1

Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?

Tiểu són do tiểu không hết bãi là xảy ra phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Gần một nửa số người bị vấn đề này là người trên 65 tuổi.
Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào? Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?

Giới thiệu

Nếu bạn gặp hiện tượng rò rỉ nước tiểu vào ban ngày hoặc thậm chí đái dầm khi ngủ vào ban đêm thì rất có thể bạn đã mắc phải chứng tiểu són do tiểu không hết bãi.

Tiểu són do tiểu không hết bãi là một dạng tiểu không tự chủ - tình trạng mà bàng quang mất khả năng kiểm soát chức năng xả nước tiểu. Tiểu són do tiểu không hết bãi xảy ra khi bàng quang không thể xả hết nước tiểu hoàn toàn, dẫn đến nước tiểu rò rỉ và giải phóng ra ngoài bất ngờ. Người bị vấn đề này có thể có hoặc không cảm nhận thấy bàng quang đã đầy. Tình trạng rò rỉ nước tiểu gây bất tiện, khó chịu và xấu hổ cho người mắc.Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề duy nhất. Nước tiểu còn sót lại trong bàng quang tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản của vi khuẩn và điều này có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại.

Các triệu chứng thường gặp

Các triệu chứng của tiểu són do tiểu không hết bãi gồm có:

  • Nước tiểu chảy ra đột ngột.
  • Cảm giác bàng quang vẫn đầy ngay cả khi đã đi tiểu.
  • Rò rỉ nước tiểu khi ngủ
  • Dòng tiểu dừng đột ngột rồi lại chảy tiếp trong khi đi tiểu.
  • Tiểu khó ngay cả khi cảm thấy buồn tiểu.

Bên cạnh rò rỉ nước tiểu, bạn sẽ còn gặp các hiện tượng khác như:

  • Bí tiểu và dòng tiểu yếu khi bắt đầu
  • Thường xuyên buồn tiểu vào ban đêm, gây gián đoạn giấc ngủ
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại

Tiểu són do tiểu không hết bãi là xảy ra phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Gần một nửa số người bị vấn đề này là người trên 65 tuổi. Số phụ nữ bị chứng tiểu không tự chủ nói chung cao gấp đôi so với nam giới nhưng nam giới lại có nguy cơ mắc chứng tiểu són do tiểu không hết bãi cao hơn phụ nữ.

Dưới đây là nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, phương pháp điều trị chứng bệnh này.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng tiểu són do tiểu không hết bãi là do bí tiểu mạn tính, có nghĩa là bàng quang không tháo hết được nước tiểu bên trong. Người bệnh thường xuyên buồn tiểu nhưng lại không tiểu được và khi đi tiểu thì bàng quang không trống hoàn toàn.

Chứng bí tiểu mạn tính xảy ra phổ biến ở nam giới hơn là nữ giới. Ở nam giới, nguyên nhân gây nên vấn đề này thường là do tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, có nghĩa là tuyến tiền liệt bị phì đại nhưng không phải là ung thư.

Tuyến tiền liệt nằm ở đáy niệu đạo - ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể.

Khi tuyến tiền liệt phình to ra, nó sẽ gây áp lực lên niệu đạo và khiến việc đi tiểu trở nên khó khăn. Bàng quang cũng sẽ hoạt động quá mức khiến cho người bị phì đại tuyến tiền liệt cảm thấy buồn tiểu liên tục.

Theo thời gian, tình trạng này làm suy yếu cơ bàng quang, khiến cho việc làm trống bàng quang trở nên càng khó khăn hơn. Nước tiểu còn sót lại khiến cho bàng quang thường xuyên bị đầy và nước tiểu rò rỉ ra ngoài.

Các nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng tiểu són do tiểu không hết bãi ở cả nam và nữ gồm có:

  • Sỏi hoặc khối u trong bàng quang
  • Mắc các vấn đề ảnh hưởng đến dây thần kinh, như bệnh đa xơ cứng, bệnh tiểu đường hoặc chấn thương sọ não
  • Từng phẫu thuật vùng chậu trước đây
  • Một số loại thuốc
  • Sa tử cung hoặc sa bàng quang nghiêm trọng

Các loại tiểu són

Tiểu són do tiểu không hết bãi là một trong 5 loại tiểu không tự chủ. Mỗi loại có những nguyên nhân và đặc điểm khác nhau.

Tiểu không tự chủ do áp lực: Đây là loại tiểu không tự chủ xảy ra khi có áp lực đột ngột lên bàng quang hoặc niệu đạo ví dụ như hoạt động thể chất, cười lớn hoặc ho, khiến nước tiểu bị rò rỉ. Nguyên nhân có thể là do cơ sàn chậu hoặc cơ vòng niệu đạo hoặc cả hai bị suy yếu hay tổn hại. Thông thường, người bệnh không hề cảm thấy buồn tiểu khi nước tiểu rò rỉ. Những phụ nữ từng sinh thường là đối tượng dễ có nguy cơ mắc loại tiểu không tự chủ này vì các cơ sàn chậu và dây thần kinh vùng chậu bị tổn thương trong quá trình sinh nở.

Són tiểu cấp kỳ (hay bàng quang tăng hoạt): Són tiểu cấp kỳ là tình trạng mà người bệnh cảm thấy đột ngột mót tiểu dữ dội dù bàng quang chưa đầy và không đủ thời gian đến phòng vệ sinh, dẫn đến rò rỉ nước tiểu. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do bàng quang hoạt động quá mức và cơ bàng quang co thắt đột ngột. Đây là vấn đề xảy ra chủ yếu ở người lớn tuổi. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng hoặc một số bệnh như bệnh Parkinson, đa xơ cứng bì là nguyên nhân gây nên dạng tiểu không tự chủ này.

Tiểu són hỗn hợp: Đây là dạng kết hợp của cả tiểu són do áp lực và tiểu són cấp kỳ. Phụ nữ bị tiểu không tự chủ thường gặp phải dạng này. Tiểu són hỗn hợp còn xảy ra ở nam giới đã từng phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt hoặc đã phẫu thuật điều trị phì đại tuyến tiền liệt.

Tiểu không tự chủ do thần kinh: Tiểu không tự chủ do phản xạ xảy ra khi dây thần kinh bị tổn hại và không thể cảnh báo bộ não khi bàng quang đã đầy. Dạng tiểu không tự chủ này thường xảy ra ở những người bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng do:

  • Tổn thương tủy sống
  • Đa xơ cứng
  • Phẫu thuật
  • Xạ trị

Tiểu són chức năng: Tiểu són chức năng là tình trạng mà người bệnh cảm thấy buồn tiểu nhưng lại không thể đi tiểu do vấn đề về thể chất hoặc thần kinh. Nguyên nhân gây tiểu són chức năng có thể là do:

  • Sa sút trí tuệ
  • Bệnh Alzheimer
  • Bệnh tâm thần
  • Một số vấn đề về thể chất ảnh hưởng đến khả năng đi lại như viêm khớp
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Chẩn đoán tiểu són do tiểu không hết bãi

Trước khi đi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn theo dõi và ghi chép lại thói quen đi tiểu trong thời gian một tuần hoặc lâu hơn trước khi đến khám. Việc này giúp bác sĩ xác định được tình trạng và nguyên nhân tiềm ẩn gây ra vấn đề tiểu không tự chủ. Cụ thể, bạn cần theo dõi và ghi lại:

  • Lượng nước uống mỗi ngày
  • Thời gian đi tiểu
  • Lượng nước tiểu mỗi lần
  • Có hay buồn tiểu gấp không?
  • Số lần rò rỉ nước tiểu

Sau khi đánh giá các triệu chứng, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán sau để xác định loại tiểu són:

  • Stress test: bơm nước vào trong bàng quang và bạn thử ho hoặc gắng sức để bác sĩ kiểm tra xem có rò rỉ nước tiểu hay không.
  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra có lẫn máu hoặc dấu hiệu nhiễm trùng trong nước tiểu hay không.
  • Kiểm tra tuyến tiền liệt để phát hiện phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.
  • Xét nghiệm niệu động học để kiểm tra lượng nước tiểu mà bàng quang có thể chứa và áp lực cần thiết để bàng quang xả hết nước hoàn toàn.
  • Đo lượng nước tiểu tồn dư để kiểm tra lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu. Nếu còn lại một lượng lớn nước tiểu thì có khả năng bị tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc có vấn đề ở cơ bàng quang hoặc dây thần kinh.

Ngoài ra, có thể sẽ còn phải tiến hành các phương pháp kiểm tra bổ sung như siêu âm vùng chậu, xạ hình hoặc nội soi bàng quang.

Các phương pháp điều trị

Tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị cụ thể gồm có một hoặc các phương pháp dưới đây.

Liệu pháp hành vi

Việc thực hiện liệu pháp hành vi tại nhà có tác dụng rèn khả năng giữ và giải phòng nước tiểu của bàng quang. Các phương pháp rèn luyện như sau:

  • Tăng thời gian nhịn tiểu: Khi cảm thấy buồn tiểu, hãy chờ một khoảng thời gian nhất định mới đi tiểu thay vì đi ngay. Ban đầu có thể chờ 10 phút và cố gắng tăng dần cho đến khi mỗi lần đi tiểu cách nhau từ 2 đến 4 tiếng.
  • Tiểu hai lần: sau khi đi tiểu, đợi vài phút và cố gắng đi tiếp lần hai. Việc này giúp rèn cho bàng quang xả hết nước tiểu hoàn toàn.
  • Đi tiểu theo giờ: có nghĩa là theo dõi nhật ký đi tiểu để xác định những thời điểm thường bị són tiểu và lên lịch đi tiểu vào những thời điểm nhất định, cách 2 - 4 tiếng một lần, kể cả khi không buồn thay vì chờ bao giờ buồn mới đi.
  • Tập cơ sàn chậu (bài tập Kegel) bằng cách siết chặt các cơ sàn chậu giống như khi bạn nhịn tiểu hay ngừng tiểu giữa chừng, giữ trong 5 đến 10 giây và sau đó thả lỏng trong 5 – 10 giây. Ban đầu có thể tập ít rồi tăng dần cho đến khi lặp lại được 10 lần như vậy liên tục và thực hiện 3 lượt mỗi ngày vào sáng, chiều, tối.

Sản phẩm hỗ trợ

Khi bị tiểu không tự chủ, bạn có thể cần sử dụng các sản phẩm hỗ trợ sau để ngăn chặn tình trạng rò rỉ:

  • Băng thấm tiểu: để thấm hút lượng nước tiểu rò rỉ và không để thấm ra quần. Loại băng thấm tiểu này cũng tương tự như băng vệ sinh thông thường và hoàn toàn không bị lộ qua quần áo hàng ngày. Với nam giới thì sẽ cần dùng đến cup đựng nước tiểu – một dụng cụ có hình như chiếc cốc được làm bằng bông thấm, đeo trên dương vật và được giữ cố định bằng đồ lót ôm khít.
  • Đặt ống thông tiểu: Ống thông tiểu là một ống mềm được đưa vào niệu đạo để dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang. Người dùng cần tháo lắp nhiều lần trong ngày để vệ sinh.

Ngoài ra, ở phụ nữ còn có các dụng cụ hỗ trợ tiểu không tự chủ khác như:

  • Vòng nâng pessary: là loại vòng cứng được đặt vào âm đạo để nâng đỡ bàng quang và niệu đạo. Có thể đeo vòng cả ngày hoặc chỉ những lúc vận động mạnh nếu bị tiểu không kiểm soát do áp lực. Nếu bị sa tử cung hoặc bàng quang thì vòng này sẽ giúp giữ cố định bàng quang ở vị trí bình thường để ngăn chặn rò rỉ nước tiểu.
  • Ống bít niệu đạo: là một dụng cụ dùng một lần tương tự như miếng tampon được đưa vào niệu đạo để ngăn nước tiểu rò rỉ ra ngoài. Ống bít niệu đạo được sử dụng trước các hoạt động thể chất gây tiểu không tự chủ và tháo ra khi cần đi tiểu.

Dùng thuốc

Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị chứng tiểu són do tiểu không hết bãi gồm có:

Thuốc chẹn alpha: Có tác dụng làm giãn các sợi cơ ở tuyến tiền liệt và các cơ ở cổ bàng quang, giúp cho bàng quang tháo hết nước tiểu một cách dễ dàng hơn. Một số thuốc chẹn alpha gồm có tamsasmin (Flomax), alfuzosin (Uroxatral), silodosin (Rapaflo), doxazosin (Cardura) và terazosin (Hytrin).

Thuốc kháng cholinergic: có tác dụng ngăn ngừa các cơn co thắt bàng quang. Một số thuốc kháng cholinergic phổ biến gồm có:

  • oxybutynin (Ditropan XL)
  • tolterodine (Detrol)
  • darifenacin (Enablex)
  • solifenacin (Vesicare)
  • trospium (Sanctura)
  • fesoterodine (Toviaz)

Mirabegron (Myrbetriq): thuốc này giúp làm thư giãn cơ bàng quang và còn có tác dụng giúp bàng quang giữ nước tiểu nhiều hơn và xả hết nước khi đi tiểu.

Các loại miếng dán điều trị són tiểu: Oxybutynin (Oxytrol) là một loại miếng dán đưa thuốc qua da, giúp kiểm soát co thắt cơ bàng quang và điều trị chứng tiểu són do tiểu không hết bãi.

Estrogen tại chỗ liều thấp: Estrogen tại chỗ cũng là một biện pháp để điều trị chứng tiểu són do tiểu không hết bãi cho phụ nữ. Estrogen tại chỗ có ở dạng kem bôi, miếng dán, viên đặt hoặc vòng âm đạo. Liệu pháp này giúp phục hồi và làm săn chắc mô ở niệu đạo cũng như là vùng âm đạo và giúp cải thiện tình trạng tiểu không tự chủ.

Phương pháp can thiệp khác

Khi các phương pháp điều trị nêu trên đều không có tác dụng đối với tình trạng tiểu không tự chủ thì vẫn còn có một số biện pháp can thiệp khác. Một trong số đó là phương pháp tiêm một vật liệu tổng hợp, được gọi là chất tạo khối (bulking agent) ví dụ như calcium hydroxylapatite, dextranomer hyaluronic acid, collagen hay polytetrafluoroethylene… vào vùng mô xung quanh niệu đạo để giữ cho niệu đạo đóng và làm giảm tình trạng rò rỉ nước tiểu. Ngoài ra còn có các phương pháp khác như:

  • Tiêm botulinum toxin (Botox)
  • Cấy máy kích thích thần kinh

Phẫu thuật

Trong trường hợp các phương pháp điều trị khác đều không hiệu quả thì sẽ cần làm phẫu thuật để điều trị tình trạng tiểu không tự chủ. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến để trị tiểu són do tiểu không hết bãi gồm có:

  • Phẫu thuật treo âm đạo
  • Treo cổ bàng quang
  • Phẫu thuật điều trị sa tạng
  • Đặt cơ vòng niệu đạo nhân tạo

Nếu gặp hiện tượng tiểu són do tiểu không hết bãi thì cần đi khám bác sĩ ngay để có biện pháp điều trị nhằm khắc phục những khó chịu và bất tiện do vấn đề này gây nên. Có thể sẽ phải thử một vài phương pháp mới có thể tìm được phương pháp phù hợp nhất với mình nhưng bằng các phương pháp điều trị, bạn sẽ có thể kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: như thế
Tin liên quan
Tiểu không tự chủ ở người lớn: Những điều cần biết
Tiểu không tự chủ ở người lớn: Những điều cần biết

Tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu không tự chủ. Đây là một vấn đề rất phổ biến ở người lớn, đặc biệt là người cao tuổi. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng tiểu không tự chủ thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị.

Điều trị tiểu không tự chủ ở nam giới
Điều trị tiểu không tự chủ ở nam giới

Tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu một cách không kiểm soát. Tiểu không tự chủ không phải một căn bệnh mà là triệu chứng của các tình trạng bệnh lý khác. Các bệnh lý này gây suy giảm khả năng kiểm soát bàng quang.

Vòng pessary: Giải pháp điều trị sa tạng chậu và tiểu không tự chủ
Vòng pessary: Giải pháp điều trị sa tạng chậu và tiểu không tự chủ

Vòng pessary là một giải pháp điều trị sa tạng vùng chậu ở phụ nữ. Trong nhiều trường hợp, phương pháp này giúp tránh phải phẫu thuật.

Tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ
Tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ

Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ do tăng áp lực cao hơn nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi mang thai và khi có tuổi.

Đau lưng có mối liên hệ như thế nào với tiểu không tự chủ?
Đau lưng có mối liên hệ như thế nào với tiểu không tự chủ?

Một số nghiên cứu đã tìm hiểu mối liên hệ giữa đau lưng và chứng tiểu không tự chủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng đau lưng có liên quan đến các cơ ở vùng bụng và những cơ này có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ hoặc giải phóng nước tiểu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây