HIV giai đoạn cấp tính là gì?

Trong giai đoạn cấp tính, hầu hết những người bị HIV đều chưa biết mình đã nhiễm virus do các triệu chứng ban đầu thường tự hết hoặc rất giống với một số bệnh khác ví dụ như cảm cúm.
HIV giai đoạn cấp tính là gì? HIV giai đoạn cấp tính là gì?

HIV giai đoạn cấp tính là gì?

HIV giai đoạn cấp tính là giai đoạn bắt đầu xảy ra từ 2 đến 4 tuần sau khi một người bị nhiễm HIV. Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn đầu và kéo dài cho đến khi cơ thể tạo ra đủ kháng thể chống lại virus.

Trong giai đoạn đầu tiên này, HIV nhân lên với tốc độ nhanh chóng. Khi bị nhiễm các loại virus khác, hệ miễn dịch của cơ thể có thể chống lại, tiêu diệt và đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, hệ miễn dịch lại không thể tiêu diệt được HIV. Trong thời gian dài, virus tấn công và phá hủy các tế bào miễn dịch và làm vô hiệu hóa khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng khác. Điều này sẽ dẫn đến HIV giai đoạn cuối, còn được gọi là AIDS hay HIV giai đoạn 3.

Ở giai đoạn cấp tính, HIV rất dễ lây lan. Tuy nhiên, trong thời gian này, hầu hết những người bị HIV đều chưa biết mình đã nhiễm virus do các triệu chứng ban đầu thường tự hết hoặc rất giống với một số bệnh khác ví dụ như cảm cúm. Hơn nữa, xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV không phải lúc nào cũng phát hiện được bệnh khi được thực hiện vào giai đoạn cấp tính.

Các triệu chứng của HIV giai đoạn cấp tính

Triệu chứng của HIV ở giai đoạn cấp tính thường giống với như các triệu chứng của bệnh cúm và một số bệnh do virus khác nên nhiều người không nhận thấy điều bất thường và không biết rằng mình đã nhiễm HIV. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC ước tính rằng trong số 1 triệu người sống chung với HIV thì có khoảng 15% không biết mình đang mang virus. Cách duy nhất để biết là làm xét nghiệm.

Các biểu hiện, triệu chứng của HIV ở giai đoạn cấp tính thường là:

  • Phát ban
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau đầu
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải
  • Đau rát họng
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Chán ăn
  • Loét bên trong miệng, thực quản hoặc ở bộ phận sinh dục
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau cơ
  • Tiêu chảy

Không phải ai cũng gặp phải tất cả các triệu chứng này và nhiều người bị HIV thậm chí còn không có bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, nếu có thì các triệu chứng có thể kéo dài trong vài ngày hoặc lên đến 4 tuần rồi sau đó biến mất mà không cần điều trị.

Con đường lây truyền

HIV giai đoạn cấp tính thường xảy ra sau từ ​​2 đến 4 tuần kể từ khi tiếp xúc lần đầu với virus. HIV lây truyền qua các con đường chính là:

  • Đường máu, ví dụ như khi ghép tạng, truyền máu (hiện nay điều này rất hiếm khi xảy ra), dùng chung bơm kim tiêm, kim xăm hay vật dụng có dính máu của người nhiễm HIV,…
  • Sự trao đổi chất dịch cơ thể như tinh dịch, dịch tiết âm đạo hoặc dịch tiết hậu môn khi quan hệ tình dục
  • Lây từ mẹ sang con khi mang thai, sinh nở hoặc cho con bú

HIV không lây qua sự tiếp xúc cơ thể thông thường, chẳng hạn như ôm, hôn, nắm tay hoặc dùng chung vật dụng cá nhân. Virus này cũng không lây qua đường nước bọt.

Ai có nguy cơ nhiễm HIV?

Bất cứ ai, dù là lứa tuổi, giới tính, chủng tộc hay khuynh hướng tính dục nào cũng đều có thể bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, một số hành vi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, ví dụ như:

  • Tiêm chích ma túy
  • Quan hệ tình dục với nhiều người
  • Quan hệ với người có nhiều bạn tình
  • Thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn
  • Đang mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • Phải tiếp xúc thường xuyên với máu hoặc chất dịch cơ thể của người bệnh

Phương pháp chẩn đoán

Cách duy nhất để phát hiện nhiễm HIV là làm xét nghiệm.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể phát hiện được HIV ở giai đoạn đầu. Một phương pháp để sàng lọc HIV là xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng HIV. Kháng thể là các protein được cơ thể tạo ra để nhận biết và tiêu diệt các tác nhân gây hại, chẳng hạn như virus và vi khuẩn. Mỗi một loại virus, vi khuẩn sẽ khiến cho cơ thể sản sinh ra kháng thể tương ứng. Dựa trên sự hiện diện của các kháng thể này mà sẽ phát hiện được tình trạng nhiễm trùng cụ thể. Tuy nhiên, có thể phải vài tuần sau lần phơi nhiễm HIV đầu tiên thì các kháng thể mới được sản sinh đủ để xét nghiệm phát hiện ra.

Một số phương pháp xét nghiệm có thể phát hiện các dấu hiệu của HIV giai đoạn cấp tính gồm có:

Khi nghi ngờ có thể mình đã bị nhiễm HIV thì nên đến bệnh viện ngay. Bác sĩ sẽ thực hiện một trong các phương pháp xét nghiệm có thể phát hiện HIV ở giai đoạn cấp tính.

Phương pháp điều trị

Điều trị đúng cách và kịp thời là điều rất quan trọng đối với những người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Việc điều trị sớm bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV) sẽ giảm thiểu tác động của virus lên hệ miễn dịch, từ đó ngăn ngừa những bệnh nhiễm trùng cơ hội và giúp người bệnh có thể sống khỏe mạnh.

Tuy nhiên, thuốc ARV có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng lâu dài. Do đó, cần hỏi kỹ bác sĩ về tất cả các lựa chọn điều trị và các tác dụng phụ tiềm ẩn để được tư vấn về thời điểm bắt đầu và nên dùng thuốc trong bao lâu.

Ngoài dùng thuốc, người bệnh cũng nên điều chỉnh một số thói quen, lối sống, ví dụ như:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất để tăng cường hệ miễn dịch
  • Luôn quan hệ tình dục an toàn bằng cách đeo bao cao su để giảm nguy cơ lây truyền virus và mắc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục khác
  • Không dùng chung bơm kim tiêm
  • Hạn chế lo âu, căng thẳng vì điều này sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch
  • Tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị bệnh vì khi hệ miễn dịch bị suy yếu do nhiễm HIV thì rất khó chống lại bệnh tật
  • Tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch
  • Suy nghĩ lạc quan
  • Hạn chế rượu bia
  • Không hút thuốc lá

Triển vọng cho người nhiễm HIV giai đoạn cấp tính

Hiện tại chưa có cách chữa trị khỏi HIV/AIDS nhưng những người nhiễm HIV vẫn có thể sống lâu dài và khỏe mạnh nếu bắt đầu điều trị trước khi HIV phá hủy hệ miễn dịch và tuân thủ theo phác đồ điều trị một cách đều đặn.

Chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách sẽ làm giảm nguy cơ HIV tiến triển sang giai đoạn cuối hay giai đoạn AIDS. Điều trị thành công sẽ giúp nâng cao cả tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV.

Trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần tuân thủ điều trị theo phác đồ bác sĩ chỉ định là HIV có thể được kiểm soát và trở thành một tình trạng mãn tính. Điều này còn giúp làm giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được và không còn nguy cơ lây truyền sang bạn tình nữa.

Biện pháp phòng ngừa nhiễm HIV

Để phòng ngừa nhiễm HIV thì cần tránh tiếp xúc với máu, tinh dịch, dịch tiết hậu môn hoặc dịch âm đạo của người mang virus. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng biết được một người có đang bị HIV hay không nên cần thực hiện những biện pháp dưới đây để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh:

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp trước, trong và sau khi quan hệ tình dục: Có nhiều phương pháp phòng ngừa, gồm có dùng bao cao su (bao cao su nam hoặc bao cao su nữ), điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hoặc sau phơi nhiễm (PEP) đối với người không bị HIV và điều trị để dự phòng (TasP) đối với người đang bị HIV.
  • Tránh dùng chung bơm kim tiêm: Không bao giờ được dùng chung hoặc tái sử dụng bơm kim tiêm mà luôn phải sử dụng kim tiêm mới.
  • Tránh tiếp xúc với máu bằng cách luôn sử dụng găng tay cao su khi phải xử lý những vật có dính máu.
  • Đi xét nghiệm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục khác: Xét nghiệm là cách duy nhất để biết liệu có bị nhiễm HIV hay các bệnh lây qua đường tình dục khác hay không. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV thì cần điều trị ngay để làm duy trì hệ miễn dịch và loại bỏ nguy cơ lây truyền virus. Đối với các bệnh lây qua đường tình dục khác, tùy từng bệnh mà việc điều trị sớm sẽ chữa khỏi được hoặc làm giảm tác động của bệnh lên cơ thể, ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ lây sang người khác. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC khuyến nghị những người sử dụng ma túy và những người có quan hệ tình dục nên làm xét nghiệm sàng lọc hàng năm.

Tìm sự hỗ trợ

Việc nhận được chẩn đoán HIV chắc chắn sẽ là một cú sốc lớn về mặt tinh thần. Nếu như không thể tự vượt qua hay không biết cần phải làm gì tiếp theo thì có thể gọi điện đến đường dây nóng hỗ trợ cho người có “H”. Nói chuyện, chia sẻ với tư vấn viên đôi khi sẽ dễ dàng hơn so với việc phải nói với người thân, bạn bè và qua đó, người bệnh sẽ được hỗ trợ, tư vấn về phương pháp điều trị cũng như là những thay đổi cần thực hiện để duy trì sức khỏe, tránh mắc phải các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: giai đoạn
Tin liên quan
HIV Có Lây Qua Quan Hệ Tình Dục Không Thâm Nhập Không?
HIV Có Lây Qua Quan Hệ Tình Dục Không Thâm Nhập Không?

Quan hệ không thâm nhập có bị HIV không? Đây là một hình thức quan hệ tình dục khá an toàn, giúp tránh mang thai ngoài ý muốn và giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Xét nghiệm ELISA để chẩn đoán HIV
Xét nghiệm ELISA để chẩn đoán HIV

Xét nghiệm ELISA được khuyến nghị cho những trường hợp đã phơi nhiễm với HIV hoặc có nguy cơ bị lây nhiễm HIV.

HIV Có Lây Truyền Qua Quan Hệ Tình Dục Bằng Miệng Không?
HIV Có Lây Truyền Qua Quan Hệ Tình Dục Bằng Miệng Không?

Quan hệ bằng miệng có bị HIV không? Đây không chỉ là câu hỏi mà còn là vấn đề cũng được rất nhiều bạn trẻ quan tâm và chú ý. Để tìm kiếm và giải đáp câu trả lời này. Hãy tham khảo nội dung bài viết dưới đây!

Giải đáp những thắc mắc về sự lây truyền HIV
Giải đáp những thắc mắc về sự lây truyền HIV

HIV lây truyền qua các chất dịch cơ thể có chứa virus, gồm có máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, hậu môn và sữa mẹ.

Tìm Hiểu Về Nguy Cơ Lây Nhiễm HIV Khi Quan Hệ Tình Dục
Tìm Hiểu Về Nguy Cơ Lây Nhiễm HIV Khi Quan Hệ Tình Dục

Lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục có thể khi không dùng bao cao su, dùng chung kim tiêm. Hoặc nhiều lý do khác nhau. Vậy những nguy cơ nào có thể bị nhiễm bệnh, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây