Các dấu hiệu, triệu chứng HIV ở từng giai đoạn
HIV là gì?
HIV là một loại virus gây tổn hại hệ miễn dịch của cơ thể người. Cho đến nay vẫn chưa có cách chữa khỏi HIV nhưng đã có nhiều loại thuốc để kiểm soát và giảm ảnh hưởng của virus này đến cuộc sống của người bệnh.
Một khi bị nhiễm thì HIV sẽ ở trong cơ thể suốt đời. Tuy nhiên, không giống như các bệnh do nhiễm virus khác, các dấu hiệu, triệu chứng của HIV không đột ngột xuất hiện mà phải một thời gian sau khi phơi nhiễm thì mới biểu hiện và thay đổi theo từng giai đoạn.
Nếu không được điều trị, HIV sẽ tiến triển qua 3 giai đoạn là giai đoạn đầu (giai đoạn cấp tính), giai đoạn 2 (giai đoạn mãn tính) và giai đoạn cuối hay AIDS. Mỗi giai đoạn đều có các biểu hiện, triệu chứng riêng và khi ở giai đoạn AIDS, người bệnh thường sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng.
Điều trị đều đặn bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV) có thể làm giảm tải lượng HIV trong cơ thể xuống mức không thể phát hiện được. Ở mức không thể phát hiện được, virus sẽ không tiến triển sang giai đoạn cuối và cũng không thể lây truyền khi quan hệ tình dục.
HIV phổ biến như thế nào?
Tính đến cuối năm 2019, trên toàn Thế giới có 38 triệu người đang phải sống với HIV. Tỷ lệ mắc bệnh ở mỗi quốc gia và khu vực lãnh thổ là khác nhau. Trong đó, châu Phi vẫn là nơi có số ca nhiễm HIV cao nhất. Theo ước tính, cứ 25 người trưởng thành thì có 1 người (tương đương tỷ lệ 3.7%) sống chung với HIV và châu lục này chiếm hơn 2/3 số ca nhiễm HIV trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam thì tính đến năm 2018:
- Có 230.000 người đang sống chung với HIV
- Có 5.700 ca nhiễm mới
- Tỷ lệ nhiễm mới HIV trên 1000 dân số nói chung trong một năm ở tất cả các nhóm tuổi là 0.06.
- Tỷ lệ người sống chung với HIV ở nhóm tuổi trưởng thành (15 – 49 tuổi) là 0.3%.
- Có 4.700 người chết vì các bệnh liên quan đến AIDS.
Số ca tử vong liên quan đến AIDS đã giảm 45% kể từ năm 2010, cụ thể là giảm từ 8500 ca xuống 4700 ca. Số người nhiễm mới HIV cũng giảm, từ 16.000 người xuống còn 5.700 người trong cùng thời kỳ.
Trong giai đoạn đầu mới bị nhiễm HIV, mọi người thường không có bất kỳ biểu hiện nào. Nhiều triệu chứng của HIV ở giai đoạn cấp tính cũng không rõ rệt và giống với nhiễu vấn đề, bệnh lý khác, ví dụ như cúm nên người bệnh không phát hiện điều bất thường.
Các triệu chứng ở giai đoạn cấp tính
Giai đoạn đầu tiên của HIV là giai đoạn cấp tính hay còn được gọi là hội chứng nhiễm retrovirus cấp tính (ARS - acute retroviral syndrome). HIV ở giai đoạn này thường gây ra các triệu chứng giống như cúm. Sốt là triệu chứng phổ biến nhất.
Ngoài ra giai đoạn HIV cấp tính còn có các triệu chứng khác như:
- Đau đầu
- Rát họng
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải
- Ớn lạnh
- Đau nhức cơ
- Sưng hạch bạch huyết
- Phát ban
Các triệu chứng của HIV ở giai đoạn đầu thường xuất hiện sau từ 2 đến 4 tuần kể từ lần phơi nhiễm đầu tiên và có thể kéo dài đến vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người thì các triệu chứng này biến mất chỉ sau vài ngày.
Đôi khi, HIV giai đoạn đầu không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào nhưng vẫn có thể truyền virus sang người khác. Nguyên nhân là do HIV chưa bị hệ miễn dịch tấn công và nhân lên nhanh chóng trong những tuần đầu khi mới bị xâm nhập vào cơ thể.
Các xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV tiêu chuẩn thường không phát hiện được HIV ở giai đoạn này.
Thay vào đó sẽ cần thực hiện các phương pháp xét nghiệm khác để phát hiện sớm HIV, từ đó có thể bắt đầu điều trị kịp thời và giảm thiếu tối đa tác động của virus lên cơ thể.
Giai đoạn cấp tính không triệu chứng
Tất cả những người bị nhiễm HIV đều phải trải qua giai đoạn cấp tính nhưng không phải ai cũng biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn này. Một số người bị nhiễm HIV trong suốt nhiều năm liền mà không hề hay biết. Lý do là bởi đôi khi, các dấu hiệu, triệu chứng của HIV có thể không xuất hiện trong thời gian lên đến 10 năm hoặc thậm chí lâu hơn thế sau khi nhiễm virus. Các triệu chứng ở giai đoạn đầu của HIV thường xuất hiện khi tế bào CD4 - một loại tế bào bạch cầu bị virus phá hủy một cách nhanh chóng. Không có triệu chứng có thể là do chưa có nhiều tế bào bị tiêu diệt trong thời gian đầu nhiễm virus.
Tuy nhiên, không có triệu chứng không có nghĩa là ít nghiêm trọng hơn các trường hợp có triệu chứng. Ngoài ra, một người nhiễm HIV không triệu chứng vẫn có thể lây truyền bệnh sang người khác vì virus đang tồn tại trong máu và các chất dịch khác của cơ thể. Đó là lý do tại sao xét nghiệm HIV thường xuyên là điều rất quan trọng để phát hiện bệnh từ sớm.
Tìm hiểu về xét nghiệm đếm số lượng tế bào CD4 và đo tải lượng virus
Các triệu chứng của giai đoạn mãn tính
Sau khi cơ thể sản sinh kháng thể để chống lại HIV, bệnh sẽ chuyển từ giai đoạn cấp tính ban đầu sang giai đoạn mãn tính hay còn gọi là giai đoạn tiềm ẩn. Ở giai đoạn này, các triệu chứng của giai đoạn cấp tính (nếu có) sẽ biến mất và người bệnh thường không còn biểu hiện bất cứ một triệu chứng nào.
Giai đoạn HIV mãn tính có thể kéo dài nhiều năm. Triệu chứng biến mất không có nghĩa là HIV đã bị tiêu diệt và cũng không có nghĩa là virus không còn lây truyền sang người khác. Nếu không được điều trị, virus sẽ vẫn âm thầm tàn phá hệ miễn dịch và tình trạng nhiễm trùng tiềm ẩn sẽ tiến triển tiếp sang giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn cuối của HIV, hay còn được gọi là AIDS.
Do đó, khi bị nhiễm HIV thì phải phát hiện, điều trị sớm và dùng thuốc ARV đều đặn đúng theo chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Điều trị HIV sẽ có lợi cho cả người bệnh và những người xung quanh. Khi bắt đầu điều trị sớm và duy trì dùng thuốc liên tục thì sẽ có thể ức chế virus thành công và giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện. Lúc này, những người dương tính với HIV sẽ không còn khả năng lây truyền virus sang bạn tình khi quan hệ tình dục.
Các triệu chứng của AIDS
Khi không được điều trị, HIV sẽ dần dần làm suy yếu hệ miễn dịch một cách nghiêm trọng và chuyển sang giai đoạn AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). AIDS là giai đoạn cuối của HIV. HIV thường tiến triển thành AIDS sau từ 8 - 10 năm hoặc thậm chí lâu hơn thế kể từ thời điểm bị nhiễm virus. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HIV cũng sẽ bị AIDS. Nếu phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc kháng virus đúng cách thì bệnh sẽ không bao giờ tiến triển thành AIDS.
Khi bị chẩn đoán AIDS thì có nghĩa là chức năng miễn dịch của người đó đã bị suy giảm trầm trọng. Cơ thể đã không còn khả năng chống lại vi khuẩn, virus và các tác nhân gây hại khác một cách hiệu quả như người bình thường. Lúc này, những vấn đề dù chỉ rất nhẹ cũng có thể gây tổn hại nặng nề đến cơ thể người bệnh.
Bản thân AIDS không gây ra nhiều triệu chứng. Khi bị AIDS, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng cơ hội. Sở dĩ gọi là nhiễm trùng cơ hội vì những bệnh này lợi dụng tình trạng chức năng miễn dịch bị suy yếu mà tấn công cơ thể. Đây là những bệnh mà hệ miễn dịch ở người thường có thể dễ dàng xử lý nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng ở bệnh nhân AIDS.
Một số dấu hiệu, triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến gồm có:
- Ho khan
- Tức ngực, khó thở
- Khó nuốt, đau đớn khi nuốt
- Tiêu chảy kéo dài dai dẳng
- Xuất hiện những đốm trắng hay nốt bất thường trong và xung quanh miệng
- Có các triệu chứng giống như viêm phổi
- Sốt
- Giảm hay mất thị lực
- Buồn nôn, đau quặn bụng và nôn mửa
- Sụt cân nhanh chóng
- Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức
- Có các đốm màu đỏ, nâu, hồng hoặc tía ở trên hoặc dưới da, bên trong miệng, mũi hoặc mí mắt
- Co giật hoặc mất điều hoà vận động
- Các vấn đề về thần kinh như trầm cảm, suy giảm trí nhớ và lú lẫn
- Đau nhức đầu dữ dội
- Cứng cổ
- Hôn mê
- Mắc một số bệnh ung thư
Các biểu hiện, triệu chứng mà mỗi người gặp phải sẽ phụ thuộc vào bệnh nhiễm trùng cụ thể.
Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này và đã được chẩn đoán nhiễm HIV hoặc nghi ngờ đã tiếp xúc với HIV trước đây thì cần đến bệnh viện ngay lập tức. Nhiễm trùng cơ hội và các bệnh khác có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Khi không điều trị, những người bị AIDS thường chỉ có thể sống thêm được trung bình 3 năm kề từ thời điểm chẩn đoán. Trong những trường hợp nghiêm trọng thì tuổi thọ của bệnh nhân AIDS còn ngắn hơn thế.
Một số bệnh nhiễm trùng cơ hội, chẳng hạn như ung thư Kaposi, cực kỳ hiếm gặp ở những người không bị HIV/AIDS. Mắc một trong những bệnh này có thể là dấu hiệu đầu tiên của HIV ở những người chưa được chẩn đoán.
Ngăn HIV tiến triển thành AIDS
Bắt đầu điều trị từ sớm và tuân thủ phác đồ sẽ giúp ngăn chặn sự tiến triển của HIV sang giai đoạn AIDS.
Nếu như nghi ngờ mình đã bị nhiễm HIV thì nên đi xét nghiệm. Nhiều người thường có tâm lý lảng tránh, không muốn xét nghiệm nhưng việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp kiểm soát HIV và ngăn virus gây hại cho cơ thể. Khi được điều trị đúng cách, người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và lâu dài không thua kém người bình thường.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tất cả mọi người trong độ tuổi từ 13 đến 64 nên làm xét nghiệm HIV ít nhất một lần và những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nên làm xét nghiệm thường xuyên hơn. Nhóm này gồm có người tiêm chích ma túy, người có bạn tình bị nhiễm HIV, người hành nghề mại dâm, nam giới quan hệ tình dục đồng tính, người đang mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao,…
Mặc dù ho khan là một triệu chứng phổ biến của HIV nhưng không phải lúc nào bị ho khan cũng có nghĩa là đã nhiễm virus này.
Triệu chứng nhiễm HIV ở nam giới phổ biến là gì? Mỗi một giai đoạn của HIV lại có những biểu hiện khác nhau.Các giai đoạn phát triển của HIV sẽ như thế nào?
Nói chung, đa số các triệu chứng của HIV ở nam giới và phụ nữ là giống nhau nhưng có một số triệu chứng chỉ xảy ra ở nữ giới.
Khi không được điều trị, HIV tiến triển qua 3 giai đoạn là HIV cấp tính, HIV mãn tính và AIDS.
Những điều cần biết về triệu chứng sốt khi nhiễm HIV là gì? Người nhiễm HIV có thể bị sốt vì nhiều lý do. Đó có thể là tác dụng phụ của thuốc kháng virus (thuốc ARV). Sốt cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh khác, chẳng hạn như cúm.