1

Giải đáp những thắc mắc về sự lây truyền HIV

HIV lây truyền qua các chất dịch cơ thể có chứa virus, gồm có máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, hậu môn và sữa mẹ.
Giải đáp những thắc mắc về sự lây truyền HIV Giải đáp những thắc mắc về sự lây truyền HIV

HIV là gì?

HIV hay virus gây suy giảm miễn dịch ở người (human immunodeficiency virus) là một loại virus tấn công các tế bào có vai trò giúp cơ thể chống lại mầm bệnh. Do đó mà khi nhiễm HIV, người bệnh sẽ dễ bị nhiễm trùng và các bệnh khác. Nếu HIV không được điều trị thì sẽ tiến triển sang giai đọan AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Đây là lúc mà hệ miễn dịch đã bị suy yếu nghiêm trọng và rất dễ dẫn đến tử vong.
Hiện chưa có cách chữa trị khỏi HIV. Một khi bị nhiễm thì HIV sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời.

Các loại chất dịch cơ thể lây truyền HIV

HIV lây truyền qua các chất dịch cơ thể có chứa virus, gồm có máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, hậu môn và sữa mẹ. HIV lây truyền khi chất dịch cơ thể của một người dương tính đi trực tiếp vào máu hoặc qua niêm mạc, vết thương hở của người âm tính với HIV. Nước ối và dịch tủy sống cũng có chứa HIV nên nhân viên y tế cũng có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc. Các loại chất dịch khác của cơ thể, chẳng hạn như nước mắt và nước bọt, không chứa virus nên không lây truyền bệnh.

Các con đường lây truyền

Quan hệ tình dục là con đường lây truyền HIV phổ biến nhất, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo và đường hậu môn. Mặc dù HIV cũng có thể lây truyền qua cả quan hệ tình dục bằng miệng nhưng nguy cơ thấp hơn nhiều so với hai hình thức quan hệ còn lại. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn có nguy cơ lây truyền cao nhất. Lý do là bởi hậu môn không có khả năng tiết dịch bôi trơn như âm đạo nên dễ bị trầy xước và chảy máu hơn khi thâm nhập. Vết thương hở sẽ tạo điều kiện cho HIV xâm nhập vào cơ thể dễ dàng hơn. Điều này xảy ra ngay cả khi không bị chảy máu vì các vết nứt trên niêm mạc hậu môn có thể chỉ rất nhỏ.

HIV cũng có thể truyền từ mẹ sang con trong thời gian mang thai, khi sinh nở và khi cho con bú.

Một con đường lây truyền HIV khác là qua đường máu. Bất cứ khi nào tiếp xúc với máu của người bị HIV cũng đều có nguy cơ bị nhiễm virus. Điều này xảy ra khi:

  • Dùng chung bơm kim tiêm với người nhiễm HIV
  • Dùng chung kim xăm, kim châm cứu hay những vật dụng khác đâm qua da
  • Không tiệt khuẩn các dụng cụ mổ giữa hai ca phẫu thuật
  • Truyền máu hay ghép tạng
  • Dính máu của người bị HIV ở những chỗ có vết thương hở
  • Sử dụng chung các vật dụng có dính máu của người bị HIV như bàn chải hay dao cạo râu

Dùng chung bơm kim tiêm để tiêm chích ma túy hoặc thợ xăm không thay kim mới sau mỗi lần xăm là những con đường lây truyền HIV. Do đó, luôn phải sử dụng kim tiêm mới, không dùng lại kim đã qua sử dụng và khi đi xăm phải yêu cầu thợ xăm thay kim mới để tránh bị lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu khác như viêm gan siêu vi B, C.

Nguy cơ lây truyền HIV khi hiến máu và ghép tạng

Nguy cơ bị nhiễm HIV khi truyền máu và các chế phẩm từ máu khác hoặc hiến tạng hiện nay là vô cùng thấp và có thể nói là gần như không bao giờ xảy ra do những biện pháp xét nghiệm sàng lọc và đảm bảo an toàn. Tất cả máu sau khi hiến đều phải trải qua quá trình xét nghiệm để sàng lọc các bệnh lây qua đường máu như HIV, viêm gan siêu vi B,... Điều này bắt đầu được thực hiện trên thế giới vào năm 1985 sau khi các chuyên gia y tế phát hiện ra rằng máu là nguồn lây truyền HIV. Vào những năm 1990, các xét nghiệm phức tạp hơn đã được sử dụng để đảm bảo sự an toàn cho người được nhận máu và ghép tạng. Những đơn vị máu hiến có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV sẽ được loại bỏ một cách an toàn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), xác suất lây truyền HIV qua con đường truyền máu được ước tính là 1 trên 1.5 triệu.

Tiếp xúc thông thường và hôn không lây truyền HIV

Nhiều người cho rằng hôn hoặc tiếp xúc thông thường với người nhiễm HIV cũng có thể bị lây bệnh. Tuy nhiên, virus này không sống trên da và không thể tồn tại được trong thời gian dài bên ngoài cơ thể. Do đó, những tiếp xúc thông thường, chẳng hạn như nắm tay, ôm hoặc ngồi cạnh người nhiễm HIV sẽ không lây truyền virus. Nếu khép miệng khi hôn thì cũng không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, hôn sâu và mở miệng khi hôn lại tiềm ẩn nguy cơ vì virus có thể lây từ người này sang người kia qua máu, chẳng hạn như chảy máu lợi và các vết xước, vết loét bên trong miệng. Tuy nhiên, xác suất xảy ra điều này là rất thấp. HIV hoàn toàn không lây qua nước bọt.

Bị người nhiễm HIV cắn hay cào có bị lây virus không?

Bị người nhiễm HIV cào sẽ không bị nhiễm virus vì nếu chỉ có một người bị xước thì sẽ không trao đổi chất dịch cơ thể và không lây truyền bệnh. Nếu bị cắn nhưng da không bị rách thì cũng không có nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu vết cắn bị rách và chảy máu thì có thể sẽ bị nhiễm virus. Mặc dù vậy nhưng cho đến nay gần như vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mà HIV lây truyền khi bị người nhiễm bệnh cắn.

Quan hệ tình dục an toàn để phòng ngừa HIV

Mỗi một người có thể tự bảo vệ bản thân mình khỏi HIV bằng cách quan hệ tình dục an toàn, gồm có sử dụng bao cao su và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Phải sử dụng bao cao su mới mỗi khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng và hậu môn. Khi quan hệ qua đường miệng thì có thể dùng màng chắn miệng. Nếu cần sử dụng gel bôi trơn thì nên chọn sản phẩm gốc nước hoặc silicone vì các sản phẩm bôi trơn gốc dầu sẽ làm hỏng bao cao su và dẫn đến lây truyền bệnh cũng như là mang thai ngoài ý muốn. Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là phương pháp sử dụng thuốc kháng virus (thuốc ARV) hàng ngày cho những người chưa nhiễm HIV nhưng thuộc nhóm có nguy cơ cao để làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Theo CDC, việc sử dụng PrEP hàng ngày có thể giảm hơn 90% nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục.

Để quan hệ tình dục an toàn hơn thì hai người nên chia sẻ về tình trạng sức khỏe tình dục của nhau. Nếu không biết thì nên cùng nhau đi xét nghiệm. Nếu một người bị nhiễm HIV thì cần điều trị bằng thuốc kháng virus đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Một khi tải lượng virus đã giảm xuống mức không thể phát hiện được thì sẽ không còn khả năng lây truyền. Người kia nên điều trị dự phòng trước phơi nhiễm và làm xét nghiệm HIV cùng các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác định kỳ 6 tháng một lần.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: giải đáp, thắc mắc
Tin liên quan
Chúng ta đã đạt được những gì trong cuộc chiến chống HIV?
Chúng ta đã đạt được những gì trong cuộc chiến chống HIV?

Hãy cùng điểm qua những thành tựu mà nhân loại đã đạt được trong cuộc chiến đấu chống lại HIV.

HIV Có Lây Truyền Qua Quan Hệ Tình Dục Bằng Miệng Không?
HIV Có Lây Truyền Qua Quan Hệ Tình Dục Bằng Miệng Không?

Quan hệ bằng miệng có bị HIV không? Đây không chỉ là câu hỏi mà còn là vấn đề cũng được rất nhiều bạn trẻ quan tâm và chú ý. Để tìm kiếm và giải đáp câu trả lời này. Hãy tham khảo nội dung bài viết dưới đây!

Các dấu hiệu, triệu chứng HIV ở từng giai đoạn
Các dấu hiệu, triệu chứng HIV ở từng giai đoạn

Nếu không được điều trị, HIV sẽ tiến triển qua 3 giai đoạn là giai đoạn cấp tính, giai đoạn mãn tính và giai đoạn cuối hay AIDS.

Mỗi giai đoạn HIV ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Mỗi giai đoạn HIV ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Khi không được điều trị, HIV tiến triển qua 3 giai đoạn là HIV cấp tính, HIV mãn tính và AIDS.

Mối liên hệ giữa tải lượng virus và nguy cơ lây truyền HIV
Mối liên hệ giữa tải lượng virus và nguy cơ lây truyền HIV

Tải lượng virus thấp hoặc không thể phát hiện được cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động tích cực để kiểm soát tình trạng bệnh. Việc biết tải lượng virus sẽ giúp xác định phương pháp điều trị phù hợp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây