Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis) là loại viêm khớp xảy ra ở những người mắc bệnh vảy nến – một bệnh về da xảy ra do hệ miễn dịch tấn công tế bào da, có triệu chứng là các mảng da đỏ, đóng vảy trắng bạc, ngứa ngáy, đau và chảy máu. Khoảng 90% những người bị viêm khớp vảy nến có tiền sử bệnh vảy nến. Không có cách nào có thể chữa trị khỏi bệnh viêm khớp vảy nến. Mục đích điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn khớp hỏng nặng thêm. Nếu không được điều trị, bệnh viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến tàn tật.
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến

Mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến ở ca bệnh là không hoàn toàn giống nhau. Cả viêm khớp vảy nến và bệnh vảy nến đều là những bệnh mạn tính sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ không kéo dài dai dẳng mà xảy ra theo đợt. Sẽ có những khoảng thời gian mà các triệu chứng tạm thời giảm nhẹ hoặc biến mất. Những khoảng thời gian này được gọi là giai đoạn thuyên giảm. Bệnh viêm khớp vảy nến được chia thành nhiều loại và mỗi loại có những triệu chứng khác nhau.

Các triệu chứng chung của bệnh viêm khớp vảy nến gồm có:

  • Sưng và đau khớp ở một hoặc cả hai bên cơ thể
  • Cứng khớp, nặng nhất vào buổi sáng
  • Sưng ngón tay và ngón chân
  • Đau cơ và gân
  • Xuất hiện các mảng da đỏ, có vảy khô cứng, triệu chứng này thường tăng nặng mỗi khi cơn đau khớp tái phát
  • Mệt mỏi
  • Rỗ móng
  • Ly móng (tách móng)
  • Đỏ mắt
  • Đau mắt (viêm màng bồ đào)

Bệnh viêm cột sống vảy nến còn có thêm các triệu chứng khác như:

  • Cứng cột sống
  • Đau, sưng và yếu ở:
    • Hông
    • Đầu gối
    • Mắt cá chân
    • Bàn chân
    • Khuỷu tay
    • Bàn tay
    • Cổ tay
    • Các khớp khác
  • Sưng ngón chân hoặc ngón tay

Viêm khớp vảy nến đối xứng là loại viêm khớp vảy nến xảy ra ở các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể, thường xảy ra ở 5 khớp trở lên. Viêm khớp vảy nến không đối xứng xảy ra ở 1 – 4 khớp nhưng các khớp này có thể nằm ở hai bên cơ thể.

Viêm khớp vảy nến phá hủy (mutilans) là một loại viêm khớp hiếm gặp, có thể làm biến dạng khớp và khiến cho các ngón tay và ngón chân bị ngắn đi. Viêm khớp vảy nến khớp liên đốt xa là loại viêm khớp vảy nến xảy ra ở các khớp ngoài cùng của ngón tay và ngón chân.

Nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến

Giống như bệnh vảy nến, viêm khớp vảy nến cũng là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô khớp và da. Khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân chính xác khiến cho hệ miễn dịch tấn công nhầm mô của cơ thể nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân có thể là do sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.

Nhiều người bị viêm khớp vảy nến có tiền sử gia đình mắc bệnh vảy nến hoặc viêm khớp vảy nến. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số chỉ thị di truyền nhất định có liên quan đến bệnh viêm khớp vảy nến. Khoảng 40% số người bị viêm khớp vảy nến có một hoặc nhiều người thân mắc bệnh này.

Căng thẳng quá mức, chấn thương hoặc các yếu tố môi trường như nhiễm virus hoặc vi khuẩn có thể khiến cho bệnh viêm khớp vảy nến khởi phát ở những người có khuynh hướng di truyền mắc bệnh.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp vảy nến:

  • Mắc bệnh vảy nến
  • Có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị viêm khớp vảy nến
  • Tuổi từ 30 - 50 (mặc dù trẻ em cũng có thể mắc bệnh này)
  • Có tiền sử viêm họng do liên cầu khuẩn
  • Nhiễm HIV

Các tác nhân khiến bệnh tái phát

Các triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến thường xuất hiện hoặc tăng nặng theo đợt, gọi là các đợt tái phát. Bệnh có thể tái phát khi có sự tác động của một số yếu tố nhất định. Tác nhân khiến bệnh tái phát ở mỗi người là khác nhau.

Để xác định các tác nhân khiến bệnh tái phát, hãy theo dõi và ghi lại tất cả những hoạt động, đồ ăn thức uống hay những thay đổi diễn ra trước khi các triệu chứng xuất hiện.

Một số tác nhân phổ biến khiến bệnh viêm khớp vảy nến tái phát gồm có:

  • Nhiễm trùng, ví dụ như viêm họng do liên cầu khuẩn và nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Tổn thương da, ví dụ như vết cắt, trầy xước hoặc cháy nắng
  • Da khô
  • Căng thẳng
  • Thời tiết lạnh, khô
  • Hút thuốc
  • Uống quá nhiều rượu
  • Thừa cân
  • Dùng một số loại thuốc, như lithium, thuốc chẹn beta và thuốc chống sốt rét

Mặc dù không thể tránh được hoàn toàn những tác nhân này nhưng bạn có thể cố gắng kiểm soát căng thẳng, bỏ thuốc lá và giảm uống rượu.

Hãy hỏi bác sĩ xem loại thuốc mà bạn đang dùng có ảnh hưởng đến bệnh viêm khớp vảy nến hay không. Nếu có thì sẽ cần chuyển sang một loại thuốc khác.

Các loại viêm khớp vảy nến

Có 5 loại viêm khớp vảy nến:

Viêm khớp vảy nến thể đa khớp (đối xứng)

Viêm khớp vảy nến thể đa khớp là loại viêm khớp vảy nến xảy ra ở 5 khớp trở lên. Loại này còn được gọi là viêm khớp vảy nến đối xứng vì xảy ra ở các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể, chẳng hạn như cả hai đầu gối hoặc hai cổ tay. Các triệu chứng rất giống với bệnh viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp vảy nến đối xứng thường nhẹ hơn và ít gây biến dạng khớp hơn viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, viêm khớp vảy nến đối xứng có thể dẫn đến tàn tật. Viêm khớp vảy nến đối xứng chiếm khoảng 40% số ca bệnh viêm khớp vảy nến.

Viêm khớp vảy nến thể ít khớp (không đối xứng)

Loại này xảy ra ở 1 – 4 khớp, có thể ở một bên hoặc hai bên cơ thể (nhưng không có tính đối xứng). Triệu chứng thường gặp là đau khớp và sưng đỏ khớp. Viêm khớp vảy nến không đối xứng thường nhẹ hơn viêm khớp vảy nến đối xứng.

Viêm khớp vảy nến khớp liên đốt xa

Loại này xảy ra ở các khớp ngoài cùng của ngón tay và ngón chân. Viêm khớp vảy nến khớp liên đốt xa chiếm khoảng 12% số ca bệnh viêm khớp vảy nến.

Viêm cột sống vảy nến

Loại viêm khớp vảy nến này xảy ra ở cột sống và chiếm khoảng 30% tổng số ca bệnh viêm khớp vảy nến. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ khớp nào trên cột sống từ cổ đến thắt lưng. Bệnh gây cứng cột sống và đau đớn mỗi khi cử động. Bàn tay, bàn chân, cẳng chân, cánh tay và hông cũng có thể bị ảnh hưởng.

Viêm khớp vảy nến phá hủy

Đây là một loại viêm khớp vảy nến nghiêm trọng, chiếm khoảng 2 – 21% tổng số ca bệnh viêm khớp vảy nến. Viêm khớp vảy nến phá hủy thường xảy ra ở bàn tay và bàn chân nhưng cũng có thể xảy ra ở cổ và thắt lưng.

Các giai đoạn của bệnh viêm khớp vảy nến

Tốc độ tiến triển của bệnh viêm khớp vảy nến ở mỗi một ca bệnh là khác nhau và không phải ai mắc căn bệnh này cũng trải qua tất cả các giai đoạn. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Giai đoạn đầu

Ở giai đoạn đầu của bệnh viêm khớp vảy nến, người bệnh thường chỉ gặp các triệu chứng nhẹ như sưng khớp và giảm phạm vi chuyển động. Những triệu chứng này có thể xuất hiện cùng lúc với các triệu chứng trên da do bệnh vảy nến hoặc nhiều năm sau đó mới xuất hiện.

NSAID là phương pháp điều trị chính ở giai đoạn đầu của bệnh viêm khớp vảy nến. Những loại thuốc này giúp làm giảm viêm và đau khớp nhưng không làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Viêm khớp vảy nến giai đoạn hai

Ở giai đoạn này, các triệu chứng trở nên nặng hơn và cần các phương pháp điều trị khác như DMARD và thuốc sinh học. Những loại thuốc này giúp giảm các triệu chứng và đồng thời làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Giai đoạn cuối

Lúc này mô xương đã bị hỏng nghiêm trọng. Khớp có thể bị biến dạng và xương phát triển quá mức. Việc điều trị ở giai đoạn này nhằm mục đích giảm các triệu chứng và ngăn bệnh tiếp tục tiến triển nặng thêm.

Chẩn đoán viêm khớp vảy nến

Để chẩn đoán viêm khớp vảy nến, bác sĩ sẽ phải loại trừ các nguyên nhân khác gây các triệu chứng, ví dụ như viêm khớp dạng thấp và bệnh gout, bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dưới đây giúp phát hiện tình trạng tổn thương ở khớp và các mô khác:

  • Chụp X-quang: cho biết tình trạng của khớp và xương. Tổn thương khớp do viêm khớp vảy nến khác với các loại viêm khớp khác.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng sóng vô tuyến và nam châm phát ra từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Hình ảnh thu được sẽ giúp bác sĩ phát hiện tổn thương khớp, gân hoặc dây chằng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) và siêu âm: giúp bác sĩ xác định mức độ tiến triển của bệnh viêm khớp vảy nến và mức độ hư hỏng khớp.

Xét nghiệm máu giúp phát hiện tình trạng viêm trong cơ thể và các dấu hiệu của bệnh tự miễn:

  • Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP): CRP là chất mà gan tạo ra khi cơ thể bị viêm.
  • Xét nghiệm máu lắng: cho biết mức độ viêm trong cơ thể. Tuy nhiên, xét nghiệm này không thể xác định được nguyên nhân gây viêm.
  • Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF): RF là một kháng thể do hệ miễn dịch tạo ra. RF thường hiện diện ở người bị viêm khớp dạng thấp và không có ở người bị viêm khớp vảy nến. Xét nghiệm RF có thể giúp phân biệt viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp.
  • Xét nghiệm hồng cầu: số lượng hồng cầu thấp do thiếu máu là một vấn đề thường gặp ở những người bị viêm khớp vảy nến.

Ngoài ra có thể cần làm xét nghiệm dịch khớp. Bác sĩ sẽ dùng kim đưa vào khớp và hút một lượng dịch nhỏ. Nếu dịch khớp chứa tinh thể axit uric thì khả năng cao nguyên nhân gây ra các triệu chứng là bệnh gout chứ không phải viêm khớp vảy nến. Dịch khớp có thể được đem đi nuôi cấy để xem khớp có bị nhiễm trùng hay không.

Không có bất cứ xét nghiệm hay kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nào có thể phát hiện bệnh viêm khớp vảy nến. Bác sĩ sẽ phải dựa trên kết quả của nhiều xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự.

Điều trị viêm khớp vảy nến

Mục tiêu điều trị viêm khớp vảy nến là làm giảm các triệu chứng, bao gồm cả các triệu chứng trên da và khớp.

Các phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm khớp vảy nến gồm có:

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Những loại thuốc này giúp giảm đau và sưng khớp. Các loại NSAID không kê đơn gồm có ibuprofen và naproxen. Nếu NSAID không kê đơn không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê các loại NSAID mạnh hơn.

NSAID có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Đau bụng
  • Chảy máu dạ dày
  • Tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim
  • Tăng nguy cơ đột quỵ
  • Tổn thương gan và thận

Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ sẽ cao hơn nếu dùng thuốc liều quá cao hoặc trong thời gian dài.

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)

Những loại thuốc này làm giảm viêm trong cơ thể, nhờ đó làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp vảy nến và ngăn ngừa hỏng khớp. DMARD có thể được dùng qua đường uống, tiêm hoặc truyền.

Các loại DMARD được sử dụng phổ biến nhất gồm có:

  • methotrexate
  • leflunomide
  • sulfasalazine

Apremilast là một loại DMARD mới được đưa vào sử dụng. Loại thuốc này được dùng qua đường uống, có tác dụng ngăn chặn phosphodiesterase 4, một loại enzyme tham gia vào phản ứng viêm.

Các tác dụng phụ của DMARD gồm có:

  • Tổn thương gan
  • Ức chế tủy xương
  • Nhiễm trùng phổi

Thuốc sinh học

Hiện tại có 5 loại thuốc sinh học đã được phê duyệt để điều trị bệnh vảy nến. Các loại thuốc này được phân loại theo mục tiêu mà thuốc ức chế trong cơ thể:

  • Thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u alpha (thuốc ức chế TNF-alpha):
    • adalimumab
    • certolizumab
    • golimumab
    • etanercept
    • infliximab
  • Thuốc ức chế interleukin 12 và 23 (thuốc ức chế IL-12/23):
    • ustekinumab
  • Thuốc ức chế interleukin 17 (thuốc ức chế IL-17)
    • secukinumab
    • ixekizumab
    • brodalumab
    • bimekizumab-bkzx
  • Thuốc ức chế interleukin 23 (thuốc ức chế IL-23)
    • guselkumab
    • tildrakizumab-asmn
    • risankizumab-rzaa
  • Thuốc ức chế tế bào T
    • abatacept

Các loại thuốc sinh học này được tiêm dưới da hoặc truyền qua tĩnh mạch. Vì những loại thuốc này làm giảm đáp ứng miễn dịch nên sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các tác dụng phụ khác gồm có buồn nôn và tiêu chảy.

Steroid

Nhóm thuốc này giúp làm giảm viêm. Khi được dùng để điều trị viêm khớp vảy nến, steroid thường được tiêm trực tiếp vào khớp. Các tác dụng phụ gồm có đau và tăng nguy cơ nhiễm trùng khớp.

Thuốc ức chế miễn dịch

Các loại thuốc ức chế miễn dịch như azathioprine và cyclosporine làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch và nhờ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh vảy nến. Hiện nay các loại thuốc này không còn được dùng nhiều vì đã có thuốc ức chế TNF-alpha.

Do làm làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch nên thuốc ức chế miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Thuốc bôi ngoài da

Các loại thuốc bôi giúp làm giảm các triệu chứng trên da của bệnh viêm khớp vảy nến. Thuốc bôi điều trị viêm khớp vảy nến có cả loại kê đơn và không kê đơn.

Các loại thuốc phổ biến gồm có:

  • anthralin
  • calcitriol hoặc calcipotriene, là các dạng vitamin D3
  • axit salicylic
  • steroid
  • tazarotene, một dẫn xuất của vitamin A

Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng giúp làm giảm các triệu chứng trên da. Vùng da bị bệnh sẽ được bôi thuốc, sau đó được chiếu ánh sáng mạnh.

Các loại thuốc khác

Ngoài các loại thuốc trên còn nhiều loại thuốc để điều trị các triệu chứng viêm khớp vảy nến, gồm có secukinumab và ustekinumab. Những loại thuốc này đều được tiêm dưới da. Dùng ustekinumab có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và ung thư.

Thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh viêm khớp vảy nến

Bên cạnh các phương pháp điều trị chính thống, người bệnh nên kết hợp thay đổi lối sống để kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến.

Tập thể dục

Duy trì hoạt động thể chất sẽ giúp giảm và ngăn ngừa cứng khớp. Cố gắng tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tập thể dục đều đặn còn giúp kiểm soát cân nặng và giảm mệt mỏi.

Những người có vấn đề về khớp như viêm khớp vảy nến nên chọn những bài tập ít gây áp lực lên khớp như đạp xe, đi bộ, bơi lội và các bài tập dưới nước khác. Tránh các bộ môn gây áp lực lên khớp như chạy bộ, nhảy dây và tennis.

Hạn chế rượu bia và không hút thuốc lá

Hút thuốc ảnh hưởng tiêu cực đến khớp và toàn bộ cơ thể. Do đó, nếu bạn đang hút thuốc thì hay cố gắng cai càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế hoặc kiêng rượu vì đồ uống có cồn có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị viêm khớp vảy nến. Uống quá nhiều rượu cũng có thể gây tác động tiêu cực đến tình trạng viêm khớp vảy nến.

Giảm căng thẳng

Căng thẳng có thể khiến cho các triệu chứng viêm khớp nến tái phát thường xuyên hơn hoặc nặng hơn. Người bệnh nên cố gắng hạn chế căng thẳng và thử các cách giảm căng thẳng như thiền, tập yoga và tập thể dục.

Chườm nóng và lạnh

Chườm nóng giúp làm giảm cứng và sưng khớp. Chườm lạnh giúp làm giảm viêm và dau.

Thay đổi thói quen hàng ngày

Đẩy cửa bằng cơ thể thay vì bằng bàn tay. Nâng vật nặng bằng cả hai tay. Dùng dụng cụ mở nắp chai lọ.

Thực phẩm chức năng

Axit béo omega-3 có đặc tính chống viêm. Bổ sung loại chất béo tốt này có thể giúp làm giảm viêm và sưng đau khớp.

Nghệ cũng có tác dụng chống viêm và có thể giúp cải thiện triệu chứng của bệnh viêm khớp vảy nến. Bạn có thể dùng tinh bột nghệ hoặc viên uống chứa chiết xuất nghệ.

Chế độ ăn uống

Mặc dù không có bất kỳ loại thực phẩm hay chế độ ăn uống nào có thể chữa khỏi bệnh viêm khớp vảy nến nhưng chế độ ăn uống cân bằng với một số loại thực phẩm nhất định có thể giúp giảm tình trạng viêm trong cơ thể và giảm bớt các triệu chứng viêm khớp vảy nến. Việc giảm viêm trong cơ thể sẽ mang lại lợi ích về lâu dài cho khớp và sức khỏe tổng thể.

Nên ăn nhiều trái cây và rau củ tươi. Điều này sẽ giúp giảm viêm và kiểm soát cân nặng. Khối lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực lên các khớp vốn đã bị viêm và đau. Hạn chế đường và chất béo vì những chất này sẽ làm tăng viêm. Nên lựa chọn các nguồn chất béo tốt như cá, các loại hạt và quả hạch.

Phòng ngừa viêm khớp vảy nến

Vì viêm khớp vảy nến là một bệnh tự miễn nên không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, có các cách để ngăn ngừa hoặc giảm bớt tần suất tái phát và kiểm soát các triệu chứng, chẳng hạn như tránh các tác nhân kích hoạt kể trên.

Câu hỏi thường gặp về bệnh viêm khớp vảy nến

Làm thế nào để biết tôi bị viêm khớp vảy nến hay đau cơ xơ hóa?

Mặc dù viêm khớp vảy nến và đau cơ xơ hóa có thể xảy ra cùng nhau nhưng đây là hai bệnh lý khác nhau. Viêm khớp vảy nến là tình trạng viêm qua trung gian miễn dịch, trong khi đau xơ cơ hóa là tình trạng đau cơ xương trên phạm vi rộng mà không bị viêm.

Đau cơ xơ hóa cũng gây mệt mỏi và khó khăn về nhận thức tương tự như bệnh viêm khớp vảy nến nhưng là do nguyên nhân khác nhau gây ra. Vì lý do này, các triệu chứng của hai bệnh lý có thể tương tự và khó có thể phân biệt được sự khác biệt nếu không có chẩn đoán chính xác từ bác sĩ.

Viêm khớp vảy nến thường bắt đầu ở đâu?

Không có bộ phận nào trên cơ thể bắt đầu viêm khớp vảy nến vì bệnh khởi phát và tiến triển khác nhau ở mỗi người. Bệnh có thể bắt đầu ở da, đặc biệt là ở những người đã mắc bệnh vảy nến, nhưng cũng có thể bắt đầu ở khớp.

Viêm khớp vảy nến có những biến chứng nào?

viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Viêm khớp vảy nến phá hủy
  • Các vấn đề về mắt như viêm kết mạc hoặc viêm màng bồ đào
  • Bệnh tim mạch
  • Viêm khớp cùng chậu
  • Trầm cảm

Tiên lượng của người bị viêm khớp vảy nến

Tiên lượng của mỗi ca bệnh viêm khớp vảy nến là khác nhau. Một số người chỉ có các triệu chứng rất nhẹ và thỉnh thoảng mới tái phát trong khi một số người lại gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng và tái phát thường xuyên.

Viêm khớp vảy nến nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến khả năng đi lại và thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Tiên lượng phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Độ tuổi tại thời điểm chẩn đoán
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh tại thời điểm chẩn đoán
  • Số lượng khớp bị viêm
  • Có tiền sử gia đình bị viêm khớp vảy nến hay không

Tuân thủ điều trị sẽ giúp cải thiện tiên lượng cho người bị viêm khớp vảy nến.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là tình trạng viêm khớp xảy ra do nhiễm trùng ở một khu vực khác trong cơ thể. Đa phần, viêm khớp phản ứng là do các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn ở đường ruột. Tình trạng viêm khớp thường xảy ra sau khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi.

Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau cơ xơ hóa là bệnh lý gây đau tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây