1

Tiểu không tự chủ trong thời kỳ mãn kinh

Tiểu không tự chủ là một vấn đề khá phổ biến trong thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phụ nữ phải chấp nhận sống chung với tình trạng khó chịu này. Có rất nhiều cách để điều trị và thậm chí ngăn ngừa chứng tiểu không tự chủ.
Tiểu không tự chủ trong thời kỳ mãn kinh Tiểu không tự chủ trong thời kỳ mãn kinh

Tiểu không tự chủ là gì?

Tiểu không tự chủ (hay són tiểu) là tình trạng rò rỉ nước tiểu một cách không kiểm soát. Các triệu chứng tiểu không tự chủ ở mỗi người là khác nhau. Một số người chỉ bị ra một ít nước tiểu khi cười, tập thể dục, ho, hắt hơi hoặc bê đồ nặng trong khi một số người lại thường xuyên gặp tình trạng buồn tiểu đột ngột, không thể nhịn được cho đến khi vào nhà vệ sinh và ra một lượng nước tiểu lớn. Hàng triệu phụ nữ bị tiểu không tự chủ và càng về già thì nguy cơ gặp phải vấn đề sẽ càng cao.

Tiểu không tự chủ có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào trong đời nhưng đa phần xảy ra khi cơ sàn chậu (các cơ giúp kiểm soát việc giữ nước tiểu và đi tiểu) trở nên suy yếu. Các cơ này có thể bị suy yếu do sự lão hóa tự nhiên, do phải chịu áp lực trong thời gian dài hoặc do thay đổi nội tiết tố. Do đó, tiểu không tự chủ xảy ra phổ biến ở phụ nữ mang thai, sau khi sinh hoặc phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh.

Estrogen là một loại hormone giúp điều hòa kinh nguyệt. Loại hormone này có thể giúp phòng ngừa bệnh tim mạch và làm chậm tốc độ mất xương. Estrogen còn giúp giữ cho bàng quang và niệu đạo khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen sẽ bắt đầu giảm. Sự thiếu hụt estrogen này có thể khiến cơ sàn chậu bị suy yếu và không còn khả năng kiểm soát bàng quang tốt như trước. Khi nồng độ estrogen tiếp tục giảm trong suốt thời kỳ mãn kinh và sau mãn kinh, tình trạng tiểu không tự chủ có thể trở nên trầm trọng hơn.

Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ

Có nhiều loại tiểu không tự chủ có thể xảy ra trong thời kỳ mãn kinh. Mỗi loại là do những nguyên nhân khác nhau gây ra.

Tiểu không tự chủ do tăng áp lực

Loại tiểu không tự chủ phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi là tiểu không tự chủ do tăng áp lực. Tình trạng này xảy ra khi các cơ sàn chậu bị suy yếu, không thể giữ nước tiểu trong bàng quang khi có áp lực tác động, chẳng hạn như khi ho, tập thể dục, hắt hơi, cười hoặc nâng vật nặng. Kết quả là nước tiểu bị rò rỉ hoặc mất kiểm soát bàng quang hoàn toàn và ra một lượng nước tiểu lớn. Loại tiểu không tự chủ này thường xảy ra do những thay đổi về thể chất khi mang thai, sinh con hoặc mãn kinh.

Són tiểu cấp kỳ

Dạng tiểu không tự chủ này xảy ra khi cơ bàng quang co bóp một cách không kiểm soát hoặc mất khả năng giãn ra, gây tình trạng đột ngột buồn tiểu dữ dội. Người bị són tiểu cấp kỳ còn có thể bị tình trạng buồn tiểu liên tục, ngay cả khi bàng quang chưa đầy. Khi cơn buồn tiểu ập đến, người bệnh không kiểm soát được và dẫn đến rò rỉ nước tiểu hay tiểu ra quần.

Tiểu không tự chủ do bàng quang đầy

Loại tiểu không tự chủ này xảy ra do cơ bàng quang hoạt động kém, khiến cho bàng quang không thể làm trống hoàn toàn khi đi tiểu, dẫn đến đầy quá mức và rò rỉ nước tiểu. Người bị tiểu không tự chủ do bàng quang đầy còn có thể gặp các triệu chứng khác như dòng tiểu yếu, ngập ngừng và tiểu đêm.

Các yếu tố nguy cơ khác của tiểu không tự chủ

Mãn kinh không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến các vấn đề về kiểm soát bàng quang. Các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ còn có:

Uống rượu bia hoặc caffeine

Đồ uống có cồn hoặc caffeine khiến cho thận tạo ra nhiều nước tiểu hơn, điều này làm tăng tần suất đi tiểu và nguy cơ tiểu không tự chủ trong thời kỳ mãn kinh.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bàng quang có thể gây ra chứng tiểu không tự chủ tạm thời. Khi điều trị khỏi nhiễm trùng, tình trạng tiểu không tự chủ sẽ tự hết hoặc cải thiện.

Tổn thương thần kinh

Tổn thương thần kinh có thể làm gián đoạn sự truyền tín hiệu từ bàng quang đến não và khiến cho người bệnh không cảm thấy buồn tiểu khi bàng quang đầy. Điều này có thể khiến bàng quang đầy quá mức và dẫn đến rò rỉ nước tiểu.

Một số loại thuốc

Tiểu không tự chủ có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu hoặc steroid.

Táo bón

Thường xuyên phải rặn mạnh khi đại tiện có thể làm suy yếu các cơ sàn chậu và giảm khả năng kiểm soát bàng quang. Điều này có thể dẫn đến tiểu không tự chủ và các rối loạn tiểu tiện khác.

Thừa cân

Khối lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực lên bàng quang cũng như các cơ sàn chậu, điều này làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ hoặc làm cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Điều trị tiểu không tự chủ

Việc điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có loại tiểu không tự chủ và nguyên nhân gây ra tiểu không tự chủ. Nếu chỉ bị tiểu không tự chủ nhẹ thì có thể thử thay đổi lối sống, ví dụ như:

  • Hạn chế caffeine và rượu bia
  • Đi tiểu vào những thời điểm cố định trong ngày để rèn luyện bàng quang chứa được nhiều nước tiểu hơn và giữ nước tiểu tốt hơn
  • Giảm cân nếu thừa cân để giảm áp lực lên bàng quang và cơ sàn chậu
  • Ăn nhiều chất xơ để giảm táo bón

Ngoài ra, bài tập Kegel cũng là một cách hữu hiệu để cải thiện chứng tiểu không tự chủ. Bài tập này giúp tăng cường cơ sàn chậu và khả năng kiểm soát bàng quang.

Cách thực hiện bài tập Kegel như sau:

  1. Đi tiểu hết trước khi tập, bạn có thể thực hiện bài tập này khi nằm hoặc ngồi.
  2. Siết chặt cơ sàn chậu (giống như đang nhịn tiểu).
  3. Giữ nguyên trong 3 đến 5 giây, sau đó thả lỏng từ 3 đến 5 giây.
  4. Lặp lại như vậy 10 lần và thực hiện 3 lần mỗi ngày (vào sáng, chiều và tối).
  5. Tăng dần thời gian siết cơ và số lần lặp lại.

Nếu đã thử các cách này mà tình trạng tiểu không tự chủ không thuyên giảm thì sẽ cần điều trị bằng các phương pháp dưới đây.

Dùng thuốc

Một số loại thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng tiểu không tự chủ, ví dụ như thuốc kháng cholinergic để làm dịu bàng quang tăng hoạt hay Mirabegron - một loại thuốc đồng vận thụ thể beta-3 adrenergic để làm tăng khả năng chứa nước tiểu của bàng quang. Người bệnh cũng có thể dùng liệu pháp estrogen tại chỗ để làm săn chắc vùng niệu đạo và âm đạo, nhờ đó giảm rò rỉ nước tiểu.

Kích thích thần kinh

Phương pháp kích thích cơ sàn chậu bằng điện có thể giúp khôi phục khả năng kiểm soát bàng quang nếu nguyên nhân gây tiểu không tự chủ là do suy giảm chức năng thần kinh.

Thiết bị hỗ trợ

Phụ nữ bị tiểu không tự chủ có thể sử dụng một số thiết bị hỗ trợ. Thiết bị được sử dụng phổ biến nhất để điều trị chứng tiểu không tự chủ do tăng áp lực là vòng nâng pessary. Vòng pessary là một loại vòng cứng được đưa vào âm đạo để nâng đỡ và điều chỉnh vị trí niệu đạo, từ đó giảm rò rỉ nước tiểu. Người bệnh cũng có thể sử dụng chèn niệu đạo, một dụng cụ có dạng hình trụ nhỏ được đưa vào niệu đạo để ngăn nước tiểu rò rỉ. Khi cần đi tiểu, người bệnh sẽ tháo ống ra và sau đó thay ống mới.

Liệu pháp phản hồi sinh học

Liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback) giúp người bệnh hiểu rõ hơn về các chức năng của cơ thể. Trong quá trình trị liệu, người bệnh sẽ được gắn các điện cực ở khu vực bên trên bàng quang và niệu đạo, các điện cực này phát hiện sự co cơ và truyền tín hiệu đến màn hình, qua đó giúp xác định thời điểm các cơ đang co thắt. Điều này giúp người bệnh kiểm soát các cơ tốt hơn.

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, người bệnh phải phẫu thuật để chỉnh sửa và chuyển vị trí của bàng quang. Đây thường là biện pháp cuối cùng để điều trị tiểu không tự chủ, chỉ được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác đều không có tác dụng.

Tiểu không tự chủ có chữa khỏi được không?

Nhiều loại tiểu không tự chủ chỉ là tạm thời hoặc sẽ khỏi khi được điều trị. Tuy nhiên đôi khi, tiểu không tự chủ lại kéo dài vĩnh viễn hoặc rất khó điều trị.

Ngay cả khi tình trạng tiểu không tự chủ là vĩnh viễn thì vẫn có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng, chẳng hạn như dùng miếng lót thấm hút nước tiểu. Các loại miếng lót hiện nay đều có khả năng thấm hút rất tốt mà lại mềm mỏng nên rất thoải mái và không bị lộ. Những sản phẩm này giúp người bị tiểu không tự chủ cảm thấy tự tin hơn trong các hoạt động thường ngày.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: thời kỳ, tự chủ
Tin liên quan
Đau lưng có mối liên hệ như thế nào với tiểu không tự chủ?
Đau lưng có mối liên hệ như thế nào với tiểu không tự chủ?

Một số nghiên cứu đã tìm hiểu mối liên hệ giữa đau lưng và chứng tiểu không tự chủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng đau lưng có liên quan đến các cơ ở vùng bụng và những cơ này có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ hoặc giải phóng nước tiểu.

Các phương pháp điều trị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực
Các phương pháp điều trị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực

Các phương pháp điều trị bước đầu cho chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực gồm có thay đổi lối sống, liệu pháp hành vi và bài tập cơ sàn chậu. Những trường hợp nghiêm trọng có thể cần sử dụng thiết bị hỗ trợ hoặc phẫu thuật.

Điều trị và ngăn ngừa viêm da do tiểu/đại tiện không tự chủ
Điều trị và ngăn ngừa viêm da do tiểu/đại tiện không tự chủ

Chứng tiểu/đại tiện không tự chủ có thể dẫn đến các vấn đề về da như nhiễm trùng và viêm da. Điều này đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi.

Tại sao bệnh đa xơ cứng gây tiểu/đại tiện không tự chủ?
Tại sao bệnh đa xơ cứng gây tiểu/đại tiện không tự chủ?

Ước tính có khoảng 80% người mắc bệnh đa xơ cứng bị rối loạn chức năng bàng quang. Điều này xảy ra khi đáp ứng miễn dịch phá hủy các tế bào thần kinh truyền tín hiệu giữa não và ruột hoặc bàng quang.

Tiểu không tự chủ ở người lớn: Những điều cần biết
Tiểu không tự chủ ở người lớn: Những điều cần biết

Tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu không tự chủ. Đây là một vấn đề rất phổ biến ở người lớn, đặc biệt là người cao tuổi. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng tiểu không tự chủ thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây