1

Viêm âm đạo do vi khuẩn: Biểu hiện và cách điều trị

Viêm âm đạo do vi khuẩn là bệnh phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44. Đây cũng là một trong những bệnh phổ biến ở phụ nữ mang thai, ảnh hưởng đến khoảng 1 triệu phụ nữ mang thai mỗi năm.
Viêm âm đạo do vi khuẩn: Biểu hiện và cách điều trị Viêm âm đạo do vi khuẩn: Biểu hiện và cách điều trị

Viêm âm đạo do vi khuẩn là gì?

Viêm âm đạo do vi khuẩn hay nhiễm khuẩn âm đạo (Bacterial vaginosis) là tình trạng âm đạo bị viêm nhiễn do vi khuẩn gây ra. Âm đạo có cả các vi khuẩn có lợi (lactobacilli) và vi khuẩn có hại (anaerobes) nhưng bình thường, chúng tồn tại ở trạng thái cân bằng nên không gây hại. Tuy nhiên, khi sự cân bằng đó bị phá vỡ, số lượng vi khuẩn có hại sẽ tăng cao và gây viêm âm đạo do vi khuẩn.

Viêm âm đạo do vi khuẩn là bệnh phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44. Đây cũng là một trong những bệnh phổ biến ở phụ nữ mang thai, ảnh hưởng đến khoảng 1 triệu phụ nữ mang thai mỗi năm. Viêm âm đạo do vi khuẩn thường chỉ ở mức độ nhẹ và có thể dễ dàng điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, khi không được điều trị, tình trạng viêm có thể trở nên nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cũng như là biến chứng trong thai kỳ (nếu như bị nhiễm khuẩn âm đạo trong thời gian mang thai).

Các biểu hiện của nhiễm khuẩn âm đạo

Khoảng 50 đến 75% phụ nữ bị nhiễm khuẩn âm đạo không có bất kỳ biểu hiện nào. Nhưng khi có thì các biểu hiện thường là dịch tiết âm đạo bất thường và có mùi hôi tanh. Chất dịch thường loãng và có màu xám hoặc trắng đục. Trong một số trường hợp, dịch tiết âm đạo còn có bọt. Nguyên nhân khiến vùng kín có mùi tanh khi nhiễm khuẩn là do dịch tiết lúc này là chất được tạo ra từ vi khuẩn gây viêm. Kinh nguyệt và quan hệ tình dục thường làm cho dịch tiết có mùi nặng hơn, vì máu và tinh dịch phản ứng với vi khuẩn và tạo ra các chất có mùi khó chịu. Một biểu hiện thường gặp nữa ở phụ nữ bị viêm âm đạo do vi khuẩn là ngứa ngáy và kích ứng bên ngoài âm đạo.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Cần đi khám bác sĩ phụ khoa nếu như:

  • Đây là lần đầu tiên bạn gặp hiện tượng dịch tiết âm đạo bất thường.
  • Đã từng bị viêm âm đạo trước đây, nhưng dịch tiết âm đạo khi đó khác với lần này.
  • Quan hệ với nhiều người hoặc gần đây quan hệ với người mới. Đôi khi, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giống như viêm âm đạo do vi khuẩn.
  • Tự điều trị tại nhà bằng thuốc không kê đơn nhưng các triệu chứng vẫn không cải thiện.

Nguyên nhân gây viêm âm đạo do vi khuẩn

Viêm âm đạo do vi khuẩn xảy ra khi một số vi khuẩn trong âm đạo phát triển quá mức. Giống như ở các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả miệng và ruột, trong âm đạo cũng tồn tại nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Trong số này có các vi khuẩn có lợi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn gây bệnh. Lactobacilli là những vi khuẩn có lợi và anaerobes là các vi khuẩn gây viêm nhiễm.

Bình thường, lactobacilli và anaerobes cùng tồn tại trong vùng kín ở thế cân bằng tự nhiên. Số lượng lactobacilli thường nhiều hơn và kiểm soát sự phát triển của anaerobes. Tuy nhiên, nếu số lượng vi khuẩn lactobacilli giảm, anaerobes sẽ bắt đầu phát triển. Khi anaerobes phát triển quá mức trong âm đạo, tình trạng viêm âm đạo sẽ xảy ra và được gọi là viêm âm đạo do vi khuẩn.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây mất cân bằng vi khuẩn và dẫn đến viêm âm đạo, gồm có:

  • Thói quen thụt rửa
  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Quan hệ với nhiều người
  • Sử dụng thuốc kháng sinh
  • Sử dụng các loại thuốc đặt âm đạo

Thụt rửa: Việc rửa âm đạo bằng nước hoặc dung dịch vệ sinh (thụt rửa) sẽ phá vỡ sự cân bằng vi sinh vật tự nhiên trong âm đạo. Điều này sẽ dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn anaerobes và gây viêm âm đạo. Vì âm đạo có cơ chế tự làm sạch nên việc thụt rửa là không cần thiết.

Quan hệ tình dục không an toàn: Việc quan hệ mà không có biện pháp bảo vệ an toàn có thể gây nên các bệnh lây truyền qua đường tình dục và làm tăng nguy cơ viêm âm đạo do vi khuẩn.

Quan hệ với nhiều người hoặc quan hệ với người mới: Viêm âm đạo do vi khuẩn thường phổ biến hơn ở những phụ nữ có nhiều bạn tình hoặc quan hệ với bạn tình mới. Vấn đề này còn dễ xảy ra ở những phụ nữ có quan hệ tình dục đồng giới hơn là những người quan hệ khác giới.

Đang điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc dùng thuốc đặt âm đạo: Thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể mà còn giết chết cả những vi khuẩn có lợi, bao gồm cả vi khuẩn lactobacilli trong âm đạo. Điều này khiến cho vi khuẩn anaerobes phát triển tự do, có số lượng áp đảo và gây viêm nhiễm.

Ngoài ra, nguyên nhân gây viêm còn có thể là do thiếu vi khuẩn lactobacilli tự nhiên. Nếu âm đạo không thể sản sinh đủ vi khuẩn lactobacilli thì cũng có thể bị viêm âm đạo do vi khuẩn.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm âm đạo do vi khuẩn, bác sĩ sẽ thực hiện các bước sau:

Lấy bệnh sử và triệu chứng: Bác sĩ sẽ hỏi về các hiện tượng bất thường mà bạn gặp phải, tiền sử bị viêm âm đạo trước đây hoặc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục.

Kiểm tra vùng chậu: Đây là phương pháp mà bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt đưa vào trong âm đạo để quan sát các cơ quan vùng chậu bên trong và kiểm tra các dấu hiệu nhiễm khuẩn.

Soi tươi dịch âm đạo: Phương pháp này được thực hiện nhằm phát hiện sự phát triển quá mức của vi khuẩn anaerobes trong âm đạo. Dịch tiết âm đạo sẽ được phân tích dưới kính hiển vi để tìm ra tế bào bất thường - các tế bào âm đạo được bao phủ bởi vi khuẩn. Đây là dấu hiệu cho thấy nhiễm khuẩn âm đạo.

Kiểm tra pH âm đạo bằng cách đặt que thử pH vào thành âm đạo. Độ pH từ 4.5 trở lên là dấu hiệu âm đạo bị nhiễm khuẩn.

Điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn bằng cách nào?

Viêm âm đạo do vi khuẩn thường được điều trị bằng kháng sinh dạng viên uống, dạng kem bôi hoặc dạng viên đặt âm đạo. Bất kể là điều trị bằng loại thuốc nào thì cũng cần phải làm theo hướng dẫn của bác sĩ và hoàn thành đủ liều, đủ thời gian.

Các loại kháng sinh thường được dùng để điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn gồm có:

  • Metronidazole (Flagyl, Metrogel-Vaginal,…): Thuốc này thường được dùng dưới dạng viên uống nhưng metronidazole cũng có dạng gel để bôi bên trong âm đạo. Thuốc này có tác dụng phụ là gây đau dạ dày, đau bụng, nhức đầu, buồn nôn và nôn mửa khi phản ứng với cồn nên cần tránh uống rượu trong toàn bộ thời gian dùng thuốc và ít nhất một ngày sau khi hoàn thành điều trị. Ngoài ra, cần đọc kỹ hướng dẫn trên sản phẩm.
  • Clindamycin (Cleocin, Clindlie,…): Những thuốc này có dạng kem bôi vào trong âm đạo. Kem clindamycin có thể làm mỏng bao cao su latex nên cần lưu ý trong quá trình điều trị và ít nhất ba ngày sau khi ngừng bôi kem.
  • Tinidazole (Tindamax): Đây là một loại thuốc đường uống. Tinidazole có thể gây khó chịu và buồn nôn giống như metronidazole dạng viên uống nên cần ngừng uống rượu trong khi dùng thuốc và ít nhất 3 ngày sau khi hoàn thành điều trị.

Đây là những loại thuốc hiệu quả trong điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn. Chúng đều có các tác dụng phụ tương tự nhau. Nếu bạn lo lắng về các tác dụng phụ thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Sau khi bắt đầu điều trị, tình trạng viêm âm đạo thường sẽ khỏi trong vòng từ 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, không được tự ý ngừng dùng thuốc mà phải uống đủ các loại kháng sinh và đủ thời gian được chỉ định, kể cả khi không còn thấy triệu chứng để ngăn ngừa nhiễm khuẩn tái phát. Nếu các triệu chứng kéo dài dai dẳng hoặc tiếp tục quay trở lại thì sẽ cần đến phương pháp điều trị lâu dài.

Thông thường, khi quan hệ với một phụ nữ bị viêm âm đạo do vi khuẩn thì nam giới không cần thiết phải điều trị nhưng vấn đề này có thể lây truyền giữa phụ nữ nên nếu quan hệ đồng giới thì cả hai đều phải đi khám và điều trị. Phụ nữ mang thai nếu phát hiện triệu chứng viêm âm đạo thì cần đi khám để điều trị kịp thời và giảm nguy cơ sinh non hoặc con sinh ra bị nhẹ cân.

Viêm âm đạo tái phát

Tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn thường tái phát trong vòng từ 3 đến 12 tháng sau khi điều trị khỏi. Nếu các triệu chứng xuất hiện lại ngay sau khi kết thúc điều trị thì cần thông báo với bác sĩ để được kiểm tra và có phương pháp điều trị.

Một cách để tự khắc phục viêm âm đạo do vi khuẩn là tăng số lượng lợi khuẩn lactobacillus và khôi phục lại sự cân bằng hệ vi sinh vật trong âm đạo bằng cách ăn sữa chua hoặc các sản phẩm men vi sinh có chứa lactobacilli.

Các biến chứng của viêm âm đạo do vi khuẩn

Khi không được điều trị, viêm âm đạo do vi khuẩn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe như:

  • Biến chứng khi mang thai: Phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo do vi khuẩn có nguy cơ sinh non hoặc con sinh ra bị nhẹ cân. Những phụ nữ này cũng có khả năng cao bị mắc một loại nhiễm trùng âm đạo khác sau khi sinh.
  • Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục: Viêm âm đạo do vi khuẩn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, gồm có herpes, chlamydia và HIV.
  • Bệnh viêm vùng chậu: Trong một số trường hợp, nhiễm khuẩn âm đạo có thể dẫn đến bệnh viêm vùng chậu – một bệnh lý nhiễm trùng gây viêm ở cơ quan sinh dục nữ. Bệnh lý này làm tăng nguy cơ vô sinh.
  • Nhiễm trùng sau phẫu thuật: Viêm âm đạo do vi khuẩn còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau các ca phẫu thuật can thiệp đến hệ sinh dục ví dụ như cắt tử cung, phá thai hay sinh mổ.

Ngăn ngừa viêm âm đạo do vi khuẩn

Dưới đây là một cố cách để giảm nguy cơ bị viêm âm đạo do vi khuẩn:

  • Tránh gây kích ứng: Hạn chế gây kích ứng âm đạo bằng cách không sử dụng xà phòng để làm sạch bên ngoài vùng kín. Ngay cả các loại xà phòng nhẹ và không mùi cũng có thể gây kích ứng. Ngoài ra, không nên ngâm lâu trong bồn nước nóng và không tắm bể sục. Nên mặc đồ lót bằng chất liệu cotton để giữ thoáng vùng kín và ngăn ngừa kích ứng.
  • Không thụt rửa: Việc thụt rửa sẽ loại bỏ các lợi khuẩn bảo vệ âm đạo và làm tăng nguy cơ bị viêm nhiễm.
  • Sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ: Luôn luôn phải quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su. Đây là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm khuẩn âm đạo. Bên cạnh đó, không nên quan hệ với nhiều người và nên đi khám sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục 6 tháng một lần.

Viêm âm đạo do vi khuẩn là một bệnh phụ khoa phổ biến nhưng các biện pháp phòng ngừa này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường nghi là viêm âm đạo thì cần đi khám càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi đang mang thai. Điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Phân biệt viêm âm đạo do nấm và viêm âm đạo do vi khuẩn
Phân biệt viêm âm đạo do nấm và viêm âm đạo do vi khuẩn

Nếu không được điều trị, cả viêm âm đạo do vi khuẩn và viêm âm đạo do nấm men đều có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Các biện pháp điều trị nhiễm khuẩn âm đạo tại nhà
Các biện pháp điều trị nhiễm khuẩn âm đạo tại nhà

Bên cạnh các loại thuốc kháng sinh, tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn còn có thể được khắc phục bằng các biện pháp điều trị tại nhà.

Viêm Âm Đạo Do Vi Khuẩn Có Tự Khỏi Không?
Viêm Âm Đạo Do Vi Khuẩn Có Tự Khỏi Không?

Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể do rối loạn hệ vi khuẩn, sự thay đổi phức tạp của hệ vi khuẩn trong âm đạo. Từ đó, giảm Lactobacilli và các mềm bệnh kỵ khí. Vậy khi bị viêm nhiễm do vi khuẩn thì có thể tự khỏi không? Hãy tìm hiểu qua bài viết sau nhé

Nhiễm nấm Candida trong thai kỳ: Điều trị bằng cách nào?
Nhiễm nấm Candida trong thai kỳ: Điều trị bằng cách nào?

Khi mang thai, sự dao động nồng độ nội tiết tố sẽ làm thay đổi độ pH trong âm đạo. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nấm men.

Nguyên nhân nào gây sưng âm đạo và cách điều trị
Nguyên nhân nào gây sưng âm đạo và cách điều trị

Sưng âm đạo không phải là hiện tượng hiếm gặp và không phải lúc nào cũng là điều đáng lo.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây