1

Bệnh lậu điều trị bằng cách nào?

Phụ nữ có quan hệ tình dục trước 25 tuổi và nam quan hệ tình dục đồng giới là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lậu.
Bệnh lậu điều trị bằng cách nào? Bệnh lậu điều trị bằng cách nào?

Bệnh lậu là gì?

Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây nên. Bệnh này thường lây nhiễm ở các vùng ấm và ẩm ướt của cơ thể như:

  • Niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài)
  • Mắt
  • Cổ họng
  • Âm đạo
  • Hậu môn
  • Hệ sinh dục nữ (ống dẫn trứng, cổ tử cung và tử cung)

Bệnh lậu lây truyền từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục đường miệng, đường hậu môn và đường âm đạo mà không có biện pháp bảo vệ an toàn. Những người quan hệ với nhiều người hoặc quan hệ với trai/gái mại dâm là những đối tượng có nguy cơ bị bệnh lậu cao nhất. Cách bảo vệ tốt nhất tránh bị bệnh lậu là sử dụng bao cao su đúng cách. Ngoài ra cũng cần tránh những hành vi dẫn đến việc quan hệ tình dục không an toàn ví dụ như lạm dụng rượu và dùng chất kích thích, đặc biệt là những loại thuốc dạng tiêm để tránh bị mắc bệnh.

Các yếu tố nguy cơ

Phụ nữ có quan hệ tình dục trước 25 tuổi và nam quan hệ tình dục đồng giới là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lậu.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Quan hệ tình dục với người mới
  • Bạn tình có quan hệ tình dục với người khác
  • Quan hệ với nhiều người
  • Từng bị bệnh lậu hoặc một bệnh lây qua đường tình dục khác

Triệu chứng của bệnh lậu

Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng từ 2 đến 14 ngày sau khi phơi nhiễm nhưng một số người bị bệnh lậu lại không hề bộc lộ triệu chứng. Tuy nhiên, kể cả khi bị bệnh lậu không triệu chứng thì vẫn có thể lây truyền cho người khác. Thậm chí, những người không biểu hiện triệu chứng rõ rệt lại là những người có khả năng lan truyền bệnh cao hơn.

Triệu chứng ở nam giới

Trong vài tuần đầu sau khi nhiễm vi khuẩn lậu, nam giới thường không có triệu chứng nào đáng chú ý và ở nhiều người, bệnh thậm chí còn không bao giờ bộc lộ triệu chứng.

Nếu có, các triệu chứng đầu tiên của bệnh lậu thường xuất hiện sau khoảng một tuần kể từ khi phơi nhiễm. Triệu chứng dễ nhận thấy đầu tiên ở nam giới thường là cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu. Khi bệnh tiến triển thì sẽ có các triệu chứng khác như:

  • Đi tiểu thường xuyên hoặc hay có cảm giác buồn tiểu gấp
  • Dịch tiết ra từ dương vật giống như mủ (màu trắng đục, vàng, hơi nâu hoặc xanh lá)
  • Sưng đỏ ở đầu dương vật
  • Sưng đau ở tinh hoàn
  • Đau họng dai dẳng

Đôi khi, cơn đau có thể lan đến trực tràng. Kể cả khi các triệu chứng đã được điều trị thì vi khuẩn lậu vẫn sẽ ở trong cơ thể khoảng một vài tuần và trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh còn tiếp tục gây tổn hại cho cơ thể, đặc biệt là niệu đạo và tinh hoàn.

Triệu chứng ở phụ nữ

Đa số phụ nữ bị mắc bệnh lậu đều không có triệu chứng và kể cả khi có thì các triệu chứng cũng thường rất nhẹ hoặc tương tự như triệu chứng của các bệnh phụ khoa khác ví dụ như viêm âm đạo do nấm nên rất khó xác định.

Các triệu chứng có thể xảy ra ở phụ nữ gồm có:

  • Dịch tiết bất thường từ âm đạo (lỏng như nước, đặc sệt hoặc có màu hơi xanh)
  • Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Thường xuyên buồn đi tiểu
  • Ra máu nhiều trong kỳ kinh hoặc ra máu giữa hai kỳ kinh nguyệt
  • Đau rát họng kéo dài dai dẳng
  • Đau khi quan hệ
  • Đau nhói ở bụng dưới
  • Sốt

Triệu chứng bệnh lậu ở những vị trí khác

Bệnh lậu cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể và gây ra các triệu chứng như:

  • Trực tràng: ngứa hậu môn, chảy dịch giống như mủ từ trực tràng, đi vệ sinh ra máu tươi và khó đại tiện.
  • Mắt: bệnh lậu khi ảnh hưởng đến mắt thường gây triệu chứng đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng và mắt có gỉ (ghèn) ở một hoặc cả hai bên.
  • Họng: Các biểu hiện của bệnh lậu ở cổ họng thường gồm có đau họng và sưng hạch bạch huyết ở cổ.
  • Khớp: Nếu một hoặc nhiều khớp bị nhiễm khuẩn lậu thì sẽ có triệu chứng khớp nóng, đỏ, sưng và đau đớn, đặc biệt là trong khi vận động.

Chẩn đoán bệnh lậu

Bệnh lậu có thể được chẩn đoán bằng nhiều cách. Bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch từ vùng có triệu chứng (dương vật, âm đạo, trực tràng hoặc cổ họng) bằng tăm bông và phết lên một phiến kính. Nếu nghi ngờ bị nhiễm bệnh ở khớp hoặc máu thì sẽ cần lấy máu hoặc hút dịch khớp bằng kim tiêm. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật nhuộm Gram (cho một loại thuốc nhuộm đặc biệt vào mẫu bệnh phẩm) và kiểm tra dưới kính hiển vi. Nếu phát hiện thấy các tế bào phản ứng với thuốc nhuộm thì khả năng cao là đã bị mắc bệnh lậu. Phương pháp này tương đối nhanh chóng và đơn giản, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối.

Một phương pháp nữa để chẩn đoán bệnh lậu là kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn. Mẫu bệnh phẩm sau khi lấy sẽ được nuôi cấy trong điều kiện tăng trưởng lý tưởng trong một vài ngày để phân lập vi khuẩn.

Kết quả xét nghiệm cuối cùng sẽ có sau khoảng 3 ngày.

Điều trị bệnh lậu

Hiện nay đã có các loại kháng sinh có thể chữa khỏi bệnh lậu.

Thuốc không kê đơn và biện pháp điều trị thay thế

Không có loại thuốc không kê đơn và biện pháp điều trị thay thế nào có thể điều trị bệnh lậu. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh này thì cần đi khám để được bác sĩ kê thuốc.

Thuốc kháng sinh

Bệnh lậu thường được điều trị bằng cách tiêm kháng sinh Ceftriaxone một lần vào mông hoặc dùng một liều kháng sinh dạng uống Azithromycin. Sau khi dùng kháng sinh, người bệnh sẽ cảm thấy các triệu chứng đỡ hẳn chỉ trong vòng vài ngày.

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện các chủng vi khuẩn lậu có khả năng kháng kháng sinh và trở thành một thách thức đối với việc điều trị bệnh lậu. Những trường hợp này cần điều trị trong thời gian dài hơn, bằng cách dùng một loại kháng sinh đường uống trong 7 ngày hoặc liệu pháp kép với hai loại kháng sinh khác nhau, thường cũng kéo dài 7 ngày. Các loại kháng sinh trong những trường hợp điều trị kéo dài thường được dùng một hoặc hai lần/ngày. Một số loại kháng sinh được sử dụng phổ biến gồm có azithromycin và doxycycline. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra loại vắc-xin ngăn ngừa bệnh lậu.

Biến chứng của bệnh lậu

Khi không được điều trị, bệnh lậu sẽ gây nên các biến chứng. Phụ nữ có nguy cơ bị biến chứng về lâu dài cao hơn so với nam giới. Bệnh lậu không được điều trị ở phụ nữ có thể lan lên trên hệ sinh dục và ảnh hưởng đến tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Tình trạng này được gọi là bệnh viêm vùng chậu (PID), gây ra những cơn đau dữ dội, mãn tính và phá hủy cơ quan sinh dục nữ. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác cũng có thể gây viêm vùng chậu. Phụ nữ mắc bệnh lậu còn có thể bị hình thành sẹo và tắc ống dẫn trứng, gây cản trở đến khả năng mang thai trong tương lai hoặc dẫn đến mang thai ngoài tử cung. Mang thai ngoài tử cung là tình trạng mà trứng sau khi được thụ tinh không làm tổ trong tử cung như bình thường mà lại nằm ở bên ngoài, có thể là ở ống dẫn trứng, buồng trứng, vòi tử cung, cổ tử cung hay ổ bụng và gây nguy hiểm cho thai phụ. Ngoài ra, phụ nữ bị bệnh lậu và mang thai sẽ truyền bệnh sang cho con trong khi sinh.

Nam giới bị bệnh lậu có thể bị sẹo trong niệu đạo, hình thành ổ áp xe gây đau ở bên trong dương vật, giảm khả năng sinh sản hoặc vô sinh.

Khi vi khuẩn lậu lây lan vào máu thì sẽ gây viêm khớp, hỏng van tim, viêm màng não hoặc tủy sống ở cả nam và nữ. Đây là những vấn đề hiếm gặp nhưng vô cùng nghiêm trọng.

Ngoài ra, bệnh lậu còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

Ngăn ngừa bệnh lậu

Cách tốt nhất để tránh mắc bệnh lậu cũng như các loại bệnh lây truyền qua đường tình dục khác là có biện pháp bảo vệ an toàn khi quan hệ. Bất cứ khi nào quan hệ tình dục, dù là hình thức nào thì cũng phải luôn luôn sử dụng bao cao su. Ngoài ra, chỉ quan hệ khi đã hiểu rõ về bạn tình của mình và cả hai nên đi xét nghiệm STD thường xuyên, đặc biệt là khi phát hiện một trong hai có những biểu hiện bất thường.

Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh lậu cao hơn nếu đã từng mắc bệnh này trước đây hoặc bị một bệnh lây qua đường tình dục khác. Nguy cơ cũng sẽ cao hơn nếu quan hệ với nhiều người hoặc quan hệ với người lạ.

Phải làm gì khi bị lậu?

Nếu bạn nghi ngờ bản thân bị bệnh lậu thì cần ngừng quan hệ tình dục và đi khám ngay lập tức.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, nếu dương tính với bệnh lậu thì cần thông báo ngay cho người mà bạn từng quan hệ để họ biết và đi kiểm tra.

Khi được kê thuốc kháng sinh, cần uống đủ liều và đủ thời gian để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn. Việc tự ý cắt giảm thuốc hoặc ngừng thuốc giữa chừng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển đề kháng với kháng sinh. Sau khi kết thúc quá trình điều trị được một đến hai tuần, cần đi tái khám để kiểm tra vi khuẩn lậu đã được tiêu diệt hết hay chưa.

Bệnh lậu và bệnh chlamydia

Bệnh lậu và bệnh chlamydia đều là các bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn gây ra. Các yếu tố nguy cơ của cả hai bệnh này đều giống nhau và cả hai đều gây ra các triệu chứng tương tự nhau. Các biến chứng của bệnh chlamydia cũng rất giống với bệnh lậu nhưng bệnh chlamydia ít khi ảnh hưởng đến các bộ phận khác ở ngoài hệ sinh dục. Phương pháp chẩn đoán và điều trị hai bệnh này cũng gần như giống nhau. Nếu nghi ngờ mình bị mắc bệnh lây qua đường tình dục thì nên đi khám để bác sĩ làm các xét nghiệm nhằm xác định loại bệnh cụ thể và sau đó bắt đầu phác đồ điều trị thích hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nguyên nhân gây bệnh giang mai ở miệng và cách điều trị
Nguyên nhân gây bệnh giang mai ở miệng và cách điều trị

Ở mỗi một giai đoạn, bệnh giang mai sẽ biểu hiện những triệu chứng nhất định.

Bệnh ghẻ: Dấu hiệu, cách điều trị và ngăn ngừa
Bệnh ghẻ: Dấu hiệu, cách điều trị và ngăn ngừa

Bệnh ghẻ là một bệnh ngoài da do một loài côn trùng siêu nhỏ có tên là Sarcoptes scabiei gây ra, được gọi là cái ghẻ.

Nhiễm trichomonas: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Nhiễm trichomonas: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Nhiễm trichomonas thường không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, nếu có thì các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện từ 5 đến 28 ngày sau khi nhiễm bệnh và cũng có đôi khi thời gian ủ bệnh kéo dài lâu hơn.

Các Bệnh Lây Truyền Qua Quan Hệ Tình Dục Bằng Miệng
Các Bệnh Lây Truyền Qua Quan Hệ Tình Dục Bằng Miệng

Mặc dù các bệnh xã hội chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục đường âm đạo và đường hậu môn nhưng một số bệnh lây qua quan hệ tình dục bằng miệng.

Herpes môi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Herpes môi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hiện chưa có cách chữa trị herpes môi và các triệu chứng có thể tái phát đột ngột mà không hề có dấu hiệu báo trước.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây