Các loại viêm khớp: Triệu chứng và cách điều trị
Theo thống kê của Mạng lưới Viêm khớp dạng thấp toàn cầu (the Global RA Network) vào năm 2021, trên thế giới có khoảng 350 triệu người đang bị viêm khớp. Con số thực tế có thể còn cao cao hơn và số người bị viêm khớp ngày càng gia tăng.
Mặc dù cùng là viêm khớp nhưng mỗi loại là do nguyên nhân khác nhau gây ra và có phương pháp điều trị khác nhau.
Cùng tìm hiểu về những loại viêm khớp phổ biến, gồm có các triệu chứng và cách điều trị.
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp (osteoarthritis), hay còn được gọi là viêm khớp thoái hóa, là loại viêm khớp phổ biến nhất.
Thoái hóa khớp xảy ra do sụn trong khớp bị hao mòn hoặc phá hủy, khiến cho các đầu xương cọ xát với nhau. Điều này gây viêm khớp, dẫn đến đau đớn, mòn xương, sưng tấy, cứng khớp, hình thành gai xương và biến dạng khớp.
Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở một hoặc nhiều khớp trên cơ thể. Thoái hóa khớp chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi. Các yếu tố khác như béo phì, chấn thương, tiền sử gia đình và sử dụng khớp quá mức cũng có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Các triệu chứng phổ biến của bệnh thoái hóa khớp gồm có:
- Đau khớp
- Cứng khớp, nhất là vào buổi sáng
- Vận động khó khăn
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô khỏe mạnh của khớp.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có cứng khớpv vào buổi sáng, đau khớp và sưng khớp. Bệnh viêm khớp dạng thấp có tính đối xứng, có nghĩa là các triệu chứng thường xảy ra ở các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể, ví dụ như ở cả hai ngón trỏ hoặc cả hai cổ tay. Tình trạng viêm sẽ dần dần phá hỏng các cấu trúc trong khớp và dẫn đến biến dạng khớp.
Tình trạng viêm do hệ miễn dịch tạo ra còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể như tim, phổi, mắt, da và dẫn đến các vấn đề khác, ví dụ như hội chứng Sjogren – một tình trạng gây khô mắt và miệng nghiêm trọng. Trên thực tế, hội chứng Sjogren là một vấn đề phổ biến ở những người mắc viêm khớp dạng thấp.
Các triệu chứng khác của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Mệt mỏi
- Khó ngủ
- Nốt dạng thấp – cục cứng hình thành dưới da gần các khớp bị viêm
- Tê, nóng và cảm giác kim châm ở tay và chân
- Chán ăn
- Sụt cân
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Không có bất cứ xét nghiệm nào có thể phát hiện bệnh viêm khớp dạng thấp. Để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, tiến hành khám lâm sàng và yêu cầu chụp X-quang hoặc các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.
Một bước quan trọng để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp là xét nghiệm máu, gồm:
- Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF)
- Xét nghiệm kháng thể kháng CCP (anti-CCP)
- Công thức máu toàn bộ
- Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP)
- Tốc độ lắng hồng cầu hay tốc độ máu lắng (ESR)
Những xét nghiệm này giúp phát hiện tình trạng viêm trong cơ thể và dấu hiệu của phản ứng tự miễn.
Viêm khớp thiếu niên
Viêm khớp thiếu niên (juvenile arthritis) là thuật ngữ chung chỉ các loại viêm khớp xảy ra ở trẻ em. Loại phổ biến nhất là viêm khớp tự phát thiếu niên (juvenile idiopathic arthritis), trước đây được gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Đây là một nhóm bệnh tự miễn xảy ra ở khớp của trẻ.
Viêm khớp tự phát thiếu niên bắt đầu xảy ra trước 16 tuổi và gây ra các vấn đề như:
- Cứng cơ và mô mềm
- Mòn xương
- Giảm sự tăng trưởng và phát triển
- Lệch khớp
Nếu trẻ thường xuyên bị đau khớp, sưng tấy, cứng khớp, mệt mỏi và sốt thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên.
Các loại viêm khớp thiếu niên khác là:
- Viêm da cơ thiếu niên
- Bệnh lupus ban đỏ thiếu niên
- Bệnh xơ cứng bì thiếu niên
- Bệnh Kawasaki
- Bệnh mô liên kết hỗn hợp
Viêm cột sống
Viêm cột sống dính khớp (ankylosing spondylitis) và các loại viêm cột sống khác là nhóm các bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công điểm bám của gân và dây chằng vào xương. Các triệu chứng gồm có đau và cứng khớp, đặc biệt là ở lưng dưới.
Viêm cột sống dính khớp là loại viêm cột sống phổ biến nhất. Viêm cột sống dính khớp chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống và xương chậu nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác trên cơ thể.
Các loại viêm cột sống khác có thể ảnh hưởng đến các khớp ngoại biên, chẳng hạn như khớp ở bàn tay và bàn chân. Bệnh viêm cột sống dính khớp có thể khiến cho các đốt sống dính liền vào nhau, gây biến dạng cột sống và ảnh hưởng đến khả năng cử động.
Viêm cột sống dính khớp có tính chất di truyền. Hầu hết những người mắc bệnh này đều có gen HLA-B27. Người bị viêm cột sống dính khớp có nguy cơ mang gen HLA-B27 cao hơn so với những người không mắc bệnh. Tỷ lệ mắc viêm cột sống dính khớp ở nam giới cao hơn phụ nữ.
Các loại viêm cột sống khác cũng có liên quan đến gen HLA-B27 gồm có:
- Viêm khớp phản ứng, trước đây gọi là hội chứng Reiter
- Viêm khớp vảy nến
- Viêm khớp do bệnh lý đường ruột
- Viêm màng bồ đào trước cấp tính
- Viêm cột sống dính khớp thiếu niên
Lupus ban đỏ hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống (systemic lupus erythematosus) là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến khớp và mô liên kết trong cơ thể. Căn bệnh này còn có thể làm hỏng các cơ quan khác, chẳng hạn như da, phổi, thận, tim và não.
Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống cao hơn nam giới. Các triệu chứng thường gặp gồm có đau khớp và sưng khớp.
Các triệu chứng khác còn có:
- Đau ngực
- Mệt mỏi
- Sốt
- Khó chịu
- Rụng tóc
- Loét miệng
- Ban đỏ trên mặt
- Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
- Sưng hạch
Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Biểu hiện của bệnh lupus ban đỏ hệ thống ở mỗi người là khác nhau. Bắt đầu điều trị từ sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Bệnh gout
Gout là một loại viêm khớp xảy ra do sự tích tụ tinh thể urat bên trong khớp. Nồng độ axit uric trong máu cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Axit uric là sản phẩm chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Bình thường, axit uric được đào thải ra ngoài qua thận nhưng ở một số người, khả năng đào thải axit uric kém và dẫn đến nồng độ axit uric trong máu tăng cao.
Ước tính tỷ lệ mắc bệnh gout trên toàn cầu là 1 – 4%. Tuổi tác, chế độ ăn uống, tiêu thụ rượu bia và tiền sử gia đình có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh gout.
Triệu chứng chính của bệnh gout là đau đớn, sưng và nóng đỏ ở khớp. Bệnh thường bắt đầu ở khớp bàn ngón chân cái nhưng cũng có thể xảy ra ở các khớp khác như ngón chân, bàn chân, mắt cá chân, đầu gối, bàn tay và cổ tay.
Cơn gout cấp có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần nhưng các triệu chứng nặng thường chỉ diễn ra trong vài giờ. Bệnh gout có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Viêm khớp nhiễm trùng và viêm khớp phản ứng
Viêm khớp nhiễm trùng (infectious arthritis) là tình trạng khớp bị viêm do nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc nhiều khớp, gây đau và sưng. Nhiễm trùng có thể từ một khu vực khác trong cơ thể và lan đến các khớp hoặc xâm nhập trực tiếp vào khớp từ bên ngoài, ví dụ như trong khi tiêm khớp hoặc phẫu thuật khớp. Loại viêm khớp này thường kèm theo sốt và ớn lạnh.
Viêm khớp phản ứng (reactive arthritis) xảy ra khi nhiễm trùng ở một bộ phận khác trên cơ thể gây rối loạn chức năng hệ miễn dịch và dẫn đến viêm ở khớp. Tình trạng nhiễm trùng thường xảy ra ở đường tiêu hóa, bàng quang hoặc cơ quan sinh dục.
Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến cũng là một loại viêm khớp tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô và tế bào khỏe mạnh. Viêm khớp vảy nến chủ yếu xảy ra ở các khớp ngón tay nhưng cũng có thể xảy ra ở các khớp khác. Các triệu chứng gồm có đau, sưng và cứng khớp, các ngón tay sưng phù, rỗ móng và mệt mỏi.
Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến cột sống và gây ra những vấn đề tương tự như viêm cột sống dính khớp.
Những người mắc bệnh vảy nến có nguy cơ cao bị viêm khớp vảy nến nhưng không phải lúc nào viêm khớp vảy nến cũng xảy ra sau bệnh vảy nến. Ở một số người, các triệu chứng viêm khớp vảy nến xuất hiện trước các triệu chứng của bệnh vảy nến. Và cũng có nhiều người bị viêm khớp vảy nến mà không bị vảy nến.
Các nguyên nhân khác gây đau khớp
Đau khớp là triệu chứng của nhiều loại viêm khớp khác và cũng có thể do các bệnh lý không phải viêm khớp như:
- Đau cơ xơ hóa: tình trạng xảy ra do rối loạn trong quá trình xử lý tín hiệu đau, dẫn đến khuếch đại cảm giác đau.
- Xơ cứng bì: một bệnh tự miễn gây viêm và xơ cứng các mô liên kết trên da, có thể dẫn đến tổn thương nội tạng và đau khớp
Nếu bạn thường xuyên bị đau khớp, cứng khớp hoặc các triệu chứng khác thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.
Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.
Viêm khớp nhiễm trùng là tình trạng khớp bị viêm do nhiễm vi khuẩn hoặc virus.Vi khuẩn hoặc virus thường là từ một khu vực khác trong cơ thể, di chuyển theo máu đến khớp hoặc chất lỏng xung quanh khớp (hoạt dịch). Vi khuẩn hoặc virus cũng có thể xâm nhập vào khớp từ bên ngoài qua vết thương hở, trong quá trình phẫu thuật hoặc tiêm.
Viêm khớp do virus là một dạng viêm khớp cấp tính xảy ra khi khớp bị nhiễm virus. Nhờ có các loại vắc xin hiệu quả nên hiện nay bệnh viêm khớp do virus rất hiếm gặp.
Viêm đơn khớp là tình trạng viêm ở một khớp. Tình trạng viêm ở nhiều lớp được gọi là viêm đa khớp. Viêm đơn khớp và viêm đa khớp không phải là một loại viêm khớp riêng biệt mà là mô tả về tình trạng viêm khớp (số lượng khớp bị viêm). Viêm đơn khớp có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm có nhiễm trùng, bệnh gout và một số bệnh tự miễn.