1

Viêm khớp do lậu cầu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp do lậu cầu có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể như mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và đôi khi còn ở cả các khớp xương trục.
Viêm khớp do lậu cầu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị Viêm khớp do lậu cầu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp do lậu cầu là gì?

Viêm khớp do lậu cầu là một biến chứng hiếm gặp của bệnh lậu. Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến, đặc biệt là ở nhóm đối tượng người trẻ tuổi.

Bệnh lậu thường chủ yếu lây qua quan hệ tình dục, nhưng trẻ sơ sinh cũng có thể bị lây nhiễm bệnh này từ người mẹ trong quá trình sinh nở. Các triệu chứng thường gặp gồm có tiểu buốt, đau khi quan hệ tình dục, đau vùng chậu và tiết dịch bất thường từ âm đạo hoặc dương vật. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh lậu không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Bệnh lậu có thể dễ dàng được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh nhưng rất nhiều người không điều trị. Lý do là bởi bệnh không biểu hiện triệu chứng hoặc có nhưng các triệu chứng bị nhầm với các vấn đề khác và người bệnh không biết để đi khám.

Viêm khớp do lậu cầu là một trong nhiều biến chứng xảy ra do bệnh lậu không được điều trị. Các triệu chứng gồm có đau nhức khớp xương và sưng đỏ vùng da xung quanh khớp. Nếu không được điều trị, bệnh này có thể dẫn đến viêm khớp mạn tính.

Các triệu chứng của viêm khớp do lậu cầu

Trong nhiều trường hợp, bệnh lậu không gây ra triệu chứng gì nên nhiều người không hay biết rằng mình đã nhiễm bệnh cho đến khi xảy ra các biến chứng. Viêm khớp do lậu cầu có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể như mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và đôi khi còn ở cả các khớp xương trục (các xương ở phần đầu và thân trên). Tình trạng viêm khớp có thể xảy ra ở một khớp hoặc nhiều khớp cùng một lúc.

Các triệu chứng thường gặp của viêm khớp do lậu cầu gồm có:

  • Sưng đỏ quanh khớp bị viêm
  • Đau nhức khớp xương, đặc biệt là khi cử động
  • Phạm vi chuyển động khớp bị hạn chế
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Tổn thương da

Vấn đề cũng có thể xảy ra ở cả trẻ sơ sinh và gây ra các triệu chứng như:

  • Biếng ăn
  • Khóc quấy
  • Sốt
  • Cử động bất thường ở chi có khớp xương bị viêm

Nguyên nhân

Bệnh lậu do một loại vi khuẩn có tên là Neisseria gonorrhoeae gây ra. Cả nam giới và phụ nữ đều có thể mắc bệnh lậu khi quan hệ tình dục qua đường miệng, hậu môn hoặc âm đạo với người bệnh. Trẻ sơ sinh cũng có thể nhiễm vi khuẩn lậu từ người mẹ bị bệnh trong quá trình sinh nở.

Phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi vị thành niên có nguy cơ cao nhất. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác còn có quan hệ với người mới, quan hệ với nhiều người, thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn (tức là không sử dụng bao cao su) và từng bị bệnh lậu hoặc một bệnh lây qua đường tình dục khác.

Bệnh viêm khớp do lậu cầu xảy ra khi bệnh lậu không được can thiệp điều trị và vi khuẩn lây lan theo máu đến các khớp xương. Vi khuẩn lậu cũng có thể lan đến nhiều bộ phận trong cơ thể và gây ra nhiều biến chứng khác.

Các biến chứng khác của bệnh lậu

Ngoài viêm khớp, bệnh lậu còn có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe khác như:

  • Viêm vùng chậu (nhiễm trùng nghiêm trọng ở niêm mạc tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng, dẫn đến hình thành sẹo), ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ
  • Viêm mào tinh hoàn ở nam giới và cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
  • Biến chứng khi mang thai
  • Tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS

Trẻ sơ sinh nhiễm bệnh lậu từ người mẹ sẽ cũng có nguy cơ cao bị các bệnh nhiễm trùng, lở loét trên da và mù lòa.

Nếu có các triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục này thì cần đến bệnh viện kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán viêm khớp do lậu cầu

Để chẩn đoán viêm khớp do lậu cầu, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và tiến hành một số xét nghiệm, gồm có:

  • Xét nghiệm cấy dịch họng
  • Nhuộm gram lậu cầu
  • Xét nghiệm nước tiểu hoặc máu

Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính và có các triệu chứng của viêm khớp do lậu cầu thì sẽ cần xét nghiệm dịch khớp để xác nhận chẩn đoán. Bác sĩ dùng kim chọc hút lấy một mẫu dịch ở khu vực xung quanh khớp bị viêm. Mẫu dịch sau đó sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn.

Khi nhận được kết quả dương tính thì cần thông báo cho người đã quan hệ tình dục cùng để họ cũng đi xét nghiệm và điều trị.

Điều trị viêm khớp do lậu cầu

Bệnh lậu không thể tự khỏi mà phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Vì hiện nay, một số chủng vi khuẩn lậu đã trở nên kháng thuốc nên người bệnh cần dùng kết hợp một số loại kháng sinh.

Theo phác đồ điều trị được khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bệnh lậu cần được điều trị bằng một liều kháng sinh dạng tiêm ceftriaxone và kèm theo một loại kháng sinh đường uống, có thể là azithromycin 1mg dùng một liều duy nhất hoặc doxycycline100mg uống 2 lần/ngày trong 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khác nhau.

Bệnh nhân cần quay lại tái khám sau một tuần điều trị để kiểm tra xem bệnh đã khỏi hay chưa.

Phải tạm thời ngừng quan hệ tình dục cho đến điều trị khỏi bệnh hoàn toàn để tránh lây truyền cho người kia. Trong trường hợp cả hai đều dương tính thì phải cùng điều trị và cũng chỉ được quan hệ tình dục trở lại sau khi bác sĩ xác nhận đã khỏi bệnh.

Đa phần thì các triệu chứng bệnh viêm khớp do lậu cầu sẽ giảm hẳn sau 1 đến 2 ngày điều trị và bắt đầu hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu không điều trị, tình trạng này sẽ dẫn đến viêm khớp mạn tính.

Biện pháp phòng ngừa bệnh lậu

Không quan hệ tình dục là cách duy nhất để ngăn ngừa hoàn toàn các bệnh xã hội như bệnh lậu. Tuy nhiên, những người có quan hệ tình dục có thể giảm nguy cơ bằng cách sử dụng bao cao su và đi xét nghiệm thường xuyên. Quan hệ với người mới hoặc với nhiều người sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh này. Quan hệ tình dục an toàn sẽ làm giảm đáng kể rủi ro và việc đi xét nghiệm thường xuyên sẽ giúp biết được tình trạng sức khỏe tình dục của bản thân, phát hiện bệnh từ sớm nếu mắc để điều trị kịp thời và tránh để bệnh tiếp tục lây truyền.

CDC khuyến nghị các nhóm đối tượng sau nên làm xét nghiệm bệnh lậu hàng năm:

  • Nam quan hệ tình dục đồng tính
  • Phụ nữ dưới 25 tuổi có quan hệ tình dục
  • Phụ nữ quan hệ tình dục với người mới hoặc với nhiều người

Cần thông báo cho người đã quan hệ tình dục cùng ngay sau khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh lậu. Người đó cần phải đi xét nghiệm và điều trị nếu mắc. Không quan hệ tình dục cho đến khi hoàn thành toàn bộ đợt kháng sinh và bác sĩ xác nhận bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn khi đi tái khám.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm kết mạc do chlamydia: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm kết mạc do chlamydia: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Mặc dù chlamydia ảnh hưởng chủ yếu đến bộ phận sinh dục nhưng trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm trùng còn xảy ra mắt và gây ra viêm kết mạc do chlamydia.

Nhiễm trichomonas: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Nhiễm trichomonas: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Nhiễm trichomonas thường không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, nếu có thì các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện từ 5 đến 28 ngày sau khi nhiễm bệnh và cũng có đôi khi thời gian ủ bệnh kéo dài lâu hơn.

Herpes sinh dục: Triệu chứng và cách điều trị
Herpes sinh dục: Triệu chứng và cách điều trị

Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa trị dứt điểm herpes sinh dục nhưng bệnh này có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc.

Nguyên nhân gây bệnh giang mai ở miệng và cách điều trị
Nguyên nhân gây bệnh giang mai ở miệng và cách điều trị

Ở mỗi một giai đoạn, bệnh giang mai sẽ biểu hiện những triệu chứng nhất định.

Viêm màng não do giang mai: Triệu chứng, điều trị và biến chứng
Viêm màng não do giang mai: Triệu chứng, điều trị và biến chứng

Viêm màng não do giang mai có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây