1

Viêm khớp nhiễm trùng: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm trùng là tình trạng khớp bị viêm do nhiễm vi khuẩn hoặc virus.Vi khuẩn hoặc virus thường là từ một khu vực khác trong cơ thể, di chuyển theo máu đến khớp hoặc chất lỏng xung quanh khớp (hoạt dịch). Vi khuẩn hoặc virus cũng có thể xâm nhập vào khớp từ bên ngoài qua vết thương hở, trong quá trình phẫu thuật hoặc tiêm.
Viêm khớp nhiễm trùng: Triệu chứng và cách điều trị Viêm khớp nhiễm trùng: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm trùng thường chỉ xảy ra ở một khớp. Tình trạng này đa phần xảy ra ở các khớp lớn như đầu gối, hông hoặc vai. Những người có nguy cơ bị viêm khớp nhiễm trùng cao nhất là trẻ em, người lớn tuổi và những người sử dụng ma túy.

Triệu chứng của viêm khớp nhiễm trùng

Triệu chứng của viêm khớp nhiễm trùng tùy thuộc vào độ tuổi và loại nhiễm trùng gây viêm khớp nhưng các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Đau khớp dữ dội và đau tăng khi cử động
  • Sưng khớp
  • Nóng đỏ quanh khớp
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi, không có sức lực
  • Ăn không ngon miệng
  • Tim đập nhanh
  • Dễ cáu gắt

Những ai có nguy cơ bị viêm khớp nhiễm trùng?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng gồm có:

  • Có vấn đề về khớp như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout hoặc lupus ban đỏ
  • Có tiền sử phẫu thuật khớp
  • Có một số vấn đề về da nhất định
  • Có vết thương hở
  • Sử dụng ma túy
  • Uống nhiều rượu bia
  • Dùng thuốc ức chế miễn dịch
  • Có hệ miễn dịch suy yếu
  • Bị ung thư
  • Hút thuốc
  • Mắc bệnh tiểu đường

Chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng

Bác sĩ sẽ kiểm tra khớp và hỏi về các triệu chứng. Nếu nghi ngờ viêm khớp nhiễm trùng, bác sĩ sẽ yêu cầu chọc dịch khớp.

Chọc dịch khớp là phương pháp chính để chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ dùng kim đưa vào khớp để hút một lượng nhỏ dịch khớp. Mẫu dịch khớp được đưa đến phòng xét nghiệm để kiểm tra màu sắc, độ đặc cũng như sự hiện diện của bạch cầu và vi khuẩn. Kết quả sẽ cho biết bạn có bị nhiễm trùng ở khớp hay không và nguyên nhân nào gây nhiễm trùng.

Bác sĩ cũng có thể sẽ đề nghị xét nghiệm máu để đo số lượng bạch cầu và xem có vi khuẩn trong máu hay không. Kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng.

Ngoài ra có thể cần thực hiện cả các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để xác nhận tình trạng nhiễm trùng ở khớp. Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này cho biết khớp có bị hỏng do nhiễm trùng hay không. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng trong chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng gồm có:

  • Chụp X-quang
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Xạ hình xương

Điều trị viêm khớp nhiễm trùng

Thuốc

Nếu nguyên nhân gây viêm khớp nhiễm trùng là do vi khuẩn thì phương pháp điều trị bước đầu là dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết loại vi khuẩn gây nhiễm trùng, từ đó bác sĩ sẽ loại kháng sinh phù hợp. Nhiễm trùng cần được điều trị kịp thời và đúng thuốc để ngăn ngừa thoái hóa khớp và hỏng khớp. Có thể bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh tiêm truyền tĩnh mạch. Thuốc kháng sinh tiêm truyền tĩnh mạch điều trị nhiễm trùng nhanh hơn so với thuốc kháng sinh đường uống. Thông thường, các triệu chứng sẽ thuyên giảm trong vòng 48 giờ sau khi tiêm truyền liều kháng sinh đầu tiên.

Bác sĩ cũng có thể kê thêm thuốc kháng sinh đường uống để điều trị nhiễm trùng. Người bệnh thường phải dùng kháng sinh đường uống để điều trị viêm khớp nhiễm trùng trong 6 đến 8 tuần. Điều quan trọng là phải dùng đủ liều kháng sinh, ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm hoặc biến mất. Ngừng kháng sinh giữa chừng có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc và bệnh tái phát nghiêm trọng hơn.

Nếu nguyên nhân gây viêm khớp nhiễm trùng là do nấm thì cần dùng thuốc kháng nấm. Thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị viêm khớp do nhiễm nấm.

Viêm khớp nhiễm trùng do virus thường không cần dùng thuốc.

Dẫn lưu khớp

Người bị viêm khớp nhiễm trùng có thể phải dẫn lưu khớp. Thủ thuật này nhằm loại bỏ dịch bị nhiễm trùng, giảm đau và sưng, đồng thời ngăn khớp hỏng nặng thêm. Hiện nay, dẫn lưu khớp đa phần được thực hiện bằng phương pháp nội soi khớp nhưng cũng có thể được thực hiện bằng phương pháp mổ mở.

Trong phương pháp nội soi khớp, bác sĩ sẽ rạch một vài đường nhỏ ở khớp bị viêm, sau đó đưa ống nội soi có gắn camera qua đường rạch vào khớp và hút dịch từ khớp. Sau khi hoàn tất, ống dẫn lưu sẽ được đặt vào trong khớp để giữ cho khớp không bị sưng trở lại. Ống dẫn lưu sẽ được tháo sau vài ngày.

Đôi khi có thể dùng kim tiêm để hút dịch khớp mà không cần phải phẫu thuật. Phương pháp này được gọi là chọc hút dịch khớp. Thường sẽ phải chọc hút dịch khớp nhiều lần, mỗi lần cách nhau vài nhau để loại bỏ hết dịch bị nhiễm trùng trong khớp.

Các phương pháp điều trị khác

Hầu hết các trường hợp viêm khớp nhiễm trùng đều cần phẫu thuật, chẳng hạn như nội soi khớp hoặc mổ mở, để làm sạch khớp. Nếu khớp bị hỏng thì sẽ phải phẫu thuật để loại bỏ phần khớp hỏng hoặc thay khớp nhân tạo. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện sau khi điều trị khỏi nhiễm trùng.

Ngoài các phương pháp điều trị nhiễm trùng, người bệnh có thể cần kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác để giảm đau do viêm khớp, ví dụ như:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Hạn chế hoạt động
  • Đeo đai nẹp khớp
  • Tập vật lý trị liệu

Viêm khớp nhiễm trùng có chữa khỏi được không?

Viêm khớp nhiễm trùng thường có thể chữa khỏi được nếu điều trị sớm và tích cực. Các triệu chứng thường thuyên giảm trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị. Nếu viêm khớp nhiễm trùng không được điều trị, khớp có thể sẽ bị hỏng vĩnh viễn. Hãy đi khám ngay khi nhận thấy khớp bị sưng tấy hoặc đau dai dẳng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một tình trạng kết hợp các triệu chứng sưng, đau khớp của bệnh viêm khớp với bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến thường có các triệu chứng đặc trưng là các mảng đỏ, đóng vảy cứng, ngứa ở trên da và đầu.

Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.

Viêm khớp do virus: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp do virus: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp do virus là một dạng viêm khớp cấp tính xảy ra khi khớp bị nhiễm virus. Nhờ có các loại vắc xin hiệu quả nên hiện nay bệnh viêm khớp do virus rất hiếm gặp.

Viêm đơn khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm đơn khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm đơn khớp là tình trạng viêm ở một khớp. Tình trạng viêm ở nhiều lớp được gọi là viêm đa khớp. Viêm đơn khớp và viêm đa khớp không phải là một loại viêm khớp riêng biệt mà là mô tả về tình trạng viêm khớp (số lượng khớp bị viêm). Viêm đơn khớp có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm có nhiễm trùng, bệnh gout và một số bệnh tự miễn.

Viêm cột sống dính khớp: Triệu chứng, cách điều trị và tiên lượng
Viêm cột sống dính khớp: Triệu chứng, cách điều trị và tiên lượng

Viêm cột sống dính khớp, hay còn gọi là bệnh Bechterew, là một loại viêm khớp chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống. Đây là tình trạng viêm ở các khớp của cột sống, có thể gây đau mạn tính và tàn tật nếu không được điều trị. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tình trạng viêm có thể gây hình thành xương bất thường trên cột sống. Điều này có thể dẫn tới mất khả năng cử động.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây