1

Các biến chứng nguy hiểm nhất của HIV/AIDS

Nhiễm HIV sẽ dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch. Điều này khiến cơ thể bị giảm khả năng chống lại các tác nhân gây hại, dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng cơ hội và nhiều bệnh tật khác.
Các biến chứng nguy hiểm nhất của HIV/AIDS Các biến chứng nguy hiểm nhất của HIV/AIDS

Theo thời gian, HIV tấn công các tế bào CD4. Đây là những tế bào đóng vai trò quan trọng trong chức năng của hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên, những người nhiễm HIV có thể chủ động bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội bằng cách uống thuốc kháng virus đều đặn hàng ngày theo chỉ định và duy trì các thói quen sống lành mạnh.

Dưới đây là một số biến chứng có thể xảy ra nếu HIV không được điều trị.

Các bệnh nhiễm trùng cơ hội

Nhiễm trùng cơ hội (opportunistic infection) là những bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hay nấm gây ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ như người nhiễm HIV. Ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh bình thường thì các tác nhân này sẽ không gây ảnh hưởng gì hoặc nếu có thì cũng chỉ ở mức nhẹ và có thể điều trị được dễ dàng. Tuy nhiên, ở người dương tính với HIV thì chúng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

Nói chung, các bệnh nhiễm trùng cơ hội thường chỉ xảy ra khi số lượng tế bào CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3 máu. Lúc này, người bệnh đã chuyển sang HIV giai đoạn cuối hay AIDS. Nếu tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng retrovirus (thuốc ARV) và số lượng tế bào CD4 cao trên 500 tế bào/mm3 máu thì sẽ gần như không có nguy cơ bị nhiễm trùng cơ hội.

Dưới đây là danh sách 20 bệnh nhiễm trùng cơ hội nhất ở những người nhiễm HIV:

  • Nhiễm nấm Candida: đây là vấn đề do một loại nấm men gây ra, có thể xảy ra ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể như miệng, âm đạo, dương vật... Nhiễm nấm Candida có thể được điều trị bằng thuốc trị nấm.
  • Bệnh nấm Coccidioidomycosis: dạng nhiễm nấm này có thể dẫn đến viêm phổi nếu không được điều trị.
  • Nhiễm nấm Cryptococcus: loại nấm này thường xâm nhập qua phổi rồi sau đó có thể nhanh chóng lây lan đến não và dẫn đến bệnh viêm màng não do nấm Cryptococcus. Nếu không được điều trị, bệnh này sẽ gây tử vong.
  • Bệnh do Cryptosporidium: bệnh này gây tiêu chảy mãn tính và đau quặn bụng.
  • Nhiễm virus cytomegalo: hầu hết người trưởng thành đều bị nhiễm loại virus này ít nhất một lần trong đời nhưng khi có hệ miễn dịch khỏe mạnh thì virus sẽ không gây ra vấn đề. Ở người nhiễm HIV, virus cytomegalo gây nhiễm trùng ở mắt hoặc đường tiêu hóa.
  • Bệnh não do HIV: còn được gọi là chứng sa sút trí tuệ do HIV. Đây là tình trạng thoái hóa não và thường xảy ra ở những người có số lượng tế bào CD4 dưới 100 tế bào /mm3.
  • Mụn rộp và bệnh zona thần kinh: mụn rộp có biểu hiện là nổi các mụn nước và vết loét đau đớn ở quanh miệng hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh zona thần kinh hay giời leo có triệu chứng là xuất hiện những mảng mụn nước đau buốt, nóng rát trên bề mặt da, thường là ở sau gáy, mặt, cổ, ngực, vai và mặt trong cánh tay ở một bên cơ thể. Mặc dù hiện chưa có cách chữa trị khỏi nhưng có thể giảm nhẹ các triệu chứng và tần suất các đợt bùng phát bằng thuốc kháng virus.
  • Nhiễm nấm Histoplasma: bệnh nhiễm nấm này thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
  • Cystoisosporiasis (Isosporiasis): do một loại nấm ký sinh xâm nhập vào cơ thể con người qua đồ ăn, thức uống. Bệnh này được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
  • Nhiễm phức hợp Mycobacterium avium (Mycobacterium avium complex): đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, đa phần chỉ xảy ra ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng (số lượng tế bào CD4 dưới 50 tế bào/mm3). Nếu vi khuẩn này xâm nhập vào máu thì có thể dẫn đến tử vong.
  • Viêm phổi do Pneumocystis carinii (PCP): bệnh này hiện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người nhiễm HIV. Khi mắc phải sẽ cần theo dõi sát sao và điều trị bằng thuốc kháng sinh.
  • Viêm phổi mãn tính: viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở một hoặc cả hai lá phổi. Nguyên nhân có thể là do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra.
  • Bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển (PML): thường xảy ra ở những người có số lượng tế bào CD4 dưới 200 tế bào/mm3. Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh này nhưng có thể giảm bớt triệu chứng ở những người nhiễm HIV bằng thuốc kháng retrovirus.
  • Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma (Toxoplasmosis): bệnh nhiễm ký sinh trùng này thường tấn công những người có số lượng tế bào CD4 dưới 200 tế bào/mm3. Những trường hợp có số lượng tế bào CD4 thấp sẽ cần điều trị dự phòng để giảm nguy cơ.
  • Bệnh lao: đây là một căn bệnh nhiễm trùng cơ hội rất phổ biến ở người nhiễm HIV. Nếu phát hiện và điều trị sớm thì hầu hết các trường hợp đều khỏi bệnh.
  • Hội chứng suy mòn do HIV: đây là tình trạng bị giảm hơn 10% khối lượng cơ thể. Có thể khắc phục bằng thuốc ARV và điều chỉnh chế độ ăn uống.

Các bệnh ung thư

Ngoài các bệnh nhiễm trùng cơ hội kể trên, người nhiễm HIV còn có nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư và 3 bệnh phổ biến nhất là:

  • Ung thư Kaposi (Kaposi sarcoma): bệnh ung thư này có biểu hiện là các đốm màu tím đỏ trên da. Các phương pháp điều trị ung thư Kaposi hiện nay gồm có xạ trị và hóa trị để thu nhỏ các khối u, đồng thời kết hợp với thuốc ARV để tăng số lượng tế bào CD4 trong cơ thể.
  • U lympho (ung thư hạch): đây là một dạng ung thư thường xảy ra ở những người nhiễm HIV. Phác đồ điều trị sẽ tùy thuộc vào loại ung thư và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
  • Ung thư cổ tử cung: những phụ nữ nhiễm HIV sẽ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn. Hệ miễn dịch bị suy yếu sẽ gây khó khăn cho việc điều trị bệnh ung thư này.

Khi một người nhiễm HIV bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư kể trên thì người đó được xác định là đã bước sang HIV giai đoạn cuối hay AIDS, bất kể số lượng tế bào CD4 hiện tại là bao nhiêu. Các bệnh nhiễm trùng cơ hội hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người nhiễm HIV. Tuy nhiên, tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc ARV và các phương pháp điều trị dự phòng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc phải các bệnh này.

Làm thế nào để sống khỏe mạnh khi nhiễm HIV?

Uống thuốc ARV đều đặn và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh hàng ngày sẽ giúp cải thiện đáng kể tuổi thọ cũng như là chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV. Những người nhiễm HIV có thể chủ động phòng tránh bệnh nhiễm trùng cơ hội và các bệnh khác bằng các cách dưới đây:

  • Dùng các loại thuốc cần thiết hàng ngày theo đúng chỉ định của bác sĩ, gồm có cả thuốc ARV và thuốc điều trị dự phòng (thuốc dùng để ngăn ngừa bệnh).
  • Tiêm vắc-xin ngừa một số bệnh, ví dụ như cúm, ung thư cổ tử cung, thủy đậu (cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh). Bác sĩ sẽ tư vấn những loại vắc-xin cần tiêm.
  • Sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)
  • Không uống nhiều rượu bia và sử dụng chất kích thích
  • Không đến những nơi có nhiều mầm bệnh
  • Không ăn thực phẩm sống và đồ ăn không đảm bảo vệ sinh
  • Rửa tay cẩn thận cả trước và sau khi chế biến thức ăn
  • Uống nước đun sôi

Tóm tắt bài viết

Tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV và duy trì lối sống lành mạnh sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ HIV tiến triển thành AIDS và xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Các loại thuốc hiện nay đã cải thiện đáng kể tuổi thọ và chất lượng cuộc sống cho những người nhiễm HIV.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: biến chứng, nguy hiểm
Tin liên quan
Các Biểu Hiện Ngoài Da Của HIV/AIDS
Các Biểu Hiện Ngoài Da Của HIV/AIDS

Các biểu hiện ngoài da của HIV là gì? Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu do nhiễm HIV thì sẽ rất dễ mắc phải các vấn đề về da gây phát ban, lở loét và các dạng tổn thương da khác.

Các Triệu Chứng Nhiễm HIV Phổ Biến Ở Nam Giới
Các Triệu Chứng Nhiễm HIV Phổ Biến Ở Nam Giới

Triệu chứng nhiễm HIV ở nam giới phổ biến là gì? Mỗi một giai đoạn của HIV lại có những biểu hiện khác nhau.Các giai đoạn phát triển của HIV sẽ như thế nào?

9 triệu chứng phổ biến khi nhiễm HIV ở phụ nữ
9 triệu chứng phổ biến khi nhiễm HIV ở phụ nữ

Nói chung, đa số các triệu chứng của HIV ở nam giới và phụ nữ là giống nhau nhưng có một số triệu chứng chỉ xảy ra ở nữ giới.

Móng tay, móng chân có gì thay đổi khi nhiễm HIV/AIDS?
Móng tay, móng chân có gì thay đổi khi nhiễm HIV/AIDS?

Nhận biết những thay đổi bất thường trên móng tay, móng chân ở người nhiễm HIV sẽ rất có ích cho việc điều trị. Một số thay đổi là dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm HIV đã tiến triển sang giai đoạn cuối.

Sự khác biệt giữa HIV và AIDS
Sự khác biệt giữa HIV và AIDS

Cụm từ HIV/AIDS thường đi liền với nhau nên khiến nhiều người hiểu nhầm. Thực chất, HIV và AIDS là hai khái niệm khác nhau.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây