1

Điều trị tiểu không tự chủ ở nam giới

Tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu một cách không kiểm soát. Tiểu không tự chủ không phải một căn bệnh mà là triệu chứng của các tình trạng bệnh lý khác. Các bệnh lý này gây suy giảm khả năng kiểm soát bàng quang.
Điều trị tiểu không tự chủ ở nam giới Điều trị tiểu không tự chủ ở nam giới

Cả nam giới và phụ nữ đều có thể bị tiểu không tự chủ. Càng có tuổi thì nguy cơ gặp phải vấn đề này sẽ càng cao, đặc biệt là ở nam giới. Tỷ lệ mắc chứng tiểu không tự chủ ở nam giới lớn tuổi cao hơn so với nam giới trẻ tuổi.

Ước tính có khoảng 11 đến 34% nam giới lớn tuổi bị tiểu không tự chủ, 2 đến 11% nam giới lớn tuổi gặp phải các triệu chứng tiểu không tự chủ mỗi ngày. Một số người còn bị nhiều loại tiểu không tự chủ cùng lúc.

Triệu chứng tiểu không tự chủ

Tiểu không tự chủ là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý khác. Rò rỉ nước tiểu là biểu hiện chính của tiểu không tự chủ nhưng một số loại tiểu không tự chủ còn có các triệu chứng khác.

Các loại tiểu không tự chủ chính và các triệu chứng gồm có:

  • Són tiểu cấp kỳ: đột ngột buồn tiểu dữ dội và nước tiểu rò rỉ khi chưa kịp vào nhà vệ sinh.
  • Tiểu không tự chủ khi tăng áp lực: rò rỉ nước tiểu khi thực hiện các hành động làm tăng áp lực lên bàng quang, chẳng hạn như ho, cười lớn hay nâng vật nặng.
  • Tiểu không kiểm soát do bàng quang đầy: tiểu không hết bãi, dẫn đến bàng quang đầy quá mức và bị rò rỉ nước tiểu.
  • Tiểu không tự chủ chức năng: tiểu không tự chủ xảy ra do giảm hoặc mất khả năng cử động hoặc gặp khó khăn trong việc nói, dẫn đến không thể vào vệ sinh kịp lúc khi buồn tiểu.
  • Tiểu không tự chủ thoáng qua: tình trạng tiểu không tự chủ xảy ra trong thời gian ngắn, thường là kết quả của một vấn đề tạm thời, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu. Tiểu không tự chủ thoáng qua cũng có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc vấn đề sức khỏe khác.
  • Tiểu không tự chủ hỗn hợp: bị cùng lúc hai hoặc nhiều loại tiểu không tự chủ kể trên.

Triệu chứng tiểu không tự chủ ở nam giới và phụ nữ là giống nhau. Tất cả các triệu chứng xảy ra do giảm khả năng kiểm soát bàng quang.

Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ ở nam giới

Xác định chính xác nguyên nhân gốc rễ gây ra các triệu chứng tiểu không tự chủ sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn.

Tiểu không tự chủ ở nam giới có thể xảy ra do các nguyên nhân sau đây:

  • Ho mãn tính
  • Táo bón
  • Béo phì
  • Nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tắc nghẽn trong đường tiết niệu
  • Cơ sàn chậu hoặc cơ bàng quang suy yếu
  • Cơ vòng lỏng lẻo
  • Tổn thương thần kinh
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Rối loạn thần kinh, gây cản trở sự truyền tín hiệu kiểm soát bàng quang

Các thói quen sống có thể góp phần dẫn đến tiểu không tự chủ gồm có:

  • Hút thuốc lá
  • Uống nhiều rượu
  • Ít vận động

Ai có nguy cơ bị tiểu không tự chủ?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ gồm có:

  • Tuổi tác: Nam giới có nguy cơ mắc chứng tiểu không tự chủ cao hơn khi có tuổi. Điều này có thể là do những thay đổi về thể chất trong quá trình lão hóa tự nhiên khiến việc nhịn tiểu trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, tuổi tác cao làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh và những bệnh này có thể gây làm giảm khả năng kiểm soát bàng quang.
  • Lối sống ít vận động: Ở những người bị tiểu không tự chủ, hoạt động thể chất làm tăng rò rỉ nước tiểu nhưng lối sống ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ thừa cân và giảm sức mạnh của các cơ. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ và còn có thể làm cho các triệu chứng tiểu không tự chủ trở nên nặng hơn.
  • Béo phì: Khối lượng cơ thể lớn, đặc biệt là mỡ thừa ở vùng bụng sẽ gây áp lực lên bàng quang.
  • Tiền sử mắc một số bệnh: Ung thư tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt và các phương pháp điều trị những bệnh này có thể dẫn đến tiểu không tự chủ tạm thời hoặc vĩnh viễn. Bệnh tiểu đường cũng có thể dẫn đến tiểu không tự chủ.
  • Vấn đề về thần kinh: Các bệnh về thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer và bệnh đa xơ cứng có thể cản trở sự truyền tín hiệu từ não đến bàng quang và đường tiết niệu, dẫn đến rò rỉ nước tiểu không kiểm soát.
  • Dị tật bẩm sinh: Tiểu không tự chủ có thể xảy ra do dị tật trong cấu tạo đường tiết niệu.

Chẩn đoán tiểu không tự chủ

Việc chẩn đoán chứng tiểu không tự chủ thường khá đơn giản nhưng điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân gốc rễ gây tiểu không tự chủ. Trước tiên, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và sau đó tiến hành các phương pháp chẩn đoán sau đây:

  • Khám lâm sàng: Khám lâm sàng có thể giúp bác sĩ phát hiện một số vấn đề gây tiểu không tự chủ.
  • Thăm trực tràng: Bác sĩ sẽ đưa ngón tay vào trực tràng của người bệnh. Điều này giúp phát hiện tắc nghẽn và phì đại tuyến tiền liệt.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Các xét nghiệm này giúp phát hiện các nguyên nhân gây tiểu không tự chủ như nhiễm trùng, ung thư.

Nên đi khám khi có các triệu chứng tiểu không tự chủ. Hãy cho bác sĩ biết về bệnh sử cá nhân và miêu tả chi tiết các triệu chứng, chẳng hạn như mức độ rò rỉ nước tiểu, những thời điểm bị rò rỉ nước tiểu và bắt đầu bị tình trạng này từ khi nào để bác sĩ chẩn đoán vấn đề dễ dàng hơn. Có rất nhiều phương pháp điều trị giúp cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, giảm rò rỉ nước tiểu và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điều trị tiểu không tự chủ ở nam giới

Việc điều trị chứng tiểu không tự chủ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề. Người bệnh có thể chỉ cần thay đổi lối sống và dùng thuốc đường uống nhưng cũng có thể phải điều trị bằng các thủ thuật xâm lấn.

Thay đổi lối sống

  • Thay đổi thói quen uống nước: Hạn chế uống nước hoặc ăn các loại thực phẩm chứa nhiều nước trước các hoạt động gây áp lực lên bàng quang có thể giúp tránh buồn tiểu và rò rỉ nước tiểu. Không nên uống một lượng nước lớn cùng một lúc, thay vào đó nên chia ra uống làm nhiều lần, mỗi lần chỉ uống một ngụm nhỏ.
  • Rèn luyện bàng quang: Không đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn mà hãy cố gắng nhịn. Ban đầu có thể sẽ chỉ nhịn được vài phút nhưng hãy cố gắng tăng dần thời gian nhịn tiểu. Điều này giúp tăng khả năng kiểm soát và giữ nước tiểu của bàng quang.
  • Đi tiểu vào những thời điểm đã định sẵn (ví dụ như đi tiểu cách 1 – 2 tiếng một lần) cũng là một cách giúp khắc phục tình trạng tiểu không tự chủ, đặc biệt là són tiểu cấp kỳ. Nếu có thể thì hãy tăng dần khoảng cách giữa các lần đi tiểu. Khi đi tiểu, hãy thực hiện phương pháp double voiding, có nghĩa là tiểu hai lần trong một khoảng thời gian ngắn, lần sau cách lần trước vài phút. Cách này giúp làm trống bàng quang hoàn toàn.
  • Bài tập cơ sàn chậu hay còn được gọi là bài tập Kegel. Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh của các cơ ở vùng chậu và đường tiết niệu.

Ngoài ra, những thay đổi lối sống khác cũng có lợi cho chứng tiểu không tự chủ gồm có:

  • Tăng cường hoạt động thể chất: Điều này giúp giảm cân, ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên bàng quang.
  • Hạn chế rượu bia và caffeine: Những loại đồ uống này có thể kích thích bàng quang.
  • Bỏ thuốc lá.

Thuốc

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị tiểu không tự chủ.

  • Thuốc kháng cholinergic, chẳng hạn như Oxybutynin: có tác dụng làm dịu cơ bàng quang hoạt động quá mức. Nhóm thuốc này điều trị bàng quang tăng hoạt và tiểu không tự chủ.
  • Thuốc chẹn alpha, chẳng hạn như tamsulosin: được dùng cho nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt. Các loại thuốc này giúp những nam giới bị són tiểu cấp kỳ hoặc tiểu không tự chủ do bàng quang đầy có thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu.
  • Mirabegron (Myrbetriq): giúp làm giãn cơ bàng quang và tăng khả năng chứa nước tiểu của bàng quang. Loại thuốc này còn giúp làm trống bàng quang hoàn toàn mỗi khi đi tiểu.

Tiêm Botox vào cơ bàng quang để làm dịu cơ bàng quang.

Tiêm bulking

Tiêm một chất độn chẳng hạn như collagen vào các mô xung quanh niệu đạo. Điều này giúp thu hẹp niệu đạo và ngăn nước tiểu rò rỉ ra ngoài khi không đi tiểu.

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường là giải pháp điều trị cuối cùng. Hai loại phẫu thuật chính được sử dụng để điều trị tiểu không tự chủ ở nam giới:

  • Đặt cơ vòng niệu đạo nhân tạo: đặt một thiết bị có dạng hình vòng rỗng quanh cổ bàng quang. Thiết bị này kết nối với một quả bóng chứa nước và một bộ phận bơm bằng tay đặt ở bìu. Khi không đi tiểu, thiết bị này chứa đầy nước, căng phồng lên và ngăn nước tiểu chảy qua cổ bàng quang. Khi cần đi tiểu, người bệnh sẽ bóp bơm để nước chảy từ thiết bị vào quả bóng, khiến cho thiết bị xẹp đi và cho phép nước tiểu chảy qua.
  • Đặt võng nâng cổ bàng quang: sử dụng mô của chính người bệnh hoặc vật liệu tổng hợp để tạo ra một dải băng nâng đỡ cổ bàng quang. Điều này giúp giữ cho niệu đạo đóng mỗi khi ho, hắt hơi, chạy nhảy hoặc cười và ngăn rò rỉ nước tiểu.

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể phải ở lại bệnh viện từ vài giờ đến vài ngày, tùy vào loại phẫu thuật.

Người bệnh nên tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ để nhanh hồi phục. Không nên vận động mạnh trong vòng vài ngày đầu sau phẫu thuật. Cơ thể cần thời gian để hồi phục và có thể sẽ phải mất từ vài ngày đến vài tuần để người bệnh làm quen với những thay đổi sau ca phẫu thuật.

Dụng cụ hỗ trợ

Trước khi phẫu thuật, người bệnh có thể thử dùng các dụng cụ sau đây để làm giảm các triệu chứng tiểu không tự chủ. Đôi khi, những dụng cụ này giúp tránh phải phẫu thuật.

  • Ống thông tiểu bên trong: Ống thông tiểu là ống mềm, hẹp được đưa qua niệu đạo vào bàng quang để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Có hai loại ống thông tiểu là ống thông tiểu liên tục và ống thông tiểu ngắt quãng. Với ống thông tiểu ngắt quãng, người bệnh sẽ đặt ống khi bàng quang đầy và rút ống ra ngay khi bàng quang đã rỗng, lặp lại như vậy nhiều lần trong ngày. Ống thông tiểu liên tục được giữ nguyên trong thời gian dài, không cần phải đặt và rút nhiều lần nhưng lại có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Ống thông tiểu bên ngoài: Loại ống thông tiểu này gồm có một đầu bao khít xung quanh dương vật giống như bao cao su thay vì ống được luồn vào trong niệu đạo giống như ống thông tiểu bên tronng. Ống thông tiểu bên ngoài chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn. Sử dụng ống thông tiểu bên ngoài trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và kích ứng da.
  • Miếng lót thấm hút nước tiểu: Miếng lót được dính vào mặt trong của quần lót giống như băng vệ sinh của phụ nữ. Mặc dù sản phẩm này không ngăn chặn tình trạng rò rỉ nước tiểu nhưng giúp ngăn nước tiểu thấm ra ngoài và làm ướt quần.

Sống chung với tiểu không tự chủ

Chứng tiểu không tự chủ sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như việc tập thể dục hay quan hệ tình dục. Người bệnh có thể thử những cách sau đây để khắc phục những bất tiện do tiểu không tự chủ gây ra.

  • Ngừng uống nước trong vòng 1 giờ trước khi tập thể dục và quan hệ tình dục
  • Không uống cà phê hoặc rượu bia trong vài giờ trước khi tập thể dục và quan hệ tình dục.
  • Đi tiểu ngay trước khi tập thể dục và quan hệ tình dục.
  • Trải một chiếc khăn hoặc tấm lót bảo vệ nệm bên dưới khi quan hệ tình dục để tránh nước tiểu làm ướt ga nệm.

Phòng ngừa tiểu không tự chủ ở nam giới

Tiểu không tự chủ có thể do nhiều yếu tố gây ra, trong đó có những yếu tố không thể ngăn ngừa, chẳng hạn như tuổi tác và vấn đề về thần kinh. Tuy nhiên, có thể thay đổi các yếu tố về lối sống để giảm thiểu nguy cơ tiểu không tự chủ, chẳng hạn như:

  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và giảm cân nếu thừa thừa: những điều này giúp giảm áp lực lên bàng quang, cải thiện sức khỏe tổng thể và tăng sức mạnh của cơ, bao gồm cả các cơ kiểm soát bàng quang.
  • Ngăn ngừa táo bón: Các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón, có thể làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ. Ăn nhiều chất xơ và tập thể dục thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa táo bón.
  • Tránh các chất gây kích ứng bàng quang: Đồ uống có cồn và caffeine có thể kích thích các cơ bàng quang hoạt động quá mức và theo thời gian điều này sẽ dẫn đến các triệu chứng tiểu không tự chủ.
  • Tăng cường cơ sàn chậu: Thường xuyên thực hiện bài tập Kegel để củng cố cơ sàn chậu. Điều này sẽ giúp phòng ngừa chứng tiểu không tự chủ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tự chủ
Tin liên quan
Điều trị và ngăn ngừa viêm da do tiểu/đại tiện không tự chủ
Điều trị và ngăn ngừa viêm da do tiểu/đại tiện không tự chủ

Chứng tiểu/đại tiện không tự chủ có thể dẫn đến các vấn đề về da như nhiễm trùng và viêm da. Điều này đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi.

Tiểu không tự chủ ở người lớn: Những điều cần biết
Tiểu không tự chủ ở người lớn: Những điều cần biết

Tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu không tự chủ. Đây là một vấn đề rất phổ biến ở người lớn, đặc biệt là người cao tuổi. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng tiểu không tự chủ thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị.

Vòng pessary: Giải pháp điều trị sa tạng chậu và tiểu không tự chủ
Vòng pessary: Giải pháp điều trị sa tạng chậu và tiểu không tự chủ

Vòng pessary là một giải pháp điều trị sa tạng vùng chậu ở phụ nữ. Trong nhiều trường hợp, phương pháp này giúp tránh phải phẫu thuật.

Tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ
Tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ

Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ do tăng áp lực cao hơn nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi mang thai và khi có tuổi.

Đau lưng có mối liên hệ như thế nào với tiểu không tự chủ?
Đau lưng có mối liên hệ như thế nào với tiểu không tự chủ?

Một số nghiên cứu đã tìm hiểu mối liên hệ giữa đau lưng và chứng tiểu không tự chủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng đau lưng có liên quan đến các cơ ở vùng bụng và những cơ này có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ hoặc giải phóng nước tiểu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây