1

Các Biểu Hiện Ngoài Da Của HIV/AIDS

Các biểu hiện ngoài da của HIV là gì? Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu do nhiễm HIV thì sẽ rất dễ mắc phải các vấn đề về da gây phát ban, lở loét và các dạng tổn thương da khác.
Các Biểu Hiện Ngoài Da Của HIV/AIDS Các Biểu Hiện Ngoài Da Của HIV/AIDS

Biểu hiện ngoài da của HIV là một trong những dấu hiệu sớm nhất và thường xuất hiện trong giai đoạn đầu hay còn gọi là giai đoạn cấp tính. Trong một số trường hợp, những thay đổi này còn là dấu hiệu của ung thư da hay những bệnh nhiễm trùng khác xảy ra khi HIV đã tiến triển sang giai đoạn cuối và hệ miễn dịch đã suy yếu nghiêm trọng.

Khoảng 90% người nhiễm HIV đều sẽ bị một vấn đề nào đó về da trong suốt quá trình mắc bệnh. Các vấn đề về da này thường thuộc một trong ba loại là:

  • Viêm da
  • Các bệnh nhiễm trùng, gồm có nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm, virus và ký sinh trùng
  • Ung thư da

Các vấn đề về da do HIV cũng sẽ cải thiện khi điều trị bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV).

Các giai đoạn của HIV

HIV thường tiến triển qua 3 giai đoạn, gồm có:

  • Giai đoạn đầu hay giai đoạn cấp tính: Virus sinh sôi nhanh chóng trong cơ thể và gây ra các triệu chứng giống bệnh cúm, ví dụ như sốt, đau rát họng, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết, đau nhức cơ thể, mệt mỏi,…
  • Giai đoạn 2 hay giai đoạn mãn tính: Virus sinh sôi với tốc độ chậm hơn và các triệu chứng ở giai đoạn cấp tính thường biến mất. Người bệnh có thể không gặp phải bất kỳ biểu hiện, triệu chứng nào. Giai đoạn này có thể kéo dài 5 - 10 năm hoặc lâu hơn.
  • Giai đoạn cuối hay giai đoạn AIDS: Hệ miễn dịch đã bị tổn hại nặng nề do HIV. Ở giai đoạn này, số lượng tế bào CD4 (tế bào miễn dịch) trong máu giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3. Số lượng tế bào này ở người bình thường là 500 đến 1600 tế bào/mm3.

Người bệnh thường chủ yếu gặp phải các vấn đề về da ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của HIV.

Biểu hiện ngoài da của HIV
Biểu hiện ngoài da của HIV

Nhiễm nấm là vấn đề đặc biệt phổ biến khi hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng trong giai đoạn cuối. Các bệnh nhiễm trùng xảy ra trong giai đoạn này được gọi là bệnh nhiễm trùng cơ hội vì các loại virus, vi khuẩn lợi dụng lúc hệ miễn dịch suy yếu để gây ra vấn đề.

Viêm da

Viêm da là một trong những vấn đề phổ biến nhất ở người bị HIV. Các phương pháp điều trị thường là:

  • Thuốc kháng histamine
  • Thuốc kháng virus
  • Thuốc bôi steroid
  • Kem dưỡng ẩm

Một số dạng viêm da có thể xảy ra khi bị nhiễm HIV gồm có:

Da khô

Khô da là một vấn đề thường gặp, có biểu hiện là bề mặt da sần sùi, thô ráp, bong tróc, nứt nẻ và còn gây cảm giác ngứa ngáy. Vấn đề này có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng thường là ở cánh tay và cẳng chân. Khô da là tình trạng vô cùng phổ biến, ngay cả ở những người không bị HIV. Nguyên nhân thường là do thời tiết khô hanh hoặc khí hậu quá nóng, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc thường xuyên tắm nước nóng.

Thường thì có thể khắc phục tình trạng khô da bằng kem dưỡng ẩm và thay đổi thói quen, chẳng hạn như không tắm nước quá nóng hay ngâm mình trong bồn tắm quá lâu. Tuy nhiên, các trường hợp nghiêm trọng có thể phải dùng đến thuốc bôi đặc trị.

Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa hay bệnh chàm là một dạng viêm da mãn tính gây những mảng da ửng đỏ, bong tróc, khô ráp và ngứa ngáy. Tình trạng này có thể xảy ra ở nhiều bộ phận của cơ thể, gồm có:

  • Cẳng chân
  • Mắt cá chân
  • Cánh tay
  • Cổ tay
  • Cổ
  • Mí mắt

Bên trong đầu gối và khuỷu tay

Các triệu chứng bệnh thường xảy ra do một số tác nhân kích hoạt như phấn hoa, nấm mốc, lông vật nuôi, căng thẳng, khí hậu khô hoặc các chất gây kích ứng da trong các sản phẩm như xà phòng, dầu gội, mỹ phẩm,…

Viêm da cơ địa có thể được điều trị bằng thuốc bôi corticoid, thuốc ức chế calcineurin và thuốc trị ngứa. Các trường hợp nhiễm trùng cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Ở những người nhiễm HIV, các triệu chứng viêm da cơ địa rất dễ tái phát.

Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã chủ yếu xảy ra ở vùng mặt và da đầu, gây nên hiện tượng mẩn đỏ, da tróc vảy và đầu nhiều gàu. Tình trạng này còn được gọi là viêm da dầu hay chàm da mỡ.

Dạng viêm da này chỉ xảy ra ở khoảng 5% dân số nhưng tỷ lệ ở những người nhiễm HIV/AIDS lên đến 85 - 90%.

Biểu hiện ngoài da của HIV là viêm da
Biểu hiện ngoài da của HIV là viêm da

Hiện chưa có cách chữa khỏi viêm da tiết bã nhưng các phương pháp điều trị sẽ giúp làm giảm triệu chứng. Một số phương pháp điều trị phổ biến là dùng thuốc bôi, dầu gội trị gàu và kem dưỡng có chứa thành phần phục hồi hàng rào bảo vệ da (skin barrier).

Viêm da tiếp xúc ánh sáng

Viêm da tiếp xúc ánh sáng xảy ra khi tia UV từ ánh nắng mặt trời gây phát ban, nổi mụn nước hoặc các mảng da khô, bong tróc. Ngoài các triệu chứng trên da, những người bị viêm da tiếp xúc ánh sáng còn gặp phải những triệu chứng khác như đau, nhức đầu, buồn nôn hoặc sốt.

Đây là một vấn đề thường gặp trong quá trình điều trị HIV bằng thuốc kháng virus, khi hệ miễn dịch cơ thể hoạt động quá mức và cả trong giai đoạn mà hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng.

Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan

Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan (eosinophillic folliculitis) là một tình trạng có biểu hiện đặc trưng là các sẩn đỏ, ngứa ở các nang lông trên da đầu và nhiều khu vực khác ở phần trên của cơ thể. Dạng viêm da này thường xảy ra ở giai đoạn cuối của HIV.

Đây là một vấn đề khó điều trị nhưng có thể kiểm soát các triệu chứng bằng thuốc uống, thuốc bôi và dầu gội đầu đặc trị.

Sẩn ngứa

Sẩn ngứa là một tình trạng mà da nổi các sẩn, cục gây ngứa ngáy và đóng vảy. Dạng viêm da này chủ yếu xảy ra trên chân và cánh tay.

Sẩn ngứa ảnh hưởng đến những người có hệ miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng. Tình trạng ngứa có thể trở nên nghiêm trọng đến mức khiến người bệnh phải gãi liên tục và gây chảy máu, tạo nên vết thương hở và dẫn đến nhiễm trùng.

Sẩn ngứa có thể được điều trị bằng các loại thuốc bôi steroid hoặc thuốc kháng histamine. Trong những trường hợp nghiêm trọng thì có thể phải tiến hành phương pháp áp lạnh. Nếu bị nhiễm trùng do gãi nhiều thì phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Các bệnh nhiễm trùng

Những người bị HIV/AIDS rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm, virus và ký sinh trùng do hệ miễn dịch đang bị suy yếu và không còn khả năng chống lại những tác nhân gây hại này. Dưới đây là các bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất.

Bệnh giang mai

Bệnh giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh có triệu chứng ở giai đoạn đầu hay giai đoạn nguyên phát là xuất hiện các vết loét (hay được gọi là săng giang mai) không đau trên cơ quan sinh dục hoặc bất cứ vị trí nào tiếp xúc với vi khuẩn. Giai đoạn thứ phát hay giai đoạn 2 của bệnh giang mai cũng có biểu hiện là đau rát họng, sưng hạch bạch huyết và phát ban. Các vết phát ban không ngứa và thường chủ yếu xuất hiện ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.

Biểu hiện ngoài da của HIV - Giang Mai
Biểu hiện ngoài da của HIV - Giang Mai

Bệnh giang mai chỉ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, chẳng hạn như khi quan hệ tình dục. Vì do vi khuẩn gây ra nên giang mai được điều trị bằng thuốc kháng sinh, thường là tiêm penicillin. Trong những trường hợp bị dị ứng với penicillin thì bác sĩ sẽ kê một loại kháng sinh khác.

Vì giang mai và HIV có chung một số yếu tố nguy cơ nên những người được chẩn đoán mắc bệnh giang mai cũng nên làm xét nghiệm sàng lọc HIV.

Nhiễm trùng nấm men

HIV làm tăng nguy cơ bị nấm miệng - một dạng nhiễm trùng do nấm Candida albicans (C. albicans) gây ra và có biểu hiện là hình thành lớp bột dày màu trắng trên bề mặt lưỡi, lở loét bên trong miệng và khóe miệng bị nứt nẻ, gây đau đớn.

Nấm miệng thường xảy ra khi số lượng tế bào CD4 giảm xuống mức thấp. Phương pháp điều trị ở người nhiễm HIV là dùng thuốc kháng virus để làm tăng số lượng tế bào CD4.

Các bệnh do nhiễm nấm khác cũng thường xảy ra ở những người nhiễm HIV là:

  • Nấm kẽ: tình trạng viêm da xảy ra ở các nếp gấp da như bẹn hoặc nách, gây đau rát và mẩn đỏ
  • Nấm móng, khiến cho móng dày lên
  • Nấm bàn chân: xảy ra ở vùng da xung quanh móng, đau và sưng tấy
  • Nhiễm nấm âm đạo: xảy ra ở phụ nữ khi số lượng nấm Candida trong âm đạo sinh sôi, phát triển quá mức

Có thể điều trị những bệnh nhiễm trùng do nấm này bằng các loại thuốc trị nấm.

Zona thần kinh

Zona thần kinh hay giời leo là một bệnh do virus Varicella Zoster gây ra – cùng một loại virus gây bệnh thủy đậu. Zona thần kinh có triệu chứng là mẩn đỏ, nổi mảng mụn nước đau đớn và ngứa ngáy. Bệnh này xảy ra ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn cuối của HIV.

Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV và bị zona thần kinh nên đi làm xét nghiệm sàng lọc HIV. Mặc dù bất cứ ai cũng có thể bị zona thần kinh nhưng bệnh này thường xảy ra phổ biến và trầm trọng hơn ở những người nhiễm HIV, đặc biệt là những người đang ở giai đoạn AIDS.

Phương pháp điều trị là dùng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, các cơn đau do zona thần kinh có thể tiếp diễn một thời gian khá dài sau khi những tổn thương trên da đã lành lại.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh zona thần kinh nên cân nhắc tiêm vắc-xin phòng ngừa. Vì nguy cơ mắc bệnh này tăng lên theo độ tuổi nên những người trên 50 tuổi là đối tượng được đặc biệt khuyến nghị tiêm vắc-xin.

Bệnh mụn rộp

Mụn rộp hay herpes là bệnh do virus herpes simplex (HSV) gây ra và cũng thường gặp ở những người bị AIDS. Triệu chứng của bệnh bùng phát thành từng đợt. Vào mỗi đợt, da bị nổi mụn nước ở quanh miệng hoặc ở bộ phận sinh dục, sau đó vỡ ra trở thành vết loét đau đớn và dần lành lại sau vài tuần. Nếu các đợt bùng phát xảy ra thường xuyên và kéo dài dai dẳng thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy một người đã bước sang giai đoạn cuối của HIV – giai đoạn AIDS.

Ở giai đoạn cuối của HIV, các tổn thương do bệnh mụn rộp nghiêm trọng hơn và lâu lành hơn.

Hiện chưa có phương pháp chữa dứt điểm bệnh mụn rộp nhưng có thể điều trị bằng các loại thuốc kháng virus để làm cho triệu chứng bớt nghiêm trọng hơn, nhanh khỏi hơn và giảm tần suất bùng phát. Có thể chỉ cần dùng thuốc khi triệu chứng bắt đầu tái phát hoặc cũng có thể phải uống thuốc hàng ngày, tùy theo mức độ nghiêm trọng.

U mềm lây

U mềm lây là bệnh do virus Molluscum contagiosum gây ra, có biểu hiện đặc trưng là nổi các nốt nhỏ màu hồng nhạt hoặc màu da, không đau và chủ yếu xuất hiện ở mặt, thân trên, cánh tay và chân. Loại virus này rất dễ lây lan và những người bị HIV là đối tượng có nguy cơ bị nhiễm cao nhất.

U mềm lây có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của HIV nhưng sự phát triển và lây lan nhanh chóng của các nốt trên da là dấu hiệu cho thấy bệnh đã tiến triển sang giai đoạn cuối – khi mà số lượng tế bào CD4 đã giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3.

U mềm lây không gây ra bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào và việc điều trị chủ yếu là nhằm mục đích thẩm mỹ. Các lựa chọn điều trị hiện tại gồm có phương pháp áp đông bằng nitơ lỏng, thuốc bôi ngoài da và đốt bằng laser. Có thể phải điều trị lặp đi lặp lại nhiều lần để loại bỏ hoàn toàn các nốt do u mềm lây. Tuy nhiên, cho dù không điều trị thì bệnh cũng sẽ tự khỏi. Vì virus Molluscum contagiosum chỉ sống ở lớp trên cùng của da nên một khi các nốt biến mất thì virus cũng sẽ không còn và không lây sang người khác nữa.

Biểu hiện ngoài da của HIV u mềm lây
Biểu hiện ngoài da của HIV u mềm lây

Bạch sản dạng lông ở miệng

Bạch sản dạng lông ở miệng là một bệnh nhiễm trùng do virus Epstein-Barr (EBV) gây ra. Một khi bị nhiễm thì virus này sẽ tồn tại trong cơ thể vĩnh viễn. EBV thường ở trạng thái không hoạt động nhưng chúng sẽ được kích hoạt khi hệ miễn dịch bị suy yếu (ví dụ như khi nhiễm HIV).

Biểu hiện đặc trưng là các mảng dày màu trắng trên lưỡi.

Bạch sản dạng lông ở miệng thường không gây đau và tự khỏi mà không cần điều trị.

Mặc dù không cần điều trị trực tiếp các tổn thương nhưng những người nhiễm HIV vẫn nên điều trị bằng thuốc kháng virus liên tục. Điều này giúp cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể và ngăn EBV hoạt động.

Mụn cóc

Mụn cóc là những sẩn nhỏ hình thành ở lớp trên cùng của da hoặc niêm mạc. Nguyên nhân là do HPV hay virus u nhú ở người gây ra.

Những sẩn này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể như mu bàn tay, ngón tay, lòng bàn chân và có nhiều hình dạng khác nhau, có thể phẳng hoặc lồi, nhẵn mịn hoặc sần sùi, mọc đơn lẻ hoặc thành cụm, màu da hoặc thâm xám.

Mụn cóc sinh dục thường có màu sẫm hoặc màu da, bề mặt sần sùi giống như súp lơ.

Những người dương tính với HIV có nguy cơ cao bị nhiễm HPV ở hậu môn và cổ tử cung nên cần làm xét nghiệm Pap smear thường xuyên hơn bình thường. Xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung là phương pháp nhằm phát hiện những tế bào bất thường – có thể là dấu hiệu của ung thư.

Có nhiều giải pháp để xử lý mụn cóc, gồm có áp lạnh, loại bỏ bằng axit, đốt bằng laser, điện, hoặc tiểu phẫu cắt bỏ. Ở người bình thường, kể cả không điều trị thì mụn cóc cũng sẽ tự biến mất sau vài năm nhưng HIV sẽ khiến hệ miễn dịch khó tiêu diệt được HPV và ngăn ngừa mụn cóc tiếp tục hình thành trở lại trong tương lai.

Cả những người dương tính và âm tính với HIV đều có thể giảm nguy cơ bị mụn cóc bằng cách tiêm vắc-xin ngừa HPV. Độ tuổi được khuyến nghị tiêm vắc-xin là từ 9 đến 26 tuổi.

Ung thư da

HIV làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có cả ung thư da.

Ung thư biểu mô

Những người bị HIV/AIDS có nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào đáy (basal cell carcinoma - BCC) và ung thư biểu mô tế bào vảy (squamous cell carcinoma - SCC) cao hơn so với người bình thường. Đây là những dạng ung thư da phổ biến nhất. Tuy nhiên, cả hai đều hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cả ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy đều là hậu quả của việc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời và thường xảy ra chủ yếu ở đầu, cổ và cánh tay.

Một nghiên cứu ở Đan Mạch được thực hiện ở những người bị nhiễm HIV đã cho thấy rằng tỷ lệ ung thư biểu mô tế bào đáy tăng cao ở những nam giới dương tính với HIV và có quan hệ tình dục đồng giới. Trong khi đó, những người có số lượng tế bào CD4 ở mức thấp chủ yếu bị ung thư biểu mô tế bào vảy.

Các trường hợp ung thư da thường cần làm phẫu thuật để loại bỏ các vùng tế bào da bất thường. Ngoài ra, một số trường hợp có thể xử lý bằng phương pháp áp lạnh.

Ung thư tế bào hắc tố

Ung thư tế bào hắc tố là một dạng ung thư da hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong. Bệnh này thường có biểu hiện là xuất hiện những nốt màu nâu đen không đối xứng, rìa lởm chởm và tương đối lớn so với nốt ruồi thông thường. Hình dạng và kích thước của những nốt này có thể thay đổi theo thời gian. Ung thư tế bào hắc tố còn gây ra các dải sậm màu ở bên dưới móng tay.

Ung thư tế bào hắc tố thường nghiêm trọng hơn ở những người nhiễm HIV, đặc biệt là những người có da trắng.

Giống như ung thư biểu mô, ung thư tế bào hắc tố cũng được điều trị bằng cách phẫu thuật hoặc bằng phương pháp áp lạnh để loại bỏ các khối u.

Ung thư da
Ung thư da

Ung thư Kaposi

Ung thư Kaposi (Kaposi sarcoma) là một dạng ung thư phát sinh ở lớp niêm mạc của mạch máu. Người bệnh có các vùng tổn thương da màu nâu sẫm, tím hoặc đỏ. Dạng ung thư này có thể ảnh hưởng đến phổi, đường tiêu hóa và gan, gây khó thở, thở gấp và sưng tấy trên da.

Những tổn thương da thường xuất hiện khi số lượng bạch cầu (WBC) giảm đột ngột và là dấu hiệu cho thấy HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, hệ miễn dịch đã bị tổn hại nghiêm trọng.

Các phương pháp chính để điều trị ung thư Kaposi là hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy thuốc kháng virus ARV đã làm giảm đáng kể số ca ung thư Kaposi mới ở người nhiễm HIV cũng như là mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh hiện tại.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị

Một số loại thuốc điều trị HIV cũng có thể gây hiện tượng phát ban, mẩn đỏ da, ví dụ như:

  • Thuốc ức chế men sao chép ngược không phải nucleoside (NNRTI), chẳng hạn như efavirenz (Sustiva) hoặc rilpivirine (Edurant)
  • Thuốc ức chế men sao chép ngược nucleoside (NRTI), chẳng hạn như abacavir (Ziagen)
  • Thuốc ức chế protease, chẳng hạn như ritonavir (Norvir) và atazanavir (Reyataz)

Một người bị nhiễm HIV có thể gặp phải một hoặc nhiều vấn đề về da kể trên cùng một lúc.

Tuy nhiên, việc phát hiện khi HIV mới ở giai đoạn đầu, bắt đầu điều trị ngay sau đó và tuân thủ đúng phác đồ điều trị sẽ giúp ngăn ngừa những vấn đề phát sinh do hệ miễn dịch suy yếu. Đa số các vấn đề về da liên quan đến HIV đều cũng sẽ được cải thiện khi điều trị bằng thuốc kháng virus ARV.

Tóm tắt bài viết

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và hệ miễn dịch mà một người có thể gặp phải một hoặc nhiều vấn đề về da khi bị nhiễm HIV. Có thể cần phải giải quyết từng vấn đề một cách riêng lẻ hoặc giải quyết tất cả cùng một lúc.

Khi phát hiện thấy có thay đổi nào trên da thì cần đi khám bác sĩ để kiểm tra. Dựa trên nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị, khắc phục phù hợp.

>>> Xem thêm: Các Giai Đoạn Của HIV Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe Cơ Thể

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Móng tay, móng chân có gì thay đổi khi nhiễm HIV/AIDS?
Móng tay, móng chân có gì thay đổi khi nhiễm HIV/AIDS?

Nhận biết những thay đổi bất thường trên móng tay, móng chân ở người nhiễm HIV sẽ rất có ích cho việc điều trị. Một số thay đổi là dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm HIV đã tiến triển sang giai đoạn cuối.

Các biến chứng nguy hiểm nhất của HIV/AIDS
Các biến chứng nguy hiểm nhất của HIV/AIDS

Nhiễm HIV sẽ dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch. Điều này khiến cơ thể bị giảm khả năng chống lại các tác nhân gây hại, dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng cơ hội và nhiều bệnh tật khác.

Sự khác biệt giữa HIV và AIDS
Sự khác biệt giữa HIV và AIDS

Cụm từ HIV/AIDS thường đi liền với nhau nên khiến nhiều người hiểu nhầm. Thực chất, HIV và AIDS là hai khái niệm khác nhau.

Virus HIV Sống Được Bao Lâu Ngoài Môi Trường
Virus HIV Sống Được Bao Lâu Ngoài Môi Trường

Virus HIV sống được bao lâu ngoài môi trường? Sau khi rời khỏi cơ thể, HIV chỉ có thể hoạt động và có khả năng lây truyền trong một thời gian rất ngắn, trừ khi ở trong môi trường lý tưởng.

Thuốc ức chế enzyme phiên mã ngược nucleoside/nucleotide (NRTI) trong điều trị HIV
Thuốc ức chế enzyme phiên mã ngược nucleoside/nucleotide (NRTI) trong điều trị HIV

Thuốc ức chế enzyme (men) phiên mã ngược nucleoside/nucleotide (NRTI) là một trong các loại thuốc điều trị HIV.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây