1

Rụng tóc gia tăng, đàn ông châu Á chật vật làm quen với hói đầu

Thứ ba - 13/04/2021 16:01
Mặc dù có bố bị hói ở trán với đường chân tóc chữ m, nhưng Alex Han đến từ Đông Bắc Trung Quốc chưa từng nghĩ mình sẽ bị rụng tóc ở độ tuổi 20.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cho dù các nghiên cứu đã chỉ ra gần như tất cả đàn ông da trắng rồi cũng sẽ bị mắc bệnh rụng tóc hói ở một mức độ nào đó – và khoảng một nửa trong số họ có thể bị rụng tóc khi đến tuổi trung niên – nhưng đàn ông châu Á, đặc biệt là đàn ông Đông Á, lại có lịch sử ít bị rụng tóc nhất trên thế giới.

Một nghiên cứu năm 2010 từ sáu thành phố của Trung Quốc phát hiện có ít hơn 3% nam giới độ tuổi 18-29 bị rụng tóc kiểu hói, và chỉ hơn 13% người mắc bệnh ở độ tuổi 30. Một nghiên cứu trước đó từ Hàn Quốc cho thấy chỉ 14,1% trong tổng số nam giới bị mắc bệnh,  còn đàn ông Nhật Bản thì được ghi nhận là bắt đầu gặp phải căn bệnh rụng tóc hói này muộn hơn khoảng một thập kỷ so với những người bạn châu Âu.

Nhưng như anh Han 34 tuổi về sau mới biết, gen không phải là tất cả. Căng thẳng, chế độ ăn kém, thiếu ngủ và hút thuốc đều có thể góp phần làm rụng tóc. Và với lối sống đang thay đổi chóng mặt trong những thập kỷ gần đây ở Trung Quốc, thì đường chân tóc của nam giới nước này cũng đang thay đổi theo.

“Khi đó tôi đang chuẩn bị cho bài kiểm tra đầu vào để học thạc sĩ, áp lực rất lớn nên có lẽ tôi đã không ngủ đủ giấc,” anh Han chia sẻ qua một cuộc phỏng vấn trên điện thoại. “Tại thời điểm đó, (tình trạng rụng tóc ở trán) vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng sau ba năm học thạc sĩ ở Bắc Kinh, tôi chuyển đến Đức để học lên tiến sĩ... mà không chỉ mình tôi, các học viên người châu Á ở đó cũng gặp tình trạng rụng tóc.”

đám đông đi lại
Đám đông đi lại tại ga tàu ngầm ở Bắc Kinh tháng 7 năm 2008. Ban đầu Trung Quốc có tỉ lệ hói đầu thuộc nhóm thấp nhất thế giới, nhưng sự thay đổi về lối sống đang góp phần làm gia tăng tỷ lệ rụng tóc.

Đây là vấn đề mà rất nhiều người cùng thế hệ với anh Han, và trẻ hơn, đã gặp phải. Hiệp hội Tuyên truyền về Sức khỏe và Giáo dục Trung Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát gồm 50.000 người, kết quả cho thấy nhóm người trong độ tuổi 30 đang bị hói đầu nhanh hơn những đối tượng khác. Gần một phần ba người làm khảo sát được sinh trong hoặc sau năm 1990 cho biết tóc họ bị thưa, theo truyền thông quốc gia Trung Quốc đưa tin. Một bảng bình chọn tương tự đã được lập ra bởi đại học Thanh Hoa danh giá, cho thấy con số khó tin là tận 60% sinh viên bị rụng tóc ở một mức độ nào đấy. Đài truyền hình trung ương CGTN của Trung Quốc thậm chí còn mô tả bệnh hói đầu ở người trẻ tuổi là một “đại dịch”. Nhưng những thay đổi về lối sống có sự song hành với những thay đổi về cả công nghệ và thu nhập sau thuế. Cấy tóc hiện là giải pháp khả thi đối với một số lượng nam giới ngày càng tăng, và thị trường cấy tóc ở Trung Quốc được cho là sẽ đạt 20,8 tỉ NDT (73 nghìn tỉ VNĐ) vào năm 2020, nhiều gấp bốn lần con số từ 4 năm trước, theo công ty nghiên cứu thị trường Statistica.

Anh Han lựa chọn tới Thái Lan để thực hiện cấy tóc, trong đó bác sĩ sẽ lấy hàng nghìn nang tóc từ các bộ phận khác trên cơ thể, ví dụ ngực, gáy... để cấy lên đầu. Ca phẫu thuật dài 8-10 tiếng đồng hồ tiêu tốn của anh khoảng 9.000 đô-la (khoảng 200 triệu VNĐ), mặc dù anh đã tìm được những phòng khám ở Trung Quốc với tuyên bố “chỉ lấy 1/6 giá đó”. Ca cấy tóc có thể mất nhiều tháng mới có tác dụng, nhưng Han bày tỏ hy vọng là anh sẽ “nhìn thấy kết quả và thấy tóc quay trở lại bình thường sau 2 hoặc 3 tháng,” anh nói thêm, “khi đó tôi sẽ giả vờ nhưng chưa từng có chuyện gì xảy ra.”

Kiểm soát sự kỳ thị

Nỗi sợ của anh Han cũng giống với nỗi sợ mà những người đàn ông đang bị hói đầu trên khắp thế giới gặp phải, cụ thể là tác động của bệnh lên sự tự tin, khía cạnh công việc và ấn tượng ban đầu. “Đối với tôi, kiểu tóc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ấn tượng ban đầu về một người đàn ông,” anh nói. Mà bị rụng tóc ở những nước hiếm gặp bệnh này thì lại càng khó sống. Tiêu chuẩn về ngoại hình của nam giới trong văn hóa đại chúng ở Đông Á – từ ngành công nghiệp K-pop Hàn Quốc cho tới ngành công nghiệp phim ảnh Hồng Kông – thường ưu ái những người có mái tóc dày, bóng mượt và ngoại hình hơi trẻ con. “Trong văn hóa châu Á, thế hệ trẻ thực sự thích các thần tượng (nhóm nhạc pop Trung Quốc) như TFBoys,” anh Han nói, đồng thời bổ sung là tiêu chuẩn dành cho đàn ông da trắng và da đen thường khác biệt.

Đối với David Ko 37 tuổi, một phóng viên thường trú tại Seoul từng viết bài về trải nghiệm rụng tóc của mình, thì việc thiếu sự hiện diện của đàn ông trọc đầu ở Hàn Quốc “chắc chắn góp một phần vào tình trạng mọi người e ngại chuyện bị trọc đầu.”

“Cứ có tiền lệ thì mọi người sẽ thấy (tự tin hơn) khi làm theo,” anh phát biểu trong buổi phỏng vấn qua email.

ảnh 2
Người đàn ông quan sát máy cấy tóc ở Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc tại Thượng Hải vào năm 2019.

Theo một nghiên cứu tại Hàn Quốc được in trên Tạp chí Da liễu Quốc tế (International Journal of Deermatology), 90% người không bị hói tham gia trả lời đã cho rằng đàn ông hói đầu là già và kém hấp dẫn. Năm 2018, Ủy ban nhân quyền quốc gia Hàn Quốc đã phải lên tiếng kêu gọi nhà sử dụng lao động không kỳ thị đàn ông bị hói, sau sự kiện một công ty quản lý xây dựng bị cáo buộc là đã yêu cầu người tuyển dụng phải đội tóc giả trong lúc phỏng vấn và từ chối người này do anh ta bị hói đầu, theo Thông tấn xã Yonhap đưa tin. (Công ty giấu tên đã phủ nhận cáo buộc trên). Qua các nghiên cứu ở phương Tây, mặc dù không phải lúc nào hói đầu cũng được đón nhận một cách tích cực, nhưng chúng cho thấy ở những nước có nhiều người bị hói thì mức độ kỳ thị có thể ít hơn. Ví dụ như trong cuộc nghiên cứu của Đại học Pennsylvania, người tham gia cảm thấy đàn ông trông “vượt trội, cao hơn và khỏe hơn” khi được cho xem ảnh của họ sau khi xóa tóc bằng máy tính.

Anh Saul Trejo, doanh nhân Mỹ-Trung, người đã sống ở nhiều thành phố trên khắp châu Á kể từ năm 2011, bắt đầu bị rụng tóc trong lúc học tập ở Bắc Kinh. Người đàn ông 30 tuổi cho biết anh “chắc chắn nhận thấy” số lượng đàn ông hói đầu ở những thành phố này thấp hơn ở Mỹ và “điều đó có lẽ khiến tôi hơi phiền não, nhưng tôi cố gắng không quan tâm đến nó.” Anh cũng thấy là người châu Á dễ nói ra lời bình phẩm hơn người phương Tây, mặc dù họ chỉ nói những gì họ thấy.

“Người ta sẽ nói thẳng vào mặt bạn,” anh trả lời trong cuộc phỏng vấn điện thoại từ Đài Bắc, nhắc lại những lúc người khác tự nhiên chỉ ra tình trạng rụng tóc của anh. “Bình thường lúc họ nói những điều đó, họ không có ý xấu mà chỉ là một dạng nhận xét, vậy nên tôi không thể tức giận. Nhưng khó có thể quên.”

“Tôi đã cố cạo đầu, nhưng tôi cảm thấy phong cách đó không phù hợp với hình thể và dáng đầu của tôi,” anh nói thêm, anh còn nhắc đến Dwayne “The Rock” Johnson và diễn viên Jason Statham là những người không phải dân châu Á mà có thể để được kiểu đầu trọc lốc. “Tôi nghĩ người châu Á, bao gồm cả tôi, thường có vóc dáng mảnh mai hơn, nếu tôi phải chọn giữa người gầy, đầu trọc và người chắc khỏe, đầu trọc, hoặc thậm chí là người có cơ bắp, thì tôi nghĩ càng vạm vỡ, càng để đầu trọc đẹp.”

Năm 2018, Trejo đi cấy tóc ở Băng Cốc, nơi anh thường trú tại thời điểm đó. Mặc dù phải mất đến một năm mới thấy được kết quả, nhưng Trejo nói đường chân tóc mới này là “niềm hạnh phúc to lớn” mà đã “thay đổi đời sống hẹn hò của tôi rất nhiều.” Hình ảnh mà anh chia sẻ cùng CNN cho thấy kết quả hồi phục tóc đáng kể ở vùng trên và hai bên đầu.

ảnh 3
Saul Trejo, doanh nhân Mỹ-Trung, chụp ảnh trước và sau khi phẫu thuật cấy tóc ở Thái Lan

Vị bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cho Trejo, Damkerng Pathomvanich, là một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực rụng tóc. Ông nói số lượng phòng khám cấy tóc ở châu Á đang “tăng vọt” và các ca cấy tóc cho bệnh nhân Trung Quốc ở phòng khám của ông đang “bùng nổ”.

“Chúng tôi đã công bố dữ liệu (vào năm 2002) cho thấy mức độ gia tăng đáng báo động của bệnh rụng tóc hói kiểu nam ở người châu Á,” bác sĩ chia sẻ qua điện thoại, ông nhắc đến chế độ ăn như nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này. “Có rất nhiều bệnh nhân da trắng nói với tôi: ‘Người châu Á các anh không biết hói là gì,’ nhưng điều đó không đúng sự thật.”

Các hướng tiếp cận khác

Trên thị trường có nhiều liệu pháp rẻ hơn và ít xâm lấn hơn. Gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã dự trữ hàng nghìn dầu gội hồi phục tóc, serum và sản phẩm xịt, và đã đơn vị này đã báo cáo là có hơn 70% khách hàng mua các sản phẩm chống rụng tóc được sinh ra sau năm 1980, theo tờ South China Morning Post (một tờ báo thuộc quyền sở hữu của Alibaba). Các loại thuốc như minoxidil và finasteride, lần lượt có mặt ở Mỹ vào thập niên 1980 và 1990, có vẻ như cũng đang dần nhận được sự quan tâm ở khu vực này. Doanh số của minoxidil, thứ thường được giao dịch dưới cái tên Rogaine, được kỳ vọng là sẽ tăng 5% mỗi năm ở châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2018 đến 2024, theo một báo cáo công nghiệp bởi hãng nghiên cứu thị trường Global Market Insights.

ảnh 4
Một vị giám khảo đang đánh giá các thí sinh trong vòng chung kết của cuộc thi hói đầu ở Nhật Bản vào năm 1957, nơi tỉ lệ rụng tóc có lịch sử nằm trong những nước thấp nhất.

Rồi còn có cả những phương pháp điều trị tự nhiên được đồn thổi là có tác dụng. Ví dụ như trong Đông y, có nhiều loại thảo dược và chiết xuất thảo mộc từ lâu đã được ca tụng là giải pháp chữa rụng tóc, mặc dù mức độ hiệu quả của chúng vẫn còn là vấn đề tranh cãi (một trong số đó là hà thủ ô đỏ, nó có thể gây viêm gan nếu tiêu thụ quá nhiều).

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, người ta sẽ đun cây diếp cá thành một loại chất lỏng màu đen và bôi lên da đầu, theo lời kể của phóng viên David Ko, người đã được mẹ vợ quan tâm tặng cho một bình. “Tôi dùng nó như dầu gội đầu mỗi khi tôi gội đầu,” anh nói. “Sau khi làm ướt tóc, tôi đổ một lượng vừa đủ thứ dung dịch làm từ cây diếp cá lên trên da đầu, mát-xa da dầu bằng ngón tay trong khoảng một phút, sau đó rửa đi bằng nước sạch.”

“Nhưng thời gian cứ trôi đi mà không thấy có dấu hiệu cải thiện gì, nên tôi trở nên chán nản với thứ nước lá đó, vì thế tôi đã đổ nhiều hơn lên đầu mỗi lần dùng, để dùng cho mau hết rồi còn bỏ đi.” Sau đó anh được người ta gợi ý cho nhiều biện pháp tự chữa tại nhà khác. “Vợ tôi còn thúc tôi rắc muối lên trên da đầu thay vì nước lá, một trong những đồng nghiệp của tôi nói rằng bố cô ấy cũng bị hói và đỡ hơn nhờ ăn mè đen như đồ ăn vặt.”

Mặc dù bác sĩ da liễu ở New York, Norman Orentreich, được nhiều người biết đến như cha đẻ của cấy tóc, nhưng bác sĩ người Nhật Shoji Okuda được cho là người đã thự hiện ca phẫu thuật đầu tiên vào năm 1937 (nhưng do nổ ra Thế Chiến II nên công cuộc nghiên cứu của ông nhìn chung đã bị bỏ qua). Với tình trạng hói đầu đang ngày càng phổ biến ở châu Á, có lẽ không quá ngạc nhiên khi các nhà khoa học tại lục địa này, đặc biệt là các nhà khoa học của Nhật Bản và Hàn Quốc, lại một lần nữa dẫn đầu trong những nghiên cứu hứa hẹn nhất của ngành này.

Một nghiên cứu đột phá của Nhật Bản được công bố vào năm ngoái, nuôi nang tóc chỉ từ tế bào gốc. Sau đó họ đã thành công cấy nang tóc vào lưng chuột, mặc dù các liệu pháp điều trị đến từ nghiên cứu này còn lâu nữa mới được chấp nhận sử dụng cho người (và ở nhiều quốc gia, liệu pháp tế bào gốc hoặc bị hạn chế nghiêm ngặt hoặc bị cấm hoàn toàn).

Các biện pháp mới lạ khác để đối phó với rụng tóc hiện cũng đã có mặt ở châu Á. Ví dụ như phun xăm thẩm mỹ (scalp micropigmentation), tức là việc xăm hàng nghìn những chấm li ti lên da đầu để trông như tóc đã cạo. Một nghiên cứu ở Hàn Quốc trên tạp chí bình duyệt Tạp chí Da liễu Quốc tế (International Journal of Dermatology) mô tả quá trình này là “một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất” dành cho bệnh rụng tóc, với tỷ lệ hài lòng lên tới 4,8 trên thang 5 điểm trong số 80 bệnh nhân được phỏng vấn.

Như bị “đi tù”

Dù thế nào, thì châu Á vẫn tiềm ẩn những thách thức độc đáo đối với đàn ông hói đầu. Nếu thực hiện phun xăm thẩm mỹ, bệnh nhân sẽ phải để kiểu đầu cạo ngắn vĩnh viễn, mà kiểu tóc này, theo như kết quả của một nghiên cứu ở Hàn Quốc, có thể “bị đóng khung trong văn hóa châu Á (là kiểu tóc) của thành phần băng đảng hoặc tội phạm.” Tuy nhiên, anh Ko cho rằng những định kiến đó đã rơi vào dĩ vãng.

“Ngày xưa, khi nam trẻ tuổi cạo đầu, người lớn tuổi có thể mắng mỏ họ chỉ vì những giả thiết hoàn toàn vô lý và chưa chứng thực,” anh nói, điều đó cho thấy người lớn tuổi từng coi việc cạo đầu như dấu hiệu của sự nổi loạn hoặc “có vấn đề với xã hội”.

“Ngày nay (thái độ đó) gần như không tồn tại, nhưng đúng là mọi người vẫn nhìn vào đàn ông đầu trọc với thái độ hơi dè chừng.”

ảnh 6
Người mẫu nam đầu trọc sải bước trên sàn diễn ở Tuần lễ Thời Trang Trung Quốc năm 2017

Eric But thuộc công ty Quản lý người mẫu Synergy, có văn phòng tại Hồng Kông và Quảng Châu, nói rằng các khách hàng vẫn thường tìm người mẫu châu Á có dáng vẻ “dễ thương, tóc dài, mẫu bạn trai hoàn hảo trong phim ảnh Hàn Quốc.” Mặc dù anh phân biệt rõ sự khác nhau giữa đầu cạo trọc và đầu hói, nhưng vị đại diện người mẫu này nói rằng việc phong cách đường phố trở nên phổ biến hơn đang dần bình thường hóa hình ảnh đầu trọc ở châu Á.

“Với thế hệ bố mẹ của chúng ta, người châu Á để đầu trọc trông như thành phần băng đẳng, nếu bạn muốn ra tòa, hoặc nếu bạn đi tù, bạn sẽ phải cạo đầu,” anh chia sẻ qua điện thoại. “Nhưng ngày nay, những người sinh vào thập niên 1990 hoặc muộn hơn, họ coi cạo đầu như một xu hướng thời trang đường phố. Mà phong cách đường phố thì rất phổ biến ở châu Á.”

Ngay chính tại quê hương của những mái đầu kiểu cách, Hàn Quốc, thì độ nhận diện của đầu trọc có thể cũng đang dần gia tăng. Anh Ko nhắc đến chủ nhà hàng Hong Seok-cheon (hình ảnh bên dưới), rapper Gill và diễn viên Kim Kwang-kyu như những ví dụ cho sự gia tăng từ từ số lượng người nổi tiếng để đầu trọc ở Hàn Quốc. “Nếu có thêm hình ảnh người Hàn Quốc bị trọc tóc sẽ càng có ích hơn, có thêm nhiều người để mọi người cùng nhìn vào và biết là họ không đơn độc.”

ảnh 5

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Những tin mới hơn
Đàn ông thà bị “cậu bé” kích thước nhỏ còn hơn bị hói đầu”?
Đàn ông thà bị “cậu bé” kích thước nhỏ còn hơn bị hói đầu”?

Làn sóng bán sản phẩm trị rụng tóc của các công ty mới nổi có thật là đang cung cấp một dịch vụ khan hiếm – hay chỉ đơn giản là đang “làm tiền” trên...

Ô nhiễm không khí cũng có thể gây hói đầu, rụng tóc
Ô nhiễm không khí cũng có thể gây hói đầu, rụng tóc

Các hạt khói bụi nhỏ li ti trên đường phố hàng ngày chúng ta bắt gặp lại có thể phá huỷ protein tăng trưởng để duy trì tóc, khiến cho tóc của bạn dễ...

Con gái mới 9 tuổi đã bị hói, bố mẹ hối hận khi biết nguyên nhân
Con gái mới 9 tuổi đã bị hói, bố mẹ hối hận khi biết nguyên nhân

Dù đã thử đủ mọi cách, cứ có ai mách sản phẩm nào tốt, có thể giúp tóc mọc là gia đình lại mua cho con gái dùng, thế nhưng hói vẫn hoàn hói, cô bé mới...

Cấy tóc chữa hói, chàng trai Hà Nội mưng mủ khắp đầu
Cấy tóc chữa hói, chàng trai Hà Nội mưng mủ khắp đầu

Sau hai tháng chi gần 200 triệu đồng để cấy tóc ở một cơ sở thẩm mỹ, chàng trai 32 tuổi ở Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu vì cả vùng đầu bị áp xe,...

Nâng ngực thất bại, cô gái 39 tuổi nghĩ quẩn nhảy lầu tự vẫn
Nâng ngực thất bại, cô gái 39 tuổi nghĩ quẩn nhảy lầu tự vẫn

Vào tháng trước, một người phụ nữ 39 tuổi tên là Mã Tiểu Ly (đến từ Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã được phát hiện rơi từ tầng cao nhất của Trung tâm mua sắm...

Nữ sinh 18 tuổi bị mất thị lực vì cắt mí ở spa
Nữ sinh 18 tuổi bị mất thị lực vì cắt mí ở spa

Mới đây, một nữ sinh tại Hà Nội đã không may bị suy giảm thị lực khi đi cắt mí tại một cơ sở spa do gia đình quen biết.

Những tin cũ hơn

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây