1

Viêm giác mạc do herpes: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm giác mạc do herpes là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương giác mạc dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời khi bị nhiễm HSV thì hoàn toàn có thể được kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại cho giác mạc.
Viêm giác mạc do herpes: Triệu chứng và cách điều trị Viêm giác mạc do herpes: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm giác mạc do herpes là gì?

Viêm giác mạc do herpes, hay còn được gọi là herpes ở mắt, là một bệnh nhiễm trùng (viêm) mắt do virus herpes simplex (HSV) gây ra. Có nhiều loại viêm giác mạc do herpes khác nhau và loại phổ biến nhất là viêm biểu mô giác mạc, xảy ra ở giác mạc – lớp mô trong suốt nằm ở phía trước của nhãn cầu. Ở những trường hợp nhẹ, viêm giác mạc do herpes gây ra những triệu chứng như:

  • Đau đớn
  • Viêm
  • Đỏ mắt
  • Rách bề mặt giác mạc

Khi tình trạng viêm xảy ra ở lớp giữa của giác mạc, được gọi là lớp nhu mô, thì sẽ gây tổn thương nghiêm trọng và dẫn đến mất thị lực hay mù lòa.

Cả viêm giác mạc do herpes thể nhẹ và nặng đều có thể điều trị được bằng thuốc kháng virus.

Viêm giác mạc do herpes là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương giác mạc dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời khi bị nhiễm HSV thì hoàn toàn có thể được kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại cho giác mạc.

Các triệu chứng

Các triệu chứng điển hình của viêm giác mạc do herpes gồm có:

  • Đau mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Mắt mờ
  • Chảy nước mắt
  • Mắt tiết dịch
  • Đỏ mắt
  • Mí mắt bị viêm (viêm bờ mi)

Viêm giác mạc do herpes có thể chỉ xảy ra ở một bên mắt hoặc cả hai.

Viêm giác mạc do herpes và viêm kết mạc

Viêm giác mạc do herpes có thể bị nhầm lẫn với viêm kết mạc, hay còn được gọi là bệnh đau mắt đỏ. Cả hai vấn đề đều là do virus gây ra nhưng viêm kết mạc cũng có thể là do vi khuẩn, dị ứng hoặc tiếp xúc với hóa chất.

Bác sĩ có thể chẩn đoán vấn đề bằng cách nuôi cấy virus. Nếu quá trình nuôi cấy cho kết quả dương tính với HSV-1 thì có nghĩa là bị viêm giác mạc do herpes. Chỉ khi chẩn đoán chính xác thì mới có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Các loại viêm giác mạc do herpes

Loại viêm giác mạc do herpes phổ biến nhất là viêm biểu mô giác mạc. Ở loại này, virus tồn tại ở lớp mô mỏng, ngoài cùng của giác mạc, được gọi là lớp biểu mô.

HSV cũng có thể gây tổn hại đến lớp sâu hơn của giác mạc, được gọi là lớp nhu mô (stroma) dẫn đến viêm nhu mô giác mạc. Viêm nhu mô giác mạc nghiêm trọng hơn viêm biểu mô giác mạc vì theo thời gian và sau nhiều đợt bùng phát triệu chứng, loại viêm giác mạc này có thể làm hỏng giác mạc và dẫn đến mù lòa.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm giác mạc do herpes là do nhiễm HSV ở mắt và mí mắt mà cụ thể là HSV-1. Theo ước tính thì có đến 90% người trưởng thành bị nhiễm HSV trước tuổi 50. Ở những trường hợp bị viêm giác mạc do herpes, HSV-1 lây nhiễm vào các phần khác nhau của mắt như:

  • Mí mắt
  • Giác mạc (lớp mô trong suốt ở phía trước của mắt)
  • Võng mạc (tấm cảm biến ánh sáng ở phía sau mắt)
  • Kết mạc (lớp mô mỏng bao phủ phần lòng trắng của mắt và bên trong mí mắt)

Viêm giác mạc do herpes không lây truyền qua đường tình dục nhưng có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với da hoặc chất dịch của người mang HSV-1. Mụn rộp sinh dục là do chủng HSV-2 gây ra và lây truyền qua đường tình dục.

Khi đã nhiễm HSV thì sẽ không có cách nào loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể. Virus có thể ở trạng thái “ngủ đông” và đột ngột bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, nguy cơ truyền virus sang người khác từ mắt của người bị nhiễm bệnh là rất thấp. Các loại thuốc kháng virus sẽ giúp giảm thiểu tổn hại vào các đợt bùng phát.

Chẩn đoán viêm giác mạc do herpes

Nếu có các triệu chứng của bệnh viêm giác mạc do herpes thì cần đi khám bác sĩ ngay. Điều trị càng sớm thì sẽ càng hạn chế được mức độ tổn hại và nguy cơ biến chứng.

Để chẩn đoán bệnh viêm giác mạc do herpes thì trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về các triệu chứng, gồm có thời điểm khởi phát, kéo dài bao lâu và đã từng gặp các triệu chứng tương tự trước đây hay chưa.

Bác sĩ sẽ kiểm tra mắt kỹ lưỡng để đánh giá thị lực, độ nhạy với ánh sáng và chuyển động của mắt. Sau đó nhỏ thuốc giãn đồng tử vào mắt để làm giãn (mở rộng) mống mắt, giúp bác sĩ có thể quan sát tình trạng của võng mạc ở phía sau mắt.

Tiếp theo có thể cần tiến hành kiểm tra bằng thuốc nhuộm Fluorescein. Đây là phương pháp nhỏ một loại thuốc nhuộm màu cam sẫm, được gọi là fluorescein, lên bề mặt ngoài của mắt. Bác sĩ sẽ quan sát cách thuốc nhuộm ngấm vào trong mắt để xác định các vấn đề bất thường với giác mạc, chẳng hạn như sẹo do nhiễm HSV.

Nếu kết quả chẩn đoán vẫn không rõ ràng thì sẽ cần lấy mẫu tế bào từ bề mặt nhãn cầu để kiểm tra sự hiện diện của HSV. Xét nghiệm máu để tìm các kháng thể mà cơ thể tạo ra để chống lại HSV thường không chính xác trong việc chẩn đoán viêm giác mạc do herpes.

Điều trị

Khi đã được chẩn đoán bị viêm giác mạc do herpes thì phải bắt đầu dùng thuốc kháng virus theo đơn của bác sĩ ngay lập tức. Phương pháp điều trị viêm biểu mô giác mạc (dạng nhẹ hơn) và viêm nhu mô giác mạc (dạng nặng hơn) hơi khác nhau một chút.

Điều trị viêm biểu mô giác mạc

Nhiễm HSV ở lớp bề mặt của giác mạc thường tự khỏi trong vòng vài tuần nhưng có thể uống thuốc kháng virus để giảm thiểu tổn thương giác mạc và ngăn ngừa mất thị lực. Bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ hoặc thuốc kháng virus đường uống.

Phương pháp điều trị phổ biến nhất là dùng thuốc acyclovir (Zovirax). Acyclovir là một loại thuốc đường uống và không có các tác dụng phụ tiềm ẩn giống như các loại thuốc nhỏ mắt, ví dụ như chảy nước mắt hay ngứa.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ dùng tăm bông vô trùng lướt nhẹ trên bề mặt giác mạc để loại bỏ các tế bào bị tổn hại. Thủ thuật này được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ.

Điều trị viêm nhu mô giác mạc

Viêm nhu mô giác mạc dễ dẫn đến hình thành sẹo ở giác mạc và mất thị lực. Ngoài thuốc kháng virus thì người bệnh sẽ dùng thuốc nhỏ mắt steroid (một chất chống viêm) để làm giảm sưng ở lớp nhu mô.

Bao lâu thì khỏi?

Khi điều trị bằng thuốc nhỏ mắt thì sẽ phải nhỏ thuốc thường xuyên cách khoảng 2 tiếng một lần, tùy thuộc vào loại thuốc mà bác sĩ kê. Tiếp tục sử dụng thuốc trong thời gian được chỉ định, có thể lên đến 2 tuần. Khi dùng acyclovir thì người bệnh cần uống thuốc 5 lần một ngày.

Triệu chứng bệnh sẽ đỡ dần sau từ 2 đến 5 ngày và có thể biến mất trong vòng từ 2 đến 3 tuần.

Biến chứng

Trong số những trường hợp bị viêm giác mạc do herpes thì khoảng 20% sẽ bị tái phát trong vòng một năm tiếp theo sau đợt bùng phát triệu chứng đầu tiên. Nếu bị tái phát nhiều lần thì sẽ cần dùng thuốc kháng virus hàng ngày.

Sau một vài đợt bùng phát thì giác mạc sẽ bị tổn thương và dẫn đến các biến chứng như:

  • Loét giác mạc
  • Tê bề mặt giác mạc
  • Thủng giác mạc

Nếu giác mạc bị hỏng nặng và bị suy giảm thị lực nghiêm trọng hoặc mù thì sẽ cần phải phẫu thuật ghép giác mạc.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù viêm giác mạc do herpes là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều biện pháp điều trị để giảm thiểu mức độ tổn hại đến thị lực vào những đợt bùng phát triệu chứng. Khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh thì cần đi khám ngay. Càng điều trị sớm thì khả năng bị tổn thương giác mạc và xảy ra biến chứng sẽ càng thấp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Herpes hậu môn: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa
Herpes hậu môn: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Giống như herpes sinh dục, herpes hậu môn cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khả năng lây truyền sẽ cao nhất khi có mụn nước và vết loét ở trong hoặc xung quanh hậu môn.

Herpes Trên Lưỡi: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Herpes Trên Lưỡi: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Herpes lưỡi là một vấn đề do HSV gây ra. Các vết loét thường sẽ tự khỏi và sau một thời gian mới xuất hiện trở lại.

Mụn rộp ở cằm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Mụn rộp ở cằm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Mụn rộp có thể hình thành ở bất cứ vị trí nào bị nhiễm HSV, bao gồm cả vùng cằm.

Nhận biết triệu chứng herpes qua dịch tiết sinh dục
Nhận biết triệu chứng herpes qua dịch tiết sinh dục

Một trong các triệu chứng của herpes sinh dục là âm đạo hoặc dương vật tiết dịch bất thường. Điều này khiến virus càng dễ lây truyền hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây