Bệnh giang mai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh giang mai là gì?
Bệnh giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) do một loại vi khuẩn có tên là Treponema pallidum (xoắn khuẩn giang mai) gây nên.
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh giang mai là xuất hiện vết loét nhỏ, không đau trên cơ quan sinh dục, trực tràng hoặc bên trong miệng. Vết loét này được gọi là săng (chancre). Rất nhiều người bị giang mai nhưng lại không hề chú ý đến vết loét này trong suốt một thời gian dài ban đầu.
Bệnh giang mai là một bệnh rất khó phát hiện vì có không ít người bị bệnh mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trong suốt nhiều năm kể từ lúc phơi nhiễm. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều bệnh khác, bệnh giang mai càng sớm được phát hiện thì triển vọng điều trị càng cao. Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh này có thể gây tổn hại lớn đến các cơ quan quan trọng, như tim và não.
Bệnh giang mai chỉ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với vết loét và không lây qua tiếp xúc gián tiếp ví dụ như mặc chung quần áo hoặc sử dụng chung dụng cụ ăn uống với người mắc bệnh.
Các giai đoạn và triệu chứng của bệnh giang mai
Bệnh giang mai gồm có 4 giai đoạn là:
- Giai đoạn nguyên phát
- Giai đoạn thứ phát
- Giai đoạn âm ỉ
- Giai đoạn tam phát
Bệnh giang mai dễ lây nhất ở hai giai đoạn đầu tiên.
Khi ở giai đoạn âm ỉ, bệnh vẫn có thể lây nhưng thường không biểu hiện triệu chứng. Giai đoạn tam phát là giai đoạn mà bệnh gây ảnh hưởng nặng nề nhất đối với cơ thể.
Giai đoạn nguyên phát
Giai đoạn đầu hay giai đoạn nguyên phát của bệnh giang mai bắt đầu sau khoảng từ 3 đến 4 tuần kể từ khi phơi nhiễm với dấu hiệu ban đầu là xuất hiện săng giang mai. Săng giang mai không đau nhưng rất dễ lây. Vết loét này có thể hình thành ở bất cứ nơi nào vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, chẳng hạn như xung quanh hoặc bên trong miệng, bộ phận sinh dục hoặc trực tràng.
Thông thường, sau khoảng 3 tuần từ khi bị phơi nhiễm thì săng giang mai sẽ xuất hiện, nhưng tùy từng trường hợp mà thời gian này dao động trong khoảng từ 10 đến 90 ngày. Các vết loét thường tồn tại trong khoảng từ 2 đến 6 tuần.
Bệnh giang mai lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với vết loét. Điều này thường xảy ra khi quan hệ tình dục, gồm có cả quan hệ tình dục bằng miệng.
Giai đoạn thứ phát
Phát ban da và đau họng là những triệu chứng thường gặp trong giai đoạn thứ hai của bệnh giang mai. Những vùng phát ban không gây ngứa và có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng thường là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số người thậm chí còn không biết là mình bị phát ban.
Các triệu chứng khác của bệnh giang mai giai đoạn thứ phát còn có:
- Đau đầu
- Sưng hạch bạch huyết
- Người mệt mỏi
- Sốt
- Sụt cân
- Rụng tóc
- Đau khớp
Những triệu chứng này sẽ tự biến mất cho dù có điều trị hay không. Tuy nhiên, khi không điều trị, dù không còn triệu chứng thì vẫn bị bệnh giang mai.
Do các triệu chứng kể trên đều rất phổ biến nên bệnh giang mai giai đoạn thứ phát thường bị nhầm với các vấn đề về sức khỏe khác.
Giai đoạn âm ỉ
Giai đoạn thứ ba của bệnh giang mai được gọi là giai đoạn âm ỉ. Các triệu chứng ở giai đoạn nguyên phát và thứ phát thường biến mất và không còn bất kỳ biểu hiện rõ rệt nào trong giai đoạn này. Tuy nhiên, vi khuẩn vẫn còn trong cơ thể. Giai đoạn này có thể kéo dài nhiều năm trước khi tiến triển sang giai đoạn tam phát.
Giai đoạn tam phát
Giai đoạn tam phát cũng là giai đoạn cuối của bệnh giang mai. Khoảng 15 đến 30% những người bị giang mai mà không điều trị sẽ bước vào giai đoạn này. Giai đoạn cuối của giang mai có thể kéo dài nhiều năm hoặc thậm chí vài chục năm kể từ lúc bắt đầu bị nhiễm bệnh. Bệnh giang mai ở giai đoạn này có thể gây tử vong hoặc gây nên một số vấn đề như:
- Mù
- Điếc
- Bệnh về tâm thần
- Mất trí nhớ
- Mô mềm và xương bị phá hủy
- Các bệnh thần kinh, chẳng hạn như đột quỵ hoặc viêm màng não
- Bệnh tim
- Giang mai thần kinh, một bệnh nhiễm trùng não hoặc tủy sống, gây bại liệt
Bệnh giang mai được chẩn đoán như thế nào?
Nếu bạn nghi ngờ có thể mình bị mắc bệnh giang mai thì cần đi khám càng sớm càng tốt. Bạn sẽ được thăm khám lâm sàng và lấy mẫu máu để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Nếu có vết loét thì bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm từ đó và phân tích để xác định có phải xoắn khuẩn giang mai hay không.
Nếu có các dấu hiệu vấn đề về thần kinh liên quan đến bệnh giang mai giai đoạn cuối thì sẽ cần chọc dò tủy sống hay lấy dịch tủy sống để phát hiện sự hiện diện của xoắn khuẩn giang mai.
Nếu bạn đang mang thai, bác sĩ sẽ tiến hành sàng lọc bệnh giang mai vì vi khuẩn có thể ở trong cơ thể mà bạn không biết. Mục đích của điều này là để ngăn ngừa thai nhi bị nhiễm giang mai bẩm sinh. Bệnh giang mai bẩm sinh có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho trẻ và thậm chí có thể gây tử vong.
Điều trị bệnh giang mai
Bệnh giang mai ở giai đoạn nguyên phát và thứ phát có thể dễ dàng điều trị bằng cách tiêm penicillin. Penicillin là một trong những loại kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất và có hiệu quả trong điều trị bệnh giang mai. Những người bị dị ứng với penicillin có thể được điều trị bằng một trong các loại kháng sinh khác như:
- doxycycline
- azithromycin
- ceftriaxone
Những người bị giang mai thần kinh sẽ cần tiêm penicillin vào tĩnh mạch hàng ngày và nằm viện trong thời gian ngắn. Khi tiến triển sang giai đoạn muộn, những tổn hại mà bệnh giang mai gây ra cho cơ thể sẽ không thể phục hồi được nữa. Lúc này, các phương pháp điều trị có thể tiêu diệt vi khuẩn nhưng mục đích chính là giảm đau và các triệu chứng của bệnh.
Trong quá trình điều trị, người bệnh không được quan hệ tình dục cho đến khi tất cả các vết loét trên cơ thể đã được chữa lành và bác sĩ xác nhận có thể quan hệ trở lại. Nếu như quan hệ trong thời gian này thì bạn tình có thể cũng sẽ bị nhiễm bệnh và cần điều trị. Lúc này, cả hai sẽ cần ngừng quan hệ cho đến khi hoàn thành quá trình điều trị để tránh lây nhiễm chéo.
Cách phòng bệnh giang mai
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh giang mai là sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, dù là bất cứ hình thức quan hệ nào. Ngoài ra, nên:
- Dùng màng chắn miệng hay tấm bảo vệ miệng khi quan hệ tình dục bằng miệng.
- Tránh dùng chung đồ chơi tình dục.
- Khám sàng lọc thường xuyên và vận động chồng/vợ hoặc người yêu cùng đi khám
Bệnh giang mai cũng có thể lây truyền qua đường máu nên cần tránh dùng chung kim tiêm nếu sử dụng các loại thuốc dạng tiêm.
Biến chứng của bệnh giang mai
Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh
Phụ nữ bị giang mai và mang bầu rất dễ bị sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Ngoài ra, người mẹ bị giang mai có thể truyền bệnh cho thai nhi và khiến cho trẻ sơ sinh bị giang mai bẩm sinh.
Giang mai bẩm sinh có thể đe dọa đến tính mạng và gây ra những vấn đề sau:
- Dị tật bẩm sinh
- Chậm phát triển
- Động kinh
- Phát ban
- Sốt
- Gan hoặc lách bị sưng phù
- Thiếu máu
- Vàng da
- Các vết loét lây ngoài da
Nếu trẻ bị mắc bệnh giang mai bẩm sinh và không được phát hiện thì dần dần bệnh sẽ phát triển sang giai đoạn cuối và gây tổn hại đến:
- Xương
- Răng
- Mắt
- Tai
- Não
HIV
Những người bị giang mai có nguy cơ cao bị nhiễm HIV. Các săng giang mai tạo vết thương hở trên da và khiến HIV dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.
Những người bị giang mai và nhiễm HIV thường gặp phải những triệu chứng khác với những người không nhiễm HIV.
Nổi cục
Khi tiến triển sang giai đoạn cuối, bệnh giang mai có thể gây nổi cục trên da, xương, gan hoặc bất kỳ cơ quan nào khác. Những cục này thường biến mất sau khi điều trị bằng kháng sinh.
Vấn đề về thần kinh
Bệnh giang mai có thể gây ra một số vấn đề ở hệ thần kinh, gồm có:
- Đau đầu
- Đột quỵ
- Viêm màng não
- Mất khả năng nghe
- Các vấn đề về thị giác, bao gồm cả mù lòa
- Sa sút trí tuệ
- Mất cảm giác
- Rối loạn cương dương ở nam giới
- Tiểu không tự chủ
Vấn đề tim mạch
Bệnh giang mai có thể gây phình động mạch và viêm động mạch chủ - động mạch chính của cơ thể và cả các mạch máu khác. Bệnh cũng có thể làm hỏng van tim.
Khi nào cần đi khám?
Ở giai đoạn đầu, bệnh giang mai thường không bộc lộ triệu chứng nên không được phát hiện sớm. Các triệu chứng xuất hiện ở giai đoạn thứ hai cũng giống với triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe thường gặp khác nên người bệnh cũng không chú ý đến. Kể cả khi không có triệu chứng nhưng có một trong những điều dưới đây thì nên đi xét nghiệm giang mai:
- Quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ với người lạ, trai/gái mại dâm hoặc người có nguy cơ mắc bệnh giang mai (ví dụ như từng quan hệ tình dục với nhiều người)
- Đang mang thai
- Là gái mại dâm
- Quan hệ tình dục với nhiều người và không có biện pháp bảo vệ
- Nam giới quan hệ tình dục đồng giới
Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính thì cần điều trị ngay và hoàn thành phác đồ điều trị được chỉ định. Khi được kê thuốc kháng sinh, cần dùng đủ liều và đủ thời gian ngay cả khi không còn triệu chứng. Ngoài ra, ngừng việc quan hệ tình dục cho đến khi bác sĩ xác nhận đã khỏi bệnh hoàn toàn. Mặc dù điều này là khó khăn nhưng khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh giang mai thì nên thông báo cho tất cả những người đã từng quan hệ cùng trong thời gian gần đây để họ đi xét nghiệm và điều trị kịp thời. Cuối cùng, khi mắc bênh giang mai thì cũng nên làm xét nghiệm HIV.
Ở mỗi một giai đoạn, bệnh giang mai sẽ biểu hiện những triệu chứng nhất định.
Nhiễm trichomonas thường không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, nếu có thì các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện từ 5 đến 28 ngày sau khi nhiễm bệnh và cũng có đôi khi thời gian ủ bệnh kéo dài lâu hơn.
Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa trị dứt điểm herpes sinh dục nhưng bệnh này có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc.
Mặc dù chlamydia ảnh hưởng chủ yếu đến bộ phận sinh dục nhưng trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm trùng còn xảy ra mắt và gây ra viêm kết mạc do chlamydia.
Viêm màng não do giang mai có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được.