Viêm thực quản do herpes: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Viêm thực quản do herpes là gì?
Thực quản là ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Viêm thực quản do herpes là một dạng viêm thực quản do virus gây ra, cụ thể là virus herpes simplex (HSV). Cả hai chủng HSV là HSV-1 và HSV-2 đều có thể gây viêm thực quản do herpes nhưng HSV-1 là thủ phạm chính.
Viêm thực quản do herpes là bệnh chủ yếu xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như người mắc các bệnh tự miễn, đang trong quá trình điều trị ung thư, bị HIV/AIDS hay đang dùng thuốc ức chế miễn dịch chứ rất ít khi xảy ra ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Viêm thực quản do herpes gây ra những triệu chứng như:
- Đau và khó nuốt
- Buồn nôn
- Ợ nóng
- Đau tức ngực
- Các triệu chứng giống như bị sốt (nhiệt độ cơ thể tăng cao, người mệt mỏi, đau nhức)
- Viêm loét ở thực quản và phía sau cổ họng
Nhiều người mắc bệnh này còn có triệu chứng nổi mụn nước và vết loét ở trong hoặc xung quanh miệng.
HSV lây truyền như thế nào?
Có hai loại virus herpes simplex là HSV-1 và HSV-2.
HSV-1
Virus herpes simplex loại 1 (HSV-1) là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp viêm thực quản do herpes. Đây cũng là chủng virus gây mụn rộp ở môi và thường lây qua sự tiếp xúc với da hay nước bọt của người bệnh.
Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm HSV thì cần đến gặp bác sĩ ngay để được hướng dẫn làm xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải tránh tiếp xúc thân mật, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên và không dùng chung dụng cụ ăn uống, vật dụng cá nhân để tránh lây truyền virus. HSV-1 cũng có thể lây truyền sang bộ phận sinh dục khi quan hệ tình dục đường miệng.
HSV-2
Virus herpes simplex loại 2 (HSV-2) là một chủng khác của virus herpes và thường lây truyền qua đường tình dục. HSV-2 lây chủ yếu qua sự tiếp xúc với da hoặc dịch tiết của người bị bệnh và gây mụn rộp sinh dục.
HSV-2 hiếm khi gây viêm thực quản do herpes nhưng việc quan hệ tình dục đường miệng với người bị mụn rộp sinh dục cũng có thể dẫn đến bệnh này. Để tránh lây virus thì cần quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng và khi đang có triệu chứng thì phải ngừng quan hệ hoàn toàn.
Các yếu tố nguy cơ
Nguy cơ bị viêm thực quản do herpes sau khi nhiễm HSV ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh là rất thấp. Nguy cơ tăng cao ở những người:
- Bị HIV/AIDS
- Đang trong quá trình điều trị ung thư
- Đang dùng thuốc chống thải ghép sau ghép tạng
- Mắc bệnh tiểu đường
- Bị các bệnh gây suy yếu hệ miễn dịch
- Bị các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp hay lupus ban đỏ
Những người uống nhiều rượu và đang dùng thuốc kháng sinh dài ngày cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm thực quản do herpes cao hơn. Dùng một số loại thuốc đường uống hoặc sử dụng ống hít chứa steroid cũng ảnh hưởng đến niêm mạc thực quản và khiến thực quản dễ bị viêm. Điều này cũng sẽ làm tăng nguy cơ.
Các triệu chứng
Các triệu chứng của viêm thực quản do herpes thường xảy ra chủ yếu bên trong miệng nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cả những khu vực khác trên cơ thể. Triệu chứng chính là xuất hiện vết loét trong miệng và khó nuốt do đau đớn.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:
- Đau khớp
- Ớn lạnh
- Sốt
- Cơ thể mệt mỏi
Chẩn đoán viêm thực quản do herpes
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và tiến hành quan sát bên trong thực quản bằng ống nội soi (nội soi thực quản).
Vi khuẩn, nấm và nhiều loại virus khác cũng có thể gây viêm thực quản. Các vấn đề như viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc bệnh tay chân miệng cũng có các triệu chứng tương tự như viêm thực quản do herpes. Do đó sẽ cần thực hiện các phương pháp sau để xác nhận viêm thực quản do herpes:
- Cấy dịch họng
- Xét nghiệm dịch miệng
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm nước tiểu
Những phương pháp này giúp xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với HSV thì có thể kết luận viêm thực quản do herpes.
Biện pháp điều trị
Có thể điều trị viêm thực quản do herpes bằng các loại thuốc kháng virus. Bác sĩ sẽ kê một trong ba loại thuốc kháng virus sau:
- acyclovir (Zovirax)
- famciclovir (Famvir)
- valacyclovir (Valtrex)
Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn để làm dịu triệu chứng đau họng. Nếu cơn đau nghiêm trọng và đã dùng thuốc giảm đau không kê đơn mà không hiệu quả thì sẽ cần chuyển sang thuốc giảm đau kê đơn. Một số trường hợp phải dùng thuốc kháng virus hàng ngày trong thời gian dài để ngăn ngừa triệu chứng tái phát.
Bao lâu thì khỏi?
Thời gian hồi phục của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh thường đáp ứng tốt với điều trị và các triệu chứng sẽ cải thiện nhanh chóng chỉ trong vòng vài ngày. Những người đang có các vấn đề sức khỏe khác sẽ lâu khỏi hơn. Đôi khi, viêm thực quản do herpes sẽ để lại sẹo và gây khó nuốt. Bệnh này còn có thể dẫn đến một biến chứng nghiêm trọng hơn, đe dọa tính mạng đó là thủng thực quản. Tuy nhiên, biến chứng này rất hiếm khi xảy ra. Hầu hết những người bị viêm thực quản do herpes đều không gặp phải bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng về lâu dài nào.
Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa trị dứt điểm herpes sinh dục nhưng bệnh này có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc.
Giống như herpes sinh dục, herpes hậu môn cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khả năng lây truyền sẽ cao nhất khi có mụn nước và vết loét ở trong hoặc xung quanh hậu môn.
Herpes lưỡi là một vấn đề do HSV gây ra. Các vết loét thường sẽ tự khỏi và sau một thời gian mới xuất hiện trở lại.
Một trong các triệu chứng của herpes sinh dục là âm đạo hoặc dương vật tiết dịch bất thường. Điều này khiến virus càng dễ lây truyền hơn.
Da đột nhiên nổi mẩn và đi kèm hiện tượng đau rát, ngứa ngáy khiến nhiều người lo lắng không biết liệu đó có phải là dấu hiệu của bệnh herpes hay không. Mặc dù đây đúng là những biểu hiện của bệnh herpes nhưng ngoài ra còn có nhiều vấn đề khác cũng gây ra biểu hiện tương tự.