1

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ?

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh lý mạn tính xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Các triệu chứng phổ biến nhất là sưng, đau và cứng khớp. Theo thời gian, các khớp có thể bị biến dạng.
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ? Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ?

Theo thống kê vào năm 2019, trên thế giới có khoảng 20 triệu người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường khởi phát ở độ tuổi từ 30 - 60. Phụ nữ có tỷ lệ mắc viêm khớp dạng thấp cao gần gấp ba lần so với nam giới.

Tiên lượng của người bị viêm khớp dạng thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như kết quả xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF) hay xét nghiệm anti CCP. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến tiên lượng gồm có độ tuổi tại thời điểm phát hiện bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể và người bệnh có bị biến chứng hay không.

Mặc dù viêm khớp dạng thấp là bệnh không thể chữa khỏi nhưng các phương pháp điều trị sẽ giúp giảm mức độ tổn thương khớp và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuân thủ điều trị và thực hiện lối sống phù hợp có thể giúp cải thiện đáng kể tiên lượng của người bị viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống?

Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến các khớp trên khắp cơ thể, gây tổn thương sụn, gân và dây chằng. Theo thời gian, viêm khớp dạng thấp còn ảnh hưởng đến xương và các cơ quan khác. Viêm khớp dạng thấp khiến người bệnh bị giảm khả năng vận động và điều này sẽ cản trở cuộc sống hàng ngày.

Những người có kết quả xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF) hoặc anti-CCP dương tính thường gặp các triệu chứng viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng hơn.

Điều trị sớm có thể giúp giảm thiểu đau đớn và nguy cơ biến chứng do viêm khớp dạng thấp. Nên đi khám ngay nếu nhận thấy triệu chứng mới hoặc các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.

Biến chứng của viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Một số biến chứng phổ biến là các nốt sần dưới da (nốt dạng thấp) và biến dạng khớp. Một số người bị viêm khớp dạng thấp còn gặp vấn đề với đốt sống cổ.

Các biến chứng khác của viêm khớp dạng thấp còn có:

  • Thiếu máu
  • Viêm mắt
  • Loãng xương
  • Bệnh tiểu đường

Những người bị viêm khớp dạng thấp cũng dễ bị viêm ở mạch máu (viêm mạch máu dạng thấp), màng ngoài tim hoặc cơ tim.

Người bệnh cần biết về các biến chứng nghiêm trọng khác của viêm khớp dạng thấp, gồm có:

Bệnh tim mạch

Viêm khớp dạng thấp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm mô khớp và gây viêm. Phản ứng viêm có thể xảy ra ở khắp cơ thể, làm hỏng mạch máu và khiến mạch máu bị thu hẹp. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Những người bị bệnh viêm khớp dạng thấp còn có nguy cơ phải nhập viện do nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hoặc suy tim sung huyết cao hơn. Nguy cơ xảy ra những vấn đề này càng tăng cao ở những người có kết quả xét nghiệm RF dương tính, mắc bệnh nặng hoặc mãn kinh trước 45 tuổi.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu về mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh tim mạch cũng như ảnh hưởng của các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đến sức khoẻ tim mạch.

Rất khó xác định chính xác nguy cơ mắc bệnh tim mạch của một người. Do đó, điều quan trọng là phải khám sức khỏe định kỳ. Điều này sẽ giúp phát hiện bệnh hoặc các dấu hiệu cảnh báo từ sớm. Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Nhiễm trùng

Những người bị bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp thường dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn, ví dụ như bệnh lao và nhiễm trùng nướu. Theo một nghiên cứu, nhiễm trùng chiếm tới 36% số ca tử vong ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu sự gia tăng nguy cơ nhiễm trùng là do bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp, tác dụng phụ của thuốc điều trị hay cả hai.

Bất kể là vì lý do nào, người bị viêm khớp dạng thấp cũng nên tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng. Hãy đi khám ngay lập tức khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào.

Vấn đề về phổi

Vì là một bệnh lý viêm mạn tính nên viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả phổi. Viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi, chẳng hạn như nốt phổi hay tăng áp động mạch phổi.

Người bị viêm khớp dạng thấp còn có nguy cơ cao bị tắc nghẽn đường thở nhỏ. Vấn đề về phổi phổ biến nhất ở người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp là bệnh phổi kẽ. Bệnh phổi kẽ có thể dẫn đến xơ phổi (tình trạng mô phổi bị tổn thương, dần trở nên dày cứng, mất tính đàn hồi).

Biến chứng về đường hô hấp là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ hai ở những người bị viêm khớp dạng thấp. Những người hút thuốc cần bỏ thuốc càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về phổi.

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc?

Bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc. Có tới 40% người bị viêm khớp dạng thấp gặp phải các triệu chứng trầm cảm. Lý do chính xác dẫn đến điều này vẫn chưa được xác định rõ nhưng có thể là do những áp lực khi phải sống chung với một căn bệnh mạn tính, những triệu chứng đau đớn mà bệnh gây ra hoặc do khả năng vận động bị hạn chế, dẫn đến xáo trộn cuộc sống hàng ngày. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm cũng có thể là do tình trạng viêm trong cơ thể.

Trầm cảm sẽ khiến cho việc kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp trở nên khó khăn hơn và kết quả là tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Trầm cảm còn có thể làm tăng khả năng lạm dụng rượu và chất gây nghiện, đồng thời gây hại đến sức khỏe tổng thể.

Các triệu chứng thường gặp của chứng trầm cảm gồm có:

  • Thường xuyên có cảm giác buồn bã, chán nản hoặc tuyệt vọng
  • Dễ cáu gắt
  • Mất hứng thú với những điều từng yêu thích
  • Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
  • Luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Giảm khả năng tập trung
  • Tăng hoặc sụt cân bất thường
  • Lặp đi lặp lại những suy nghĩ tiêu cực

Chứng trầm cảm có thể được điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý. Hãy đi khám ngay khi nhận thấy bản thận có các triệu chứng trầm cảm để được giúp đỡ.

Ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp đến tuổi thọ

Mặc dù viêm khớp dạng thấp không gây tử vong nhưng các biến chứng của căn bệnh này có thể làm giảm tuổi thọ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là sự tiến triển của bệnh ở mỗi người rất khác nhau. Những người có kết quả xét nghiệm RF hoặc anti-CCP dương tính thường có tốc độ tiến triển bệnh viêm khớp dạng thấp nhanh hơn.

Hiện nay, các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp đã có nhiều cải tiến với các loại thuốc rất hiệu quả, giúp làm giảm tốc độ tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ biến chứng. Tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ sẽ giúp cải thiện đáng kể tiên lượng.

Thay đổi lối sống để kiểm soát viêm khớp dạng thấp

Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thay đổi lối sống cũng là điều cần thiết để kiểm soát viêm khớp dạng thấp:

  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng: Ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc có thể giúp tăng mức năng lượng và cải thiện tâm trạng. Người bện nên tránh hoặc hạn chế những thực phẩm nhiều đường và đồ dầu mỡ. Những thực phẩm này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và gây tăng cân. Thừa cân sẽ làm tăng áp lực lên các khớp.
  • Lắng nghe cơ thể: Nếu khớp bị đau dữ dội kéo dài sau một hoạt động nào đó thì có nghĩa là hoạt động đó đã gây áp lực lên khớp. Khi khớp bị đau, hãy ngừng hoạt động và nghỉ ngơi.
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Có nhiều thiết bị hỗ trợ dành cho những người có vấn đề về xương khớp như gậy chống, đai nẹp khớp, gậy lấy đồ trên cao, dụng cụ hỗ trợ cầm nắm... Những thiết bị giúp người bệnh thực hiện các hoạt động hàng ngày dễ dàng hơn.
  • Nhờ người giúp đỡ: Người bệnh có thể nhờ người thân trong nhà hoặc bạn bè giúp đỡ những công việc khó khăn như bê đồ nặng, lau sàn nhà hay thay bóng đèn.
  • Thường xuyên vận động: Người bệnh nên tích cực vận động hàng ngày. Điều này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của cơ và tính linh hoạt của khớp. Có thể trao đổi với bác sĩ về hình thức tập thể dục, cường độ và thời lượng tập phù hợp. Nếu có thể, hãy tìm huấn luyện viên cá nhân hoặc chuyên gia trị liệu vật lý để lên kế hoạch tập luyện. Người bị viêm khớp dạng thấp không nên giữ nguyên một tư thế quá lâu. Nếu phải ngồi trong thời gian dài, hãy đứng dậy cách 30 phút một lần và thực hiện các động tác giãn cơ hoặc đi lại xung quanh. Nếu phải cầm nắm đồ liên tục, hãy thả tay ra sau mỗi 10 đến 15 phút.
  • Ngâm nước ấm hoặc nước mát: Khi tay hoặc chân bị đau nhức, hãy ngâm trong nước mát hoặc nước ấm để giảm đau.
  • Đi khám: Nếu nhận thấy các triệu chứng tăng nặng, không nên cố gắng chịu đựng mà hãy đi khám ngay. Có thể bệnh đã tiến triển nặng thêm hoặc loại thuốc đang dùng không còn hiệu quả và cần phải điều chỉnh thuốc.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến xương hàm và răng?
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến xương hàm và răng?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng đau khớp. Căn bệnh này còn có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng.

Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính hiện chưa có thuốc chữa trị khỏi nhưng các nhà nghiên cứu cho biết một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh.

Hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp
Hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.

Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp
Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp khiến cho các khớp bị đau và cứng. Tình trạng này sẽ khiến cho người bệnh khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp, điều chỉnh tư thế ngủ có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và ngủ ngon giấc hơn, nhờ đó tăng mức năng lượng cơ thể và cải thiện các triệu chứng khác của bệnh.

Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây