1

Nhiễm trichomonas: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Nhiễm trichomonas thường không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, nếu có thì các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện từ 5 đến 28 ngày sau khi nhiễm bệnh và cũng có đôi khi thời gian ủ bệnh kéo dài lâu hơn.
Nhiễm trichomonas: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị Nhiễm trichomonas: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Nhiễm trichomonas là gì?

Nhiễm trichomonas (hay trich) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) rất phổ biến, do ký sinh trùng trichomoniasis vaginalis (trùng roi âm đạo) gây nên. Đây là một bệnh có thể điều trị được dễ dàng.

Các biểu hiện khi nhiễm trichomonas

Nhiễm trichomonas thường không biểu hiện triệu chứng. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, chỉ có 30% tổng số trường hợp bị nhiễm trichomonas có bộc lộ triệu chứng và có đến 85% phụ nữ bị mắc bệnh này không hề có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Tuy nhiên, nếu có thì các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện từ 5 đến 28 ngày sau khi nhiễm bệnh và cũng có đôi khi thời gian ủ bệnh kéo dài lâu hơn.

Các triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm trichomonas ở phụ nữ:

  • Dịch tiết âm đạo bất thường, màu trắng, xám, vàng hoặc xanh lá cây và thường nổi bọt với mùi khó chịu
  • Chảy máu âm đạo bất thường giữa hai kỳ kinh nguyệt
  • Nóng rát hoặc ngứa ở vùng kín
  • Đỏ hoặc sưng bộ phận sinh dục
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Đau khi đi tiểu hoặc khi quan hệ

Các triệu chứng phổ biến nhất ở nam giới là:

  • Tiết dịch từ niệu đạo
  • Nóng rát khi đi tiểu hoặc sau khi xuất tinh
  • Thường xuyên buồn tiểu

Nguyên nhân gây bệnh

Nhiễm trichomonas là bệnh do một loại sinh vật nguyên sinh đơn bào có tên là Trichomonas vagis gây nên. Bệnh có thể lây từ người sang người thông qua quan hệ tình dục.

Ở phụ nữ, nhiễm trichomonas thường xảy ra ở âm đạo, niệu đạo hoặc cả hai. Ở nam giới, bệnh thường chỉ xảy ra ở niệu đạo. Một khi đã bị nhiễm ký sinh trùng này thì bệnh sẽ dễ dàng lây lan khi quan hệ hoặc chỉ đơn giản là tiếp xúc bộ phận sinh dục mà không có biện pháp bảo vệ.

Trichomonas không lây lan qua tiếp xúc thông thường như ôm, hôn, dùng chung bát đũa hay ngồi chung bồn cầu.

Các yếu tố nguy cơ

Nhiễm trichomonas thường phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới và theo số liệu thống kê, tỉ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm phụ nữ lớn tuổi. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ bị mắc bệnh cao gấp hai lần so với lứa tuổi dưới 40.

Ngoài ra, nguy cơ nhiễm trichomonas còn tăng cao ở những người:

  • Quan hệ với nhiều người
  • Có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • Từng bị nhiễm trichomonas trước đây
  • Thường xuyên quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su

Chẩn đoán nhiễm trichomonas bằng cách nào?

Triệu chứng của nhiễm trichomonas cũng tương tự như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nên không thể chẩn đoán chỉ dựa trên các triệu chứng. Nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm bệnh thì bạn cần đi khám bác sĩ để được thăm khám và làm xét nghiệm kiểm tra.

Một số xét nghiệm cần tiến hành để chẩn đoán nhiễm trichomonas gồm có:

  • Nuôi cấy tế bào
  • Xét nghiệm tìm kháng nguyên (nếu có ký sinh trùng trichomonas, kháng thể sẽ liên kết với kháng nguyên và tạo ra sự thay đổi màu sắc – dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng)
  • Xét nghiệm tìm DNA Trichomonas
  • Soi dịch âm đạo (đối với nữ) hoặc dịch tiết niệu đạo (đối với nam) dưới kính hiển vi

Phương pháp điều trị nhiễm trichomonas

Có thể chữa khỏi bệnh nhiễm trichomonas bằng các loại kháng sinh kê đơn như metronidazole (Flagyl) hoặc tinidazole (Tindamax). Lưu ý, không được uống bất kỳ loại đồ uống có cồn nào trong vòng 24 giờ sau khi uống metronidazole và 72 giờ sau khi uống tinidazole. Nếu không sẽ gây buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng.

Khi phát hiện bị nhiễm trichomonas thì cần báo cho chồng/vợ, người yêu hoặc bạn tình để đi kiểm tra và cùng dùng thuốc điều trị bệnh. Không xuất hiện dấu hiệu bất thường không có nghĩa là người đó không bị nhiễm bệnh. Cần tránh quan hệ trong vòng một tuần sau khi cả hai được điều trị.

Bao lâu thì khỏi bệnh?

Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trichomonas sẽ tiếp diễn và không thể tự khỏi. Nhưng khi được điều trị thì bệnh sẽ khỏi trong vòng một tuần.

Tuy nhiên, kể cả khi đã điều trị khỏi nhưng vẫn tiếp tục quan hệ với người bị nhiễm trichomonas thì sẽ lại bị mắc bệnh. Do đó, để tránh khả năng bị nhiễm bệnh trở lại thì cần đảm bảo chồng/vợ, người yêu hoặc bạn tình của mình không mắc bệnh hoặc đã điều trị khỏi. Sau khi điều trị, cần chờ một tuần để đảm bảo ký sinh trùng gây bệnh đã được tiêu diệt hoàn toàn trước khi quan hệ trở lại.

Sau khi điều trị, các triệu chứng thường biến mất sau một tuần. Nếu các triệu chứng tiếp diễn lâu hơn thì cần thông báo cho bác sĩ để kiểm tra lại và tiếp tục điều trị hoặc đổi phương pháp điều trị khác.

3 tháng sau khi hoàn thành điều trị thì nên đi tái khám để làm xét nghiệm xem ký sinh trùng có còn trong cơ thể hay không. Tỷ lệ tái nhiễm ở phụ nữ có thể lên tới 17% trong ba tháng đầu sau khi điều trị. Bạn vẫn có thể tái nhiễm trichomonas kể cả khi cả bạn và bạn tình đều đã tiến hành điều trị vì có những trường hợp mà ký sinh trùng trichomonas phát triển khả năng kháng thuốc.

Một số xét nghiệm có thể được tiến hành ngay sau hai tuần kể từ khi điều trị.

Nhiễm trichomonas có để lại biến chứng nào không?

Nhiễm trichomonas sẽ khiến cho người bệnh dễ bị mắc thêm một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Tình trạng viêm bộ phận sinh dục do nhiễm trichomonas sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HIV cũng như là các STI khác. Và khi nhiễm trichomonas thì cũng dễ lây lan virus sang người khác hơn.

Nhiễm trichomonas thường đi kèm với các bệnh lý như lậu, chlamydiaviêm âm đạo do vi khuẩn. Nếu không được điều trị, nhiễm trichomonas còn có thể dẫn đến bệnh viêm vùng chậu và bệnh viêm vùng chậu lại gây nên những biến chứng như:

  • Tắc nghẽn ống dẫn trứng do mô sẹo
  • Khô âm đạo
  • Đau bụng mãn tính hoặc đau ở vùng chậu

>>> Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Nhiễm trichomonas ở phụ nữ có thai

Ở phụ nữ mang thai, nhiễm trichomonas có thể gây ra các biến chứng riêng biệt như sinh non hoặc trẻ nhẹ cân khi sinh. Mặc dù hiếm gặp nhưng bệnh này cũng có thể truyền từ mẹ sang con trong khi sinh.

Phụ nữ bị nhiễm trichomonas và mang thai còn có nguy cơ sinh ra con bị thiểu năng trí tuệ.

Thuốc metronidazole và tinidazole có thể được dùng cho cả phụ nữ mang thai mà không gây tác dụng phụ.

Nếu bạn đang mang thai và nghi bản thân bị nhiễm trichomonas hoặc bất kỳ bệnh lây qua đường tình dục nào thì cần đi khám càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng cho cả bạn và con.

Cách phòng tránh nhiễm trichomonas

Để ngăn chặn hoàn toàn nhiễm trichomonas thì chỉ còn cách không quan hệ tình dục. Tuy nhiên, sử dụng bao cao su trong khi quan hệ là một cách để giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh trichomonas và các bệnh lây qua đường tình dục khác.

Khi nào cần đi khám?

Thông thường, các bệnh lây qua đường tình dục như chlamydia, lậu và nhiễm trichomonas không bộc lộ bất kỳ triệu chứng nào nên nhiều người chỉ phát hiện ra mình bị mắc bệnh sau khi làm xét nghiệm. Do đó, nếu nghi ngờ bản thân bị mắc một trong các bệnh STI thì nên đi khám ngay, dù có dấu hiệu bất thường hay không. Đặc biệt, khi bạn tình của bạn đã được chẩn đoán mắc một bệnh STI thì bạn nên tiến hành điều trị ngay trong khi chờ kết quả xét nghiệm để giảm nguy cơ biến chứng.

Ở phụ nữ, sự tiến triển của các bệnh STI phức tạp hơn ở nam giới. Nguyên nhân là bởi âm đạo nối với cổ tử cung và vào tử cung, khiến cho ký sinh trùng hay vi khuẩn gây hại sau khi xâm nhập vào âm đạo có thể dễ dàng đi vào tử cung, ống dẫn trứng và khoang bụng. Điều này sẽ gây ra bệnh viêm vùng chậu nguy hiểm.

Ở nam giới, việc trì hoãn chẩn đoán và điều trị cũng sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh khó điều trị hơn và vô tình truyền bệnh cho người khác.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng của bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào là chẩn đoán và điều trị ngay từ sớm để tránh làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Herpes môi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Herpes môi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hiện chưa có cách chữa trị herpes môi và các triệu chứng có thể tái phát đột ngột mà không hề có dấu hiệu báo trước.

Viêm khớp do lậu cầu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp do lậu cầu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp do lậu cầu có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể như mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và đôi khi còn ở cả các khớp xương trục.

Nguyên nhân gây bệnh giang mai ở miệng và cách điều trị
Nguyên nhân gây bệnh giang mai ở miệng và cách điều trị

Ở mỗi một giai đoạn, bệnh giang mai sẽ biểu hiện những triệu chứng nhất định.

Bệnh ghẻ: Dấu hiệu, cách điều trị và ngăn ngừa
Bệnh ghẻ: Dấu hiệu, cách điều trị và ngăn ngừa

Bệnh ghẻ là một bệnh ngoài da do một loài côn trùng siêu nhỏ có tên là Sarcoptes scabiei gây ra, được gọi là cái ghẻ.

Nguyên nhân gây loét miệng ở người nhiễm HIV
Nguyên nhân gây loét miệng ở người nhiễm HIV

Có nhiều nguyên nhân gây loét miệng ở những người nhiễm HIV. Mỗi một nguyên nhân có những đặc điểm riêng và cách điều trị khác nhau.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây