1

Tại sao bệnh đa xơ cứng gây tiểu/đại tiện không tự chủ?

Ước tính có khoảng 80% người mắc bệnh đa xơ cứng bị rối loạn chức năng bàng quang. Điều này xảy ra khi đáp ứng miễn dịch phá hủy các tế bào thần kinh truyền tín hiệu giữa não và ruột hoặc bàng quang.
Tại sao bệnh đa xơ cứng gây tiểu/đại tiện không tự chủ? Tại sao bệnh đa xơ cứng gây tiểu/đại tiện không tự chủ?

Đa xơ cứng là gì?

Bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis) xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công myelin trong hệ thần kinh trung ương. Myelin là mô mỡ bao quanh và bảo vệ các sợi thần kinh.

Nếu không có myelin, các xung thần kinh sẽ không thể truyền đến và đi từ não bộ một cách bình thường. Sự tấn công của hệ miễn dịch làm hình thành mô sẹo xung quanh các sợi thần kinh. Điều này có thể ảnh hưởng đến một số chức năng của cơ thể, bao gồm chức năng của bàng quang và ruột.

Theo Hiệp hội Đa xơ cứng Quốc gia Hoa Kỳ (National MS Society), ước tính có khoảng 80% người mắc bệnh đa xơ cứng bị rối loạn chức năng bàng quang. Điều này xảy ra khi đáp ứng miễn dịch phá hủy các tế bào thần kinh truyền tín hiệu giữa não và ruột hoặc bàng quang.

Cùng tìm hiểu lý do tại sao bệnh đa xơ cứng lại có thể dẫn đến tiểu/đại tiện không tự chủ và các giải pháp điều trị.

Tại sao bệnh đa xơ cứng gây tiểu/đại tiện không tự chủ?

Khi đại tràng hoặc bàng quang đầy, các dây thần kinh sẽ truyền tín hiệu đến não bộ để não phát tín hiệu cần đi tiểu. Khi đi vệ sinh, não sẽ truyền tín hiệu để các cơ ở ruột hoặc bàng quang co lại, đẩy chất thải ra ngoài.

Ở những người mắc bệnh đa xơ cứng, hệ miễn dịch phá hủy myelin và tạo ra mô sẹo bao xung quanh sợi thần kinh. Những mô sẹo này có thể phá hủy bất kỳ phần nào của con đường truyền tín hiệu giữa não và bàng quang hoặc ruột.

Điều này có thể dẫn đến rối loạn chức năng bàng quang như bàng quang không thể làm trống hoàn toàn khi đi tiểu, bàng quang hoạt động quá mức hoặc bàng quang rò rỉ nước tiểu một cách không tự chủ. Người bị bệnh đa xơ cứng có thể gặp các triệu chứng rối loạn chức năng bàng quang như:

  • Rò rỉ nước tiểu
  • Tiểu khó (phải rặn mạnh khi đi tiểu)
  • Cảm giác tiểu không hết do bàng quang không làm trống hoàn toàn khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày và vào ban đêm

Nhiều người bị bệnh đa xơ cứng mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt. Bệnh đa xơ cứng cũng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh truyền tín hiệu đến các cơ kiểm soát việc đại tiện. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như táo bón và đại tiện không tự chủ.

Điều trị tiểu không tự chủ do đa xơ cứng

Có thể khắc phục chứng tiểu không tự chủ do bệnh đa cứng bằng cách thay đổi lối sống và các phương pháp điều trị y tế. Một số phương pháp điều trị y tế gồm có:

Thuốc

Một số loại thuốc có thể làm giảm nguy cơ tiểu không tự chủ ở người bị bệnh đa xơ cứng. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên các loại thuốc mà người bệnh đang để điều trị đa xơ cứng và các bệnh lý khác đang mắc.

Một nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị tiểu không tự chủ là thuốc kháng cholinergic. Các loại thuốc này làm giảm sự co bóp cơ ở bàng quang. Một số loại thuốc kháng cholinergic gồm có oxybutynin, darifenacin, imipramine, tolterodine và trospium chloride.

Thuốc kháng cholinergic có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng và táo bón.

Kích thích dây thần kinh chày qua da

Đây là một phương pháp được sử dụng để điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt, trong đó đưa một điện cực nhỏ qua kim vào mắt cá chân. Điện cực sẽ truyền xung thần kinh đến các dây thần kinh kiểm soát hoạt động của ruột và bàng quang. Với phương pháp này, người bệnh thường phải điều trị mỗi tuần một lần, mỗi lần khoảng 30 phút và toàn bộ liệu trình kéo dài 12 tuần.

Vật lý trị liệu sàn chậu

Với phương pháp điều trị này, người bệnh sẽ được chuyên gia trị liệu hướng dẫn tập các bài tập giúp tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu. Điều này sẽ cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, vừa giúp bàng quang giữ nước tiểu tốt hơn, ngăn rò rỉ nước tiểu và vừa có thể làm trống hoàn toàn khi đi tiểu.

Thiết bị InterStim

InterStim là một thiết bị được cấy dưới da có tác dụng kích thích dây thần kinh cùng. Điều này giúp làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, đại tiện không tự chủ và bí tiểu.

Tiêm Botox

Botox là một loại độc tố botulinum được FDA phê duyệt sử dụng để làm tê liệt cho các cơ hoạt động quá mức. Tiêm Botox vào cơ bàng quang là một giải pháp điều trị chứng tiểu không tự chủ và bàng quang tăng hoạt trong những trường hợp đã dùng thuốc giảm co bóp bàng quang mà không hiệu quả.

Người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ trước khi tiêm Botox. Sau đó, bác sĩ đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang để quan sát bên trong bàng quang và tiêm Botox qua ống.

Các phương pháp điều trị tiểu không tự chủ tại nhà

Bên cạnh các phương pháp điều trị y tế, người bệnh có thể kết hợp thêm các biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây.

Ống thông tiểu ngắt quãng

Ống thông tiểu là ống hẹp, mềm được đưa vào niệu đạo để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Điều này giúp loại bỏ hết nước tiểu trong bàng quang và giảm tình trạng rò rỉ nước tiểu. Với ống thông tiểu ngắt quãng, người bệnh sẽ tự đặt ống thông tiểu nhiều lần trong ngày (thường là 4 – 6 tiếng một lần).

Điều chỉnh thời gian uống nước

Không nên giảm lượng nước uống vì điều đó có thể gây mất nước và làm tăng nguy cơ bị tổn thương thận cấp tính. Tuy nhiên, nên ngừng uống nước khoảng hai tiếng trước khi đi ngủ để tránh phải thức dậy nhiều lần để đi vệ sinh vào ban đêm.

Bạn cũng nên căn giờ uống nước để tránh phải đi vệ sinh khi ra ngoài. Khi đến một địa điểm nào đó, hãy tìm nhà vệ sinh để có thể nhanh chóng đi tiểu khi cảm thấy buồn.

Nếu bị rò rỉ nước tiểu, bạn có thể sử dụng miếng lót thấm hút và chuẩn bị sẵn quần lót dự phòng, ống thông tiểu, các vật dụng cần thiết khác và túi đựng đồ khi cần ra ngoài.

Điều trị đại tiện không tự chủ do bệnh đa xơ cứng

Phương pháp điều trị các vấn đề về đường ruột do bệnh đa xơ cứng phụ thuộc vào việc bạn đang bị táo bón hay đại tiện không tự chủ. Ban đầu bạn có thể thử các biện pháp điều trị tại nhà như:

Uống đủ nước và điều chỉnh chế độ ăn

Một trong những cách rất đơn giản để giảm và ngăn ngừa táo bón là uống đủ nước mỗi ngày, thường là 8 cốc nước. Uống nhiều nước sẽ làm mềm phân và giúp phân di chuyển qua đại tràng dễ dàng hơn.

Ngoài ra, bạn nên ăn nhiều chất xơ. Chất xơ làm tăng khối lượng phân, nhờ đó giúp đại tiện đều đặn hơn. Hầu hết mọi người cần từ 20 đến 30 gram chất xơ mỗi ngày. Một số loại thực phẩm giàu chất xơ nhất là ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ và các loại đậu.

Tăng cường hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất làm tăng nhu động ruột và giúp đại tiện đều đặn hơn.

Đại tiện vào thời điểm cố định hàng ngày

Việc này cũng tương tự như tiểu tiện vào những khoảng thời gian nhất định hàng ngày và khoảng cách giữa các lần đi tiểu cách đều nhau. Hãy tìm ra thời điểm mà bạn dễ đại tiện nhất và cố gắng đi đại tiện vào khung giờ đó mỗi ngày.

Có thể phải mất đến 3 tháng để hình thành thói quen và có hiệu quả rõ rệt.

Tránh các loại thực phẩm góp phần gây đại tiện không tự chủ

Một số loại thực phẩm có thể gây kích thích đường ruột và dẫn đến đại tiện không tự chủ, chẳng hạn như đồ ăn nhiều dầu mỡ và đồ ăn cay.

Ngoài ra, bạn cũng cần tránh các loại thực phẩm mà cơ thể không dung nạp, ví dụ như sản phẩm từ sữa hoặc gluten. Ăn các loại thực phẩm mà cơ thể không dung nạp có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng đại tiện không tự chủ.

Biến chứng của tiểu/đại tiện không tự chủ do bệnh đa xơ cứng

Các phương pháp điều trị chứng tiểu/đại tiện không tự chủ do bệnh đa xơ cứng có thể không giúp khôi phục chức năng bàng quang và ruột bình thường nhưng sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng. Ví dụ, những người không thể làm trống bàng quang hoàn toàn có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn.

Tình trạng tiểu không tự chủ có thể dẫn đến nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại và điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Đôi khi, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm gia tăng phản ứng tự miễn ở người bị bệnh đa xơ cứng và khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng mới như, chẳng hạn như yếu cơ. Thông thường, các triệu chứng này sẽ biến mất sau khi điều trị khỏi nhiễm trùng đường tiết niệu.

Ngoài ra, tiểu tiện và đại tiện không tự chủ có thể dẫn đến nhiễm trùng da. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể lan từ đường tiết niệu vào máu và dẫn đến nhiễm trùng máu.

Điều trị sớm có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn chặn tình trạng tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ do bệnh đa xơ cứng. Điều này giúp làm giảm nguy cơ bàng quang trở nên suy yếu hoặc hoạt động quá mức.

Ngoài các biến chứng về thể chất, chứng đại tiện hoặc tiểu tiện không tự chủ còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Nhiều người bị bệnh đa xơ cứng ngại đi ra ngoài vì lo sợ rằng sẽ bị tiểu hoặc đại tiện không tự chủ. Điều này có thể dẫn đến dần dẫn đến giảm giao tiếp xã hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tại sao
Tin liên quan
Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?
Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?

Tiểu són do tiểu không hết bãi là xảy ra phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Gần một nửa số người bị vấn đề này là người trên 65 tuổi.

Tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ
Tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ

Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ do tăng áp lực cao hơn nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi mang thai và khi có tuổi.

Đau lưng có mối liên hệ như thế nào với tiểu không tự chủ?
Đau lưng có mối liên hệ như thế nào với tiểu không tự chủ?

Một số nghiên cứu đã tìm hiểu mối liên hệ giữa đau lưng và chứng tiểu không tự chủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng đau lưng có liên quan đến các cơ ở vùng bụng và những cơ này có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ hoặc giải phóng nước tiểu.

Tiểu không tự chủ trong thời kỳ mãn kinh
Tiểu không tự chủ trong thời kỳ mãn kinh

Tiểu không tự chủ là một vấn đề khá phổ biến trong thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phụ nữ phải chấp nhận sống chung với tình trạng khó chịu này. Có rất nhiều cách để điều trị và thậm chí ngăn ngừa chứng tiểu không tự chủ.

Các phương pháp điều trị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực
Các phương pháp điều trị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực

Các phương pháp điều trị bước đầu cho chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực gồm có thay đổi lối sống, liệu pháp hành vi và bài tập cơ sàn chậu. Những trường hợp nghiêm trọng có thể cần sử dụng thiết bị hỗ trợ hoặc phẫu thuật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây