1

Herpes Trên Lưỡi: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Herpes lưỡi là một vấn đề do HSV gây ra. Các vết loét thường sẽ tự khỏi và sau một thời gian mới xuất hiện trở lại.
Herpes lưỡi Herpes Trên Lưỡi: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Herpes simplex (HSV) là một loại virus có thể ảnh hưởng đến cả bộ phận sinh dục và miệng, gây ra bệnh herpes (mụn rộp) sinh dục và herpes miệng. Herpes lưỡi là một dạng herpes miệng.

Có hai chủng HSV gây ra herpes trên lưỡi là HSV-1 và HSV-2. HSV-1 là chủng virus chính gây ra herpes miệng còn HSV-2 chủ yếu gây herpes sinh dục.

Herpes lưỡi đa phần là do HSV-1 gây ra. Tuy nhiên, cũng có thể bị nhiễm HSV-2 vào khoang miệng khi quan hệ tình dục đường miệng với người bị mụn rộp sinh dục mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ.

Hiện tại chưa có cách nào chữa trị khỏi herpes miệng hay herpes sinh dục nhưng có nhiều biện pháp để điều trị triệu chứng và ngăn ngừa các đợt bùng phát.

Nguyên nhân

herpes luoi
Nếu nhận thấy nổi mụn rộp hoặc vết loét trong miệng bạn cần đi khám nay để được bác sĩ tư vấn

Một khi HSV đi vào cơ thể, chúng sẽ sử dụng các protein trên bề mặt để xâm nhập vào tế bào chủ.

Bên trong tế bào chủ, virus tạo ra các bản sao của chính nó. Những virus mới này sẽ rời khỏi tế bào chủ, tiếp tục lây lan sang các tế bào mới.

Nhiều người bị nhiễm HSV-1 hoặc HSV-2 mà không có triệu chứng nên không hề biết rằng mình đang mang virus.

Ngoài các nốt mụn nước và vết loét, những người bị nhiễm HSV còn có thể gặp phải các triệu chứng giống như cúm, ví dụ như:

  • Sốt
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Sưng hạch bạch huyết

HSV-1 và HSV-2 có thể tồn tại ở trạng thái không hoạt động trong các tế bào thần kinh trong suốt nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Trong khoảng thời gian này, cơ thể sẽ không xuất hiện bất kỳ thay đổi bất thường nào.

Vào một lúc nào đó, virus sẽ được “kích hoạt” và gây ra các triệu chứng. Một số yếu tố kích hoạt HSV gồm có:

  • Căng thẳng
  • Tổn thương
  • Thay đổi nội tiết tố, ví dụ như khi mang thai hoặc vào kỳ kinh nguyệt
  • Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời

Con đường lây truyền HSV-1

HSV-1 bám vào các tế bào trong và xung quanh miệng. Sau đó, virus sẽ nhân lên và lây lan sang các tế bào xung quanh. Khi HSV-1 hoạt động thì sẽ gây ra triệu chứng là nổi mụn rộp và hình thành vết loét.

HSV-1 thường lây qua tiếp xúc với da hoặc nước bọt của người bị herpes miệng, đặc biệt là trong khoảng thời gian có triệu chứng.

Ví dụ, hôn một người đang mụn rộp ở miệng sẽ rất dễ bị nhiễm HSV-1.

Dùng chung các vật dụng mà người bệnh đã sử dụng, chẳng hạn như son môi, dụng cụ ăn uống hay bàn chải đánh răng cũng có thể bị nhiễm virus, dẫn đến nổi mụn rộp quanh môi và trong khoang miệng.

Con đường lây truyền HSV-2

HSV-2 chủ yếu gây mụn rộp sinh dục nhưng cũng có thể gây nổi mụn rộp trên lưỡi.

HSV-2 chủ yếu lây qua quan hệ tình dục không an toàn.

Dưới đây là một số con đường mà HSV-2 có thể lây truyền từ bộ phận sinh dục sang miệng hoặc lưỡi:

  • Quan hệ tình dục đường miệng với người bị mụn rộp sinh dục mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ. Nguy cơ lây lan sẽ đặc biệt cao khi đang có vết loét.
  • Tiếp xúc miệng với chất dịch sinh dục như tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo từ người bệnh.

Các triệu chứng

Triệu chứng chính của herpes lưỡi là nổi mụn nước đỏ và sưng. Ban đầu, các nốt mụn nước chỉ gây cảm giác hơi đau nhưng sau đó sẽ vỡ ra và hình thành vết loét đau đớn dữ dội.

Dưới đây là các giai đoạn mà người bệnh có thể trải qua vào những đợt bùng phát triệu chứng herpes lưỡi:

  1. Bị đỏ, sưng, ngứa ngáy hoặc hơi đau ở trên lưỡi. Đó là những vị trí mà vết loét sẽ xuất hiện.
  2. Hình thành những vết loét màu trắng hoặc vàng trên lưỡi
  3. Các vết loét lành lại sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày

Vết loét cũng có thể xuất hiện trên cổ họng, vòm miệng và bên trong má.

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán herpes miệng bằng cách quan sát các triệu chứng trên lưỡi và trong khoang miệng.

Sau đó sẽ cần kiểm tra những khu vực khác của cơ thể để tìm những biểu hiện bất thường. Điều này sẽ giúp phát hiện các vấn đề khác, ví dụ như herpes sinh dục.

Bác sĩ sử dụng tăm bông để lấy mẫu dịch từ vết loét và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích, kiểm tra sự hiện diện của RNA HSV. Đây được gọi là phương pháp nuôi cấy virus. Xét nghiệm này giúp xác định chủng HSV bị nhiễm.

Nếu như không có vết loét trên lưỡi thì sẽ cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra kháng thể. Hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể này để chống lại HSV.

Điều trị

Hiện chưa có cách chữa trị khỏi bệnh herpes, bao gồm cả herpes sinh dục và herpes miệng. Tuy nhiên, có thể điều trị các triệu chứng, chẳng hạn như vết loét ở lưỡi và giảm tần suất các đợt bùng phát.

Nếu không điều trị thì các vết loét cũng sẽ tự lành lại sau một thời gian.

Nhưng để nhanh khỏi hơn hoặc khi có triệu chứng nghiêm trọng, bùng phát thường xuyên thì sẽ cần dùng các loại thuốc kháng virus như:

  • valacyclovir (Valtrex)
  • famciclovir
  • acyclovir (Zovirax)

Các loại thuốc kháng virus thường có dạng bôi hoặc dạng uống nhưng trong những trường hợp mà triệu chứng quá nặng thì sẽ cần tiêm thuốc. Thuốc kháng virus giúp triệu chứng herpes nhanh khỏi hơn, giảm số đợt bùng phát và làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác.

Phòng ngừa

rua tay thuong xuyen
Rửa tay thường xuyên, mỗi lần ít nhất 20 giây.

Dưới đây là những biện pháp ngăn ngừa lây truyền HSV:

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác, đặc biệt là khi đang có có triệu chứng.
  • Rửa tay thường xuyên, mỗi lần ít nhất 20 giây. Nếu virus có trên tay thì điều này sẽ giúp ngăn virus truyền sang các bộ phận khác của cơ thể hoặc sang người khác.
  • Giặt quần áo, chăn, ga, vỏ gối bằng nước nóng thường xuyên.
  • Không dùng chung các vật dụng tiếp xúc với da hoặc miệng, chẳng hạn như:
    • son môi
    • đồ trang điểm
    • khăn lau
    • cốc, thìa, dĩa, ống hút
    • quần áo
  • Dùng tăm bông chấm thuốc vào vết loét, không dùng tay để tránh virus bám vào tay rồi lan truyền sang các bộ phận của cơ thể và sang người khác.
  • Không quan hệ tình dục khi đang có triệu chứng
  • Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như màng chắn miệng, bất cứ khi nào quan hệ tình dục

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ nếu nhận thấy nổi mụn rộp hoặc vết loét trong miệng, đặc biệt là khi còn đi kèm những biểu hiện dưới đây:

  • Đau đớn, khó chịu trong miệng hoặc trên bề mặt lưỡi và kéo dài quá một tuần không đỡ
  • Các triệu chứng giống cúm, ví dụ như mệt mỏi, sốt hoặc sưng hạch bạch huyết
  • Dịch tiết từ bộ phận sinh dục thay đổi bất thường

Tóm tắt bài viết

Herpes lưỡi là một vấn đề do HSV gây ra. Các vết loét thường sẽ tự khỏi và sau một thời gian mới xuất hiện trở lại.

Tuy nhiên, bệnh này rất dễ lây, đặc biệt là trong thời gian đang bùng phát triệu chứng. Do đó, cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị nhiễm HSV hoặc lây truyền bệnh cho người khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Herpes sinh dục: Triệu chứng và cách điều trị
Herpes sinh dục: Triệu chứng và cách điều trị

Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa trị dứt điểm herpes sinh dục nhưng bệnh này có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc.

Herpes hậu môn: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa
Herpes hậu môn: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Giống như herpes sinh dục, herpes hậu môn cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khả năng lây truyền sẽ cao nhất khi có mụn nước và vết loét ở trong hoặc xung quanh hậu môn.

Viêm giác mạc do herpes: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm giác mạc do herpes: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm giác mạc do herpes là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương giác mạc dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời khi bị nhiễm HSV thì hoàn toàn có thể được kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại cho giác mạc.

Nhận biết triệu chứng herpes qua dịch tiết sinh dục
Nhận biết triệu chứng herpes qua dịch tiết sinh dục

Một trong các triệu chứng của herpes sinh dục là âm đạo hoặc dương vật tiết dịch bất thường. Điều này khiến virus càng dễ lây truyền hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây