HIV Có Lây Truyền Qua Quan Hệ Tình Dục Bằng Miệng Không?
Dưới đây là những chia sẻ từ chuyên gia với chủ đề "Quan hệ bằng miệng có bị HIV không". Mời bạn đọc cùng theo dõi và tham khảo?
Quan hệ bằng miệng có bị HIV không?
HIV (virus suy giảm miễn dịch ở người) là một loại virus tấn công các tế bào giúp cơ thể chống lại bệnh tật (tế bào CD4). Điều này khiến người nhiễm HIV dễ bị nhiễm trùng và các bệnh khác.
Từ nhiều thập kỷ trước, nghiên cứu đã chứng minh rằng HIV lây truyền khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc đường hậu môn. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy liệu một người có thể bị nhiễm HIV khi quan hệ tình dục bằng miệng hay không.
HIV lây truyền khi chất dịch cơ thể của người mang virus tiếp xúc với máu của người bình thường. Điều này có thể xảy ra khi da có vết xước, loét hoặc virus cũng có thể xâm nhập qua mô niêm mạc của âm đạo, trực tràng, bao quy đầu hoặc lỗ niệu đạo ở đầu dương vật.
Một người có thể bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) khi quan hệ bằng miệng hay sử dụng miệng, môi và lưỡi để kích thích bộ phận sinh dục, hậu môn của bạn tình bị bệnh. Tuy nhiên, đây không phải là một con đường lây truyền HIV phổ biến.
Cùng đọc tiếp để tìm hiểu lý do tại sao cùng những con đường lây truyền HIV phổ biến và biện pháp để giảm thiểu nguy cơ.
Các con đường lây truyền HIV
HIV có thể lây truyền qua 6 loại chất dịch cơ thể là:
- Máu
- Tinh dịch
- Dịch trước khi xuất tinh (dịch tiền xuất tinh)
- Sữa mẹ
- Dịch hậu môn
- Dịch âm đạo
Quan hệ tình dục bằng miệng và nguy cơ lây truyền HIV
Quan hệ tình dục bằng miệng có nguy cơ lây truyền HIV khá thấp so với các con đường lây truyền khác. Khả năng bị nhiễm HIV khi quan hệ qua đường hậu môn và đường âm đạo sẽ cao hơn nhiều. Ngoài ra, HIV còn lây truyền qua đường máu, ví dụ như khi dùng chung bơm kim tiêm để tiêm chích ma túy, không thay kim mới khi xăm mình hay khi tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh và lây từ mẹ sang con trong thời gian mang thai, trong khi sinh hoặc khi cho con bú.
Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục bằng miệng không phải là bằng 0. Một người vẫn có thể bị nhiễm HIV qua con đường này. Chỉ có điều, trong số rất nhiều nghiên cứu cho đến thời điểm hiện tại thì mới có rất ít bằng chứng cho thấy HIV lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng.
Tại sao lại như thế?
Rất khó để xác định được chính xác nguy cơ lây truyền HIV khi quan hệ tình dục bằng miệng. Lý do là bởi vì đa phần, hình thức thân mật này hầu như luôn đi kèm với quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc đường hậu môn. Vì thế nên khi bị nhiễm HIV thì rất khó biết virus đã xâm nhập vào cơ thể qua con đường nào.
Quan hệ tình dục miệng - dương vật có tiềm ẩn nguy cơ lây truyền HIV nhưng ở mức khá thấp.
- Đối với người "nhận": Người ở bên "nhận" (receptive) khi quan hệ tình dục bằng miệng có nguy cơ lây nhiễm HIV từ bạn tình ở mức thấp. Trên thực tế, theo kết quả của một nghiên cứu vào năm 2002 thì nguy cơ này là gần như bằng 0. Lý do là bởi các enzyme trong nước bọt có khả năng trung hòa nhiều tế bào của HIV và làm giảm khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc với virus.
- Đối với người "cho": Người ở bên "cho" (insertive) khi quan hệ tình dục bằng miệng cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bạn tình rất thấp vì nước bọt không có chứa virus.
Đến nay vẫn chưa có tài liệu nào ghi nhận HIV lây truyền khi quan hệ qua đường miệng - âm đạo.
Quan hệ tình dục miệng - hậu môn cũng tiềm ẩn nguy cơ nhưng không cao. Nguy cơ này đặc biệt thấp đối với người được thâm nhập. Trên thực tế, nguy cơ lây truyền HIV khi quan hệ tình dục miệng - hậu môn là dưới 1% ở các cặp vợ chồng có một người bị HIV.
Yếu tố làm tăng nguy cơ
Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV:
- Vị trí: Nguy cơ lây truyền sẽ thay đổi tùy thuộc vào việc người bị HIV là người “cho" hay người "nhận” khi quan hệ tình dục bằng miệng. Nếu là người “nhận” thì đối phương sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn vì trong khoang miệng có thể có nhiều vết xước nhỏ li ti hoặc vết loét và virus từ dịch sinh dục của người bệnh sẽ xâm nhập vào. Mặt khác, nước bọt không chứa virus nên nếu người bị HIV là người "cho" thì đối phương sẽ có nguy cơ thấp.
- Tải lượng virus: Nguy cơ lây truyền HIV sẽ cao hơn nếu người nhiễm HIV có tải lượng virus cao. Số lượng virus trong cơ thể càng cao thì càng dễ lây truyền sang người khác.
- Xuất tinh: Khi quan hệ tình dục bằng miệng, xuất tinh sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền virus nhưng đây không phải là cách duy nhất mà HIV có thể lây từ người này sang người kia.
- Có vết xước hoặc vết loét: Các vết thương hở trong miệng, âm đạo, hậu môn hoặc trên dương vật là con đường để HIV xâm nhập vào cơ thể. Đây có thể là những vết thương do nhiễm trùng hoặc các vấn đề, bệnh lý khác. Ví dụ, một bệnh nhiễm trùng liên quan đến HIV là nhiễm nấm candida (nhiễm trùng nấm men) có thể gây ra vết loét, khiến cho bề mặt mô không còn nguyên vẹn và tạo điều kiện cho HIV xâm nhập. Bất kỳ vết thương hở nào trên da đều khiến một người có nguy cơ cao lây truyền hoặc nhiễm virus.
- Đang trong kỳ kinh nguyệt: Các tế bào mang HIV sẽ bong khỏi cổ tử cung trong kỳ kinh nguyệt. Do đó, tiếp xúc với máu kinh nguyệt của người bị HIV bằng miệng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm virus.
- Viêm niệu đạo: Tình trạng này khiến niệu đạo bị viêm nhiễm và có vết thương hở, do đó cũng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Những người bị HIV cũng dễ lây lan virus hơn khi bị viêm niệu đạo.
Các biện pháp phòng ngừa
Nguy cơ lây nhiễm hoặc lây truyền HIV khi quan hệ tình dục bằng miệng là khá thấp nhưng không phải là không có. Có thể thực hiện các biện pháp dưới đây để giảm thiểu nguy cơ.
Đối với người nhiễm HIV
Khi tải lượng virus ở mức không thể phát hiện được thì khả năng lây truyền là gần như bằng không. Cách duy nhất để giảm tải lượng virus là điều trị bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV) theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trên thực tế, nghiên cứu đã chứng minh liệu pháp kháng virus làm giảm tới 96% nguy cơ lây truyền virus ở các cặp vợ chồng có một người bị HIV.
Đối với người không nhiễm HIV
Những người không bị HIV nhưng có bạn tình nhiễm HIV nên sử dụng biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Đây là phương pháp uống thuốc kháng virus hàng ngày để tránh bị nhiễm HIV khi tiếp xúc với virus. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu được sử dụng đều đặn, PrEP làm giảm khoảng 99% nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục với người dương tính. Tuy nhiên, vẫn nên sử dụng bao cao su mỗi khi thân mật.
Nếu đã lỡ quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su với người nhiễm HIV hoặc người nghi ngờ bị HIV thì cần đến ngay cơ sở y tế để được kê thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) để tránh bị bệnh.
Tuy nhiên, thuốc này chỉ có tác dụng khi được dùng trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm bị phơi nhiễm nên phải đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Quan hệ tình dục an toàn
Mặc dù tinh dịch và dịch tiền xuất tinh không phải là con đường duy nhất lây truyền HIV nhưng là những con đường phổ biến nhất. Xuất tinh khi quan hệ tình dục bằng miệng sẽ làm tăng nguy cơ. Khi cảm thấy mình hoặc đối phương sắp xuất tinh thì hãy nhanh chóng đưa dương vật ra khỏi miệng để ngăn ngừa rủi ro.
Các biện pháp bảo vệ như bao cao su và màng chắn miệng có thể được sử dụng trong tất cả các hình thức quan hệ tình dục bằng miệng. Cần thay bao cao su và màng chắn miệng mới khi di chuyển từ âm đạo hoặc dương vật sang hậu môn và ngược lại.
Ngoài ra, nên sử dụng gel bôi trơn để giảm ma sát và tránh bị trầy xước. Không quan hệ tình dục bằng miệng khi đang có bất kỳ vết xước hay vết loét nào trong miệng hoặc nhận thấy đối phương có vết xước, vết loét ở bộ phận sinh dục. Bất kỳ vết xước nào, dù là nhỏ nhất cũng đều có thể làm tăng nguy cơ lây truyền mầm bệnh.
Không dùng răng cắn bộ phận sinh dục hay hậu môn của đối phương khi quan hệ tình dục bằng miệng. Điều này sẽ tạo vết thương hở và làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Các biện pháp phòng ngừa khác
- Biết tình trạng sức khỏe tình dục của bản thân và của đối phương
- Làm xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục thường xuyên
- Chăm sóc sức khỏe răng miệng để tránh bị trầy xước, lở loét trong miệng
Một trong những cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và đối phương là chia sẻ về tình trạng sức khỏe tình dục với nhau. Nếu không biết thì nên đến bệnh viện làm xét nghiệm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục khác.
Cả hai người đều nên làm xét nghiệm thường xuyên. Nếu mắc bệnh thì sẽ có thể sớm can thiệp điều trị và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây bệnh sang người kia.
Chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt cũng là một cách để phòng ngừa nhiều vấn đề, bao gồm cả HIV. Răng, lợi và mô mềm trong miệng ở trạng thái khỏe mạnh sẽ làm giảm nguy cơ bị chảy máu và các bệnh nhiễm trùng khác. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm virus.
Hy vọng với kiến thức về "HIV có lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng không?" giúp bạn trả lời được những thắc mắc cho mình. Để hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh ký. Hãy xem tại website: https://suckhoe123.vn/ nhé!
>>> Tham khảo thêm: Tại Sao Lại Bị Nhiễm Nấm Âm Đạo Sau Khi Quan Hệ Tình Dục
Bao cao su là một phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa lây truyền HIV khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nhiều người lại không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng không đúng cách. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền HIV và các bệnh lây qua đường tình dục (STD) khác.
Hiểu rõ hơn về các con đường lây truyền HIV sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm virus. HIV không lây qua các hình thức tiếp xúc thông thường như hôn, bắt tay, ôm hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống.
Nhiều người cho rằng muỗi có thể hút máu của người nhiễm HIV và mang mầm bệnh truyền sang người khác. Điều này có đúng không?
Quan hệ tình dục là con đường lây truyền HIV phổ biến và các bệnh lây qua đường tình dục (STD/STI) khác.
Trong giai đoạn cấp tính, hầu hết những người bị HIV đều chưa biết mình đã nhiễm virus do các triệu chứng ban đầu thường tự hết hoặc rất giống với một số bệnh khác ví dụ như cảm cúm.