần. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc kiểm soát tình trạng bệnh. Kiểm soát tốt tình trạng bệnh là điều rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng.

Điểm giống và khác biệt chính giữa viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp

Dưới đây là những điểm tương đồng và khác biệt chính giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp.

  Viêm khớp dạng thấp Viêm cột sống dính khớp
Đối tượng mắc bệnh
  • Phổ biến hơn ở phụ nữ
  • Thường xảy ra sau 40 tuổi
  • Phổ biến hơn ở nam giới
  • Thường xảy ra trước 30 tuổi
Triệu chứng
  • Đau/sưng ở các khớp ở tứ chi
  • Bắt đầu ở các khớp nhỏ hơn
  • Đau lưng dữ dội
  • Đau/sưng ở các khớp lớn bên ngoài cột sống
Chẩn đoán
  • Khám lâm sàng
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu, gồm có xét nghiệm yếu tố dạng thấp
  • Khám lâm sàng
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu, gồm có xét nghiệm HLA-B27
Điều trị
  • NSAID và corticoid để giảm viêm và đau
  • DMARD
  • Thuốc sinh học
  • Thuốc ức chế JAK
  • NSAID và corticoid để giảm viêm và đau
  • Thuốc sinh học
  • Thuốc ức chế JAK
Tiên lượng Không gây tử vong nhưng có thể làm giảm tuổi thọ Không gây tử vong nhưng có thể làm giảm tuổi thọ

Tóm tắt bài viết

Viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp là những loại viêm khớp khác nhau. Mặc dù có liên quan nhưng hai bệnh lý này có các triệu chứng khác nhau và do nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên, viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp có nhiều điểm tương đồng và điều này gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh.

Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp là tương tự nhau những cũng có những điểm khác biệt. Cả hai căn bệnh này đều không gây tử vong nhưng các biến chứng sẽ làm giảm tuổi thọ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa
Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa

Trong khi viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn thì đau cơ xơ hóa là một hội chứng đau xuất phát từ hệ thần kinh trung ương. Hai tình trạng này có một số triệu chứng giống nhau nhưng cũng có các triệu chứng riêng, ví dụ như bệnh viêm khớp dạng thấp có triệu chứng là mắt nhạy cảm với ánh sáng và đau cơ xơ hóa có triệu chứng là hội chứng chân không yên.

Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp
Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.

Điểm giống và khác nhau giữa viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp
Điểm giống và khác nhau giữa viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp đều là những bệnh lý do viêm và có nhiều triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, hai bệnh lý này cũng có những triệu chứng khác nhau. Nguyên nhân và cách điều trị cũng không giống nhau.

Phân biệt viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp
Phân biệt viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp

“Viêm khớp” là một thuật ngữ chung để chỉ tất cả những bệnh ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của khớp. Có nhiều loại viêm khớp khác nhau, trong đó có viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) và thoái hóa khớp (osteoarthritis).

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ?
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ?

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh lý mạn tính xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Các triệu chứng phổ biến nhất là sưng, đau và cứng khớp. Theo thời gian, các khớp có thể bị biến dạng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây