Viêm màng não do giang mai: Triệu chứng, điều trị và biến chứng
Viêm màng não do giang mai là gì?
Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị, trong đó có viêm màng não. Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng lớp mô bao xung quanh não và tủy sống. Viêm màng não do giang mai có tên đầy đủ là viêm màng não vô trùng do giang mai.
Viêm màng não do giang mai có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh giang mai có thể ngăn ngừa biến chứng này. Thường phải sau nhiều năm hoặc thậm chí vài chục năm thì bệnh giang mai mới dẫn đến các biến chứng về thần kinh như viêm màng não.
Các dấu hiệu, triệu chứng
Viêm màng não là tình trạng viêm lớp mô bao xung quanh não. Nguyên nhân có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc virus.
Các triệu chứng của viêm màng não do giang mai gồm có:
- Thay đổi thị lực, chẳng hạn như mắt mờ hoặc mù lòa
- Sốt
- Đau đầu
- Trạng thái tâm lý thay đổi thất thường
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau và cứng ở cổ và vai
- Mệt mỏi, kiệt sức không rõ nguyên nhân
- Co giật
- Nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn
- Đau cơ
- Chán ăn
Ngoài ra, bệnh giang mai giai đoạn cuối còn có thể gây ra một số biến chứng về thần kinh khác như:
- Mù lòa
- Sa sút trí tuệ
- Liệt
- Tê bì, mất cảm giác
Trong một số trường hợp, bệnh giang mai thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân
Bệnh giang mai là do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nhiều người bị giang mai trong suốt nhiều năm mà không có bất cứ biểu hiện rõ rệt nào. Do đó mà bệnh thường không được phát hiện và điều trị sớm.
Khi bệnh giang mai được phát hiện và điều trị kịp thời thì rất hiếm khi xảy ra biến chứng. Ngay cả khi không được điều trị thì không phải ai bị giang mai cũng gặp phải biến chứng viêm màng não. Vấn đề này xảy ra ở 8 đến 40% trường hợp không được điều trị. Hơn nữa, các biến chứng về thần kinh của bệnh giang mai thường phải sau nhiều năm hoặc thậm chí nhiều chục năm kể từ khi nhiễm bệnh thì mới xảy ra. Một người có thể mắc bệnh giang mai từ 10 đến 20 năm trước khi bị viêm màng não.
Nguy cơ bị viêm màng não do giang mai sẽ cao hơn nếu còn mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Lý do là bởi việc bị nhiễm các bệnh này có nghĩa là đã quan hệ tình dục không an toàn mà quan hệ tình dục không an toàn là một yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh giang mai. Bệnh này thường lây lan qua quan hệ tình dục bằng miệng cũng như là quan hệ qua đường âm đạo và đường hậu môn mà không sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su.
Ngoài ra, bệnh giang mai cũng lây truyền qua những sự tiếp xúc thân mật khác không phải quan hệ tình dục nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.
Cũng cần lưu ý rằng, kể cả khi đã chữa khỏi bệnh giang mai thì vẫn có thể bị nhiễm lại một lần nữa nếu tiếp tục quan hệ tình dục không an toàn.
Phương pháp chẩn đoán viêm màng não do giang mai
Bệnh này được chẩn đoán bằng cách khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm. Một số phương pháp để chẩn đoán viêm màng não do giang mai gồm có:
- Kiểm tra chuyển động mắt
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như đo điện não đồ, chụp PET, chụp MRI,…
- Chọc dò tủy sống để xét nghiệm dịch não tủy
- Xét nghiệm VDRL
- Xét nghiệm RPR
- Cấy máu để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh
Ngoài ra, sẽ cần kiểm tra các bệnh lý khác cũng có thể gây ra triệu chứng tương tự, ví dụ như:
- Viêm phổi
- Sốt rét
- Bệnh lyme
Phương pháp điều trị
Bệnh nhân sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh trong vài tuần nếu bác sĩ kết luận viêm màng não do giang mai.
Viêm màng não do giang mai là một dạng giang mai thần kinh nên có thể điều trị bằng phác đồ như sau: penicillin tan trong nước (2.4 triệu IU, tiêm tĩnh mạch 4 tiếng một lần trong 10 - 14 ngày), sau đó là benzathin penicillin G (2.4 triệu IU, tiêm bắp). Một phác đồ thay thế là procaine penicillin G (2.4 triệu IU, tiêm bắp) và probenecid (500mg, uống 6 tiếng một lần trong 14 ngày), tiếp theo là benzathin penicillin G (2.4 triệu IU). Các phác đồ này cũng áp dụng được cho bệnh nhân giang mai thần kinh bị nhiễm HIV. Vì penicillin G là giải pháp duy nhất có hiệu quả điều trị giang mai thần kinh nên nhưng người bị dị ứng với penicillin cần tiến hành giải mẫn cảm trước khi điều trị. Giải mẫn cảm là quá trình dùng thuốc với liều lượng ban đầu rất thấp để cơ thể thích nghi và không xảy ra phản ứng dị ứng rồi tăng dần lên cho đến khi đạt được liều cần thiết.
Sau khi điều trị, cần xét nghiệm dịch nào tủy để theo dõi và đánh giá hiệu quả.
Kể cả khi đã chữa khỏi tình trạng nhiễm trùng thì quá trình điều trị cũng chưa kết thúc mà còn phải giải quyết các triệu chứng đe dọa đến tính mạng do viêm màng não gây ra, gồm có:
- Phù não
- Sốc
- Mất nước
- Co giật
Một số trường hợp cần phải phẫu thuật để dẫn lưu dịch ra khỏi não và các xoang.
Các biến chứng và khả năng hồi phục
Nếu không được điều trị, viêm màng não do giang mai có thể tiến triển nhanh chóng và gây tử vong. Biến chứng này sẽ gây tổn thương não bộ và tim, dẫn đến đột quỵ và co giật. Do đó, cần hết sức chú ý đến qua các biểu hiện bất thường. Người bệnh có thể tử vong chỉ trong vòng vài ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện.
Cũng có nhiều người hồi phục hoàn toàn sau khi bị viêm màng não do giang mai. Tuy nhiên, những tổn thương đến hệ thần kinh sẽ tồn tại vĩnh viễn, không thể phục hồi được. Viêm màng não do giang mai sẽ khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.
Phải sau một thời gian thì mới biết được những tác động mà viêm màng não do giang mai gây ra có phải là vĩnh viễn hay không. Trong thời gian này thì có thể người bệnh sẽ cần sự trợ giúp trong các hoạt động hàng ngày.
Phòng ngừa viêm màng não do giang mai
Bệnh giang mai chủ yếu lây qua đường tình dục. Do đó, có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục, ví dụ như sử dụng bao cao su và màng chắn miệng (khi quan hệ tình dục bằng miệng).
Những người có quan hệ tình dục nên làm xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục thường xuyên. Mặc dù điều này không thể ngăn ngừa nhưng sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm. Chỉ cần làm xét nghiệm máu là có thể sàng lọc có bị bệnh giang mai hay không. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì có thể chữa khỏi bằng một mũi tiêm penicillin. Bằng cách này thì sẽ có thể ngăn ngừa được biến chứng viêm màng não.
Phụ nữ mang thai cũng được khuyến nghị nên sàng lọc bệnh giang mai vào lần khám thai đầu tiên. Những phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ cao, ví dụ như những người hành nghề mại dâm sẽ cần tiếp tục sàng lọc trong 3 tháng cuối của thai kỳ và khi sinh. Nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai sẽ làm tăng nguy cơ thai chết lưu và vi khuẩn gây bệnh sẽ truyền từ mẹ sang con, gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm ở trẻ.
Hiện chưa có cách chữa trị herpes môi và các triệu chứng có thể tái phát đột ngột mà không hề có dấu hiệu báo trước.
Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa trị dứt điểm herpes sinh dục nhưng bệnh này có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc.
Triệu chứng phát ban HIV nhận biết như thế nào? Những nguyên nhân và phương pháp điều trị ra sao. Khi gặp phải những triệu chứng phát ban thì cần đi khám ở đâu. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé
Triệu chứng nhiễm HIV ở nam giới phổ biến là gì? Mỗi một giai đoạn của HIV lại có những biểu hiện khác nhau.Các giai đoạn phát triển của HIV sẽ như thế nào?
Nói chung, đa số các triệu chứng của HIV ở nam giới và phụ nữ là giống nhau nhưng có một số triệu chứng chỉ xảy ra ở nữ giới.