1

Herpes môi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hiện chưa có cách chữa trị herpes môi và các triệu chứng có thể tái phát đột ngột mà không hề có dấu hiệu báo trước.
Herpes môi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị Herpes môi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Herpes môi là gì?

Herpes môi hay mụn rộp môi là tình trạng nổi những mụn rộp nhỏ, chứa dịch ở xung quanh miệng hoặc trên các vùng khác của khuôn mặt. Trong một số trường hợp, mụn rộp có thể xuất hiện ở ngón tay, mũi hoặc bên trong khoang miệng. Các nốt mụn rộp herpes thường mọc thành từng cụm và có thể tồn tại trong hai tuần hoặc lâu hơn.

Herpes môi là do nhiễm virus herpes simplex (HSV). Chúng có thể lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Các vết loét rất dễ lây lan ngay cả khi không nhìn thấy.

Hiện chưa có cách chữa trị herpes môi và các triệu chứng có thể tái phát đột ngột mà không hề có dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên có một số loại thuốc có thể điều trị herpes môi và ngăn ngừa tái phát.

Nguyên nhân nào gây ra herpes môi?

Herpes môi là do virus herpes simplex (HSV) gây ra. Có 2 loại virut herpes simplex. Nguyên nhân gây herpes môi đa phần là do virus herpes simplex loại 1 (HSV-1) còn virus herpes simplex loại 2 (HSV-2) là nguyên nhân gây herpes sinh dục (mụn rộp ở bộ phận sinh dục). Tuy nhiên, việc quan hệ tình dục đường miệng với một người bị herpes sinh dục cũng có thể gây herpes môi. Ngược lại, đôi khi HSV-1 cũng có thể gây ra mụn rộp ở bộ phận sinh dục.

Các vết mụn rộp và lở loét do hai loại virus này gây ra đều có hình dạng tương tự nhau.

Các vết loét ở quanh môi rất dễ lây lan nhưng chúng vẫn có thể lây lan ngay cả khi không nhìn thấy được. Bạn có thể bị nhiễm herpes môi khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với vết loét ở những người bị nhiễm bệnh. Điều này có thể xảy ra khi hôn, dùng chung mỹ phẩm hay các vật dụng cá nhân khác như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hay ăn chung đồ ăn. Quan hệ tình dục đường miệng là con đường lây lan cả herpes môi và herpes sinh dục.

Tái nhiễm

Một khi đã bị nhiễm virus herpes simplex thì sẽ không thể chữa khỏi được nhưng có thể kiểm soát bằng một số loại thuốc. Khi điều trị và các vết loét lành lại thì virus sẽ ở trạng thái không hoạt động trong cơ thể. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào khi virus hoạt động trở lại.

Ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu, ví dụ đang bị ốm hoặc căng thẳng và bị nhiễm HSV thì những cơn bùng phát bệnh xảy đến thường xuyên hơn.

Biểu hiện mụn rộp môi

Những người bị mụn rộp môi thường có cảm giác ngứa châm chích, đau và nóng ở trên môi hoặc mặt trong khoảng vài ngày trước khi mụn rộp xuất hiện. Đây là thời điểm cần bắt đầu điều trị.

Một khi bệnh bùng phát, da sẽ nổi vết phồng rộp, bên trong chứa dịch. Những mụn rộp này có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như môi, lợi, mặt trước của lưỡi, bên trong má, cổ họng và phần đằng sau của khoang miệng. Ngoài ra, chúng còn có thể lan rộng xuống cằm và cổ. Khi chạm vào nốt mụn rộp này sẽ thấy đau. Lợi có thể bị sưng nhẹ, đỏ và chảy máu. Sau đó mụn rộp sẽ vỡ ra và tạo thành vết loét nông, đỏ.

Các vết loét sẽ tồn tại trong thời gian khoảng hai tuần hoặc lâu hơn và có thể lây cho người khác cho đến khi đóng vảy. Khi bị nhiễm virus herpes simplex, có thể phải 20 ngày sau mới xuất hiện vết loét đầu tiên.

Khi bệnh herpes môi bùng phát, bạn còn có thể sẽ gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Lên cơn sốt
  • Đau cơ
  • Sưng hạch bạch huyết và đau

Bạn cần đi khám ngay lập tức nếu thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở mắt trong thời gian bệnh bùng phát ví dụ như sưng đau, đỏ hay chảy nước liên tục. Nhiễm trùng do HSV có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu như không được điều trị kịp thời.

Các giai đoạn của herpes môi

Bệnh herpes môi tiến triển qua 5 giai đoạn với các triệu chứng đặc trưng là:

  • Giai đoạn 1: Ngứa và cảm giác châm chích xảy ra khoảng 24 giờ trước khi xuất hiện mụn rộp.
  • Giai đoạn 2: Xuất hiện các vết phồng rộp chứa dịch.
  • Giai đoạn 3: Các vết rộp vỡ ra, chảy dịch và hình thành các vết loét gây đau đớn.
  • Giai đoạn 4: Các vết loét khô lại và đóng vảy gây ngứa và nứt nẻ.
  • Giai đoạn 5: Vảy ở vết loét bong ra và các vết loét lành lại.

Yếu tố nguy cơ

Có đến 90% người trưởng thành trên toàn thế giới mang HSV-1 trong cơ thể nhưng không phải tất cả đều bị herpes môi. Tuy nhiên, khi có những yếu tố nguy cơ kích hoạt virus thì sẽ gây nên herpes môi. Những yếu tố nguy cơ này gồm có:

  • Bị nhiễm trùng, sốt hoặc cảm lạnh
  • Tiếp xúc nhiều với nắng
  • Bị stress
  • Bị HIV/AIDS hoặc hệ miễn dịch cơ thể bị suy yếu
  • Đang trong kỳ kinh nguyệt
  • Có vết bỏng nặng
  • Bị bệnh chàm
  • Đang trong thời gian hóa trị

Bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm herpes môi nếu như tiếp xúc với chất dịch từ vết loét của người mắc bệnh khi hôn, chia sẻ thức ăn, đồ uống hoặc dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân như bàn chải đánh răng hay dao cạo râu. Nếu tiếp xúc với nước bọt của người bị herpes môi thì bạn cũng có thể bị nhiễm virus, ngay cả khi không nhìn thấy các vết loét của người đó.

Biến chứng do herpes môi

Thời gian đầu khi mới nhiễm HSV thường có các triệu chứng nghiêm trọng nhất do cơ thể chưa hình thành được cơ chế bảo vệ chống lại virus. Mặc dù rất hiếm nhưng bệnh này có thể gây ra các biến chứng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Cần đi khám ngay lập tức nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Sốt cao kéo dài không hạ
  • Khó thở hoặc khó nuốt
  • Mắt đỏ, bị kích ứng, có thể có hoặc không bị chảy nước

Nguy cơ xảy ra biến chứng thường cao hơn ở những người bị bệnh chàm (eczema) hoặc bị một vấn đề, bệnh lý nào đó làm suy yếu hệ miễn dịch, chẳng hạn như ung thư hoặc HIV/AIDS. Nếu bị bất cứ vấn đề nào trong số này thì cần đi khám ngay khi nghi ngờ mình đã nhiễm virus herpes simplex.

Điều trị herpes môi

Mặc dù vẫn chưa có cách chữa trị khỏi herpes môi nhưng vẫn có một số biện pháp để kiểm soát bệnh và ngăn các cơn bùng phát.

Dùng thuốc mỡ và kem bôi

Một số người bị herpes môi rất ít khi bị các cơn bùng phát nhưng khi xảy ra thì các cơn bùng phát sẽ gây đau đớn, khó chịu. Người bệnh có thể làm dịu cơn đau và đẩy nhanh tốc độ lành vết loét bằng cách bôi thuốc mỡ kháng virus, chẳng hạn như penciclovir (Denavir). Thuốc mỡ cho hiệu quả cao nhất nếu được sử dụng ngay khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của cơn bùng phát herpes môi. Người bệnh sẽ cần bôi thuốc mỡ 4 - 5 lần mỗi ngày trong thời gian 4 đến 5 ngày hoặc theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Docosanol (Abreva) cũng là một loại thuốc thường được sử dụng để trị các vết loét herpes môi. Đây là một loại kem bôi không kê đơn có tác dụng rút ngắn thời gian của các cơn bùng phát xuống còn từ vài giờ đến một ngày. Người bệnh cũng phải bôi thuốc nhiều lần mỗi ngày theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Thuốc uống

Ngoài các loại thuốc bôi, bệnh herpes môi cũng có thể được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút dạng uống, ví dụ như acyclovir (Zovirax), valacyclovir (Valtrex) và famciclovir (Famvir). Những loại thuốc này được bán theo đơn của bác sĩ.

Bạn sẽ cần uống thuốc kháng virus đều đặn nếu gặp biến chứng của herpes môi hoặc nếu các cơn bộc phát xảy ra thường xuyên.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị

Ngoài dùng thuốc, bạn có thể làm dịu các triệu chứng bằng các cách đơn giản như:

  • Chườm lạnh: Chườm đá hoặc áp một chiếc khăn ngâm trong nước lạnh trên vết loét nhưng không được chườm đá trực tiếp mà nên bọc trong một chiếc khăn sạch. Bên cạnh đó, có thể bôi son dưỡng có chứa chiết xuất chanh lên vết loét.
  • Dùng gel lô hội/nha đam: Chất gel trong có ở bên trong lá lô hội là chất có công dụng làm dịu vết thương rất hiệu quả nên cũng thường được sử dụng để giảm cảm giác đau đớn, khó chịu do vết loét herpes. Có thể dùng lô hội tươi hoặc các sản phẩm aloe vera gel bôi lên vết loét 3 lần/ngày. Nếu dùng lô hội tươi thì cần sơ chế kỹ để loại bỏ hết phần vỏ xanh và nhựa bên ngoài vì đây là những phần gây hại cho da.
  • Dùng các loại sáp dưỡng ẩm như Vaseline: mặc dù các sản phẩm này không có công dụng chữa lành vết loét herpes môi nhưng lại có thể làm giảm cảm giác khó chịu và còn ngăn ngừa hiện tượng vết loét bị khô, nứt nẻ. Bôi Vaseline lên vết loét còn giúp tạo nên một lớp bảo vệ chống lại các tác nhân có hại từ bên ngoài xâm nhập vào vết thương.
  • Dùng viên uống bổ sung lysine: Một số nghiên cứu đã chứng minh việc bổ sung lysine một cách thường xuyên có tác dụng làm giảm tần suất của các cơn bùng phát bệnh herpes.
  • Witch hazel: đây là một chất làm se tự nhiên có tác dụng giúp làm khô và chữa lành vết loét herpes môi nhưng có thể gây cảm giác hơi châm chích khi bôi. Các nhà khoa học còn chứng minh rằng witch hazel có đặc tính chống vi-rút nên có thể ngăn cản sự lây lan của virus herpes simplex.

Lưu ý, phải luôn bôi các loại thuốc mỡ, kem hoặc gel lên vết loét herpes môi bằng tăm bông hoặc bông y tế sạch.

Loét miệng và herpes môi

Loét miệng và herpes môi đều gây đau đớn và khó chịu, nhưng đây là hai vấn đề khác nhau. Loét miệng (canker sore) là tình trạng vết loét hình thành ở bên trong khoang miệng, lưỡi, cổ họng và má. Những vết loét này thường có dạng phẳng, không lây và không phải do virus herpes simplex gây ra.

Trong khi đó, các mụn rộp, vết loét do herpes môi thường chủ yếu xuất hiện trên và xung quanh môi. Đây là các vùng tổn thương nhô lên bề mặt da, ban đầu phồng lên giống như bong bóng và rất dễ lây lan.

Ngăn ngừa lây nhiễm herpes môi

Khi bị herpes môi, để tránh lây sang người khác thì bạn cần rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc da trực tiếp với người khác. Ngoài ra, không nên dùng chung các vật dụng cá nhân đụng chạm vào miệng như son hay dụng cụ ăn uống với người khác trong thời gian có vết loét.

Khi đã điều trị và virus được đưa về trạng thái không hoạt động thì cần ngăn chặn virus tái hoạt động và tiếp tục gây ra các triệu chứng bằng cách tìm ra và tránh các yếu tố kích hoạt. Một số yếu tố kích hoạt phổ biến và cách phòng ngừa gồm có:

Nếu mụn rộp xuất hiện sau mỗi lần ra nắng thì cần bôi son dưỡng có thành phần chống nắng oxit kẽm (zinc oxide) trước khi ra ngoài trời.

Nếu triệu chứng herpes môi xuất hiện mỗi khi bị căng thẳng thì cần có biện pháp hạn chế và kiểm soát căng thẳng ví dụ như ngồi thiền.

Tránh tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với bất cứ ai bị herpes môi và không quan hệ tình dục đường miệng với bất cứ ai bị herpes sinh dục.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Herpes sinh dục: Triệu chứng và cách điều trị
Herpes sinh dục: Triệu chứng và cách điều trị

Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa trị dứt điểm herpes sinh dục nhưng bệnh này có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc.

Herpes hậu môn: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa
Herpes hậu môn: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Giống như herpes sinh dục, herpes hậu môn cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khả năng lây truyền sẽ cao nhất khi có mụn nước và vết loét ở trong hoặc xung quanh hậu môn.

Viêm giác mạc do herpes: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm giác mạc do herpes: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm giác mạc do herpes là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương giác mạc dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời khi bị nhiễm HSV thì hoàn toàn có thể được kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại cho giác mạc.

Nhận biết triệu chứng herpes qua dịch tiết sinh dục
Nhận biết triệu chứng herpes qua dịch tiết sinh dục

Một trong các triệu chứng của herpes sinh dục là âm đạo hoặc dương vật tiết dịch bất thường. Điều này khiến virus càng dễ lây truyền hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây