1

9 triệu chứng phổ biến khi nhiễm HIV ở phụ nữ

Nói chung, đa số các triệu chứng của HIV ở nam giới và phụ nữ là giống nhau nhưng có một số triệu chứng chỉ xảy ra ở nữ giới.
9 triệu chứng phổ biến khi nhiễm HIV ở phụ nữ 9 triệu chứng phổ biến khi nhiễm HIV ở phụ nữ

HIV là viết tắt của human immunodeficiency virus, có nghĩa là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Virus này làm hỏng hệ thống miễn dịch của cơ thể bằng cách phá hủy các tế bào bạch cầu có vai trò chống lại các tác nhân gây bệnh. Điều này khiến cơ thể dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng và một số bệnh ung thư. Khi không được điều trị, HIV sẽ gây ra AIDS.

AIDS là viết tắt của aquired immunodeficiency syndrome, có nghĩa là Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Đây là giai đoạn cuối của HIV.

Nói chung, đa số các triệu chứng của HIV ở nam giới và phụ nữ là giống nhau nhưng có một số triệu chứng chỉ xảy ra ở nữ giới. Dưới đây là 9 triệu chứng phổ biến nhất mà phụ nữ có thể gặp phải khi bị nhiễm HIV.

1. Các triệu chứng ban đầu giống cúm

Trong những tuần đầu sau khi nhiễm HIV, một số người không hề có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trong khi nhiều người lại gặp phải các triệu chứng giống như cúm, gồm có:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Nhức đầu
  • Đau rát họng
  • Mệt mỏi
  • Đau nhức cơ
  • Phát ban

Các triệu chứng này thường tự hết trong vòng vài tuần.

2. Phát ban và lở loét da

Hầu hết những người nhiễm HIV đều gặp phải các triệu chứng trên da. Phát ban là một triệu chứng phổ biến của HIV và có nhiều dạng khác nhau. Phát ban có thể là do chính HIV trực tiếp gây ra hoặc là biểu hiện của một bệnh nhiễm trùng xảy ra đồng thời do hệ miễn dịch bị suy yếu. Khi bị phát ban thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị.

Ngoài ra, người nhiễm HIV còn có thể bị loét ở vùng da quanh miệng, bộ phận sinh dục, hậu môn và một số vị trí khác trên cơ thể. Tuy nhiên, nếu điều trị bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV) thì các vấn đề về da sẽ ít xảy ra hơn và có xảy ra thì cũng đỡ nghiêm trọng hơn.

3. Sưng hạch bạch huyết

Các hạch bạch huyết nằm ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể con người, gồm có cổ, sau đầu, nách và bẹn. Là một phần của hệ miễn dịch, các hạch bạch huyết này có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng bằng cách lưu trữ các tế bào miễn dịch và loại bỏ mầm bệnh. Khi HIV bắt đầu lây lan, hệ miễn dịch sẽ hoạt động mạnh mẽ để tấn công. Điều này khiến cho các hạch bạch huyết sưng lên. Đây thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của HIV. Ở những người nhiễm HIV, tình trạng sưng hạch bạch huyết có thể kéo dài vài tháng.

4. Mắc các bệnh nhiễm trùng

HIV gây suy yếu và làm cho hệ miễn dịch khó chống lại mầm bệnh. Do đó mà người nhiễm HIV/AIDS dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Một số bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp gồm có viêm phổi, bệnh lao và nhiễm nấm Candida (nhiễm trùng nấm men) ở miệng hoặc âm đạo. Những phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ bị nhiễm nấm âm đạo (một dạng nhiễm trùng nấm men) và nhiễm khuẩn âm đạo cao hơn bình thường và một khi bị thì cũng khó chữa hơn. Nói chung, những người nhiễm HIV thường dễ bị nhiễm trùng ở những bộ phận như:

  • Da
  • Mắt
  • Phổi
  • Thận
  • đường tiêu hóa
  • Não bộ

HIV cũng làm cho việc điều trị các bệnh thông thường như cảm cúm trở nên khó khăn hơn nhiều so với ở người không nhiễm HIV. Tuy nhiên, điều trị bằng thuốc kháng virus và ức chế HIV thành công sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Ngoài ra, nên thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa khác, ví dụ như rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh thân thể và không tiếp xúc với những người có biểu hiện bệnh để tránh mắc phải các bệnh này cũng như là những biến chứng đi kèm.

5. Sốt và đổ mồ hôi về đêm

Người nhiễm HIV có thể bị sốt nhẹ trong thời gian dài. Sốt nhẹ là khi nhiệt độ cơ thể ở trong khoảng 37.7 độ C đến 38.2 độ C. Sốt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi xảy ra điều bất thường nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân cụ thể. Vì chỉ sốt nhẹ nên những người chưa biết rằng mình nhiễm HIV thường bỏ qua triệu chứng này. Sốt thường đi kèm với hiện tượng đổ mồ hôi vào ban đêm và gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

6. Kinh nguyệt bất thường

Ở những phụ nữ bị nhiễm HIV, kỳ kinh nguyệt hàng tháng sẽ bị thay đổi. Mức độ ra máu kinh có thể ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường hoặc hoàn toàn không có kinh (mất kinh nguyệt). Khi bị nhiễm HIV, các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau bụng, mỏi lưng, nhức đầu, chướng bụng, buồn nôn,… cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

7. Tăng tần suất bùng phát các bệnh lây qua đường tình dục khác

Đối với những người còn mắc thêm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác thì HIV sẽ khiến cho các triệu chứng trở nên nặng hơn. Ví dụ, HPV (virus u nhú ở người) – nguyên nhân gây mụn cóc – thường hoạt động mạnh hơn ở những người nhiễm HIV. Ngoài ra, HIV còn khiến cho các đợt bùng phát mụn rộp hay herpes (do nhiễm HSV) xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Cơ thể của những người này cũng không còn đáp ứng tốt với các loại thuốc kháng virus điều trị mụn rộp.

8. Bệnh viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Viêm vùng chậu ở những phụ nữ dương tính với HIV thường khó điều trị hơn. Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh cũng kéo dài hơn bình thường hoặc tái phát thường xuyên hơn.

9. Các triệu chứng của AIDS

Giai đoạn cuối của HIV là AIDS hay hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Ở giai đoạn này, hệ miễn dịch đã bị tổn hại nghiêm trọng và ngày càng khó chống lại các bệnh nhiễm trùng. Một người được xác định bị AIDS khi số lượng tế bào miễn dịch CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3 máu (milimet khối). Lúc này, nguy cơ mắc một số bệnh ung thư sẽ tăng lên, ví dụ như ung thư Kaposi (một bệnh ung thư hiếm gặp ở người bình thường), u lympho không Hodgkin và ung thư cổ tử cung.

Khi HIV tiến triển sang giai đoạn này thì người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như:

  • Tiêu chảy liên tục quá 1 tuần
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Chán ăn và sụt cân nhanh chóng
  • Kiệt sức
  • Đau nhức đầu dữ dội
  • Đau khớp
  • Đau cơ
  • Khó thở, hụt hơi
  • Ho dai dẳng
  • Khó nuốt
  • Sưng hạch bạch huyết kéo dài dai dẳng
  • Lở loét miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục

Ở giai đoạn cuối, HIV còn gây:

  • Mất trí nhớ ngắn hạn
  • Rối loạn tâm thần
  • Hôn mê

Ngoài ra, tùy từng bệnh nhiễm trùng cơ hội mà người bệnh sẽ còn gặp thêm những triệu chứng khác.

Giảm nguy cơ nhiễm HIV

HIV lây truyền qua chất dịch cơ thể, gồm có máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, hậu môn và sữa mẹ. Điều này có thể xảy ra qua nhiều con đường như khi dùng chung bơm kim tiêm để tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục, lây từ mẹ sang con,... Các biện pháp chính để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV gồm có:

  • Không dùng chung kim tiêm và các vật dụng đâm qua da khác như kim xăm
  • Đeo găng tay khi phải tiếp xúc với máu hay vật dụng có dính máu của người khác
  • Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao
  • Không thụt rửa âm đạo vì việc này sẽ làm thay đổi sự cân bằng tự nhiên giữa vi khuẩn và nấm trong âm đạo, làm cho tình trạng nhiễm trùng hiện tại trở nên nghiêm trọng hơn hoặc làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cũng như là các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục nếu như không biết rõ tình trạng sức khỏe tình dục của bạn tình

Những phụ nữ có bạn tình dương tính với HIV sẽ gần như không có nguy cơ lây nhiễm virus nếu bạn tình điều trị bằng thuốc ARV hàng ngày và có tải lượng virus ở mức không thể phát hiện được nhưng vẫn nên dùng bao cao su khi quan hệ tình dục để đảm bảo an toàn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), những người dương tính với HIV sẽ không còn khả năng lây truyền khi tải lượng virus được duy trì ở mức dưới 200 bản sao HIV/ml máu. Biết các yếu tố nguy cơ là một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV.

Biện pháp phòng tránh HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Tầm quan trọng của việc xét nghiệm

Nếu nhận thấy các dấu hiệu, triệu chứng trên và có khả năng đã bị nhiễm HIV thì nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Đây là cách duy nhất để xác nhận có bị nhiễm HIV hay không. CDC khuyến nghị tất cả những người trong độ tuổi từ 13 và 64 nên làm xét nghiệm HIV ít nhất một lần, bất kể có nguy cơ lây nhiễm hay không. Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nên làm xét nghiệm định kỳ hàng năm. Xét nghiệm HIV rất đơn giản và danh tính của người bệnh sẽ được giữ kín tuyệt đối. Ngoài ra, hiện nay còn có bộ dụng cụ xét nghiệm HIV tại nhà, ví dụ như OraQuick, cho phép người dùng có thể tự kiểm tra. Dụng cụ này không cần gửi mẫu đến phòng thí nghiệm mà chỉ cần lấy mẫu nước bọt ở chân nướu răng, sau đó cho vào dung dịch thử và kết quả sẽ có sau khoảng 20 phút.

Bước tiếp theo sau xét nghiệm

Nếu kết quả xét nghiệm HIV âm tính nhưng các triệu chứng vẫn tiếp diễn thì nên chờ từ 1 – 3 tháng rồi đi xét nghiệm lại để xác nhận kết quả. Khi làm xét nghiệm quá sớm sau khi phơi nhiễm với HIV thì cơ thể chưa tạo ra đủ kháng thể nên xét nghiệm ban đầu cho kết quả âm tính giả.

Các triệu chứng như phát ban cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề, bệnh lý khác không phải HIV và cũng cần đi khám để xác định nguyên nhân.

Nếu xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính thì bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Nhờ những tiến bộ gần đây trong điều trị HIV mà tình trạng này hiện nay hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng cách dùng thuốc kháng virus đều đặn. Điều này giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh.

Các triệu chứng HIV ở nam giới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Triệu Chứng Phát Ban HIV: Nhận Biết Và Phương Pháp Điều Trị
Triệu Chứng Phát Ban HIV: Nhận Biết Và Phương Pháp Điều Trị

Triệu chứng phát ban HIV nhận biết như thế nào? Những nguyên nhân và phương pháp điều trị ra sao. Khi gặp phải những triệu chứng phát ban thì cần đi khám ở đâu. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé

Ho khan có phải là triệu chứng của HIV không?
Ho khan có phải là triệu chứng của HIV không?

Mặc dù ho khan là một triệu chứng phổ biến của HIV nhưng không phải lúc nào bị ho khan cũng có nghĩa là đã nhiễm virus này.

Các dấu hiệu, triệu chứng HIV ở từng giai đoạn
Các dấu hiệu, triệu chứng HIV ở từng giai đoạn

Nếu không được điều trị, HIV sẽ tiến triển qua 3 giai đoạn là giai đoạn cấp tính, giai đoạn mãn tính và giai đoạn cuối hay AIDS.

HIV/AIDS: Phương pháp điều trị, tuổi thọ và biến chứng
HIV/AIDS: Phương pháp điều trị, tuổi thọ và biến chứng

Các bước tiến trong phương pháp xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán và điều trị đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người nhiễm HIV.

Cần làm gì khi sống chung với người nhiễm HIV?
Cần làm gì khi sống chung với người nhiễm HIV?

Nếu thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa như quan hệ tình dục an toàn, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) thì hoàn toàn có thể chung sống một cách an toàn với người bị nhiễm HIV.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây