1

Tải lượng virus HIV có nghĩa là gì?

Ở những người sống chung với HIV, tải lượng virus sẽ cho biết các loại thuốc kháng virus đang dùng có hiệu quả hay không.
tai luong HIV Tải lượng virus HIV có nghĩa là gì?

Tải lượng virus là gì?

Ở những người nhiễm HIV, tải lượng virus là số lượng HIV trong một đơn vị thể tích máu. Mục tiêu của phác đồ điều trị HIV là giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được. Có nghĩa là, số lượng HIV trong máu bị giảm xuống mức đủ thấp để xét nghiệm không thể phát hiện ra.

Đối với những người sống chung với HIV, tải lượng virus sẽ cho biết các loại thuốc kháng virus (thuốc ARV) đang dùng có hiệu quả hay không.

Hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm về tải lượng virus khi nhiễm HIV và xét nghiệm đo tải lượng virus.

Tải lượng virus HIV và số lượng tế bào CD4

HIV tấn công các tế bào CD4 (một loại tế bào T). Đây là các tế bào bạch cầu và là một phần của hệ miễn dịch. Số lượng tế bào CD4 cung cấp thông tin sơ bộ về tình trạng hệ miễn dịch của một người. Những người không nhiễm HIV thường có từ 500 đến 1.500 tế bào CD4.

Tải lượng virus cao sẽ làm giảm số lượng tế bào CD4. Khi số lượng tế bào CD4 dưới 200 thì nguy cơ mắc các bệnh khác sẽ tăng cao. Nguyên nhân là vì khi có quá ít tế bào CD4 thì chức năng miễn dịch sẽ kém và cơ thể khó chống lại bệnh tật. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như nhiễm trùng và một số bệnh ung thư.

HIV không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe và tiến triển sang giai đoạn cuối hay AIDS. Tuy nhiên, khi uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, số lượng tế bào CD4 sẽ tăng dần lên theo thời gian. Hệ miễn dịch sẽ lại trở nên khỏe hơn và có khả năng chống lại nhiễm trùng tốt hơn.

Việc đo tải lượng virus và số lượng tế bào CD4 sẽ giúp biết được phác đồ điều trị hiện tại có đang phát huy hiệu quả tiêu diệt HIV trong máu và phục hồi hệ miễn dịch hay không. Mục tiêu điều trị là đạt được tải lượng virus không phát hiện được và số lượng tế bào CD4 cao.

Xét nghiệm đo tải lượng virus

Xét nghiệm đo tải lượng virus cho biết số lượng HIV trong 1ml máu. Xét nghiệm này được thực hiện ngay tại thời điểm một người nhận được kết quả chẩn đoán nhiễm HIV, trước khi bắt đầu điều trị và sau đó phải tiến hành định kỳ để theo dõi hiệu quả của thuốc.

Để tăng số lượng tế bào CD4 và giảm tải lượng virus thì cần phải tuân thủ phác đồ điều trị. Nhưng ngay cả khi một người uống thuốc theo đúng chỉ định thì các loại thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn khác đang dùng hay thực phẩm chức năng đôi khi có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc ARV. Do đó, cần thông báo với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc mới nào, bao gồm cả thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn và thực phẩm chức năng.

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tải lượng virus ở mức có thể phát hiện thì bác sĩ sẽ phải điều chỉnh lại phác đồ điều trị cho hiệu quả hơn.

Tải lượng virus và nguy cơ lây truyền HIV

Tải lượng virus càng cao thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác càng lớn. Sự lây truyền có thể xảy ra khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su, dùng chung bơm kim tiêm và lây từ mẹ sang con khi mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.

Khi uống thuốc đều đặn và đúng cách thì sẽ có thể làm giảm tải lượng virus và đồng thời làm giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Ngược lại, việc không uống thuốc đều đặn hoặc hoàn toàn không dùng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền virus.

Có tải lượng virus không thể phát hiện được không có nghĩa là đã được chữa khỏi HIV vì virus vẫn còn ẩn náu trong các bộ phận khác của hệ miễn dịch. Tải lượng virus không phát hiện được chỉ có nghĩa là loại thuốc đang dùng có hiệu quả ngăn chặn sự phát triển của virus. Chỉ khi dùng thuốc ARV liên tục thì mới có thể ức chế virus thành công.

Một khi ngừng dùng thuốc thì tải lượng virus sẽ lại tăng. Và nếu tải lượng virus tăng lên mức có thể phát hiện được thì HIV sẽ lây truyền sang người khác qua các chất dịch cơ thể như tinh dịch, dịch tiết âm đạo, hậu môn, máu và sữa mẹ.

Lây truyền qua đường tình dục

Khi đạt được tải lượng virus không phát hiện được thì nguy cơ lây truyền HIV cho người khác là bằng 0.

Trong 2 nghiên cứu vào năm 2016 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (Journal of the American Medical Association) và Tạp chí Y học New England (The New England Journal of Medicine), các nhà nghiên cứu đã không phát hiện thấy sự lây truyền virus từ người nhiễm HIVvà đã điều trị bằng thuốc ARV trong ít nhất 6 tháng sang bạn tình âm tính với HIV. Những người tham gia nghiên cứu không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại chưa chắc chắn về tác động của các bệnh lây qua đường tình dục (STD) khác đối với nguy cơ lây truyền HIV. Việc mắc một STD khác có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV ngay cả khi tái lượng virus không phát hiện được.

Lây truyền khi mang thai và cho con bú

Ở những phụ nữ đang mang thai và sống chung với HIV, uống thuốc kháng virus đều đặn trong thai kỳ và khi sinh nở sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV sang con. Nhiều phụ nữ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh và con sinh ra không hề bị nhiễm virus nhờ tuân thủ tốt phác đồ điều trị bằng thuốc ARV.

Những trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV cần dùng thuốc ARV trong vòng 4 đến 6 tuần sau khi sinh và làm xét nghiệm trong 6 tháng đầu đời.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), những phụ nữ nhiễm HIV không nên cho con bú.

Nguyên nhân khiến tải lượng virus tăng

Điều quan trọng là phải theo dõi tải lượng virus thường xuyên. Bất cứ khi nào tải lượng virus tăng thì cũng cần phải xác định nguyên nhân. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến điều này gồm có:

  • Không dùng thuốc kháng virus đều đặn
  • HIV trong cơ thể đã đột biến
  • Dùng thuốc kháng virus không đúng liều lượng
  • Xảy ra sai sót trong quá trình làm xét nghiệm
  • Mắc các bệnh khác

Nếu tải lượng virus tăng lên sau một thời gian ở mức không phát hiện hoặc chưa bao giờ đạt được mức không thể phát hiện dù đã tuân thủ điều trị thì sẽ cần làm xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân.

Bao lâu nên xét nghiệm đo tải lượng virus một lần?

Tần suất làm xét nghiệm đo tải lượng virus ở mỗi người là khác nhau. Thông thường, xét nghiệm đo tải lượng virus được thực hiện ngay tại thời điểm có kết quả chẩn đoán HIV và sau đó xét nghiệm lại định kỳ để đánh giá hiệu quả của thuốc ARV.

Tải lượng virus thường giảm xuống mức không thể phát hiện trong vòng 3 tháng sau khi bắt đầu điều trị nhưng cũng có thể nhanh hơn. Tải lượng virus thường được đo từ 3 đến 6 tháng một lần nhưng cũng có thể xét nghiệm thường xuyên hơn nếu cần thiết.

Giảm nguy cơ lây truyền HIV khi quan hệ tình dục

Dù tải lượng virus đang ở mức nào thì những người nhiễm HIV vẫn cần thực hiện các biện pháp an toàn để bảo vệ bản thân và bạn tình. Các biện pháp này gồm có:

  • Uống thuốc ARV theo đúng chỉ định: khi dùng đúng cách, thuốc ARV sẽ làm giảm tải lượng virus và từ đó giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Một khi tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được thì nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục sẽ bằng 0.
  • Làm xét nghiệm STD: do tác động của các bệnh lây qua đường tình dục khác đến nguy cơ lây truyền HIV nên cả người dương tính với HIV và bạn tình âm tính đều nên làm xét nghiệm định kỳ và điều trị ngay nếu mắc.
  • Sử dụng bao cao su: sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục sẽ giúp làm giảm nguy cơ lây truyền HIV và các STD khác.
  • Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP): những người sống chung với người nhiễm HIV nên dùng thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Những loại thuốc này giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV khi tiếp xúc với virus. Khi dùng đúng cách, PrEP có thể làm giảm đến hơn 90% nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục.
  • Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP): những người nghi ngờ mình mới phơi nhiễm với HIV nên đến ngay cơ sở y tế để được cấp thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP). PEP giúp làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với HIV nhưng phải được dùng trong vòng 3 ngày kể từ khi thời điểm có nguy cơ phơi nhiễm và tiếp tục trong 4 tuần sau đó.
  • Xét nghiệm thường xuyên: những người sống chung với người nhiễm HIV nên làm xét nghiệm ít nhất một lần mỗi năm.

Cần làm gì khi biết mình bị nhiễm HIV?

Việc biết mình bị nhiễm HIV sẽ là một cú sốc lớn nhưng cần hiểu rằng, hiện nay, nhờ tiến bộ trong y học nên những người có “H” vẫn có thể sống khỏe mạnh. Bắt đầu điều trị từ sớm và uống thuốc ARV đều đặn sẽ làm giảm tải lượng virus và giảm nguy cơ mắc các bệnh khác. Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng mới nào thì cũng cần thông báo ngay cho bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và đi khám định kỳ để tăng cường chức năng miễn dịch và bảo vệ sức khỏe.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: có nghĩa
Tin liên quan
Liệu pháp kháng virus trong điều trị HIV
Liệu pháp kháng virus trong điều trị HIV

Sự ra đời của liệu pháp kháng virus đã tạo ra sự thay đổi lớn trong điều trị và phòng ngừa HIV. Phương pháp này đã mang lại hy vọng mới cho những người nhiễm HIV, giúp người bệnh có cuộc sống khỏe mạnh bình thường và tuổi thọ lâu dài.

Virus HIV Sống Được Bao Lâu Ngoài Môi Trường
Virus HIV Sống Được Bao Lâu Ngoài Môi Trường

Virus HIV sống được bao lâu ngoài môi trường? Sau khi rời khỏi cơ thể, HIV chỉ có thể hoạt động và có khả năng lây truyền trong một thời gian rất ngắn, trừ khi ở trong môi trường lý tưởng.

Khi nào cần làm xét nghiệm đếm số lượng tế bào T?
Khi nào cần làm xét nghiệm đếm số lượng tế bào T?

Xét nghiệm đếm số lượng tế bào T được thực hiện trong những trường hợp có các triệu chứng của rối loạn suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như HIV.

Retrovirus là gì? Có gì khác với virus?
Retrovirus là gì? Có gì khác với virus?

Có khá nhiều điểm khác biệt giữa retrovirus và các loại virus khác nhưng nhìn chung, điểm khác biệt chính là cách mà chúng sao chép trong tế bào chủ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây