Herpes hậu môn: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa
Herpes hậu môn là gì?
Herpes hay mụn rộp hậu môn là một bệnh nhiễm trùng do virus herpes simplex (HSV) gây ra, với triệu chứng là hình thành mụn nước và vết loét ở xung quanh hậu môn. Hai chủng HSV cụ thể gây herpes hậu môn là HSV-1 và HSV-2.
Bệnh giang mai, hạ cam, và u hạt vùng kín (donovanosis) là những bệnh cũng gây ra các dạng tổn thương khác nhau ở xung quanh hậu môn. Tất cả các bệnh này, bao gồm cả mụn rộp, đều là những bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Triệu chứng
Các triệu chứng của herpes hậu môn gồm có:
- Nổi sẩn đỏ hoặc mụn nước trắng
- Đau và ngứa ngáy quanh hậu môn
- Mụn nước vỡ ra, tạo thành vết loét
- Vết loét dần lành lại và đóng vảy cứng
- Đau đớn khi đi ngoài
Con đường lây truyền
Herpes hậu môn là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, tức là virus gây bệnh lây từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cứ 6 người tại Hoa Kỳ thì có 1 người bị herpes sinh dục. Chủng virus gây bệnh herpes sinh dục cũng là thủ phạm gây ra các tổn thương ở trong hoặc xung quanh hậu môn. Tuy nhiên, không phải ai bị herpes sinh dục cũng bị herpes hậu môn.
Biện pháp chẩn đoán
Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán herpes hậu môn dựa trên các triệu chứng bên ngoài và từ đó chỉ định phương pháp điều trị. Tuy nhiên, nếu không thể chẩn đoán sau khi thăm khám lâm sàng thì sẽ cần phải làm xét nghiệm.
Vì các tổn thương ở hậu môn có thể là do nhiều loại vi sinh vật lây truyền qua đường tình dục khác nhau gây ra nên sẽ cần phải xác định chính xác nguyên nhân thì mới có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm từ mụn nước hay vết loét hoặc phải làm xét nghiệm máu. Mẫu bệnh phẩm hoặc mẫu máu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Sau đó, bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên kết quả xét nghiệm.
Điều trị herpes hậu môn
Hiện chưa có cách tiêu diệt HSV và chữa khỏi dứt điểm bệnh mụn rộp. Các phương pháp điều trị hiện nay đều nhằm mục đích rút ngắn và giảm tần suất cũng như là mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát triệu chứng. Việc điều trị còn giúp làm giảm nguy cơ lây bệnh sang người khác.
Phương pháp chính để điều trị herpes hậu môn là dùng thuốc kháng virus vì nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm virus. Những người bị herpes cần dùng thuốc kháng virus để giảm các triệu chứng mỗi khi đợt bùng phát xảy ra. Một số người còn phải dùng thuốc kháng virus thường xuyên.
Việc sử dụng thuốc kháng virus trong thời gian dài được gọi là liệu pháp ức chế hàng ngày, có tác dụng ức chế hoạt động và sự phát triển của virus, từ đó làm giảm nguy cơ truyền bệnh sang cho người khác.
Trong những trường hợp herpes hậu môn nghiêm trọng thì sẽ cần tiêm thuốc kháng virus vào đường tĩnh mạch. Thuốc sẽ đi vào đường máu và phát huy tác dụng nhanh hơn so với thuốc đường uống.
Có thể chữa khỏi không?
Một khi đã nhiễm HSV thì không có cách nào có thể chữa khỏi được. Sau đợt bùng phát đầu tiên, virus sẽ di chuyển đến các tế bào thần kinh và ở trong cơ thể người bệnh suốt phần đời còn lại.
Mặc dù virus vẫn tồn tại nhưng có thể chúng không hoạt động hay ở trạng thái “ngủ đông” trong một thời gian dài. Virus thường chỉ gây ra các triệu chứng khi có những yếu tố kích hoạt bên ngoài như căng thẳng, bệnh tật hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Thuốc kháng virus giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát triệu chứng herpes hậu môn. Khi các triệu chứng xuất hiện trở lại thì việc điều trị liên tục bằng thuốc kháng virus sẽ giúp các triệu chứng nhanh khỏi hơn.
Theo thời gian, các đợt bùng phát sẽ xảy ra thưa dần. Đến một thời điểm nào đó thì sẽ không cần dùng liệu pháp ức chế hàng ngày nữa và có thể chỉ cần dùng thuốc mỗi khi có triệu chứng.
Herpes hậu môn có lây không?
Giống như herpes sinh dục, herpes hậu môn cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khả năng lây truyền sẽ cao nhất khi có mụn nước và vết loét ở trong hoặc xung quanh hậu môn.
Một người sẽ bị nhiễm virus khi quan hệ tình dục với người bị bệnh. Ngoài ra, herpes có thể lây truyền ngay cả khi không biểu hiện triệu chứng.
Vì không phải lúc nào cũng có dấu hiệu, triệu chứng và nếu có thì các triệu chứng không phải lúc nào cũng rõ rệt nên nhiều người không biết mình bị nhiễm HSV và vô tình lại truyền virus cho người khác.
Biện pháp ngăn ngừa
Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh các bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes bằng cách:
- Mang bao cao su hoặc sử dụng các biện pháp bảo vệ khác bất cứ khi nào quan hệ tình dục, kể cả quan hệ qua đường hậu môn và đường miệng.
- Không quan hệ với nhiều người
Những người có quan hệ tình dục nên làm xét nghiệm sàng lọc các bệnh này thường xuyên để phát hiện bệnh và điều trị từ sớm, từ đó đảm bảo an toàn cho cả bản thân và đối phương.
Viêm giác mạc do herpes là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương giác mạc dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời khi bị nhiễm HSV thì hoàn toàn có thể được kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại cho giác mạc.
Herpes lưỡi là một vấn đề do HSV gây ra. Các vết loét thường sẽ tự khỏi và sau một thời gian mới xuất hiện trở lại.
Mụn rộp có thể hình thành ở bất cứ vị trí nào bị nhiễm HSV, bao gồm cả vùng cằm.
Một trong các triệu chứng của herpes sinh dục là âm đạo hoặc dương vật tiết dịch bất thường. Điều này khiến virus càng dễ lây truyền hơn.