1

Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau cơ xơ hóa là bệnh lý gây đau tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.
Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau cơ xơ hóa là gì?

Đau cơ xơ hóa là một bệnh mãn tính gây:

  • các cơn đau cơ xương khớp
  • mệt mỏi
  • rối loạn giấc ngủ
  • rối loạn nhận thức

Đây là một bệnh khó nắm bắt, ngay cả đối với các bác sĩ vì các triệu chứng của nó giống với nhiều loại bệnh khác và chưa có bất kỳ phương pháp xét nghiệm nào có thể chẩn đoán chính xác bệnh. Vì vậy nên đau cơ xơ hóa thường bị chẩn đoán sai.

Hơn nữa, việc điều trị đau cơ xơ hóa cũng là một sự thách thức bởi khoa học vẫn chưa tìm ra cách chữa khỏi căn bệnh này. Tuy nhiên, các loại thuốc, phương pháp trị liệu và một số thay đổi về lối sống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa gây ra những “vùng đau” trên cơ thể. Cơn đau ở những vùng này thường kéo dài âm ỉ, nhất quán.

Các triệu chứng khác của đau cơ xơ hóa còn có:

  • Mệt mỏi
  • Khó ngủ
  • Ngủ trong thời gian dài mà vẫn thấy mệt mỏi, uể oải
  • Đau đầu
  • Phiền muộn
  • Lo lắng, bồn chồn
  • Khó tập trung
  • Đau nhức âm ỉ ở bụng dưới
  • Khô mắt
  • Vấn đề về bàng quang, chẳng hạn như viêm bàng quang kẽ

Ở những người bị đau cơ xơ hóa, não và dây thần kinh xử lý sai hoặc phản ứng quá mức với các tín hiệu đau bình thường. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do sự mất cân bằng của các chất hóa học trong não hoặc sự bất thường ở hạch rễ lưng tủy sống, làm tăng sự nhạy cảm với cơn đau.

Đau cơ xơ hóa cũng có thể ảnh hưởng đến cả cảm xúc và năng lượng của cơ thể.

Hội chứng sương mù não

Hội chứng sương mù não (brain fog hay fibro fog) là một thuật ngữ dùng để mô tả một vấn đề về trí não với các triệu chứng như:

  • Trí nhớ lẫn lộn
  • Khó tập trung
  • Đờ đẫn, lơ mơ, không tỉnh táo

Triệu chứng đau cơ xơ hóa ở phụ nữ

Các triệu chứng đau cơ xơ hóa ở phụ nữ thường nghiêm trọng hơn so với nam giới. Ở phụ nữ, các cơn đau thường lan rộng hơn, nhiều triệu chứng của ruột kích thích và mệt mỏi vào buổi sáng hơn nam giới. Ngoài ra, khi bị đau cơ xơ hóa, phụ nữ thường bị đau nhiều hơn vào kỳ kinh nguyệt.

Khi sang thời kỳ mãn kinh, các triệu chứng của đau cơ xơ hóa thường trở nên nghiêm trọng hơn và thậm chí còn giống với các triệu chứng mãn kinh.

Đọc thêm: Cách phân biệt triệu chứng của mãn kinh và đau cơ xơ hóa

Triệu chứng đau cơ xơ hóa ở nam giới

Nam giới cũng bị đau cơ xơ hóa với các cơn đau dữ dội và các triệu chứng về cảm xúc giống như phụ nữ. Tình trạng này có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và công việc.

Các vị trí đau

Điểm đau

Trước đây, một người sẽ được chẩn đoán là mắc đau cơ xơ hóa nếu có triệu chứng đau và nhạy cảm lan rộng ở ít nhất 11 trong số 18 điểm kích hoạt trên cơ thể, được gọi là các điểm đau. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem có bao nhiêu điểm đau bằng cách ấn mạnh lên từng điểm.

Các điểm đau phổ biến gồm có:

  • Sau đầu
  • Đỉnh đầu hai vai
  • Vùng ngực trên
  • Hông
  • Đầu gối
  • Khuỷu tay ngoài

Tuy nhiên, hiện nay thì phương pháp chẩn đoán dựa trên các điểm đau này không còn được sử dụng phổ biến nữa.

Thay vào đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán đau cơ xơ hóa nếu bạn bị đau ở 4 trong số 5 vùng đau (được xác định trong hướng dẫn chẩn đoán sửa đổi năm 2016) và không bị vấn đề về sức khỏe nào khác gây ra các cơn đau.

Vùng đau

Đau là triệu chứng đặc trưng nhất của đau cơ xơ hóa. Các cơn đau xảy ra ở các cơ và vùng mô mềm khác nhau trên cơ thể.

Có nhiều mức độ đau khác nhau, từ đau nhức nhẹ cho đến đau đớn dữ dội và gần như không thể chịu đựng được.

Đau cơ xơ hóa xảy ra do một phản ứng bất thường của hệ thần kinh. Trong đó, cơ thể phản ứng thái quá với những thứ thường không hề gây đau đớn và khiến cho bạn thấy đau ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể.

Tuy nhiên, nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng này hiện vẫn chưa được xác định rõ và các nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục để hiểu hơn về đau cơ xơ hóa cũng như là nguyên nhân gây bệnh.

Dưới đây là một số vùng đau phổ biến khi mắc đau cơ xơ hóa.

Đau ngực

Khi đau cơ xơ hóa gây đau ở ngực, cảm giác sẽ tương tự như cơn đau khi bị nhồi máu cơ tim.

Cơn đau ngực thường tập trung ở phần sụn nằm giữa xương sườn và xương ức nhưng có thể lan sang vai và cánh tay.

Triệu chứng đau ngực do đau cơ xơ hóa có đặc điểm là đau buốt như bị dao đâm kèm cảm giác nóng như lửa thiêu đốt. Và tương tự như nhồi máu cơ tim, cơn đau này cũng có thể khiến bạn thấy khó thở.

Đau lưng

Lưng cũng là một trong những vùng bị đau phổ biến nhất khi bị bệnh đau cơ xơ hóa. Đau lưng là một hiện tượng mà rất nhiều người gặp phải nên thường khó mà phân liệu rõ là do đau cơ xơ hóa hay do các nguyên nhân khác như viêm khớp hay căng cơ.

Nếu còn có các triệu chứng đi kèm khác như sương mù não và mệt mỏi thì có khả năng hiện tượng đau lưng là do đau cơ xơ hóa hoặc cũng có thể vừa bị đau cơ xơ hóa và vừa viêm khớp cùng một lúc.

Các loại thuốc được dùng để giảm các triệu chứng khác của đau cơ xơ hóa cũng thường có tác dụng giảm đau lưng. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử các bài tập giãn cơ và tăng cơ để củng cố các cơ và hỗ trợ cho mô mềm vùng lưng.

Đau chân

Khi bị đau cơ xơ hóa, bạn còn có thể bị đau tại các cơ và mô mềm ở chân. Tình trạng này thường tương tự như cảm giác đau nhức khi bị căng cơ hoặc cứng do viêm khớp hoặc có các đặc điểm như:

  • Đau ở sâu bên trong
  • Nóng như lửa đốt ớ trong chân
  • Đau nhói

Ngoài ra, cơn đau còn đi kèm các triệu chứng khác như:

  • Tê, châm chích hoặc cảm giác như kiến bò dưới da.
  • Yếu chân hay có cảm thấy nặng nề như có vật gì đó đè lên.

Nếu gặp hiện tượng chân khó chịu, bứt dứt khi ngồi yên hoặc nằm, khiến bạn cứ bắt buộc phải đứng lên đi lại thì có thể bạn đã bị hội chứng chân không yên. Hội chứng này cũng có một số triệu chứng rất giống với đau cơ xơ hóa.

Nguyên nhân gây đau cơ xơ hóa

Đến nay, các chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây đau cơ xơ hóa nhưng theo các nghiên cứu mới đây, nguyên nhân có thể là sự kết hợp của gen (đặc điểm di truyền) và các tác nhân kích hoạt, chẳng hạn như nhiễm trùng, chấn thương và căng thẳng.

Dưới đây là các tác nhân kích hoạt phổ biến:

Nhiễm trùng

Một căn bệnh do nhiễm trùng mà bạn mắc phải trước đây có thể kích hoạt đau cơ xơ hóa hoặc làm cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Các bệnh này có thể là cúm, viêm phổi, các dạng nhiễm trùng dạ dày-ruột như nhiễm khuẩn Salmonella hay Shigella và bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn do virus Epstein-Barr.

Gen di truyền

Đau cơ xơ hóa là bệnh có thể di truyền. Tức là, nếu bạn có một thành viên ruột thịt trong gia đình mắc đau cơ xơ hóa này thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Theo các nhà nghiên cứu, một số đột biến gen nhất định ảnh hưởng đến quá trình truyền tín hiệu đau hóa học giữa các tế bào thần kinh và là nguyên nhân góp phần gây ra bệnh này.

Chấn thương

Những người đã từng bị chấn thương về thể chất hoặc tinh thần nghiêm trọng cũng có khả năng bị đau cơ xơ hóa. Cụ thể, bệnh này đã được nghiên cứu chỉ ra là có liên quan đến rối loạn căng thẳng sau chấn thương (post-traumatic stress disorder - PTSD).

Căng thẳng

Giống như chấn thương, căng thẳng thần kinh cũng có thể để lại ảnh hưởng lâu dài lên cơ thể. Tình trạng lo âu, căng thẳng sẽ làm thay đổi nội tiết tố và góp phần gây ra chứng đau cơ xơ hóa.

Khoa học vẫn chưa hiểu rõ lí do nào khiến các cơn đau do đau cơ xơ hóa lại kéo dài mãn tính và lan rộng nhưng một giả thuyết cho rằng khi bị đau cơ xơ hóa, não bộ làm giảm ngưỡng chịu đau của cơ thể. Điều này khiến cho những gì vốn không gây đau đớn trước đây lại trở nên rất đau.

Một giả thuyết khác là các dây thần kinh phản ứng thái quá với tín hiệu đau. Chúng trở nên nhạy cảm hơn và gây ra cảm giác đau không cần thiết hoặc làm tăng cảm giác đau lên gấp nhiều lần.

Các yếu tố nguy cơ

Triệu chứng đau cơ xơ hóa có thể bùng phát do kết quả của:

  • Căng thẳng
  • Chấn thương
  • Một căn bệnh do nhiễm khuẩn, chẳng hạn như cúm

Ngoài ra, sự mất cân bằng trong hóa chất não có thể khiến não và hệ thần kinh xử lý sai hoặc phản ứng thái quá với các tín hiệu đau thông thường.

Bên cạnh các nguyên nhân trên thì còn có các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc chứng đau cơ xơ hóa, gồm có:

  • Giới tính: Hầu hết các trường hợp đau cơ xơ hóa hiện tại đều được chẩn đoán ở phụ nữ.
  • Tuổi tác: Bệnh đa phần được chẩn đoán ở tuổi trung niên và nguy cơ sẽ ngày càng tăng lên theo tuổi tác. Mặc dù vậy nhưng trẻ em cũng có thể bị bệnh này.
  • Tiền sử gia đình: Nếu có người thân trong gia đình bị đau cơ xơ hóa thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
  • Bệnh sử: Mặc dù đau cơ xơ hóa không phải là viêm khớp, nhưng việc bị lupus ban đỏ hoặc viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Chẩn đoán đau cơ xơ hóa

Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán ban đầu là đau cơ xơ hóa nếu bạn bị các cơn đau lan rộng trong thời gian dài (từ 3 tháng trở lên). Lan rộng có nghĩa là đau ở cả hai bên cơ thể, cả thân trên và thân dưới.

Sau khi thăm khám các vùng bị đau, bác sĩ sẽ phải kiểm tra để kết luận không có vấn đề nào khác gây ra các cơn đau.

Đến nay, các xét nghiệm hay phương pháp chẩn đoán hình ảnh đều không thể phát hiện đau cơ xơ hóa nhưng bác sĩ sẽ dùng các phương pháp này để loại trừ khả năng triệu chứng đau mãn tính là do các vấn đề khác gây ra.

Rất khó phân biệt đau cơ xơ hóa với các bệnh tự miễn vì các triệu chứng thường giống nhau. Và hơn nữa, một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa đau cơ xơ hóa và một số bệnh tự miễn như hội chứng Sjogren.

Điều trị đau cơ xơ hóa

Hiện nay cũng chưa có cách nào có thể chữa trị khỏi đau cơ xơ hóa. Thay vào đó, các phương pháp điều trị thường chỉ nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm có:

  • Dùng thuốc
  • Các biện pháp điều trị thay thế
  • Thay đổi lối sống

Các loại thuốc thường có công dụng giảm đau và giúp bạn ngủ ngon hơn. Phương pháp vật lý trị liệu và liệu pháp nghề nghiệp sẽ cải thiện sức khỏe và giảm áp lực lên hệ cơ xương khớp còn những thay đổi về lối sống như tập thể dục và các biện pháp giảm căng thẳng sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Các loại thuốc đau cơ xơ hóa

Các loại thuốc phổ biến dùng cho người bị đau cơ xơ hóa gồm có:

Thuốc giảm đau

Các cơn đau nhức do bệnh đau cơ xơ hóa có thể gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hàng ngày. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để làm dịu các cơn đau này là dùng các loại thuốc giảm đau như:

  • aspirin
  • ibuprofen
  • natri naproxen

Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen (Advil) hay acetaminophen (Tylenol) có tác dụng đẩy lùi các cơn đau nhẹ. Những loại thuốc này có công dụng làm giảm phản ứng viêm trong cơ thể. Ngoài ra, thuốc giảm đau còn giúp bạn ngủ ngon hơn.

Cần lưu ý, nhóm thuốc giảm đau không steroid (NSAID) đều đi kèm tác dụng phụ nên cần thận trọng khi sử dụng trong một thời gian dài. Tốt nhất nên nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể về cách giảm đau hiệu quả mà vẫn an toàn cho sức khỏe.

Các loại thuốc giảm đau nhóm opiod như tramadol (Ultram) trước đây thường được dùng rất phổ biến để làm dịu các cơn đau nhức nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy chúng không hiệu quả. Hơn nữa, liều dùng thường tăng dần theo thời gian và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dùng. Do đó mà nhóm thuốc này không còn được dùng để điều trị đau cơ xơ hóa nữa.

Bên cạnh thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống động kinh là hai nhóm thuốc khác mà bác sĩ có thể kê để kiểm soát cơn đau.

Thuốc chống trầm cảm

Các loại thuốc chống trầm cảm như duloxetine (Cymbalta) và milnacipran HCL (Savella) đôi khi cũng được sử dụng để điều trị triệu chứng đau và mệt mỏi do đau cơ xơ hóa. Những loại thuốc này còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách làm cân bằng lại các chất dẫn truyền thần kinh.

Thuốc chống co giật/động kinh

Gabapentin (Neurontin) là thuốc được chỉ định để điều trị bệnh động kinh nhưng nó cũng có thể được dùng dưới dạng off-label (ngoài chỉ định ghi trên hướng dẫn) để làm giảm các triệu chứng của đau cơ xơ hóa. Ngoài ra còn có pregabalin (Lyrica). Đây cũng là một loại thuốc điều trị động kinh nhưng đã được FDA phê chuẩn để điều trị triệu chứng đau cơ xơ hóa. Nó hoạt động với cơ chế là ngăn chặn các tế bào thần kinh truyền tín hiệu đau.

Trước đây thuốc giãn cơ cũng đã từng được sử dụng cho các trường hợp đau cơ xơ hóa nhưng nay không còn được khuyến khích nữa.

Biện pháp điều trị thay thế

Nếu các loại thuốc mà bác sĩ kê vẫn không đủ để làm giảm hoàn toàn các triệu chứng của đau cơ xơ hóa thì bạn có thể thử thêm các lựa chọn điều trị thay thế. Có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm áp lực lên cơ xương khớp và giảm đau. Có thể chỉ điều trị bằng các phương pháp này hoặc kết hợp cùng lúc với các loại thuốc.

Các biện pháp thay thế để điều trị đau cơ xơ hóa gồm có:

  • Vật lý trị liệu
  • Châm cứu
  • Dùng 5-hydroxytryptophan (5-HTP)
  • Mát-xa

Bạn có thể tìm kiếm và gặp gỡ những người khác cũng đang mắc bệnh giống như mình để cùng chia sẻ về các biện pháp hữu hiệu nhằm cải thiện tình trạng bệnh, giúp cho việc sống chung với đau cơ xơ hóa trở nên dễ dàng hơn. Đây được gọi là liệu pháp nhóm.

Ngoài ra, phương pháp trị liệu nhận thức - hành vi (Cognitive behavioral therapy) cũng là một lựa chọn khác giúp bạn kiểm soát tốt tình hình khi bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị mới nào.

Tìm hiểu thêm: Một số cách có giấc ngủ ngon hơn và tỉnh táo hơn trong ngày

Chế độ sinh hoạt khi bị đau cơ xơ hóa

Tập luyện

Vận động cơ thể cũng là một cách để cải thiện chất lượng sống khi bị đau cơ xơ hóa. Bạn có thể thử tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, thái cực quyền hay yoga. Tuy nhiên, cần trọng khi chọn yoga nếu bị hội chứng “người dẻo” (hypermobility).

Chế độ ăn

Nhiều người nhận thấy rằng một số thay đổi nhất định về chế độ ăn uống cũng có hiệu quả cải thiện phần nào tình trạng bệnh.

Do vậy, nếu bạn được chẩn đoán bị đau cơ xơ hóa thì nên cố gắng xây dựng cho mình một chế độ ăn uống cân bằng. Dinh dưỡng là điều rất quan trọng trong việc giữ cho cơ thể khỏe mạnh, cung cấp đủ nguồn năng lượng và ngăn các triệu chứng chuyển biến xấu.

Một số lưu ý về chế độ ăn uống:

  • Ăn nhiều trái cây và rau củ tươi cùng với các loại ngũ cốc nguyên hạt
  • Giảm ăn thịt
  • Chọn sữa ít béo
  • Bổ sung protein nạc
  • Uống nhiều nước
  • Giảm lượng đường
  • Cố gắng đạt được và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh

Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm sẽ làm cho các triệu chứng bệnh trở nên nặng hơn, chẳng hạn như gluten hoặc bột ngọt. Bạn nên theo dõi các triệu chứng và chế độ ăn của mình để biết những loại thực phẩm nào khiến cho triệu chứng bệnh bùng phát và sau đó hãy cố gắng tránh các loại thực phẩm này để ngăn ngừa triệu chứng.

Đau cơ xơ hóa là một vấn đề mãn tính và hiện tại vẫn chưa có cách chữa khỏi nhưng các biện pháp điều trị y tế kết hợp các phương pháp thay thế và điều chỉnh một chút về lối sống sẽ giúp cho cuộc sống không bị xáo trộn quá nhiều.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Mặc dù không có cách chữa trị khỏi bệnh loãng xương nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp củng cố xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Viêm đơn khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm đơn khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm đơn khớp là tình trạng viêm ở một khớp. Tình trạng viêm ở nhiều lớp được gọi là viêm đa khớp. Viêm đơn khớp và viêm đa khớp không phải là một loại viêm khớp riêng biệt mà là mô tả về tình trạng viêm khớp (số lượng khớp bị viêm). Viêm đơn khớp có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm có nhiễm trùng, bệnh gout và một số bệnh tự miễn.

Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là tình trạng viêm khớp xảy ra do nhiễm trùng ở một khu vực khác trong cơ thể. Đa phần, viêm khớp phản ứng là do các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn ở đường ruột. Tình trạng viêm khớp thường xảy ra sau khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi.

Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis) là loại viêm khớp xảy ra ở những người mắc bệnh vảy nến – một bệnh về da xảy ra do hệ miễn dịch tấn công tế bào da, có triệu chứng là các mảng da đỏ, đóng vảy trắng bạc, ngứa ngáy, đau và chảy máu. Khoảng 90% những người bị viêm khớp vảy nến có tiền sử bệnh vảy nến. Không có cách nào có thể chữa trị khỏi bệnh viêm khớp vảy nến. Mục đích điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn khớp hỏng nặng thêm. Nếu không được điều trị, bệnh viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến tàn tật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây