Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng thường xảy ra ở các khớp lớn ở chi dưới. Viêm khớp phản ứng trước đây còn được gọi là hội chứng Reiter, một bộ ba gồm có viêm khớp, viêm mắt (viêm kết mạc) và viêm đường tiết niệu (viêm niệu đạo).
Tỷ lệ bị viêm khớp phản ứng ở nam giới cao hơn phụ nữ nhưng bệnh viêm khớp phản ứng ở phụ nữ lại khó chẩn đoán hơn. Độ tuổi khởi phát trung bình là 30 tuổi. Nam giới cũng thường bị đau khớp nặng hơn phụ nữ.
Nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng
Hầu hết các trường hợp viêm khớp phản ứng là do nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc ruột. Loại vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm khớp phản ứng là Chlamydia trachomatis (vi khuẩn gây bệnh chlamydia). Vi khuẩn này thường lây qua đường tình dục.
Các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như Shigella và Salmonella cũng có thể gây viêm khớp phản ứng.
Di truyền là một yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ bị viêm khớp phản ứng. Những người mang gen HLA B27 có nguy cơ bị viêm khớp phản ứng cao hơn. Tuy nhiên, không phải ai mang gen này cũng sẽ bị viêm khớp phản ứng sau khi bị nhiễm trùng.
Triệu chứng viêm khớp phản ứng
Viêm khớp phản ứng có ba nhóm triệu chứng.
Triệu chứng cơ xương
Các triệu chứng cơ xương gồm có đau khớp và sưng tấy. Viêm khớp phản ứng thường xảy ra ở khớp gối, mắt cá chân và khớp cùng chậu. Người mắc bệnh viêm khớp phản ứng còn có thể bị đau, cứng và sưng khớp ở ngón tay, lưng hoặc gót chân.
Triệu chứng tiết niệu
Các triệu chứng tiết niệu ở người bị viêm khớp phản ứng là do viêm niệu đạo – tình trạng viêm ở ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Các triệu chứng của viêm niệu đạo gồm có đau hoặc nóng rát khi đi tiểu và buồn tiểu liên tục.
Nam giới mắc bệnh viêm khớp phản ứng có thể bị viêm tuyến tiền liệt. Ở phụ nữ, viêm khớp phản ứng có thể đi kèm viêm cổ tử cung.
Triệu chứng ở mắt và da
Viêm mắt, ví dụ như viêm kết mạc là một trong những triệu chứng chính của bệnh viêm khớp phản ứng. Tình trạng này gây đau, ngứa và rỉ mắt. Viêm khớp phản ứng còn có thể gây ra triệu chứng ở da và miệng, gồm có ban đỏ trên da, nổi mụn mủ nhỏ ở lòng bàn chân và loét miệng. Các triệu chứng này thường đi kèm các triệu chứng khác của viêm khớp phản ứng.
Chẩn đoán viêm khớp phản ứng
Bác sĩ sẽ đánh giá bệnh sử, khám lâm sàng và chỉ định xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm trong cơ thể. Có thể cần làm xét nghiệm HLA B27 để đánh giá nguy cơ bị viêm khớp phản ứng.
Nếu người bệnh có các triệu chứng của bệnh chlamydia thì sẽ phải làm xét nghiệm để kiểm tra. Đối với nam giới, bác sĩ sẽ lấy dịch niệu đạo còn với phụ nữ, bác sĩ sẽ lấy dịch cổ tử cung để làm xét nghiệm. Ngoài ra còn phải xét nghiệm dịch khớp để xem có dấu hiệu nhiễm trùng hay không.
Điều trị viêm khớp phản ứng
Việc điều trị viêm khớp phản ứng phụ thuộc vào nguyên nhân. Trước tiên, người bệnh sẽ phải dùng kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng gây viêm khớp. Bác sĩ sẽ kê thêm thuốc điều trị viêm kết mạc, loét miệng hoặc phát ban da, tùy vào triệu chứng cụ thể.
Thuốc
Sau khi tình trạng nhiễm trùng gây viêm khớp đã được kiểm soát, mục tiêu điều trị sẽ chuyển sang giảm đau và các triệu chứng khác của viêm khớp. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là một phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh viêm khớp phản ứng. Các loại thuốc này giúp giảm đau và giảm viêm.
Nếu các loại thuốc không kê đơn không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc chống viêm mạnh hơn, ví dụ như corticoid. Corticoid là dạng tổng hợp của cortisol, một loại hormone được tạo ra tự nhiên trong cơ thể. Corticoid ức chế tình trạng viêm trong cơ thể.
Corticoid có thể được dùng qua đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp. Trong trường hợp corticoid không có tác dụng, người bệnh cần chuyển sang các thuốc điều hòa miễn dịch, ví dụ như sulfasalazine. Thuốc kháng sinh doxycycline cũng có thể được dùng để điều trị viêm khớp phản ứng do có tác dụng chống viêm. Những trường hợp viêm khớp phản ứng nghiêm trọng không đáp ứng với các loại thuốc kể trên có thể phải dùng thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (thuốc ức chế TNF).
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường chức năng khớp. Tập thể dục giúp khớp linh hoạt hơn và duy trì phạm vi chuyển động.
Nếu tình trạng cứng và đau khớp làm giảm phạm vi chuyển động, người bệnh nên cân nhắc tập vật lý trị liệu. Mục tiêu là cải thiện khả năng vận động.
Tiên lượng của người bị viêm khớp phản ứng
Tiên lượng của người bị viêm khớp phản ứng nhìn chung là khá tốt. Hầu hết các ca bệnh đều hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, thời gian để hồi phục có thể mất từ vài tháng đến một năm. Hơn nữa, bệnh có thể tái phát. Tỷ lệ tái phát là khoảng 15 đến 50%.
Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.
Viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis) là loại viêm khớp xảy ra ở những người mắc bệnh vảy nến – một bệnh về da xảy ra do hệ miễn dịch tấn công tế bào da, có triệu chứng là các mảng da đỏ, đóng vảy trắng bạc, ngứa ngáy, đau và chảy máu. Khoảng 90% những người bị viêm khớp vảy nến có tiền sử bệnh vảy nến. Không có cách nào có thể chữa trị khỏi bệnh viêm khớp vảy nến. Mục đích điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn khớp hỏng nặng thêm. Nếu không được điều trị, bệnh viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến tàn tật.
Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.
Đau cơ xơ hóa là bệnh lý gây đau tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.