Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp vảy nến là gì?
Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một tình trạng kết hợp các triệu chứng sưng, đau khớp của bệnh viêm khớp với bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến thường có các triệu chứng đặc trưng là các mảng đỏ, đóng vảy cứng, ngứa ở trên da và đầu.
Viêm khớp vảy nến tiến triển từ nhẹ đến nặng và ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp cùng một lúc
Các loại viêm khớp vảy nến
Có tất cả 5 loại viêm khớp vảy nến:
Viêm khớp vảy nến đối xứng
Loại này xảy ra ở các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể, ví dụ như hai bên đầu gối. Các triệu chứng thường giống như triệu chứng của viêm khớp dạng thấp nhưng viêm khớp vảy nến đối xứng thường chỉ ở mức độ nhẹ và ít gây biến dạng khớp hơn viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp vảy nến bất đối xứng
Loại viêm khớp vảy nến này chỉ ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp ở một bên của cơ thể. Triệu chứng của loại này là các khớp đau nhức và chuyển màu đỏ. Viêm khớp vảy nến bất đối xứng thường cũng chỉ ở mức nhẹ và chiếm khoảng 35% tổng số trường hợp bị viêm khớp vảy nến.
Viêm khớp vảy nến ngoại biên
Viêm khớp vảy nến ngoại biên xảy ra ở các khớp ngón tay gần với móng tay. Chúng được gọi là các khớp ngoại biên. Loại này chiếm khoảng 10% số trường hợp bị viêm khớp vảy nến.
Viêm cột sống vảy nến
Loại viêm khớp vảy nến này xảy ra ở cột sống. Toàn bộ cột sống từ cổ đến thắt lưng đều có thể bị ảnh hưởng, ngoài ra còn có bàn tay, bàn chân, cánh tay, cẳng chân và hông. Viêm cột sống vảy nến khiến cho người bệnh vô cùng đau đớn.
Viêm khớp vảy nến gây biến dạng
Đây là loại viêm khớp vảy nến nghiêm trọng nhất, thường xảy ra ở bàn tay, bàn chân và gây biến dạng. Ngoài ra còn gây đau ở cổ và vùng thắt lưng. Khoảng 5% trường hợp bị viêm khớp vảy nến rơi vào loại này.
Các triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng của viêm khớp vảy nến ở mỗi người là khác nhau với mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo loại viêm khớp vảy nến mắc phải. Đôi khi tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm và người bệnh cảm thấy dễ chịu hẳn trong một thời gian nhưng sau đó các triệu chứng lại bùng phát và trở nên trầm trọng.
Các triệu chứng chung của viêm khớp vảy nến gồm có:
- Sưng, đau khớp ở một hoặc cả hai bên cơ thể
- Cứng khớp vào buổi sáng
- Sưng ngón tay và ngón chân
- Đau cơ, gân
- Có các mảng vảy cứng trên da, thường trở nên nghiêm trọng hơn khi cơn đau khớp bùng phát
- Da đầu bong tróc
- Mệt mỏi
- Rỗ móng tay
- Móng tay tách khỏi ngón tay
- Mắt đỏ
- Đau mắt (viêm màng bồ đào)
Viêm cột sống vảy nến còn có thêm các triệu chứng :
- Đau và cứng cột sống và cứng
- Đau, sưng và yếu ở:
- hông
- đầu gối
- mắt cá chân
- chân
- khuỷu tay
- bàn tay
- cổ tay
- các khớp khác
- ngón chân hoặc ngón tay bị sưng
Viêm khớp vảy nến đối xứng thường ảnh hưởng đến 5 khớp đối xứng trở lên ở cả hai bên cơ thể. Viêm khớp vảy nến không đối xứng thường ảnh hưởng đến từ 1 - 4 khớp và các khớp này có thể nằm ở cả hai bên cơ thể
Viêm khớp vảy nến gây biến dạng có thể khiến cho các ngón tay và ngón chân bị rút ngắn, cong vẹo. Viêm khớp vảy nến ngoại biên gây đau và sưng ở khớp cuối của ngón tay và ngón chân.
Đọc thêm về 11 tác động của viêm khớp vảy nến lên cơ thể
Nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các khớp và da. Hiện khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân tại sao lại có hiện tượng tự tấn công này nhưng có khả năng là do sự kết hợp của yếu tố gen di truyền và các yếu tố môi trường.
Viêm khớp vảy nến là bệnh di truyền. Khoảng 40% những người bị viêm khớp vảy nến đều có ít nhất một người thân trong gia đình mắc bệnh. Các tác nhân từ môi trường cũng là yếu tố kích hoạt các triệu chứng ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Các tác nhân này có thể là virus, căng thẳng quá mức hoặc chấn thương.
Các yếu tố nguy cơ
Nguy cơ mắc viêm khớp sẽ tăng lên nếu bạn:
- bị bệnh vảy nến
- có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị viêm khớp vảy nến
- trong độ tuổi từ 30 đến 50 mặc dù trẻ em cũng có thể mắc bệnh
- bị viêm họng liên cầu khuẩn
- bị HIV
Tác nhân kích hoạt triệu chứng
Khi cơn viêm khớp vảy nến bùng phát, tình trạng bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng trong một khoảng thời gian nhất định. Có một số tác nhân gây nên các cơn bùng phát này và tác nhân của mỗi người là không giống nhau.
Để tìm ra tác nhân kích hoạt của mình, bạn nên theo dõi những lúc xuất hiện các triệu chứng và nguyên nhân mà bạn nghi ngờ là gây ra những triệu chứng đó.
Các tác nhân kích hoạt viêm khớp vảy nến phổ biến thường là:
- các bệnh lý nhiễm trùng, như viêm họng liên cầu khuẩn và nhiễm trùng đường hô hấp trên
- tổn thương da, chẳng hạn như rách da, xước hoặc cháy nắng
- khô da
- căng thẳng
- thời tiết lạnh, khô
- hút thuốc
- uống nhiều rượu
- thừa cân
- các loại thuốc, chẳng hạn như lithium, thuốc chẹn beta hay thuốc trị sốt rét
Mặc dù khó có thể tránh được tất cả các tác nhân này nhưng nên cố gắng kiểm soát một cách tối đa, đặc biệt là thói quen uống rượu và hút thuốc lá.
Nếu bạn còn đang dùng thuốc điều trị một vấn đề về sức khỏe khác thì cần hỏi kỹ bác sĩ xem có loại thuốc nào kích hoạt các triệu chứng viêm khớp vảy nến hay không, nếu có thì cần đổi sang một loại thuốc khác.
Tất nhiên là không phải lúc nào cũng có thể ngăn chặn các cơn bùng phát bệnh nhưng bạn có thể chủ động học cách giảm tần xuất và làm dịu các triệu chứng xảy ra.
Các giai đoạn viêm khớp vảy nến
Mặc dù cùng được chẩn đoán viêm khớp vảy nến nhưng không phải ai cũng gặp phải các triệu chứng giống nhau. Một số người chỉ bị các triệu chứng nhẹ và khớp chỉ bị ảnh hưởng rất ít nhưng có người lại bị các vấn đề nghiêm trọng như biến dạng khớp.
Tuy nhiên, dù là ai thì việc chẩn đoán và điều trị sớm đều sẽ giúp giảm đau hiệu quả hơn và làm chậm tốc độ tổn thương khớp. Do đó, hãy đi khám ngay khi bạn bắt đầu nhận thấy dấu hiệu của viêm khớp vảy nến, tránh để bệnh chuyển sang giai đoạn muộn mới được phát hiện. Bệnh viêm khớp vảy nến thường tiến triển qua các giai đoạn như sau:
Giai đoạn đầu
Trong giai đoạn ban đầu của loại viêm khớp này, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng nhẹ như sưng khớp và giảm phạm vi chuyển động. Những triệu chứng này có thể xảy ra cùng lúc với các hiện tượng tổn thương da do vảy nến hoặc cũng có thể phải nhiều năm sau mới xuất hiện.
Ở giai đoạn này thì thuốc kháng viêm không steroid là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Những loại thuốc này giúp giảm đau và làm dịu các triệu chứng nhưng lại không thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Giai đoạn giữa
Tùy thuộc vào loại viêm khớp vảy nến bạn mắc phải mà các triệu chứng trong giai đoạn giữa này sẽ vẫn chỉ ở mức nhẹ hoặc tiến triển xấu đi và cần đến các phương pháp điều trị mạnh hơn, chẳng hạn như dùng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm(DMARD) và thuốc sinh học. Những loại thuốc này giúp giảm các triệu chứng và đồng thời làm chậm tốc độ tổn thương khớp.
Giai đoạn cuối
Lúc này, mô xương đã bị ảnh hưởng nặng nề và có thể dẫn đến biến dạng khớp xương. Các phương pháp điều trị lúc này sẽ nhằm mục đích giảm bớt và ngăn ngừa các các triệu chứng tiếp tục chuyển biến xấu.
Chẩn đoán viêm khớp vảy nến
Để chẩn đoán viêm khớp vảy nến, bác sĩ sẽ phải loại trừ các nguyên nhân gây viêm khớp khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp và bệnh gút bằng cách tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh:
- Chụp X-quang: Phương pháp chụp X-quang cho phép kiểm tra tinh trạng viêm và tổn thương xương khớp. Những tổn thương này của bệnh viêm khớp vảy nến khác với các loại viêm khớp khác.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Phương pháp này sử dụng sóng radio và nam châm siêu mạnh để tạo hình ảnh bên trong cơ thể. Những hình ảnh này sẽ giúp bác sĩ xác định tổn thương khớp, gân hoặc dây chằng.
- Chụp cắt lớp vi tính CT scan và siêu âm: cho phép các bác sĩ xác định được tình trạng viêm khớp vảy nến tiến tiến ra sao và các khớp bị ảnh hưởng đến mức nào.
Các phương pháp xét nghiệm:
- Xét nghiệm protein phản ứng C: Đây là chất mà gan tạo ra khi có phản ứng viêm trong cơ thể.
- Xét nghiệm tốc độ máu lắng (tốc độ lắng của hồng cầu): cho thấy mức độ viêm trong cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này lại không thể xác định được nguyên nhân gây viêm là do viêm khớp vảy nến hay do các nguyên nhân khác.
- Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF). Đây là một loại kháng thể mà hệ miễn dịch tạo ra. Nó thường xuất hiện ở những người bị viêm khớp dạng thấp nhưng âm tính ở những người viêm khớp vảy nến. Do đó, phương pháp xét nghiệm RF sẽ giúp xác định một người bị viêm khớp vảy nến hay viêm khớp dạng thấp.
- Dịch khớp: đây là phương pháp hút một lượng nhỏ dịch từ khớp và tiến hành phân tích. Nếu dịch có chứa tinh thể acid uric thì có thể người đó mắc phải bệnh gút chứ không phải viêm khớp vảy nến.
- Hồng cầu: Số lượng hồng cầu thấp do thiếu máu là dấu hiệu phổ biến ở những người bị viêm khớp vảy nến.
Không thể đưa ra kết luận viêm khớp vảy nến chỉ dựa trên kết quả của một phương pháp xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh đơn lẻ mà cần phải kết hợp các phương pháp khác nhau để loại trừ các nguyên nhân khác.
Tìm hiểu thêm về các xét nghiệm này
Cách điều trị viêm khớp vảy nến
Mục tiêu của các phương pháp điều trị viêm khớp vảy nến là cải thiện các triệu chứng, như nổi ban da và viêm khớp.
Người bệnh viêm khớp vảy nến hiện nay có rất nhiều lựa chọn điều trị khác nhau. Kế hoạch điều trị cho mỗi người sẽ được dựa trên loại bệnh, tình trạng bệnh cụ thể và thường gồm có một hoặc các phương pháp sau đây:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Những loại thuốc này có tác dụng kiểm soát cơn đau và sưng khớp. Các loại thuốc NSAID không kê đơn (OTC) gồm có ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve). Nếu các loại thuốc không kê đơn không có hiệu quả thì bác sĩ sẽ kê NSAID với liều cao hơn.
Tuy nhiên, cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn. Nếu không, thuốc NSAID có thể gây ra các vấn đề như:
- Kích ứng dạ dày
- Chảy máu dạ dày
- Đau tim
- Đột quỵ
- Tổn thương gan thận
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)
Những loại thuốc này có công dụng giảm viêm để ngăn chặn tổn thương khớp và làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp vảy nến. Các loại thuốc này có nhiều dạng khác nhau, gồm có dạng uống, dạng tiêm hoặc dạng truyền tĩnh mạch.
Các loại thuốc DMARD được sử dụng phổ biến nhất gồm có:
- methotrexate (Trexall)
- leflunomide (Arava)
- sulfasalazine (Azulfidine)
Apremilast (Otezla) là một loại thuốc DMARD mới và có dạng uống. Loại thuốc này phát huy tác dụng bằng cách ngăn chặn phosphodiesterase 4 - một loại enzyme tham gia vào phản ứng viêm.
Thuốc DMARD có thể đi kèm với một số tác dụng phụ như:
- Tổn thương gan
- Ức chế tủy xương
- Nhiễm trùng phổi
Thuốc sinh học
Hiện tại có 5 loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến. Chúng được phân loại dựa trên mục tiêu mà chúng nhắm đến và gây ức chế (ngăn chặn hoặc giảm bớt) trong cơ thể, gồm có:
Thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-alpha):
- adalimumab (Humira)
- certolizumab (Cimzia)
- golimumab (Simponi)
- etanercept (Enbrel)
- Infliximab (Remicade)
Thuốc ức chế interleukin 12 và 23 (IL-12/23):
- ustekinumab (Stelara)
- Thuốc ức chế interleukin 17 (IL-17):
- secukinumab (Cosentyx)
- brodalumab (Siliq)
- ixekizumab (Taltz)
Thuốc ức chế interleukin 23 (IL-23)
- guselkumab (Tremfya)
- tildrakizumab-asmn (Ilumya)
Thuốc ức chế tế bào T
- abatacept (Orencia)
Các loại thuốc sinh học được sử dụng dưới dạng tiêm dưới da hoặc dưới dạng truyền. Vì những loại thuốc này làm giảm phản ứng miễn dịch nên chúng có thể sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra còn có các tác dụng phụ khác như buồn nôn và tiêu chảy.
Steroid
Các loại steroid có tác dụng giảm viêm. Ở người bệnh viêm khớp vảy nến, steroid thường được tiêm vào các khớp bị ảnh hưởng. Các tác dụng không mong muốn gồm có đau và nhiễm trùng khớp nhẹ.
Thuốc ức chế miễn dịch
Các loại thuốc ức chế miễn dịch như azathioprine (Imuran) và cyclosporine (Gengraf) có tác dụng làm dịu phản ứng miễn dịch đang hoạt động quá mức ở những người bị viêm khớp vảy nến. Hiện nay, các loại thuốc này không còn được sử dụng phổ biến nữa vì đã có thuốc ức chế TNF-alpha. Hơn nữa vì làm suy yếu phản ứng miễn dịch nên các thuốc ức chế miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Thuốc bôi
Các loại thuốc trị viêm khớp vảy nến dạng kem, gel, lotion và thuốc mỡ có tác dụng giảm hiện tượng nổi ban ngứa trên da. Các sản phẩm này có cả dạng kê đơn và không kê đơn, gồm có:
- anthralin
- calcitriol hoặc calcipotriene, là các dạng của vitamin D3
- salicylic acid
- kem steroid
- tazarotene - một dẫn xuất của vitamin A
Liệu pháp ánh sáng và các loại thuốc khác
Liệu pháp ánh sáng là phương pháp sử dụng thuốc, sau đó chiếu ánh sáng để điều trị các mảng vảy nến trên da.
Bên cạnh đó còn có một số thuốc khác cũng được dùng để điều trị các triệu chứng viêm khớp vảy nến như secukinumab (Cosentyx) và ustekinumab (Stelara). Những loại thuốc này được tiêm vào dưới da nhưng có rủi ro là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và ung thư.
Tìm hiểu thêm về các lựa chọn điều trị viêm khớp vảy nến
Dùng thực phẩm chức năng và thảo mộc
Axit béo omega-3 là một chất có đặc tính chống viêm hiệu quả. Bạn có thể ăn các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3 hoặc dùng viên uống bổ sung chất béo lành mạnh này để giảm viêm và cứng khớp.
Bên cạnh đó, các loại gia vị quen thuộc như nghệ cũng có đặc tính chống viêm và giảm các cơn đau. Bạn có thể thêm nghệ vào món ăn hoặc dùng tinh bột nghệ.
Tìm hiểu thêm: Các biện pháp tự nhiên và phương pháp thay thế để điều trị viêm khớp vảy nến
Thay đổi lối sống
Bên cạnh các phương pháp điều trị trên thì còn có các biện pháp mà bạn có thể áp dụng tại nhà để cải thiện các triệu chứng như:
Tập thể dục
Việc vận động nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp tăng độ linh hoạt cho khớp và làm giảm cứng khớp. Điều này còn giúp bạn giảm cân và tạo năng lượng cho cơ thể. Bạn nên chọn các hoạt động nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ, bơi lội, không nên chọn các hoạt động nặng khiến khớp phải chịu nhiều áp lực như chạy hay chơi tennis.
Bỏ thói quen xấu
Hút thuốc là thói quen gây hại cho khớp và toàn bộ cơ thể. Do đó, bạn nên cố gắng bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Nếu thấy khó quá thì có thể nhờ bác sĩ về tư vấn về các loại thuốc hoặc các sản phẩm thay thế nicotine như miếng dán, kẹo cao su hay viên ngậm.
Ngoài ra thì cũng cần phải hạn chế uống rượu bia nữa vì rượu bia có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc mà bạn đang dùng. Bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về điều này khi kê thuốc cho bạn.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng hay lo âu có thể làm cho tình trạng viêm khớp bùng phát nặng hơn. Hãy thử ngồi thiền, tập yoga hoặc thử các biện pháp giảm căng thẳng khác để làm dịu tâm trí và cải thiện tình trạng sức khỏe.
Chườm nóng và lạnh
Chườm nóng là biện pháp hữu hiệu để làm giảm đau nhức cơ còn chườm lạnh sẽ giúp làm giảm tình trạng đau khớp.
Giảm áp lực lên khớp
Nên giảm bớt áp lực lên khớp bị tổn thương trong các hoạt động thường ngày, ví dụ như dùng sức của cả cơ thể để mở cửa thay vì chỉ dùng ngón tay, nâng vật nặng bằng cả hai tay hay dùng đồ khui hộp để mở nắp chai lọ…
Chế độ ăn khi viêm khớp vảy nến
Mặc dù không có loại thực phẩm hay chế độ ăn kiêng nào có thể chữa khỏi viêm khớp nhưng một chế độ ăn cân bằng sẽ giúp giảm viêm và làm dịu các triệu chứng. Những thay đổi trong chế độ ăn uống sẽ mang lại cho bạn lợi ích rất lớn đối với sức khỏe xương khớp và cơ thể về lâu dài.
Nên ăn nhiều trái cây và rau tươi để giảm viêm và kiểm soát cân nặng. Cân nặng quá lớn sẽ gây áp lực lên các khớp vốn đã bị đau. Ngoài ra, nên hạn chế đường và chất béo vì đây là các tác nhân gây viêm và hãy chọn các nguồn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như cá, các loại hạt và quả hạch.
Biến chứng
Viêm khớp vảy có thể gây ra các biến chứng như:
- Gây biến dạng
- Vấn đề về mắt, chẳng hạn như viêm kết mạc hay viêm màng bồ đào
- Bệnh tim mạch
Viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp
Mặc dù cùng là các loại viêm khớp và có một số triệu chứng giống nhau nhưng viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp lại do các nguyên nhân khác nhau gây nên.
Viêm khớp vảy nến xảy ra ở những người bị bệnh vảy nến. Đây là một vấn đề về da gây ra các tổn thương và mảng vảy dày trên bề mặt da.
Trong khi đó, viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra khi cơ thể tấn công nhầm vào các mô đệm trong khớp, gây sưng và cuối cùng là đau và phá hỏng khớp.
Nguy cơ viêm khớp vảy nến ở nam và nữ là gần như tương đương nhau nhưng phụ nữ lại có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới. Viêm khớp vảy nến đa phần xảy ra trong độ tuổi từ 30 đến 50 còn viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu muộn hơn một chút.
Ở giai đoạn đầu, cả viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp có khá nhiều triệu chứng giống nhau như đau, sưng và cứng khớp nhưng khi bệnh tiến triển, các triệu chứng sẽ dần có sự khác biệt rõ rệt, đặc trưng cho từng bệnh.
Tuy nhiên, nhờ công nghệ y học hiện nay mà chúng ta không cần đợi đến khi tình trạng viêm khớp tiến triển mới có thể đưa ra chẩn đoán. Các phương pháp xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp xác định chính xác là vấn đề nào ngay từ sớm.
Tìm hiểu thêm: Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến và cách điều trị.
Triển vọng
Khi mắc bệnh viêm khớp vảy nến, triển vọng của mỗi người là khác nhau. Một số người chỉ gặp phải các triệu chứng rất nhẹ và thi thoảng mới xuất hiện trong khi lại có nhiều người bị các triệu chứng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến cơ thể.
Các triệu chứng càng nặng thì khả năng vận động, di chuyển sẽ càng bị hạn chế. Những người bị tổn thương khớp nghiêm trọng sẽ gặp khó khăn khi đi lại, leo cầu thang và thực hiện các hoạt động đơn giản hàng ngày khác.
Triển vọng của người bị viêm khớp vảy nên sẽ tùy thuộc vào:
- Thời điểm mắc bệnh: khi còn trẻ hay khi đã có tuổi
- Mức độ nghiêm trọng khi bệnh được chẩn đoán
- Diện tích da bị tổn thương
- Có người thân trong gia đình mắc bệnh hay không
Để cải thiện triển vọng khi bị bệnh này, bạn cần làm theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ chỉ định. Có thể sẽ phải thử nhiều loại thuốc khác nhau mới có thể tìm ra loại thuốc phù hợp nhất với mình.
Viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis) là loại viêm khớp xảy ra ở những người mắc bệnh vảy nến – một bệnh về da xảy ra do hệ miễn dịch tấn công tế bào da, có triệu chứng là các mảng da đỏ, đóng vảy trắng bạc, ngứa ngáy, đau và chảy máu. Khoảng 90% những người bị viêm khớp vảy nến có tiền sử bệnh vảy nến. Không có cách nào có thể chữa trị khỏi bệnh viêm khớp vảy nến. Mục đích điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn khớp hỏng nặng thêm. Nếu không được điều trị, bệnh viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến tàn tật.
Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.
Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.
Đau cơ xơ hóa là bệnh lý gây đau tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.